Đầu tư chứng khoán trong lạm phát cần lưu ý gì?

Đầu tư chứng khoán trong lạm phát cần lưu ý gì?

Ảnh hưởng của lạm phát lên giá cả tiêu dùng và những biến động của nền kinh tế đã làm dấy lên nhu cầu bỏ tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư để giữ giá cho tiền, chống lại lạm phát. Với đà phát triển tăng vọt trong 2 năm 2020 – 2021, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư được rất nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, FinPeace sẽ tổng hợp lại những nội dung chính mà chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đã chia sẻ trong tập Podcast Đầu tư chứng khoán trong lạm phát cần lưu ý gì? trên Báo điện tử VnExpress.  

Đặc điểm của thị trường chứng khoán hiện tại

Kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn biến động mạnh, gần đây nhất là tình hình chiến tranh Nga-Ukraine và chuyển biến trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Những sự kiện này làm cho bản đồ kinh tế thế giới thay đổi rõ rệt, và thị trường chứng khoán cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Chứng khoán Việt Nam trong 3 năm qua cũng chứng kiến nhiều thay đổi nổi bật về mặt thị trường và con người. 

Về thị trường, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang ở vị trí tương đối vững vàng và sở hữu nội lực kinh tế tốt. Chính nguồn nội lực này cho phép Việt Nam được quyền chọn hiệu ứng của các cổ phiếu trên sàn. Thị trường chứng khoán nhờ đó có thể đứng vững hơn trước những biến động kinh tế vĩ mô. 

Có thể thấy rằng, dù thị trường đi xuống nhưng nỗi sợ mất thanh khoản không còn tồn tại, bởi vẫn có những nhóm ngành đi ngang, thậm chí đi lên ngược với xu hướng thị trường như xuất nhập khẩu, khai khoáng,…Nguyên nhân là do cấu trúc các doanh nghiệp trên sàn đã có sự đồng đều hơn trước, các doanh nghiệp có nội lực lớn hơn nên dù chỉ số index có giảm thì nội tại các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Một cách dễ hiểu, giá cổ phiếu của một doanh nghiệp giảm không phải do doanh nghiệp ấy hoạt động kém, nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm đầu tư chứng khoán trong lạm phát. 

Về mặt con người, từ cuối năm 2019 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chứng khoán Việt Nam có thêm một lượng lớn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường. Người dân dành nhiều sự quan tâm hơn cho chứng khoán là một dấu hiệu tốt, tuy nhiên hầu hết nhà đầu tư F0 đều có chung một điểm yếu là kiến thức nông hơn so với người cũ. Nhiều người tham gia thị trường chỉ vì thấy có cơ hội kiếm tiền, và việc thị trường diễn biến một chiều trong suốt thời gian dài 2020-2021 lại càng khiến họ không để tâm tới việc tích lũy kiến thức. Hậu quả, khi thị trường đổi chiều và đi xuống liên tục vào năm 2022, họ không đủ kiến thức và kinh nghiệm để xoay xở và bảo vệ khoản đầu tư của mình. 

Có nên bắt đầu đầu tư chứng khoán trong lạm phát không?

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, thời điểm tốt nhất để đầu tư chứng khoán là ngay hôm nay. Đừng để những biến động ngắn hạn của thị trường ảnh hưởng đến việc đầu tư dài hạn của bạn. 

Trước khi bước vào thị trường chứng khoán, bạn hãy xem xét hai vế: Thứ nhất là điều kiện thị trường, thứ hai là năng lực của bạn. Trong đó, vế thứ hai đóng vai trò quan trọng hơn.

Về điều kiện thị trường, có thể thấy rằng lạm phát không ảnh hưởng quá nhiều đến chứng khoán. Hiện tại, thị trường chứng khoán đã đi qua giai đoạn giảm giá rất sâu và đang bước vào giai đoạn đi ngang (Sideway). Đây là thời điểm vàng cho những ai đã đầu tư cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. 

Sau những thay đổi lớn về kinh tế, tỉ lệ đầu tư ban đầu của bạn có thể sẽ không còn hợp lý nữa trước sự xuất hiện của những ngành mới có tiềm năng trở thành mũi nhọn của nền kinh tế như giáo dục, công nghệ,…Đối với những người đang phân vân không biết nên đầu tư chứng khoán trong lạm phát luôn hay chờ thị trường “khởi sắc”, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh tin rằng một thị trường “bình lặng” như hiện tại sẽ giúp bạn bình tĩnh từng bước tìm hiểu thị trường và nâng cao năng lực đầu tư, trước khi thị trường tiến tới những giai đoạn biến động hơn.  

Về năng lực bản thân, dù đã, đang hay chuẩn bị tham gia thị trường chứng khoán,việc trau dồi kiến thức đầu tư đều rất cần thiết. Sau cú đảo chiều của thị trường vào đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư F0 mới nhận ra tầm quan trọng của kiến thức đầu tư đối với việc ứng phó với những điều kiện khác nhau của thị trường. 

Chuẩn bị những gì để đầu tư chứng khoán trong lạm phát?

Mục tiêu đúng đắn

Mục tiêu đúng đắn sẽ dẫn tới kế hoạch đúng đắn và sự chuẩn bị đầy đủ cho mục tiêu đó. Lí do nhiều nhà đầu tư F0 thua lỗ giai đoạn qua là vì họ bước vào thị trường chứng khoán với mục tiêu tranh thủ cơ hội kiếm tiền, theo đuổi “lãi”. Thực ra mục tiêu này không sai, nhưng khó trở thành động lực thúc đẩy chúng ta đầu tư bền vững. Nếu chỉ theo đuổi mục đích đầu tư có lãi, việc đầu tư của bạn sẽ giống như một canh bạc. Theo góc nhìn Tài chính tự thân, đây là biểu hiện của việc chỉ phóng tầm nhìn ra ngoài mà không soi chiếu lại nguồn lực, mong muốn sâu thẳm của bản thân mình. 

Khi đầu tư chứng khoán trong lạm phát, bạn hãy nghĩ về việc đầu tư  sao cho thắng được tỉ lệ lạm phát của thị trường. Mục tiêu này sẽ mở ra cho bạn phương hướng đầu tư rõ ràng hơn. Ví dụ, mức lạm phát hiện tại là 5%. Bạn sẽ cần tìm cổ phiếu có lợi nhuận cao hơn 5%. Từ mục tiêu ấy, bạn tìm hiểu lợi nhuận của một số doanh nghiệp trong vòng 5, 10 năm gần đây, so sánh chúng với nhau và chọn ra doanh nghiệp có tăng trưởng trung bình đạt mức 8-9%. Bạn kiên định nắm giữ cổ phiếu này lâu dài, vậy là đã đạt mục tiêu chiến thắng được lạm phát. 

Hiểu biết về thị trường và sản phẩm đầu tư

Dù đầu tư vào chứng khoán hay bất cứ kênh nào, việc hiểu rõ đặc tính thị trường bạn tham gia và sản phẩm bạn nắm giữ là điều bắt buộc. Khi đầu tư chứng khoán trong lạm phát, bạn phải xác định sẽ nắm giữ cổ phiếu lâu dài bởi không thị trường nào, doanh nghiệp nào có thể tăng trưởng sau vài ngày đêm.

Giả sử bạn muốn tìm một doanh nghiệp có mức tăng trưởng trung bình cao hơn lạm phát, đầu tiên, bạn cần tìm đọc về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó, lợi nhuận những năm trước ra sao, tiềm năng phát triển trong tương lai thế nào,…Những thông tin này không khó tìm, nhưng thường bị những nhà đầu tư mới chủ quan bỏ qua. Khi có thông tin rồi, bạn sẽ tự tin và kiên định hơn khi nắm giữ cổ phiếu ấy dài hạn.

Hai phương án đầu tư chứng khoán trong lạm phát

Để bắt đầu đầu tư trong giai đoạn này, bạn có thể lựa chọn giữa một trong hai phương án: Đầu tư định kỳ và Đầu tư một lần. 

Đầu tư định kỳ (Systematic Investment Plan)

Đầu tư dài hạn là gì?

Systematic Investment Plan (SIP) là kế hoạch đầu tư có hệ thống, liên tục và định kỳ vào một tài sản nhất định. Với cách đầu tư này, điều bạn cần không phải là một cục tiền lớn, mà là một dòng tiền ổn định hàng tháng và phải đầu tư liên tục trong một khoảng thời gian dài. Lợi ích của phương pháp đầu tư này có thể kể đến như: Trung bình được giá mua vào, tách bạch được yếu tố cảm xúc khỏi đầu tư, không cần tốn quá nhiều thời gian theo dõi việc đầu tư,…

Đầu tư định kỳ là phương án phù hợp với người mới và có thể bắt đầu ngay nếu bạn có dòng tiền ổn định hàng tháng dành cho đầu tư. Bạn có thể bắt đầu đầu tư chứng khoán trong lạm phát bằng cách mua cổ phiếu ở mức giá trung bình 200 ngày gần nhất đều đặn hàng tháng. Giả sử với số vốn 100 triệu, bạn đều đặn mua mỗi tháng 2 triệu trong 50 tháng liên tiếp, giá mua của bạn sẽ là giá trung bình trong dài hạn. 

Đầu tư một lần

Đầu tư một lần là gì?

Với phương án đầu tư một lần, bạn sẽ bỏ toàn bộ vốn đầu tư của mình vào một lần mua. Thay vì chia nhỏ thành 50 lần đầu tư, mỗi lần 2 triệu, bạn sẽ mua liền lúc 100 triệu tiền cổ phiếu. Phương án này đòi hỏi nhà đầu tư phải có am hiểu nhất định về thị trường và biết cách định giá doanh nghiệp, do đó sẽ phù hợp hơn với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm và nguồn vốn lớn. Cần nhớ, kinh nghiệm ở đây không nên tính bằng số năm bạn tham gia thị trường, mà nhà đầu tư chỉ nên được gọi là có kinh nghiệm khi đã trải qua đủ những giai đoạn thăng trầm của thị trường chứng khoán. Do đó, với đối tượng mới muốn đầu tư chứng khoán trong lạm phát, FinPeace không khuyên bạn làm theo cách này. 

Bên cạnh đó, người đầu tư một lần cần trang bị thêm kỹ năng quan sát cung – cầu thị trường, bởi lựa chọn thời điểm mua – bán đúng sẽ mang ý nghĩa quyết định đến cục tiền lớn của bạn. Nếu mua – bán khi thị trường không có cung – cầu, bạn rất dễ rơi vào rủi ro mua đắt, bán rẻ. Để lựa chọn được thời điểm tốt, bạn có thể làm như sau: 

Giả sử bạn đọc phân tích thấy cổ phiếu FPT được định giá là 100 nghìn. Nếu cổ phiếu FPT đang được bán với giá 120 nghìn, tức là cao hơn định giá, thì đây là dấu hiệu bạn không nên mua ngay. Còn nếu giá giao dịch trên thị trường của cổ phiếu FPT đang là 80 nghìn, bạn có thể yên tâm mua vào ngay lúc đó. 

Cần nhớ, không một chuyên gia nào có khả năng chỉ ra cho bạn thời điểm giá rẻ nhất để mua vào. Do đó, bạn hãy tự giảm thiểu rủi ro của mình bằng cách bình tĩnh chờ giá giao dịch xuống thấp hơn giá trị định giá rồi mua như trên hoặc sử dụng phương pháp đầu tư định kỳ. 

Tạm kết

Lạm phát, cũng giống như bất kỳ biến động kinh tế nào khác, xét đến cùng chỉ là một thử thách ngắn hạn mà nhà đầu tư cần vượt qua trên hành trình đầu tư dài hạn của mình. Thay vì lùi bước chờ thị trường lên để  đi tiếp, những nhà đầu tư có bản lĩnh sẽ chọn đi qua biến động để tích lũy kinh nghiệm cho mình. FinPeace tin rằng, người vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất sẽ là người được nhiều nhất về dài hạn, cả về lợi nhuận lẫn kinh nghiệm đầu tư. Để tránh lạm phát, bạn hãy bắt đầu ngay hôm nay với hình thức tích sản cổ phiếu, hoặc tham gia khoá học đầu tư chuyên nghiệp ProTrading cùng FinPeace

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận