Bằng việc có kế hoạch tích sản cổ phiếu, bạn sẽ có sự vững vàng và bình an trên hành trình đầu tư lâu dài của mình. Tích sản là một hình thức đầu tư dễ tiếp cận, phù hợp với số đông. Nếu như bạn đã có một dòng tiền tương đối ổn định, hãy bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch tích sản và hành động càng sớm càng tốt. Bắt đầu càng sớm, thời gian tích luỹ càng dài, và bạn càng sớm đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Trong bài viết này, FinPeace sẽ cùng bạn khám phá sâu 5 bước lập kế hoạch tích sản mà bạn nên tham khảo.
Tích sản cổ phiếu là gì?
Tích sản cổ phiếu là việc đầu tư đều đặn vào một hoặc một nhóm cổ phiếu trong một khoảng thời gian đủ dài. Khác với đầu tư lướt sóng – trường phái thu lợi nhuận trong ngắn hạn, tích sản cổ phiếu chính là đầu tư giá trị, hướng tới lợi nhuận thụ động, bền vững trong lâu dài.
Đặc điểm của phương pháp tích sản cổ phiếu là mua vào đều đặn bất chấp biến động thị trường và nắm giữ lượng cổ phiếu đó trong dài hạn. Đương nhiên, nhà đầu tư cần xác định các nguyên tắc thoát vị thế (bán tài sản) khi cần thiết.
Không có quy định nào cho “thời gian đủ dài”, nhưng thường tích sản có thể kéo dài trong 5 năm, 10 năm, 30 năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Càng bắt đầu sớm, thời gian tích lũy càng dài thì càng tận dụng được sức mạnh của lãi kép.
Ví dụ, mỗi tháng, bạn dành ra 3 triệu tiền nhàn dỗi để tích sản cổ phiếu của một công ty có giá trị nội tại tốt. Sau 8 năm tích sản với mức lợi nhuận trung bình 15%/ năm, bạn sẽ sở hữu 550 triệu đồng. Nếu chỉ giữ nguyên khoản tiền 3 triệu và không làm gì, bạn chỉ tích luỹ được 288 triệu.
Tại sao cần lập kế hoạch tích sản?
Tích sản cổ phiếu mang lại nhiều lợi ích cho hành trình tài chính tự thân của bạn. Thứ nhất, bạn không cần lo lắng quá nhiều về điểm mua điểm bán. Khi đầu tư định kỳ liên tục trong một thời gian dài, bạn sẽ trung bình được giá mua đầu vào, nên vẫn luôn có lợi khi nhìn cả một chặng đầu tư dài. Thứ hai, bạn có thể bắt đầu ngay với số vốn nhỏ, có thể chỉ từ 1 triệu đồng. Chính vì vậy, tích sản cổ phiếu là hình thức đầu tư phù hợp với số đông.
Tuy nhiên, nếu tích sản cổ phiếu không theo kế hoạch bài bản, bạn sẽ rất dễ vướng vào những vấn đề sau:
– Thiếu kiên trì, mắc bẫy tâm lý FOMO và phá vỡ nguyên tắc đầu tư
– Thiếu kiến thức nên chọn phải mã cổ phiếu của doanh nghiệp có nội tại không tốt, ảnh hưởng đến lợi nhuận đường dài
– Không biết cách thoát vị thế (bán tài sản) ngay cả trong những trường hợp bắt buộc phải bán.
Lắng nghe chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh về chủ đề đầu tư tại podcast Tài Chính Tự Thân: Cơ hội đầu tư.
Chính vì vậy, với bất cứ hình thức đầu tư nào, FinPeace luôn luôn khuyến khích nhà đầu tư phải lập kế hoạch giao dịch. Khi đã có kế hoạch tích sản cổ phiếu hợp lý, nhà đầu tư chỉ đơn thuần thực hiện theo đúng kế hoạch, định kỳ nhìn nhận và điều chỉnh cho phù hợp. Hành trình tích sản nhờ đó sẽ thuận lợi hơn, an toàn hơn và đảm bảo lợi nhuận lâu dài.
5 bước lập kế hoạch tích sản cổ phiếu
Đây là quy trình 5 bước lập kế hoạch tích sản mà FinPeace xây dựng. Đây cũng là quy trình được giảng dạy chuyên sâu trong khoá học “Tích sản cổ phiếu – Đầu tư thông minh và an nhàn” của FinPeace.
Bước 1: Xác định mục tiêu tích sản
Để xác định mục tiêu trong bản kế hoạch tích sản cổ phiếu, bạn sẽ cần trả lời những câu hỏi sau đây:
– Mục tiêu của bạn là gì? Với mục tiêu đó, bạn sẽ cần bao nhiêu tiền?
– Thời gian bạn chuẩn bị cho mục tiêu đó là bao lâu?
– Giá trị của mục tiêu này với người thụ hưởng là gì?
Ví dụ, A là một ông bố đang có mục tiêu tích sản nhằm để tương lai cho con đi du học. Với mục tiêu này, A cần có sự nghiên cứu về trường và ngành học của con, xác định được số tiền ông cần có để đạt được mục tiêu này (cần bao gồm là sự thay đổi về chi phí sau 5 năm). Khi đó, ông sẽ ước tính sơ bộ về khoảng thời gian ông có để thực hiện mục tiêu tích sản này.
Cùng với đó, với tư duy tài chính tự thân, FinPeace luôn nhấn mạnh yếu tố cảm xúc của mỗi mục tiêu tài chính. Người bố cần giao tiếp với con về kế hoạch này của mình. Mỗi tháng thực hiện được hành động tích sản, bố cùng con sẽ đánh dấu vào bảng “Kế hoạch du học”. Đồng thời bố sẽ giao tiếp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để con thấy từng thời khắc trôi qua, bố và con đều đang nỗ lực trên hành trình này.
Bước 2. Xác định dòng tiền
Bước thứ hai để xây dựng kế hoạch tích sản là xác định dòng tiền cần có.
Để bắt đầu tích sản cổ phiếu, điều kiện cần là bạn cần có dòng tiền dương đều đặn hàng tháng. Lý tưởng nhất, đây là dòng tiền nhàn rỗi thường dùng để tiết kiệm. Khi đầu tư khoản tiền này, cuộc sống và các nhu cầu hàng ngày của bạn không hề bị ảnh hưởng. Nói cách khác, đây là dòng tiền mà bạn không có kế hoạch sử dụng đến trong khoảng thời gian dài trước mắt.
Trong khoá học “Tích sản cổ phiếu”, với từng mục tiêu cụ thể, bạn sẽ được các giảng viên hướng dẫn sử dụng một số công cụ để xác định thời gian và dòng tiền cần cam kết đầu tư mỗi tháng.
Bước 3. Chọn cổ phiếu
Bước tiếp theo để lập kế hoạch tích sản là chọn cổ phiếu tích sản. Đây là bước rất quan trọng. Nếu như bạn không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chọn phải cổ phiếu của doanh nghiệp có giá trị nội tại không tốt, lợi nhuận lâu dài của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Do tích sản cổ phiếu là trường phái đầu tư giá trị, bạn có thể tìm hiểu về phương pháp phân tích cơ bản để học cách đo lường giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính của cổ phiếu đó.
Các chuyên gia tại FinPeace gợi ý bạn nghiên cứu cổ phiếu của những công ty có tiềm năng phát triển ít nhất trong 3-5 năm tới, nằm trong top 5 của ngành hàng, biên lợi nhuận an toàn trong khoảng 10 đến 20% và một số yếu tố khác.
Ngoài ra, khi tích sản cổ phiếu, vì bạn sẽ nắm giữ cổ phiếu đó trong một thời gian dài, bạn có thể suy nghĩ sâu sắc hơn về ý nghĩa của tài sản đó với giá trị cốt lõi và lối sống của bạn. Ví dụ, một người ăn chay sẽ không muốn đầu tư vào một công ty có hoạt động giết hại, áp bức động vật. Một người theo đuổi lối sống xanh sẽ không muốn đầu tư vào những doanh nghiệp huỷ hoại môi trường.
Bước 4: Quản trị rủi ro
Dù tích sản cổ phiếu là một hình thức đầu tư tương đối an toàn, bạn vẫn cần có bước quản trị rủi ro trong bản kế hoạch tích sản của mình.
Đầu tiên, bạn cần có nhật ký giao dịch, ghi chép lại tiến trình tích sản cổ phiếu của mình. Cùng với việc bạn đã mua cổ phiếu nào vào ngày bao nhiêu, bạn cũng có thể quan sát cảm xúc, trạng thái của mình khi thực hiện giao dịch đó. Bạn có cảm thấy tự hào khi mình đã đi thêm được một bước trong hành trình tích sản của mình? Hay bạn cảm thấy sốt ruột, nghi ngờ sự lựa chọn của bản thân? Bạn có từng mong muốn dừng lại kế hoạch tích sản này để theo đuổi trường phái đầu tư ngắn hạn? Hãy ghi chép cả cảm xúc của mình, nhận biết chúng và cân nhắc trước khi đưa ra bất cứ hành động nào nằm ngoài kế hoạch tích sản.
Điều quan trọng tiếp theo là bạn cần hiểu rõ và tuân thủ các điều kiện thoát vị thế (điều kiện phải bán). Ví dụ, năm 2020, sau khi ông Nguyễn Bá Dương-Chủ tịch HĐQT Coteccons rời đi thì công ty đã mất vị thế công ty xây dựng số 1 và giá cổ phiếu CTD giảm 30% chỉ trong 1 tháng. Lúc này, nhận thấy rằng bộ máy nhân sự, HĐQT của công ty mình đang đầu tư có vấn đề, bạn sẽ cần có hành động thoát vị thế, để đảm bảo tài sản của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần có sự phân tích và so sánh giá để biết khi nào nắm giữ, khi nào dừng mua tiếp. Các nguyên tắc này sẽ được giải thích cụ thể trong khoá học “Tích sản cổ phiếu”.
Bước 5: Hành động
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước trên để lập ra kế hoạch tích sản, bước tiếp là hành động – hành động càng sớm càng tốt. Tích sản cổ phiếu buộc phải có một khoảng thời gian đủ dài mới đạt được kết quả. Vì vậy, càng bắt đầu sớm, bạn sẽ càng sớm nhìn thấy thành quả.
Bạn cần gạt bỏ tâm lý rằng: Tôi phải có rất nhiều tiền thì tôi mới bắt đầu đầu tư. Tích sản cổ phiếu là hình thức đầu tư với số vốn khởi đầu rất nhỏ, chỉ cần bạn kiên trì hàng tháng. Dù rằng hiện tại, số tiền nhàn rỗi của bạn chưa nhiều, thậm chí chỉ có 500 nghìn hay 1 triệu mỗi tháng, bạn cũng có thể bắt đầu với số vốn nhỏ và tăng dần theo sự phát triển thu nhập của bạn.
Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace, có gần 20 năm kinh nghiệm đầu tư và quản lý tài sản khách hàng cá nhân, đã chia sẻ rằng: “Bây giờ, hơn bao giờ hết là thời điểm bạn cần lấy lại sự chủ động điều khiển, kiểm soát tình hình tài chính của mình. Sự tự chủ đó sẽ giúp bạn có cảm xúc tích cực từng phút giây, ngay tại ở đây và bây giờ, không phải chờ đợi phép màu của tương lai xa vời.”
Với những người đang có kế hoạch tích sản cổ phiếu, các bạn thường có một số câu hỏi phổ biến khác như:
- Nếu dòng tiền hàng tháng của tôi đang biến động và chưa dương đều thì có thể tích sản không?
- Nếu tôi vẫn còn đang có một vài khoản nợ thì tôi có nên tích sản không hay tôi nên ưu tiên việc trả nợ trước?
- Nếu tôi chưa từng đầu tư cổ phiếu thì tôi nên bắt đầu tích sản như thế nào?
Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong khoá học “Tích sản cổ phiếu“. Hẹn gặp bạn tại khoá học.