Cách thức quản lý tài chính cho cặp vợ chồng trẻ

Làm thế nào để quản lý tài chính cho cặp vợ chồng trẻ?

Lập gia đình sẽ cho bạn một người đồng hành để sẻ chia khó khăn, nhưng cũng gấp đôi lên những vấn đề mà cả hai cần giải quyết. Quản lý tài chính là một trong số đó, khi giờ đây đó không còn là bài toán của riêng từng người. Với các cặp vợ chồng trẻ, việc cùng nhau quản lý tiền bạc, thiết lập tài chính gia đình là việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống gia đình.

Trong bài viết này, FinPeace sẽ chỉ ra những sai lầm thường gặp trong quản lý tài chính của các cặp vợ chồng trẻ, đồng thời đưa ra những gợi ý để việc quản lý tài chính gia đình trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.

Tại sao vợ chồng trẻ cần ưu tiên quản lý tài chính?

Theo FinPeace, quản lý tài chính là việc làm cần được ưu tiên số một đối với các cặp vợ chồng trẻ vì những lí do dưới đây.

Tại sao vợ chồng trẻ cần ưu tiên quản lý tài chính?

Nhanh chóng thiết lập cuộc sống mới sau hôn nhân

Từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống gia đình, vợ chồng trẻ cần thích nghi với vô vàn những thay đổi lớn về vật chất và tinh thần. Theo Niên giám thống kê năm 2021, độ tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam là 26,2 tuổi. Ở độ tuổi này, đa số người trẻ đều chỉ mới đi làm vài năm, còn nhiều loay hoay trong kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Do đó, hầu hết người trẻ sẽ gặp khó khăn khi đối diện với những thay đổi lớn trong việc quản lý tài chính.   

Một nền tảng tài chính tốt và hệ thống quản lý tài chính gia đình phù hợp sẽ giúp vợ chồng trẻ nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống mới, đồng thời tạo nền móng vững chắc cho hành trình lâu dài đang chờ cả hai trong tương lai.  

Chuẩn bị cho những bước ngoặt lớn

Sau khi lập gia đình, các cặp vợ chồng trẻ sẽ đứng trước hàng loạt những bước ngoặt lớn của cuộc đời như sinh con, mua nhà, mua xe,…Đây đều là những mục tiêu đòi hỏi số tiền lớn, cần tích lũy trong thời gian dài. Trên hành trình thực hiện những mục tiêu này cũng tiềm ẩn nhiều biến cố bất ngờ có thể ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm dành cho việc thực hiện mục tiêu.

Để giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính, bình tâm đối diện với những bước ngoặt lớn trong cuộc sống gia đình, vợ chồng trẻ cần học cách quản lý tài chính gia đình từ sớm và thống nhất tầm nhìn dài hạn cho những mục tiêu tài chính trong tương lai.

Đọc thêm: 7 bước lập ngân sách dễ dàng và lời khuyên tài chính cho từng bước ngoặt trong cuộc đời

Tránh để căng thẳng tài chính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Căng thẳng vì tiền hay áp lực tài chính là điều khá phổ biến. Theo một nghiên cứu của Capital One CreditWise, 73% người Mỹ xếp tài chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng số một trong cuộc sống. Sự căng thẳng về tiền có thể dẫn đến sự bất an thường trực, cảm giác khó chịu, thậm chí dễ dàng nổi cáu với mọi người xung quanh. Với vợ chồng trẻ, căng thẳng tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của hai người, chất lượng cuộc sống gia đình và sự phát triển của con cái.

Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến căng thẳng tài chính là thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tiền bạc. Do đó, việc chủ động học và thực hành quản lý tài chính trong gia đình sẽ phần nào giúp các cặp vợ chồng trẻ phòng ngừa ảnh hưởng xấu của căng thẳng tài chính lên chất lượng cuộc sống.

Đọc thêm: Giải quyết căng thẳng tài chính bằng thực hành chánh niệm với tiền

Sai lầm phổ biến vợ chồng trẻ thường gặp trong quản lý tài chính

Trong phần này, FinPeace sẽ chỉ ra một vài sai lầm thường gặp trong việc quản lý tài chính gia đình mà các cặp vợ chồng trẻ nên tránh.

Sai lầm phổ biến vợ chồng trẻ thường gặp trong quản lý tài chính

Không thống nhất về phong cách chi tiêu

Việc lập gia đình mang đến nhiều thay đổi trong việc quản lý tài chính, nhưng không vì thế mà triệt tiêu đi toàn bộ thói quen và nguyên tắc sử dụng tiền của mỗi người. Mỗi cá nhân lại có sở thích, mối quan tâm và phong cách tiêu tiền khác nhau. Những yếu tố này khi đặt vào cuộc sống gia đình cần được gia giảm cho hài hòa với những mục tiêu tài chính chung của cả hai, và trên hết, cần được thống nhất càng sớm càng tốt.

Khi không có sự chia sẻ và thống nhất về phong cách chi tiêu của từng người, các cặp vợ chồng trẻ sẽ dễ gặp bất hòa trong chuyện quản lý tài chính. Bởi sự khác biệt trong suy nghĩ, sở thích khiến nhiều khoản chi cá nhân trở nên “không đáng tiền” trong mắt người còn lại.

Lắng nghe cách vợ chồng giải quyết mâu thuẫn do khác biệt trong phong cách chi tiêu tại: Chuyện Tiền Bạc Với Bạn Đời, Có Thực Sự Khó? | Tài chính Tự thân EP14

Không phân chia trách nhiệm rõ ràng

Những gia đình trẻ ở Việt Nam thường quản lý tài chính theo một trong hai cách, cụ thể là:

        Quy hết thu nhập của cả hai vào một mối, sau đó một người (thường là người vợ) sẽ đóng vai “tay hòm chìa khóa”, quản lý mọi khoản thu chi trong gia đình.

        Chỉ chi tiêu bằng lương của một người, thu nhập của người còn lại sẽ dành toàn bộ cho tiết kiệm, đầu tư.

Hai cách làm này không sai, thậm chí còn đem lại lợi ích khi thu nhập được công khai và có khoản riêng dành cho tiết kiệm. Tuy nhiên, việc để một người đảm nhiệm toàn bộ các khâu của quản lý tài chính, từ tổng hợp thu nhập, lên kế hoạch tới cân đo đong đếm chi tiêu sẽ tạo nên áp lực vô hình cho người nắm “tay hòm chìa khóa”. Còn trong trường hợp chỉ chi tiêu bằng lương của vợ hoặc chồng, người đảm nhận “kiếm tiền để chi tiêu” nhiều khả năng sẽ cảm thấy bất công, hoặc thấy gánh nặng khi thu nhập cá nhân phải đủ lớn để “gánh” toàn bộ việc thu chi trong gia đình.

Không có quỹ dự phòng

Tâm lý sai lầm thường gặp trong quản lý tài chính gia đình là coi thu nhập của người còn lại như quỹ dự phòng cho bản thân. Lập gia đình cho ta cảm giác có thêm một “đồng minh”, những tình huống khẩn cấp, bất ngờ sẽ không còn đáng sợ như trước khi đã có thêm nguồn lực là chồng/vợ.

Quả thật, khi trở thành một gia đình, các cặp vợ chồng có thể nương tựa vào nhau và cùng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những sự cố bất ngờ đòi hỏi các cặp vợ chồng trẻ cần có quỹ dự phòng khẩn cấp. Đặc biệt là khi ở độ tuổi lập gia đình, người trẻ sẽ phải đối diện với tình huống xấu liên quan đến sức khỏe của hai đối tượng bố mẹ già và con nhỏ. Với chi phí y tế đắt đỏ như hiện tại, việc không có quỹ dự phòng để phòng ngừa rủi ro sức khỏe cho bản thân và gia đình có khả năng đẩy vợ chồng trẻ vào cảnh thường xuyên phải vay mượn, nợ nần.

Không thống nhất về mục tiêu tài chính

Nhiều vợ chồng trẻ không tìm được tiếng nói chung trong những mục tiêu lớn cần sự tham gia của cả hai như: Có sinh con hay không? Nên đầu tư cho con đi du học hay học đại học trong nước? Nên mua nhà hay thuê nhà? Nên đầu tư chứng khoán hay bất động sản?…Cũng có khi, bất đồng lại xuất phát ngay từ những mục tiêu nhỏ hơn như: Nên đi du lịch tiết kiệm hàng tháng hay tích tiền nhiều tháng để nghỉ dưỡng xa hoa? Nên mua cho con điện thoại bao nhiêu tiền?…

Không thể thống nhất mục tiêu tài chính chung bắt nguồn từ sự khác biệt trong tư tưởng và phong cách sử dụng tiền của cả hai. Nếu kéo dài, những khác biệt trong tiền bạc này rất dễ trở thành căng thẳng trong quan hệ vợ chồng. Việc không có mục tiêu tài chính chung còn khiến việc quản lý tài chính của các cặp vợ chồng trẻ trở nên rời rạc, thiếu sự thấu hiểu và cảm thông. Không có mục tiêu chung để “hợp lực” thực hiện cũng khiến vợ chồng trẻ không tối ưu được việc tiết kiệm, đầu tư và chất lượng cuộc sống.

Những nguyên tắc quan trọng cho vợ chồng trẻ khi quản lý tài chính

Cũng giống như khi quản lý tài chính cá nhân, các cặp vợ chồng trẻ có muôn vàn phương pháp để quản lý tài chính gia đình. Lựa chọn phương pháp nào là tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu mỗi gia đình, tuy nhiên, có một vài nguyên tắc quan trọng khi quản lý tài chính mà cặp vợ chồng trẻ nên nhớ.

Những nguyên tắc quan trọng cho vợ chồng trẻ khi quản lý tài chính

Giao tiếp là chìa khóa

Người Việt Nam xưa nay thường coi tiền bạc là chuyện nhạy cảm, vì vậy, việc lảng tránh nói về tiền bạc trở thành một điều phổ biến trong xã hội. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, FinPeace phát hiện ra sự thật rằng: Những khúc mắc trong chuyện quản lý tài chính gia đình đôi khi không đến từ những con số, mà phần nhiều đến từ cách các cặp vợ chồng giao tiếp với nhau. Mất kết nối trong giao tiếp là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự không thấu hiểu – điều thường khó nhận ra khi ẩn sau những vấn đề về tiền.

Giao tiếp thành thật, cởi mở trên tinh thần xây dựng, hướng tới giải quyết vấn đề chung là chìa khóa quan trọng giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống gia đình.

Đọc thêm: 03 gợi ý để nói chuyện tiền bạc với bạn đời

Tôn trọng sự khác biệt

Một mối quan hệ lành mạnh cần được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Việc về chung một nhà không thể triệt tiêu đi cá tính riêng của mỗi cá nhân, do đó, bên cạnh việc cùng nhau vun đắp cho tổ ấm chung, các cặp vợ chồng trẻ còn cần học cách tôn trọng sự khác biệt trong tư duy tiền bạc của mỗi người.

Sự tôn trọng trong quản lý tài chính gia đình không đồng nghĩa với việc “mạnh ai nấy tiêu”, mà được thể hiện dựa trên một số biểu hiện cụ thể như:

        Giao tiếp cởi mở, thành thật về chuyện tiền bạc

–    Chủ động tìm hiểu lí do đằng sau các khoản chi của đối phương với thái độ tích cực

        Cởi mở trong cảm xúc với đối phương trước những vấn đề tài chính

       

Kiên nhẫn thử và điều chỉnh

Hôn nhân là một hành trình dài, mà trong đó tài chính là một mắt xích không thể thiếu trong cuộc sống gia đình của mỗi chúng ta. Giống như mọi hành trình khác đều cần thử và sai để rút kinh nghiệm, việc quản lý tài chính của cặp vợ chồng trẻ cũng cần nhiều học hỏi và luyện tập để có thể thực hiện suôn sẻ, mượt mà.

Hơn nữa, bản thân mỗi người, mỗi gia đình luôn không ngừng thay đổi theo những biến chuyển của xã hội và kinh tế vĩ mô. Phương pháp quản lý tài chính bạn sử dụng hiện tại hoàn toàn có khả năng không còn phù hợp trong tương lai, khi hai vợ chồng có sự thay đổi về thu nhập, mục tiêu, hoặc để thích ứng với thay đổi của xã hội. Do đó, hãy gắn việc quản lý tài chính gia đình với sự phát triển của cá nhân, nền kinh tế và sẵn sàng điều chỉnh để đạt hiệu quả tốt nhất.  

Gắn kết bằng mục tiêu chung

Khi được gắn kết bằng một mục tiêu chung, các cặp vợ chồng trẻ sẽ có thêm động lực kiếm tiền và dễ cảm thông với những khó khăn mà đối phương đối mặt trong công việc. Một mục tiêu chung phù hợp với mong muốn và khả năng của cả hai còn mở ra cho các cặp vợ chồng trẻ cơ hội gắn kết tình cảm rất lớn, bởi mục tiêu ấy bắt nguồn từ việc giao tiếp chân thành và thấu hiểu lẫn nhau. Để hiểu hơn về cách xác định mục tiêu dựa trên 3 trụ cột quan trọng của tư duy tài chính tự thân, bạn đọc có thể xem thêm tại: Tư duy Tài chính tự thân – Làm chủ tài chính cá nhân bằng 3 trụ cột quan trọng

Tạm kết

Sự thấu hiểu, cởi mở và không ngừng cố gắng cho mục tiêu tài chính chung là mấu chốt của một gia đình có đời sống tài chính lành mạnh. Quản lý tài chính gia đình không hề khó nếu có sự đồng lòng, đồng sức của cả hai. Với FinPeace, tài chính không phải đích đến mà là một hành trình. Và với sự đồng hành của FinPeace, các cặp vợ chồng trẻ có thể bắt đầu hành trình cùng nhau chinh phục những mục tiêu chung bằng việc Tích sản ngay từ hôm nay cùng chúng tôi.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận