Sideway là gì – Cách nhận biết thị trường Sideway

thị trường sideway là gì?
“Lên rồi lại xuống ấy mà!”

“Xuống mãi rồi, thể nào sắp tới cũng lên!”

Bạn có biết, thị trường “đi ngang” – giai đoạn Sideway chiếm đến 70 -80% thời gian của toàn thị trường? Những người mới tập đầu tư chứng khoán thường có xu hướng tập trung vào những giai đoạn uptrend, downtrend mà bỏ qua thị trường sideway này, dẫn đến việc khi thị trường rơi vào sideway, họ sẽ bối rối không biết làm gì với sự “im ắng” ấy. Nếu bạn đang đặt mục tiêu trở thành một nhà đầu tư vững vàng trên thị trường, FinPeace tin rằng kiến thức về sideway và cách nhận biết thị trường sideway là một điều bạn không thể bỏ qua. Trong bài viết này, FinPeace sẽ cùng bạn tìm hiểu về thị trường sideway, tại sao bạn nên quan tâm tới thị trường sideway và cách nhận biết khi thị trường đi vào giai đoạn “bình ổn giá”.

1, Sideway là gì?

Sideway (dịch nôm na là “đi ngang”) trong chứng khoán là trạng thái giá dịch chuyển (tăng/giảm) không theo một xu hướng nhất định. Tức là giá sẽ chỉ dao động với biên độ vừa phải trong phạm vi được giới hạn bằng hai đường hỗ trợ và kháng cự như hình, không tạo được đỉnh hay đáy mới.

thị trường sideway
Sideway là gì?

Đường kháng cự (hay ngưỡng kháng cự) là đường nối các điểm đỉnh. Đường hỗ trợ (hay ngưỡng hỗ trợ) là đường nối các điểm đáy. Khi thị trường bước vào giai đoạn đi ngang (Sideway), hai đường này sẽ tạo thành một hình chữ nhật hoặc tam giác nằm ngang.

2, Thời điểm bắt đầu và kết thúc Sideway

Dù được gọi là giai đoạn biến động không xu hướng, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể xác định được điểm bắt đầu và kết thúc của thị trường sideway một cách khá dễ dàng, cụ thể là:

Thời điểm bắt đầu Sideway:

Thông thường, thị trường sideway sẽ xuất hiện ở cuối một xu hướng tăng hay giảm giá. Tức là sau một thời gian biến động dài hạn có xu hướng cụ thể (tăng/giảm), thị trường sẽ bước đến giai đoạn bình ổn giá. Hiện tượng sideway được coi là chính thức bắt đầu khi đường giá chạm mỗi ngưỡng kháng cự và hỗ trợ 2 lần mà chưa “vượt” ra khỏi giới hạn để tạo được đỉnh hoặc đáy mới.

Thời điểm kết thúc Sideway:

Sideway sẽ kết thúc khi đường giá tạo vượt ra khỏi giới hạn tạo bởi ngưỡng kháng cự và hỗ trợ. Giao điểm giữa đường giá và ngưỡng kháng cự/hỗ trợ gọi là điểm “breakout”. Nếu đường giá phá vỡ đường kháng cự, thị trường sẽ bước vào giai đoạn đi lên (tăng giá). Ngược lại, nếu điểm breakout nằm trên đường hỗ trợ, thị trường sẽ chuyển từ sideway sang xu hướng đi xuống (giảm giá).

3, Tại sao nhà đầu tư cần quan tâm tới Sideway?

Phần lớn hoạt động mua-bán trên thị trường rơi vào giai đoạn sideway:

Nếu chia thị trường chứng khoán ra làm 2 giai đoạn: Biến động có xu hướng (tăng/giảm) và Sideway (đi ngang) thì giai đoạn Sideway chiếm tới 70-80% thời gian trên toàn thị trường. Trên thực tế, giai đoạn sideway ở thị trường chứng khoán Việt Nam ngắn hơn so với vài nước khác trên thế giới (Mỹ), chiếm khoảng 65% tổng thời gian. Điều đó chứng tỏ rằng hơn một nửa thời gian các nhà đầu tư Việt Nam giao dịch trên thị trường sẽ rơi vào giai đoạn sideway. Tìm hiểu và xây dựng chiến lược mua bán riêng cho giai đoạn này của thị trường là cách các nhà đầu tư chuẩn bị tốt nhất cho một tình huống có thể gặp trong hơn nửa thời gian giao dịch của mình.

Xác định được chiến lược mua-bán rõ ràng và tiết kiệm thời gian:

Khó khăn mà thị trường sideway mang lại cho các nhà đầu tư là không cho họ những tín hiệu giao dịch rõ ràng. Điều này xuất phát từ đặc điểm giá trong sideway chỉ dao động với biên độ nhỏ trong một phạm vi giới hạn. Nhiều nhà đầu tư dành rất nhiều thời gian “bám bảng”, theo dõi sát sao từng biến động nhỏ để chờ một cú bật của giá mà không biết điều đó là không thể khi thị trường đang ở giai đoạn sideway. Hiểu về sideway sẽ giúp các nhà đầu tư xác định được điểm mua và điểm bán.

Khi đã nắm được công thức mua bán trong sideway, nhà đầu tư chỉ cần đợi đến đúng ngày đồ thị tạo được hình như công thức để đặt lệnh mua hoặc bán, tiết kiệm được rất nhiều thời gian theo dõi giá và chi phí cơ hội. Công thức này sẽ được FinPeace hướng dẫn cụ thể trong hoá học ,Mua bán trong Sideway.

Tận dụng thị trường sideway để cơ cấu lại nguồn vốn:

Sau một thời gian dài downtrend hoặc uptrend, giai đoạn sideway xuất hiện như một “quãng nghỉ” cho các nhà đầu tư phân bổ lại nguồn vốn. Thị trường cũng cần một khoảng tích lũy trước khi bước vào xu hướng tăng/giảm giá tiếp theo. Đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư xem xét lại danh mục đầu tư của mình, nhận định tình hình các mã trong danh mục và xoay chuyển giữa các mã hợp lý hơn. Thay vì do dự hoặc cố mua/bán rồi thất bại vì không nhận biết được sideway, nhà đầu tư thông minh sẽ tận dụng cơ hội này để nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ các giao dịch trong giai đoạn biến động trước đó và chuẩn bị sẵn sàng cả vốn lẫn tinh thần cho giai đoạn biến động tiếp theo.

4, Cách nhận biết thị trường Sideway

Dù thời điểm bắt đầu và kết thúc của thị trường sideway có thể xác định tương đối dễ dàng, nhận biết thị trường có đang thực sự “đi ngang” hay không lại cần nhiều phân tích hơn thế. Trong phần này, FinPeace sẽ gợi ý cho bạn 3 cách thức phổ biến giúp các nhà đầu tư nhận biết thị trường sideway, lần lượt dựa vào: Đường hỗ trợ và đường kháng cự, chỉ báo Average Directional Index (ADX) và chỉ báo Bollinger Band (BB).

cách nhận biết thị trường sideway
Nhận biết thị trường Sideway như thế nào?

Sử dụng đường hỗ trợ và đường kháng cự

Sử dụng đường hỗ trợ và đường kháng cự, hay còn gọi là chart đơn là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất các nhà đầu tư sử dụng hiện nay. Bằng cách xác định thời điểm bắt đầu sideway, nhà đầu tư sẽ nhận biết được thời điểm chuyển giao từ uptrend/downtrend sang giai đoạn bình ổn giá và ngược lại.

Để xác định vùng sideway bằng chart đơn, nhà đầu tư có thể thực hiện theo 4 bước:

Bước 1: Nối các đỉnh cao với nhau để tạo đường kháng cự

Bước 2: Làm tương tự với các đáy để xác định ngưỡng hỗ trợ

Bước 3: Xác định vùng mà giá không vượt quá hai ngưỡng vừa kẻ

Bước 4: Khi đường giá vượt ra khỏi ngưỡng, đó là lúc thị trường có khả năng bước vào xu hướng mới.

Sử dụng chỉ báo Average Directional Index (ADX)

Avarage Directional Index (ADX) là một chỉ số kỹ thuật dùng để ước lượng sức mạnh xu hướng trong một thời gian nhất định (mức mặc định là 14 ngày), có giá trị dao động từ 0 đến 100. Chỉ số ADX giúp nhà đầu tư vì đo được độ mạnh – yếu của xu hướng, chỉ số ADX là một công cụ đắc lực giúp các nhà đầu tư xác định một giai đoạn cụ thể của thị trường có đang biến động theo xu hướng hay không, tức là xác định được khoảng “đi ngang” của thị trường.

Để xác định thị trường sideway bằng chỉ báo ADX, nhà đầu tư sẽ nhìn vào kết quả chỉ số như sau:

  • 0 – 25: Xu hướng yếu, thị trường đi ngang
  • 25 – 50: Xu hướng mạnh
  • 50 – 75: Xu hướng rất mạnh
  • 75 – 100: Xu hướng cực mạnh

Có thể thấy rằng, chỉ số ADX tỉ lệ thuận với độ mạnh của xu hướng. Nếu kết quả ADX rơi vào khoảng 0 – 25 thì tức là thị trường đang ở giai đoạn sideway.

Sử dụng chỉ báo Bollinger Band (BB)

Bollinger Band (BB) là một chỉ báo phân tích kỹ thuật được sử dụng để đo lường sự biến động của thị trường. Nếu ADX sử dụng con số để đo lường xu hướng, thì BB sẽ cho biết một thị trường đang biến động mạnh hay yếu dựa vào độ rộng – hẹp của dải băng, cụ thể:

  • Khi thị trường không biến động (tức ở giai đoạn sideway), dải sẽ thu hẹp lại
  • Khi thị trường biến động, dải sẽ mở rộng ra

Nhà đầu tư khi nhìn vào tình trạng đường giá so với hai dải BB có thể xác định được thị trường sideway, bởi ở giai đoạn sideway thì lượng mua và bán dường như cân bằng. Chỉ báo BB có thể giúp nhà đầu tư xác định lượng mua và bán một cổ phiếu có đang ngang bằng (tức thị trường có đang đi ngang) hay không: Khi giá bằng hoặc cao hơn dải trên, tức là cổ phiếu đó đang được mua quá mức. Khi giá bằng hoặc thấp hơn dải dưới, cổ phiếu đó đang được bán ra rất nhiều.

Các công cụ trên có thể được các nhà đầu tư sử dụng đơn lẻ, kết hợp với nhau, hoặc với các công cụ khác để hỗ trợ việc nhận biết thị trường sideway. Khi nắm được nguyên lý hoạt động và cách sử dụng, các công cụ này sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc dự đoán xu hướng và giao dịch trong các giai đoạn khác nhau của thị trường chứng khoán.

Tạm kết

Thị trường sideway có thể là thách thức đối với nhiều người, nhưng cũng là cơ hội nếu bạn hiểu và biết cách tận dụng. Ở mỗi giai đoạn của thị trường, nhà đầu tư lại cần một chiến lược mua bán riêng để thích nghi với đặc điểm của giai đoạn ấy. FinPeace tin rằng việc nhận biết sự chuyển mình của thị trường biến động sang thị trường sideway (hoặc ngược lại) là bước đầu để bạn lên kế hoạch mua bán tối ưu cho chính mình.

Thị trường lên xuống có thời, việc đầu tư không phải lúc nào cũng “sôi động” như mong đợi. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần nhạy bén với điều đó, và không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để thích nghi. Theo FinPeace, một nhà đầu tư vững vàng trên thị trường là người luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, để khi tình huống không mong muốn xảy ra, họ đã có sự chuẩn bị phương án từ trước để đối phó kịp thời, hạn chế rủi ro nhất có thể.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

1 bình luận về “Sideway là gì – Cách nhận biết thị trường Sideway”

Bình luận