Tư duy Tài chính tự thân – Làm chủ tài chính cá nhân bằng 3 trụ cột quan trọng

Bạn đã hiểu rõ về tư duy tài chính tự thân?

Bạn được một người bạn “phím” một mã cổ phiếu tiềm năng, ngay lập tức bạn dồn hết số tiền mình có để mua cổ phiếu này, với mong muốn thu lợi nhuận chỉ một thời gian ngắn sau đó.

Bạn được một người quen giới thiệu một khu bất động sản mà theo họ sẽ rất đắt khách trong tương lai, bạn cũng nhanh chóng dồn tiền để mua.

Hoặc, bạn mãi chưa bắt đầu với việc tiết kiệm/ đầu tư, vì bạn nghĩ chuyện đó chỉ dành cho người đã có nhiều tiền.

Bạn cho rằng mình chẳng có chút kiến thức nào để bắt đầu đầu tư

Đó là những vấn đề thường gặp nhất khi các khách hàng tìm đến FinPeace. Trong các cuộc trò chuyện cùng khách hàng, chúng tôi nhận ra rằng, kế hoạch tài chính cá nhân của họ hầu hết đều phụ thuộc vào các cơ hội đầu tư bên ngoài, thiếu vắng yếu tố tự thân của từng cá nhân. Họ đợi được người khác giới thiệu, họ mong muốn ai đó “phím” cho cơ hội này, cơ hội khác, họ cho rằng mình thiếu kiến thức trải nghiệm và đúng im một chỗ thay vì bắt đầu học hỏi. Sau đó, giả sử thất bại, họ sẽ đổ lỗi cho việc vì nghe theo người này, vì đầu tư theo người kia mà “mất tiền oan”.

Đó là lý do mà FinPeace sẽ luôn nhấn mạnh vào tư duy “tài chính tự thân”. Mỗi người chúng ta, với tất cả nguồn lực bên trong như kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, mục tiêu,… mới là nhân vật chính trong bản kế hoạch tài chính cá nhân của mình. Thay vì ngồi chờ đợi, ai cũng có thể và nên giành lại quyền tự chủ trong việc quản lý và xây dựng sự vững vàng tài chính cho riêng mình.

Tài chính tự thân là gì?

Tài chính tự thân là tư duy làm chủ tài chính thông qua năng lực tự thân, xuất phát những giá trị bên trong, những nguồn lực mà chính bạn có khả năng kiếm soát. Thay vì “ngồi chờ sung rụng” hay phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, người có tư duy tài chính tự thân sẽ quay về bên trong, chủ động nắm quyền kiểm soát.

Trên hành trình xây dựng tài chính tự thân, chúng ta sẽ từng bước tạo lập những yếu tố nội lực quan trọng để ứng phó với những biến cố có khả năng xảy ra trong cuộc sống, hoặc thực hiện một ước mơ đẹp đẽ trong tương lai. Sự chuẩn bị này bao gồm 3 trụ cột chính:

1. Cảm xúc: Sự kết nối về cảm xúc của bản thân với kế hoạch tài chính. Với kế hoạch bạn vạch ra, cảm xúc của bạn là gì, bất an hay bình an? Đâu là yếu tố quan trọng giúp bạn có động lực để từng bước tiến tới mục tiêu tài chính mong muốn. Một kế hoạch tài chính tốt chắc chắn không phải chỉ gồm những con số khô khan.

2. Tri thức: Sự hiểu biết liên quan đến các lĩnh vực tài chính mà bạn đang xem xét đầu tư. Khi có kiến thức, bạn sẽ tránh được trường hợp đưa ra quyết định đầu tư chỉ dựa vào kinh nghiệm và lời khuyên của người khác. Từ đó, bạn cũng sẽ tránh được cảm giác hoang mang, bất định, mơ hồ về những quyết định của mình.

3. Hành động: Cách chúng ta lựa chọn phương thức thực hiện. Kế hoạch chỉ có khả năng đạt được khi bạn bắt đầu hành động và hành động cần phù hợp nguồn lực và điều kiện của chính bản thân mình.

Ví dụ về tư duy tài chính tự thân

Dưới đây là một ví dụ đơn giản về việc một người bố lên kế hoạch tài chính để con mình sau này được tiếp cận hệ thống giáo dục tốt thông qua việc du học. Chúng ta sẽ thử so sánh hai cách tiếp cận dưới đây.

Cách thứ nhất, người bố âm thầm làm lụng vất vả, tiết kiệm để xây dựng quỹ du học cho con. Sau khi con học xong cấp 3, người bố thông báo cho con về kế hoạch này. Điều này có thể dẫn đến việc đứa con được tạo điều kiện để đi du học, nhưng lại không cảm nhận được sự cố gắng, vất vả suốt quá trình tích lũy của bố những năm tháng qua. Khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn, nhiều gia đình có điều kiện để tự cho con đi du học, trường hợp này không hề hiếm gặp.

Nếu xét về theo khía cạnh tài chính tự thân, người bố có thể lựa chọn làm khác đi để kế hoạch của mình thật sự có ý nghĩa và khả thi hơn, cụ thể người bố cần xem xét 3 yếu tố:

1, Về mặt cảm xúc: Khi bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính, người bố kết nối cảm xúc với đứa con của mình bằng việc trao đổi dự định của bố và ý nghĩa của dự định đó đối với cả bố cả con. Lý do bố mong muốn con được tiếp cận hệ thống giáo dục tốt hơn là gì? Con có cảm thấy hào hứng với kế hoạch đi du học hay không? Bố và con sẽ cảm thấy như thế nào nếu kế hoạch này thành hiện thực?

2, Về mặt tri thức: Người bố cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin, kiến thức, các điều kiện tài chính cần thiết để có thể tiến tới mục tiêu gây dựng được quỹ du học cho con. Ví dụ như số tiền cần đi du học, chương trình du học phù hợp, cách thức đầu tư hiệu quả, sản phẩm đầu tư phù hợp…

3. Về mặt hành động: Người bố cần lựa chọn những hành động phù hợp với năng lực và điều kiện của mình. Ví dụ, hàng tháng vào ngày nhận lương, bố sẽ để dành ra 5 triệu đồng và chuyển sang tài khoản tiết kiệm để tích lũy cho kế hoạch du học của con. Mỗi tháng thực hiện được hành động này, bố cùng con sẽ đánh dấu vào bảng “Hành trình cùng nhau xây dựng ước mơ”.

Đồng thời bố sẽ giao tiếp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để con thấy từng thời khắc trôi qua, bố và con đều đang nỗ lực trên hành trình này. Như vậy, thay vì đặt ra kế hoạch là tiết kiệm 800 triệu cho con đi du học và không biết làm như thế nào để đạt được mục tiêu đó, hai bố con đã có một kế hoạch rõ ràng mà từng bước đi trên hành trình đều thật ý nghĩa.

Với tư duy tài chính tự thân, người bố và người con trong câu chuyện trên có một hành trình ý nghĩa để đi cùng nhau. Mọi thứ đều được xây dựng trên nền tảng của cảm xúc và kiến thức, được thực thi bằng những hành động khả quan. Đó là biểu hiện rõ nhất cải tài chính tự thân.

Điểm khác biệt của tư duy tài chính tự thân là gì?

Đến đây, câu hỏi đặt ra rằng: Vậy tư duy tài chính tự thân khác biệt như thế nào?

Không có khái niệm “làm giàu nhanh”

Làm thế nào để giàu nhanh?

Đâu là việc nhẹ lương cao?

Làm thế nào để làm ít nhưng nhiều tiền?

Đâu là cơ hội đầu tư để làm giàu nhanh chóng?

Đây là những câu hỏi rất phi tự nhiên, những câu hỏi mà người mang tư duy tài chính tự thân sẽ không bao giờ đặt ra cho mình.

Có một nguyên tắc rằng: số tiền, hay sự vững vàng tài chính mà bạn có được sẽ tương xứng với giá trị mà bạn tạo ra. Bạn tạo ra càng nhiều giá trị, số tiền bạn nhận được sẽ càng nhiều. Mong cầu làm ít nhưng nhiều tiền, mong cầu có những cơ hội làm giàu nhanh chóng,… về bản chất là không hơp lý. Tài chính tự thân sẽ không bao hàm những mong cầu phi thực tế như vậy. Hậu quả của việc đặt ra những câu hỏi phi thực tế này là bạn dễ bị cám dỗ vào những giao dịch đầu tư chớp nhoáng, không có chiến lược, không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Bạn có thể thu lời trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng khó để đi bền vững sau này, chưa kể đến những rủi ro rất lớn.

Không có sự chờ đợi

Không đợi người khác “phím cơ hội”, mà cũng không đợi đến khi bản thân đủ giỏi, đủ giàu. Tư duy tài chính tự thân nhấn mạnh vào khả năng hành động ngay lập tức, dù đó là những hành động rất nhỏ.

Ví dụ, mục tiêu của bạn là kiếm được đủ tiền đi du học, thế nhưng hiện tại mức lương mỗi tháng của bạn chỉ là 8 triệu đồng. Bạn không thể tiết kiệm được quá nhiều tiền cho mục tiêu du học, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu các trường Đại học, các học bổng du học, luyện tập tiếng Anh hàng ngày để đáp ứng các điều kiện khác. Mỗi tháng, bạn cố gắng tiết kiệm ít nhất 500 nghìn và ý thức được rằng mình đang tiến gần hơn với mục tiêu của mình.

Tư duy tài chính tự thân luôn nhấn mạnh vào tính “doable” của từng mục tiêu. Ngay lúc này, tôi có thể làm gì, dù là nhỏ nhất, để tiến gần hơn mới mục tiêu của mình? Bạn không tốn thời gian vào những suy nghĩ lãng phí và những sự chờ đợi không cần thiết. Không có kiến thức thì bắt đầu đọc báo đọc sách. Không có nhiều tiền thì bắt đầu tiết kiệm/ đầu tư từ số tiền nhỏ nhất….

Xem thêm: Tư duy Doable trong tài chính tự thân

Khởi đầu của tư duy tài chính tự thân

Hành tài chính tự thân sẽ là một hành trình dài, nhưng đầy khám phá mới mẻ về bản thân. FinPeace hy vọng rằng, bài viết mở đầu này sẽ cho bạn một ý niệm cơ bản về tài chính tự thân, một sự tò mò và tin tưởng từ bên trong rằng: bằng một cách nào đó, tôi có thể toàn quyền quản lý tài chính cá nhân của mình.

Từ việc tập trung vào những cơ hội bên ngoài, chúng ta chuyển sự chú ý vào nguồn lực bên trong. Từ những mong cầu phi tự nhiên, chúng ta quay về hành trình phát triển bản thân bền bỉ mỗi ngày. Đó là điểm khởi đầu của tư duy tài chính tự thân.

Ở những bài viết tiếp theo, FinPeace sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn về hành trình theo đuổi tài chính tự thân, và những gợi ý để bạn vững vàng trên con đường này.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

3 bình luận về “Tư duy Tài chính tự thân – Làm chủ tài chính cá nhân bằng 3 trụ cột quan trọng”

Bình luận