7 bước lập ngân sách dễ dàng và lời khuyên tài chính cho từng bước ngoặt trong cuộc đời


Ai cũng biết đến việc cần lập ngân sách. Nhưng chỉ một số ít trong chúng ta thực sự ngồi xuống để thiết lập một bảng ngân sách cho bản thân mình. Việc lập ngân sách không hề khó, nhưng vì chúng ta không quan sát được những tác động ngay lập tức của việc lập ngân sách đến cuộc sống hàng ngày, nên ta cứ mãi trì hoãn.

Nếu như bạn đang đặt cho mình những câu hỏi như:

  • Tiền của mình cứ đi đâu hết nhỉ?
  • Sao không mua gì mà cũng hết tiền?
  • Sao tiền lương tăng mà mình vẫn không tiết kiệm được?

thì đó là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang chưa kiểm soát tốt số tiền bạn đang sở hữu. Lập ngân sách là một giải pháp đơn giản, hiệu quả và cần thiết để bạn tìm lại quyền kiểm soát đó. Đặc biệt, nếu như bạn chuẩn bị trải qua những bước ngoặt lớn trong cuộc đời như: chuẩn bị bắt đầu cuộc sống tự lập, chào đón thành viên mới trong gia đình, quyết định nghỉ việc full-time để theo đuổi đam mê,… việc thiết lập ngân sách lại càng trở nên tối quan trọng.

Trong bài viết dưới đây, FinPeace sẽ chỉ cho bạn cách lập ngân sách dễ dàng với 7 bước cơ bản và cung cấp những lời khuyên tài chính hữu ích để giúp bạn vượt qua từng bước ngoặt.

7 bước đơn giản để lập ngân sách

Bước 1: Thay đổi cách nhìn về việc lập ngân sách

Việc lập ngân sách thường bị hiểu lầm như bản kế hoạch làm một lần và được áp dụng trong khoảng thời gian dài, ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Thực tế là, các khoản thu nhập và chi tiêu của chúng ta sẽ thay đổi từng tháng nên kiểu ngân sách “one size fits all” này sẽ thường không thể chính xác và hiệu quả 100%.

Hãy nghĩ về việc lập ngân sách như một thói quen thường xuyên, cần được điều chỉnh và thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của bạn trong từng thời điểm. Ví dụ, 3 tháng nữa bạn sẽ có kế hoạch du lịch riêng với gia đình, vậy trong bảng ngân sách trong 3 tháng tới, bạn nên để ra một khoản phù hợp cho kế hoạch du lịch này. Khoản chi tiêu này hoàn toàn không xuất hiện ở những tháng trước đó.

Chỉ khi bạn nắm rõ cách nhìn nhận đúng đắn về việc lập ngân sách, bạn mới có thể từng bước quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả.

Bước 2: Liệt kê nguồn thu nhập hàng tháng

Thu nhập hàng tháng của bạn là bao nhiêu?

Nếu nguồn thu nhập của bạn chỉ đến từ một công việc chính thức, thu nhập này cũng chính là số tiền lương mà bạn được công ty chi trả.

Nếu thu nhập của bạn đến từ nhiều nguồn, cụ thể như trong các trường hợp sau:

  • Bạn là freelancer
  • Bạn có thêm các công việc phụ ngoài giờ hành chính
  • Thu nhập chủ yếu dựa vào tiền hoa hồng, tiền tip
  • Bạn được trả lương theo giờ
  • Bạn thường xuyên phải tăng ca

Cách tính thu nhập sẽ có phần phức tạp hơn một chút.

Bạn sẽ cần tổng hợp thu nhập từ 3 đến 6 tháng gần nhất của bạn và chia trung bình xem mỗi tháng kiếm được bao nhiêu. Thử ví dụ với một bạn freelancer tên An. Trong 6 tháng qua, An có 1 tháng thu nhập đỉnh điểm lên đến 60 triệu đồng, 5 tháng còn lại dao động trong khoảng 10 – 15 triệu đồng. Vậy thu nhập trung bình hàng tháng của An sẽ là: (60 + 10 + 10 + 15 + 15 + 10)/ 6 = 20 (triệu đồng).

Bước 3: Xác định các khoản chi tiêu cần thiết

Các khoản chi tiêu cần thiết là những chi phí tối thiểu cần có để duy trì cuộc sống. Chúng sẽ bao gồm 2 loại chính: chi phí cố định và chi phí biến đổi.

  1. Chi phí cố định

Để giúp bạn dễ dàng liệt kê các loại chi phí cố định, FinPeace sẽ cung cấp danh sách gợi ý các khoản mục như sau:

  • Tiền thuê nhà/ trả góp hàng tháng
  • Các loại phí dịch vụ: tiền điện, nước, Internet, phí điện thoại (tính theo số tiền trung bình phải trả hàng tháng)
  • Học phí
  • Bảo hiểm
  • Chi phí hội viên

(Ảnh minh họa: Chi phí cố định mỗi tháng của bạn An freelancer – thu nhập TB 20 triệu/ tháng)

  1. Chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi là những khoản chi tiêu cần thiết nhưng thay đổi thường xuyên mỗi tháng như tiền xăng xe, tiền thực phẩm… Cách tính của loại chi phí này tương tự như phần tính nguồn thu nhập dao động: tính theo trung bình 6 – 12 tháng.

Danh sách gợi ý các khoản chi tiêu biến đổi của FinPeace:

  • Tiền thực phẩm, hàng hóa
  • Tiền thuốc men/ thực phẩm bổ sung
  • Tiền xăng xe
  • Sửa chữa nhà cửa
  • Chi trả thẻ tín dụng

(Ảnh minh họa: Chi phí biến đổi hàng tháng của An)

Bước 4: Thực hiện “Pay Yourself First”

Chi phí “Pay Yourself First” (PYF) nói đến khoản tiền bạn muốn tiết kiệm và/hoặc đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính của mình. Phần lớn chúng ta thường mắc sai lầm khi tư duy rằng: Cứ chi tiêu đã, còn thừa thì tiết kiệm sau. Trên thực tế, rất hiếm khi bạn giữ được tiền thừa vì nhu cầu chi tiêu mua sắm là bất tận. Lời khuyên của FinPeace là hãy “trả tiền cho mình trước tiên”, tức là bạn tự trích ra một khoản để tiết kiệm/ đầu tư, sau đó mới phân chia khoản tiền còn lại vào các danh mục tiêu tiêu khác.

Vậy làm thế nào để bạn xác định được khoản tiền mà bạn muốn trả cho chính mình? Việc lập mục tiêu cụ thể cho khoản PYF cũng cần được lên kế hoạch rõ ràng. Khoản tiết kiệm đó có thể được phân bổ vào các quỹ khác nhau như:

  • Quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp
  • Quỹ hưu trí, bảo hiểm nhân thọ
  • Quỹ để dành cho việc mua nhà hoặc mua xe
  • Đầu tư sinh lời vào thị trường: Tiền ảo, chứng khoán, bất động sản,..

Ví dụ, trong 6 tháng tới, bạn An freelancer đặt ra 2 mục tiêu cụ thể cho bản tiền PYF của mình, cụ thể như bảng sau đây:

Hãy đối xử với khoản tiền “Trả cho bản thân” này như một chi phí cố định không thể bỏ qua.

Bước 5: Đừng bỏ quên khoản chi tùy ý

Những khoản chi tùy ý sẽ đáp ứng những thứ bạn muốn hơn là những thứ bạn cần. Chúng sẽ bao gồm những chi tiêu về hoạt động giải trí (xem phim, ăn uống tụ tập với bạn bè), quần áo ăn diện, …

Việc tính toán các khoản chi này sẽ phức tạp hơn vì bạn cần điều chỉnh chúng theo đúng yêu cầu, sở thích và mong muốn của bản thân, thay vì chỉ liệt kê dựa theo số tiền đã chi theo từng tháng trước đó. Ví dụ, tháng trước bạn tự quy định chỉ đi ăn ngoài 2 lần để tiết kiệm tiền, nhưng bạn nhận ra việc tụ tập ăn uống với bạn bè vào mỗi cuối tuần khiến bạn thấy vô cùng thích thú thì bạn có thể tăng thêm ngân sách của khoản đi ăn ngoài trên cho tháng tới một cách phù hợp.

Sau khi bổ sung thêm các khoản chi tùy ý, bản kế hoạch ngân sách đã bước đầu được hoàn thành.

(Ảnh: Khoản chi tùy ý của An)

Bước 6: So sánh và điều chỉnh

Hãy so sánh tổng chi tiêu của bạn với tổng thu nhập. Nếu tổng chi nhỏ hơn hoặc bằng tổng thu, ngân sách đã đạt sự cân bằng và bạn hoàn toàn có thể thực thi kế hoạch này.

Tuy nhiên, nếu tổng chi lớn hơn tổng thu, bản kế hoạch cần được điều chỉnh bằng cách cân nhắc các khoản chi không cố định. Một lưu ý quan trọng khi điều chỉnh là bạn nên tập trung vào các khoản chi tùy ý hoặc chi phí biến đổi (ví dụ tiền thực phẩm/ hàng hóa) trước khi cắt xén những khoản tiết kiệm (cho mục tiêu tài chính). Việc “bảo vệ” những chi tiêu dạng PYF này sẽ giúp bạn kiên định hơn trên hành trình tài chính cá nhân của mình.

Hàng tháng, bạn An sẽ tốn 19,2 triệu cho tổng chi tiêu, gần bằng thu nhập 20 triệu/ tháng của mình. Kế hoạch chi tiêu trên có thể vẫn cần điều chỉnh vì thu nhập của An sẽ dao động tùy tháng, không phải lúc nào cũng cố định ở mức 20 triệu. Do đó, An cần cắt giảm thêm các chi phí biến đổi hoặc gia tăng thêm nguồn thu của mình.

Bước 7: Triển khai kế hoạch và theo dõi

Khi đã xây dựng một ngân sách cân bằng giữa thu và chi, giờ là lúc chúng ta bắt tay vào thực hiện thôi!

Việc triển khai kế hoạch sau khi lập ngân sách không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ hạn mức của từng khoản chi, mà nó còn đòi hỏi việc ghi chép, theo dõi chi tiêu hàng ngày. Bạn có thể dùng bất cứ công cụ theo dõi nào, từ các ứng dụng trên điện thoại, bảng biểu Excel hoặc chỉ đơn giản là giấy và bút, miễn sao chúng thực sự tiện lợi cho bạn.

Lập ngân sách trước từng bước ngoặt lớn

Việc lập ngân sách sẽ cần thiết hơn cả khi chúng ta bước vào giai đoạn chuyển đổi, một dấu mốc quan trọng nào đó trong cuộc đời. Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý và sức khoẻ, sự vững vàng về tài chính cũng hết sức quan trọng để đảm bảo rằng bạn an toàn và bình tâm đi qua những thay đổi.

Dưới đây là một vài dấu mốc quan trọng và lời khuyên của chuyên gia FinPeace trong việc lập ngân sách cho từng giai đoạn chuyển đổi này.

1, Mới tốt nghiệp, bắt đầu một cuộc sống tự lập

Khi bạn mới tốt nghiệp, mong muốn lớn nhất của bạn là không cần phụ thuộc tài chính vào bố mẹ và bắt đầu cuộc sống độc lập. Trong nhiều trường hợp, các bạn bắt đầu có nguồn thu ổn định từ công việc full-time đầu tiên. Tại thời điểm này, tài sản tài chính của bạn chưa có nhiều nên bạn cần học cách tối ưu dòng tiền thông qua việc Tăng thu, Giảm chi.

Cách tốt nhất để tăng thu nhập chính là tập trung rèn luyện năng lực trong công việc. Mức lương bạn nhận được sẽ luôn tương xứng với giá trị bạn tạo dựng được cho tổ chức. Vì vậy, giai đoạn này là lúc bạn nên tập trung phát triển bản thân, bạn có thể tham khảo mô hình T-shape để xác định rõ ràng định hướng phát triển cho riêng mình. Ở giai đoạn này, bạn cũng cần nắm rõ phổ lương và lộ trình tăng trưởng trong công việc bạn lựa chọn.

Để tối ưu những khoản chi của mình, bạn cần cân nhắc về tính ứng dụng của những món đồ/dịch vụ định mua: bạn dùng nó cho mục đích gì và bạn dự định sẽ dùng chúng trong bao lâu? Bạn cần tỉnh táo trước nhiều cạm bẫy mua sắm có thể xuất hiện ở giai đoạn này: Ăn uống với bạn bè đồng nghiệp, mua sắm quần áo đi làm,…

2, Bắt đầu lập gia đình

Sự hòa hợp trong tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Trước hết, bạn nên có những cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở với người bạn đời của mình về câu chuyện tài chính. Bạn cũng có thể cân nhắc lập một tài khoản chung để chi trả cho các khoản chi phí cố định như nhà cửa, phí dịch vụ điện nước,…

Trong quá trình sinh sống sẽ phát sinh nhiều khoản chi phí khác nhau. Vì vậy, bạn nên ưu tiên lập các quỹ khẩn cấp và xây dựng các khoản tiết kiệm cho mục tiêu lâu dài như khoản tiền mua nhà, mua xe,…

3, Chào đón thành viên mới trong gia đình

Đầu tiên, bạn cần hiểu tác động của một đứa trẻ lên dòng tiền của bạn. Rõ ràng việc có con sẽ làm gia tăng chi phí cho cả gia đình bạn. Vì thế, bạn cùng người bạn đời của mình cần tính toán các chi phí tài chính và hình dung về những mục tiêu ngắn hạn/ dài hạn sắp tới khi có sự góp mặt của em bé.

Ngoài ra, việc xây dựng quỹ khẩn cấp là cần thiết để giúp bạn yên tâm hơn trong các trường hợp bất khả kháng như ốm đau, chuyển đổi công việc.

4, Quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê

Nghỉ việc công sở để theo đuổi đam mê là một cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong khoảng thời gian qua. Thế nhưng, bạn cần nhận thức được rằng, đây không phải là một quyết định dễ dàng và đi kèm với đó là rất nhiều rủi ro. Bài toán cơm áo gạo tiền sẽ luôn ở đó, nếu như bạn không có kế hoạch tài chính rõ ràng, hành trình theo đuổi đam mê sẽ có rất nhiều gập ghềnh.

Để chuẩn bị cho quyết định này, bạn cần dự trù một khoản tiết kiệm kha khá để bắt đầu lại gây dựng sự nghiệp từ đầu. Bạn cần chuẩn bị ít nhất 3-6 tháng chi phí sinh hoạt, hoặc thậm chí là 1 năm để bạn có sự yên tâm trong giai đoạn đầu tiên còn nhiều bấp bênh.

Trong thời gian chuẩn bị nghỉ việc, bạn cũng nên tìm thêm một công việc phụ không yêu cầu bạn đánh đổi quá nhiều thời gian để đảm bảo bạn vẫn có một nguồn thu nhập nhỏ giúp chi trả một vài khoản chi tiêu.

Nói tóm lại, đừng để việc lập ngân sách mãi nằm tại danh sách những việc nên làm mà bạn trì hoãn chưa làm. Nếu như bạn mong muốn có quyền kiểm soát với tài chính của chính mình, lập ngân sách là bước đầu tiên để bạn thực hiện được mong muốn đó.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

3 bình luận về “7 bước lập ngân sách dễ dàng và lời khuyên tài chính cho từng bước ngoặt trong cuộc đời”

Bình luận