6 sai lầm phổ biến khi thiết lập bản kế hoạch chi tiêu cá nhân

kế hoạch chi tiêu cá nhân

Bạn có đang rơi vào tình trạng đi làm vài năm nhưng không để dành được khoản quỹ dự phòng nào? Thực trạng này không hề hiếm gặp ở các bạn trẻ hiện nay, thậm chí là những bạn đã đi làm 5-7 năm, dẫu thu nhập của họ không hề thấp. Một trong những lý do khiến họ không tiết kiệm được tiền  đến từ việc họ không có kế hoạch chi tiêu. Kết quả là họ luôn rơi vào thế bị động trong những trường hợp khẩn cấp.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của một bản kế hoạch chi tiêu cá nhân đối với cuộc sống của mỗi người. Nhưng đâu là những lỗi sai khiến bạn không thể tiết kiệm tiền? Cùng FinPeace tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

6 sai lầm thường gặp khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

sai lầm thường gặp khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
6 sai lầm thường gặp khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

1, Ước lượng sai khoản tiền cần chi hàng tháng

Để hạn chế việc lập ngân sách quá khắt khe hoặc vượt quá khả năng tài chính của mình, bạn hãy dành ra 1-2 tháng quan sát thói quen chi tiêu của mình và liệt kê ra các khoản chi thường xuyên nhất. Điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về việc dòng tiền của mình đang đi đâu, tỷ lệ phân bổ thu nhập hiện tại, từ đó lập ra một bản kế hoạch chi tiêu sát với năng lực tài chính của bạn nhất.

2, Không xác định rõ mục tiêu khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Việc xác định rõ mục tiêu của bản thân sẽ giúp bạn liên kết những khoản chi tiêu và khoản nhàn rỗi hàng tháng đến mục tiêu tổng thể, từ đó đạt được mục tiêu tài chính trong khoảng thời gian ngắn nhất. Dù bạn đang đầu tư mua xe, mua nhà, xây dựng quỹ khẩn cấp hay tiết kiệm dự phòng hưu trí, việc có một mục tiêu định sẵn trước mắt sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng, bám sát vào kế hoạch chi tiêu mà bạn đã lập.

Trên thực tế, bạn lập kế hoạch chi tiêu cá nhân vì bạn cảm thấy mình cần cắt giảm chi tiêu sẽ khác với việc bạn lập kế hoạch chi tiêu cá nhân để tiết kiệm mua nhà. Xác lập ra một mục tiêu rõ ràng sẽ tạo cho bạn động lực và kỷ luật để tuân thủ kế hoạch chi tiêu cá nhân.

3, Không cập nhật kế hoạch chi tiêu hàng tháng

Trong cuộc sống hàng ngày, thói quen chi tiêu của bạn liên tục thay đổi theo nhu cầu, nguồn thu nhập và các yếu tố tác động bên ngoài. Chỉ cần bạn thay đổi nơi ở hoặc thay đổi công việc, nhiều khả năng ngân sách từ các tháng trước đây của bạn sẽ không còn phù hợp. Vì vậy, bạn nên thường xuyên cập nhật và đánh giá lại ngân sách của mình, tối thiểu 3-4 tháng/lần và cập nhật các khoản thu chi tăng – giảm so với kỳ trước.

4, Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân dựa trên tổng thu nhập

Bạn cần nhớ, tổng thu nhập của bạn mỗi tháng không phải là số tiền thực tế bạn có thể chi tiêu. Một người lao động mỗi tháng trung bình sẽ có một số khoản chi phí cố định phải chi, ví dụ như bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân hoặc một số khoản khấu trừ khác. Số tiền thực tế bạn đưa vào xác lập ngân sách phải là khoản tiền còn lại sau khi đã khấu trừ hết các chi phí trên.

Một lời khuyên hữu ích để bạn tránh được cảm giác “bản thân đang có thừa tiền” là hãy đóng ngay những khoản chi phí cố định vào đầu tháng hoặc ngay khi bạn nhận lương. Số tiền còn lại sau khi bạn đã chi trả hết các khoản phí này là thu nhập thực tế của bạn.

5, Không dự phòng cho các chi phí phát sinh bất thường và các khoản chi ngẫu nhiên

Các chi phí bất thường và các khoản chi khẩn cấp sẽ phát sinh đột ngột trong cuộc sống mà bạn không thể dự tính trước. Giả sử bạn làm hỏng điện thoại, thay vì vay mượn tiền của các tháng sắp tới dẫn đến thâm hụt ngân sách, bạn nên có một quỹ dự phòng khẩn cấp cho các rủi ro bất ngờ và các khoản chi lớn.

Bên cạnh việc xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, trừ hao thêm các khoản chi cố định cũng là một phương pháp dự trù rủi ro. Nếu như bạn cần 300.ooo đồng để đổ xăng mỗi tháng, hãy trừ hao thêm 50.000 đồng. Hãy lập ngân sách một cách hào phóng bởi đây là một kế hoạch phòng thủ thông minh.

Ngoài các khoản chi phát sinh đột xuất, bạn cũng nên liệt kê các khoản chi không thường xuyên như viện phí, du lịch, sửa chữa đồ đạc… Các khoản chi này không cố định hàng tháng, vì vậy bạn hãy để riêng số tiền này sang một quỹ riêng thay vì để chung với tài khoản chi tiêu thường ngày.

6, Lấy tiền từ khoản này bù sang khoản khác

Một số người lập nên một bản kế hoạch chi tiêu cá nhân quá khắt khe và thiếu thực tế, dẫn đến việc họ chi tiêu luôn có cảm giác thiếu hụt. Hoặc một số khác lại tiêu xài vung tay quá trán, khi hết ngân quỹ giải trí, họ lấy tiền từ quỹ sinh hoạt khác để ăn tiêu, rồi lại lấy tiền tiết kiệm bù vào số tiền sinh hoạt thiếu hụt.

Hãy quan sát thói quen chi tiêu của bản thân và lập một kế hoạch chi tiêu cá nhân phù hợp với bạn. Hãy bám sát kế hoạch đó và tuân thủ những con số bạn đã đề ra cho mỗi danh mục chi tiêu.

Bạn có đang mắc phải một trong những sai lầm trên? Nếu có, điều bạn cần làm là điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên các khoản chi và lập một bản kế hoạch chi tiêu cá nhân chuẩn xác hơn.

Kế hoạch chi tiêu cá nhân của bạn cần có những gì?

1, Mục tiêu tài chính mỗi tháng

Mục tiêu là đích đến cuối cùng cho kế hoạch chi tiêu cá nhân của bạn, luôn song hành cùng các hoạt động thu chi tài chính của bạn hàng ngày. Bạn có thể tham khảo một số mục tiêu cho kế hoạch chi tiêu cá nhân thường gặp như:

  • Ngắn hạn: Bạn muốn đi du lịch ở đâu vào tháng tới/quý tới? Bạn đang có ý định mua xe máy/iPhone? Bạn muốn tự thưởng cho mình một món đồ hiệu? Số tiền bạn dự chi cho các dự định này là bao nhiêu?
  • Trung hạn: Kế hoạch mua ô tô, cho con đi du học,…
  • Dài hạn: Xây dựng quỹ dự phòng hưu trí (chiếm khoảng 10% đến 15% thu nhập mỗi năm), mua nhà,…
Nội dung của một bản kế hoạch chi tiêu cá nhân
Bản kế hoạch chi tiêu cá nhân cần có những gì?

Bạn có thể tham khảo Mẫu Bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân từ FinPeace tại đây.

Đọc thêm bài viết: 7 bước lập ngân sách dễ dàng và lời khuyên tài chính cho từng bước ngoặt trong cuộc đời.

2, Thu nhập thực tế mỗi tháng

Đây là khoản tiền còn lại sau khi bạn đã trừ đi các khoản vay nợ, các khoản bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập,… Bạn sẽ thống kê chi tiêu trên khoản tiền này.

3, Các khoản chi tiêu xếp theo thứ tự ưu tiên, thống kê theo tháng/quý/năm

Hãy sắp xếp các khoản tiền này từ mức độ quan trọng nhất đến mức không thiết yếu. Ví dụ, đứng đầu danh sách là các khoản đóng tiền điện, nước, tiền ăn hàng tháng. Các khoản chi không thiết yếu gồm đi xem phim, đi ăn nhà hàng, mua quần áo,…

4, Thời gian hoàn thành mục tiêu

Để kế hoạch chi tiêu cá nhân của bạn không bị kéo dài, khiến bạn mất động lực tuân thủ, hãy đặt ra các mục tiêu nhỏ có thể bắt đầu ngay và tự đề ra thời gian hoàn thiện chúng. Việc này sẽ giúp bạn kiểm soát được tiến độ của mình trên hành trình đạt được mục tiêu lớn hơn.

Kết

Xác lập bản kế hoạch chi tiêu cá nhân không chỉ gói gọn trong quản lý chi tiêu mà còn bao gồm cả các mục tiêu tài chính dài hạn khác trong cuộc sống của bạn. Để giúp cho hành trình đầu tư tài chính của bạn được vững vàng hơn với một khoản đầu tư dài hạn, lại có thể rèn luyện được thói quen tiết kiệm và chi tiêu có kỷ luật, FinPeace giới thiệu đến bạn khóa học tích sản cổ phiếu, ứng dụng phương pháp Systematic Investment Plan (S.I.P). Hy vọng thông qua bài viết này, FinPeace đã giúp bạn nhận biết các lỗi sai thường gặp trong việc chi tiêu và tiết kiệm có kế hoạch lâu dài.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

2 bình luận về “6 sai lầm phổ biến khi thiết lập bản kế hoạch chi tiêu cá nhân”

Bình luận