Hiểu về lạm phát & Lý do bạn nên đầu tư ngay hôm nay

lạm phát
Nếu có trong tay 100 tỉ đô, bạn sẽ làm gì? Mua nhà, mua xe, sở hữu tất cả những thứ đắt đỏ mà bạn mơ ước cả đời có khi cũng chỉ tiêu tốn một góc của khoản tiền kếch xù ấy. Thế nhưng, bạn đã bao giờ tưởng tượng đến việc 100 tỉ đô chỉ mua được…3 quả trứng chưa?

Nghe có vẻ hoang đường, nhưng đây lại chính là thực trạng tại đất nước Zimbwabue vào năm 2008. Cùng một số tiền, 10 năm trước đó người dân Zimbwabue có thể mua 12 chiếc xe hơi, nhưng tới thời điểm đất nước này gặp tình trạng siêu lạm phát kéo dài (với tỉ lệ là 3.5 triệu % mỗi tháng), thì 12 chiếc xe hơi này cũng chỉ ngang với một ổ bánh mì. Lạm phát đã phá hủy giá trị đồng nội tệ của quốc gia này, cho tới nay, nền kinh tế Zimbwabue vẫn chưa thể hồi phục.

Lạm phát là một vấn đề kinh tế vĩ mô, nhưng ảnh hưởng của nó lại theo chân đồng tiền len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống “vi mô”, ảnh hưởng tới tình hình tài chính của mỗi cá nhân. Mọi biến động của nền kinh tế và xã hội đều có thể được phản ánh lên đồng tiền bạn cầm hàng ngày, thông qua sự tăng – giảm giá trị của nó. Nói cách khác, là thông qua tỉ lệ lạm phát.

Vậy, lạm phát là gì?

Đây là một trong những hiện tượng kinh tế phản ánh sự suy giảm sức mua của đồng tiền, hay thường được gọi là khi “đồng tiền mất giá”. Người ta biết hiện tượng này xảy ra khi mức giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục so với trước đó, khiến người tiêu dùng phải chi ra nhiều tiền hơn để duy trì mức sống như trước đây.

lạm phát
Lạm phát là gì?

Ví dụ, trước đây bạn chỉ tốn 50 nghìn đồng cho một suất cơm, nhưng bây giờ phải bỏ ra 70 nghìn đồng cho đúng suất cơm đó. Số tiền 70 nghìn đồng ở hiện tại chỉ bằng 50 nghìn đồng trong quá khứ, đó là do tác động của lạm phát.

lạm phát

Phân loại lạm phát

Có hai cách phân loại phổ biến, đó là theo tính chất và theo mức độ.

Theo tính chất, lạm phát được chia ra thành hai loại: Lạm phát dự kiến (expected inflation) và lạm phát không dự kiến (unexpected inflation).

  • Lạm phát dự kiến (expected inflation): Là tỷ lệ lạm phát được dự đoán dựa trên mức độ lạm phát trong quá khứ và phỏng đoán của các cá nhân về tình hình tăng giá trong tương lai. Loại lạm phát này không gây ảnh hưởng nhiều, chỉ tác động đến việc điều chỉnh chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
  • Lạm phát không dự kiến (unexpected inflation): Là tình trạng lạm phát khi nền kinh tế phải trải qua một cú sốc lớn (chiến tranh, khủng hoảng, dịch bệnh,…), hoặc do các tác nhân trong nền kinh tế không dự kiến được.

Theo mức độ, lạm phát được chia ra làm ba loại: Lạm phát tự nhiên, lạm phát phi mã và siêu lạm phát.

  • Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%
  • Lạm phát phi mã: 10 – dưới 1000%
  • Siêu lạm phát: trên 1000%

Dựa theo phân loại trên, có thể thấy ví dụ về Zimbwabue ở phần mở đầu rơi vào phân loại siêu lạm phát. Trường hợp của Zimbwabue là hiếm thấy, vì hầu hết các quốc gia đều muốn và duy trì tỷ lệ lạm phát ở quốc gia mình ở mức xấp xỉ 5% (tức là lạm phát tự nhiên). Việt Nam từ năm 2015 tới nay cũng đều duy trì được tỷ lệ này ở mức dưới 4% – là tỉ lệ an toàn mà chính phủ mong muốn.

Ảnh hưởng của lạm phát tới tài chính cá nhân

Không phải ai cũng đủ quan tâm và kiến thức để theo dõi tình hình tài chính qua những con số thống kê khô khan. Chính vì vậy, chúng ta thường khá thụ động trước những biến động không quá bất ngờ của nền kinh tế. Lạm phát không phải một cú sốc về giá, không lập tức khiến bạn “lao đao” tìm cách giải quyết vấn đề chi tiêu, nhưng không bởi thế mà chúng ta có thể ngó lơ yếu tố này, vì nó ảnh hưởng lên tình hình tài chính của bạn một cách liên tục, nhiều và lâu dài hơn bạn nghĩ.

Ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong chi tiêu

Mọi hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế đều là một mắt xích trong quá trình lưu thông, cho nên ảnh hưởng của lạm phát không dừng lại trong phạm vi một lĩnh vực cụ thể nào.

Điển hình là khi giá cả nhiên liệu gặp lạm phát, mọi nhu cầu từ ăn uống đến đi lại của cá nhân bị đội thêm một phần chi phí do giá xăng tăng. Giá tăng dầu tăng ảnh hưởng tới chi phí di chuyển (xe ôm công nghệ, xe buýt, taxi…), giá thực phẩm (chi phí vận chuyển, giao hàng),…Đây đều là những khoản chi thiết yếu, nên bất cứ ai cũng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Thu nhập thực tế giảm

Thu nhập danh nghĩa (Tiền lương danh nghĩa) là là mức lương biểu thị bằng giá trị của đồng tiền hiện hành. Bởi có những yếu tố như lạm phát ảnh hưởng tới giá trị của đồng tiền, thu nhập danh nghĩa không phản ánh chính xác mức sống của một cá nhân.

Thu nhập thực tế (Tiền lương thực tế) được tính bằng cách lấy tiền lương danh nghĩa (W) chia cho mức giá chung (P) của hàng hóa và dịch vụ. Thu nhập thực tế thường được viết dưới dạng:

Thu nhập thực tế = W:P

Nói một cách dễ hiểu, nếu thu nhập danh nghĩa tính bằng tiền, thì thu nhập thực tế tính bằng số hàng hóa dịch vụ mà một người có thể mua bằng số tiền đó. Lạm phát không làm giảm thu nhập danh nghĩa của một cá nhân, nhưng do mức giá trung bình của hàng hóa dịch vụ tăng, nên dựa vào công thức trên, có thể thấy số hàng hóa dịch vụ mà mà cá nhân đó có thể mua cũng giảm theo.

Ví dụ, với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng, một sinh viên mới ra trường có thể trả đủ tiền nhà (1), tiền ăn (2), tiền đi lại (3) và tiền giải trí (uống cà phê, đi xem phim,…) (4). Khi giá xăng dầu tăng do lạm phát, tiền đi lại và tiền ăn (mua thực phẩm) cũng tăng, mức lương 8 triệu trên giờ chỉ đủ trả tiền nhà, tiền ăn và tiền đi lại. Số dịch vụ mà sinh viên này có thể mua giảm từ 4 xuống 3 (trừ đi tiền giải trí) thể hiện cho sự sụt giảm của thu nhập thực tế.

Lạm phát còn ảnh hưởng tới nguồn thu nhập từ các khoản lãi và lợi tức của cá nhân. Lạm phát càng cao, thu nhập từ nguồn lãi và lợi tức của bạn càng giảm.Ví dụ, bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất 7% mỗi năm, nhưng tỷ lệ lạm phát của năm đó là 3%, thì lãi suất thực tế bạn nhận được chỉ còn: 7% – 3% = 4%.

Phá vỡ các kế hoạch tiết kiệm lâu dài

Với những cá nhân có thói quen tiết kiệm cho những kế hoạch lớn lâu dài như mua nhà, mua xe, nghỉ hưu,…bằng tiền mặt, thì lạm phát là một cơn ác mộng khổng lồ. Khoản tiết kiệm còn dư từ tiền lương sau khi trừ đi toàn bộ các khoản chi tiêu thiết yếu của bạn không thể theo kịp tốc độ của lạm phát. Kể cả khi các doanh nghiệp có cơ chế tăng lương theo trượt giá (là khoản tăng thêm để bù đắp sự mất giá của đồng tiền) thì mức tăng 3-5% mỗi năm cũng không thấm vào đâu so với mức tăng giá nhà đất, xe hơi trong cơn “sốt nhà”, “sốt xe” những năm gần đây. Việc tiết kiệm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng cho những kế hoạch lớn trong tương lai trở nên xa tầm với.

Tại sao bạn nên đầu tư ngay hôm nay?

Lạm phát có sức ảnh hưởng trong thời gian dài, nên cách cắt giảm chi tiêu tối đa hoặc giảm mức sống hàng ngày xuống không phải là cách tốt để đối phó với lạm phát. Cách làm này tưởng như để thích nghi với lạm phát, nhưng thực chất lại là “tiếp tay” cho nó trong việc làm suy giảm chất lượng sống của chính chúng ta. Vậy thì, đâu mới là hướng đi đúng đắn?

Câu trả lời mà FinPeace dành cho bạn chính là để đồng tiền của bạn được tự mình sinh lời thông qua đầu tư. Đầu tư vốn hay đi liền với rủi ro, nhiều người cho rằng khi đồng tiền mất giá thì giữ tiền sẽ có ích hơn tiêu tiền vào những thứ không thiết yếu như các sản phẩm tài chính. Tuy nhiên, ở phần này, FinPeace sẽ liệt kê những lí do tại sao các cá nhân nên bắt đầu đầu tư ngay hôm nay.

Đầu tư là một cách đối phó với lạm phát: Cuối năm 2021 vừa rồi, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng, sang năm 2022, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam có nguy cơ không giữ được ở mức an toàn (4%). Kể cả bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 8%, tỷ lệ lạm phát có thể vượt quá 2 con số (10%), và khi đó tài sản của bạn vẫn bị mất giá. Còn khi bạn đầu tư, bạn đang giúp cho đồng tiền của mình luôn lưu động trên thị trường, đồng thời làm gia tăng quy mô tài sản. Lạm phát có thể là một vấn đề kinh tế vĩ mô, nhưng chắc chắn có ảnh hưởng đến giá trị các tài sản tài chính của bạn. Việc đầu tư là một cách để bảo vệ tài sản của bạn trước tác động của lạm phát.

Giá các sản phẩm tài chính đang ngày càng tăng: Cũng do hệ quả của lạm phát, giá của các sản phẩm tài chính ngày càng đắt đỏ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một công dân Hàn Quốc phải tiết kiệm 26 năm để sở hữu một căn hộ tầm trung. Ở những thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, con số này thậm chí lên đến 30 năm. Theo thống kê của trang batdongsan.com.vn, giá nhà tại TP.HCM đã tăng 21 lần trong vòng 16 năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa với việc càng về sau, khả năng bạn vươn lên để nắm giữ các tài sản tài chính lại ngày càng khó khăn.

Đọc thêm bài viết: Nhận diện bẫy chi phí chìm trong quản lý tài chính cá nhân.

Lời kết

Lạm phát là một hiện tượng kinh tế phổ biến, đặt ra cho chúng ta bài toán làm sao để bảo vệ tài sản của bản thân trước sự sụt giá của đồng tiền. Theo quan điểm của FinPeace, chủ động đối phó với lạm phát bằng các khoản đầu tư từ sớm vào những kênh ổn định hơn tiền mặt là một cách làm thông minh. Bắt đầu đầu tư từ sớm cũng là cách để bạn “làm giàu” kinh nghiệm sống và học cách chấp nhận rủi ro với tài chính của mình. Không phải ai cũng cần đầu tư mới vượt qua được lạm phát, nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, hoặc đang đắn đo không biết có nên bắt đầu tập đầu tư hay không, thì hy vọng bài viết này của FinPeace sẽ cho bạn thêm những thông tin bạn cần để ra những quyết định đúng đắn.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

2 bình luận về “Hiểu về lạm phát & Lý do bạn nên đầu tư ngay hôm nay”

Bình luận