Phân tích kỹ thuật là gì – Tất cả thông tin cơ bản bạn cần biết

phân tích kỹ thuật
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp phân tích quan trọng mà bất cứ ai muốn tham gia đầu tư chứng khoán đều nên biết. Nếu như phân tích cơ bản đòi hỏi kiến thức bao quát, sự hiểu biết rộng rãi về thị trường, thì phân tích kỹ thuật yêu cầu nhà đầu tư phải nắm rõ các công cụ định lượng được sử dụng trong nhiều biểu đồ kỹ thuật. Cả hai phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng và có thể áp dụng ở nhiều tình huống giao dịch khác nhau.

Trong bài viết này, FinPeace sẽ cùng bạn làm rõ những thông tin quan trọng nhất bạn cần biết về phân tích kỹ thuật.

1, Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật (technical analysis) là phương pháp nghiên cứu các thống kê về biến động giá, khối lượng giao dịch để đánh giá hoạt động của các mã chứng khoán và dự đoán các xu hướng giá trong tương lai. Với phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư chứng khoán sẽ sử dụng các chỉ số, biểu đồ, mô hình để xem xét các biến động cung – cầu của cổ phiếu, từ đó dự đoán về những thay đổi về giá và khối lượng giao dịch trong thời gian tới. Từ đó, nhà đầu tư sẽ quyết định thời điểm mua vào, bán ra, hay nắm giữ cổ phiếu.

phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là gì?

Phương pháp này được ra đời vào những năm 1800 bởi Charles Dow qua Lý thuyết Dow và được coi là tiền đề để phát triển các loại hình phân tích kỹ thuật sau này như trendline, RSI, MACD, sóng Elliott…. Sau khi ông qua đời đột ngột khiến lý thuyết này bị dang dở, một số nhà nghiên cứu khác gồm William P. Hamilton, Robert Rhea, Edson Gould và John Magee đã đóng góp thêm vào các khái niệm của lý thuyết Dow, giúp hình thành nên cơ sở đầy đủ hơn cho phương pháp này.

2, 03 giả định được chấp nhận về phân tích kỹ thuật

phân tích kỹ thuật

Muốn hiểu được và đi theo phương pháp phân tích kỹ thuật, bạn buộc phải chấp nhận 3 giả định nền móng sau:

Giá phản ánh tất cả

Phân tích kỹ thuật cho rằng, bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như chính trị, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý,… đều đã được phản ánh trong giá. Phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng, khi giá tăng hay giảm dù bất cứ lý do nào thì đều là do cung cầu, khi cầu vượt cung thì giá tăng và ngược lại. Đồ thị không làm cho thị trường lên hay xuống, mà chỉ có thể phản ánh tình hình thị trường mà thôi.

Giá di chuyển theo xu hướng (trends)

Giả định này cho rằng, thị trường luôn di chuyển theo xu hướng nhất định và sẽ giữ nguyên xu hướng này cho đến khi đảo chiều. Do đó, mục đích của việc phân tích kỹ thuật là nhằm xác định sớm những xu hướng giá, và giúp nhà đầu tư tham gia giao dịch trên cơ sở những xu hướng này.

Lịch sử sẽ lặp lại

Giả thuyết này cho rằng: tương lai chỉ là sự lặp lại của quá khứ. Bản chất lặp đi lặp lại của các xu hướng thường là do tâm lý thị trường, và là những điều rất dễ đoán như tâm lý sợ hãi hoặc phấn khích. Nhiều hình thức phân tích kỹ thuật đã được sử dụng trong hơn 100 năm, và được giả định là sẽ tiếp tục hiệu quả trong tương lai bởi các xu hướng tâm lý thường không thay đổi.

3, Vai trò của phân tích kỹ thuật

Về vai trò của phương pháp kỹ thuật, 3 chức năng chính của phương pháp này có thể gọi tên như sau:

  • Vai trò báo động: Phân tích kỹ thuật cảnh báo sự phá vỡ các ngưỡng an toàn. Với các trader, việc nhận biết sớm các dấu hiệu về những ngưỡng an toàn này sẽ giúp họ có hành động mua vào bán ra kịp thời, tránh những tổn thất và rủi ro thua lỗ.
  • Vai trò xác nhận: Khi kết hợp một phương pháp phân tích kỹ thuật với một phương pháp phân tích kỹ thuật khác, hoặc phương pháp đầu tư cơ bản, các nhà đầu tư có thể đưa ra kết luận chính xác và tối ưu hơn.
  • Vai trò dự đoán: Nhà đầu tư có thể sử dụng các kết luận của phân tích kỹ thuật để dự đoán các xu hướng giá trong tương lai với kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng bản chất của phân tích kỹ thuật là thống kê dựa trên trạng thái thị trường trong quá khứ, vì vậy nhà đầu tư cần chấp nhận rủi ro nếu như dự đoán sai và cần hiểu rằng, không có dự đoán nào có thể chính xác 100%.

4, Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật

Như đã nói từ đầu bài, dù đóng góp rất nhiều vai trò trong hành trình đầu tư của các trader, phân tích kỹ thuật vẫn có những ưu điểm và hạn chế cụ thể.

phân tích kỹ thuật
So sánh ưu điểm và nhược điểm của phân tích kỹ thuật

Về ưu điểm:

  • Cho kết quả nhanh: Phân tích kỹ thuật thường cho kết quả nhanh, không cần sử dụng quá nhiều kiến thức tài chính để có thể bắt đầu. Đồng thời, bởi diễn biến giá trên biểu đồ thường đi trước phân tích cơ bản, các nhà đầu tư phân tích kỹ thuật thường có thể dự đoán được xu hướng giá trong tương lai sớm hơn.
  • Hỗ trợ tìm điểm mua/ điểm bán: Phân tích kỹ thuật giúp xác định thời điểm mua bán thích hợp. Nhiều nhà đầu tư thường sử dụng phân tích cơ bản để quyết định mua gì và phân tích kỹ thuật để quyết định mua khi nào để có thể cải thiện lợi nhuận.
  • Đa dạng sự lựa chọn: Có rất nhiều các chỉ báo kỹ thuật và các mô hình giá. Do đó, phương pháp giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật tạo ra rất nhiều sự lựa chọn đa dạng cho các nhà đầu tư. Từ đó, họ có thể xem xét, nghiên cứu, lựa chọn các công cụ chỉ báo phù hợp nhất với phong cách và mục tiêu của bản thân.

Về nhược điểm:

  • Tính tương đối: Mặc dù có các tiêu chuẩn cụ thể, hai nhà phân tích kỹ thuật xem cùng một biểu đồ, vào cùng một thời gian vẫn có thể đưa ra hai kịch bản khác nhau. Cả hai đều có thể đưa ra các chỉ số, các biểu hiện trên biểu đồ để biện minh cho sự phân tích của mình. Đồng thời, không phải tất cả các mô hình và chỉ báo đều đưa ra tín hiệu chính xác ở mọi thời điểm. Vì vậy, phân tích kỹ thuật là có tính tương đối, không phải một bộ phân khoa học chính xác, và phụ thuộc nhiều vào ý kiến cá nhân của người xem.
  • Dễ mất phương hướng: Nhiều người tin rằng, càng sử dụng nhiều chỉ số, bạn càng có khả năng phân tích chính xác. Tuy nhiên, nhiều chỉ số giao dịch lại mâu thuẫn lẫn nhau, và việc sử dụng đồng thời nhiều chỉ số có thể khiến các nhà giao dịch mất phương hướng. Để lựa chọn ra được chỉ số phù hợp với bản thân mình, nhà giao dịch thường phải có kinh nghiệm, kiến thức và những trải nghiệm thực tế trên thị trường.

5. Nên học phân tích kỹ thuật như thế nào?

Nếu như bạn là một người bắt đầu bước chân vào thị trường chứng khoán, trước khi khám phá thế giới của phân tích kỹ thuật với vô vàn các chỉ số bảng biểu, việc đầu tiên mà các chuyên gia FinPeace gợi ý bạn vẫn là quay về bên trong, thấu hiểu các mục tiêu đầu tư của bạn, phân tích được tháp tài sản của bản thân. Sau đó, các phương pháp phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản chỉ là công cụ kiến thức để bạn đi gần hơn với mục tiêu tài chính của mình.

Ở một góc độ tổng quan nhất, các phạm trù kiến thức thuộc phân tích kỹ thuật bao gồm:

  • Các chỉ báo kỹ thuật: Chỉ báo MACD, Chỉ báo RSI, Chỉ báo Stochastic, Chỉ báo DMI, Chỉ báo KDJ, Chỉ báo MFI, Chỉ báo Parabolic Sar, Chỉ báo Ichimoku, Chỉ báo Volume,…
  • Mô hình giá: Mô hình 2 đáy, 3 đáy, Mô hình cái nêm, Mô hình tam giác, Mô hình vai đầu vai,…
  • Đường xu hướng (Trendline): Mô hình kênh giá, Đường trung bình (Moving Average – MA), Đường trung bình động hàm mũ (EMA)
  • Các cách xác định hỗ trợ kháng cự và điểm chốt lời

Đồng thời, dưới đây là 7 trường phái và phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến để bạn có thể tham khảo và tìm hiểu thêm:

  • Trường phái, phương pháp phân tích đồ thị nến nhật
  • Trường phái, phương pháp phân tích nguyên lý sóng Elliot
  • Trường phái, phương pháp phân tích lý thuyết DOW
  • Phương pháp ứng dụng đường xu hướng
  • Phương pháp sử dụng dãy số Fibonacci
  • Phương pháp ứng dụng các hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator)
  • Phương pháp phân tích của Wyckoff – Wyckoff Analysis.

Như bạn có thể thấy, thế giới của phân tích kỹ thuật rất rộng lớn, và chúng ta không thể kỳ vọng sẽ thông thạo mọi thứ trong thời gian ngắn. Quá trình học tập này cần đi kèm với với việc thực hành, bắt đầu bằng những giao dịch nhỏ để quan sát thị trường, kiểm nghiệm phương pháp của bản thân. Trong khoá học ProTrading của FinPeace, bằng kinh nghiệm của những chuyên gia chứng khoán nhiều năm trên thị trường, chúng tôi sẽ hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ để bạn tìm ra được phương pháp phân tích phù hợp và hiệu quả nhất cho riêng mình, rút ngắn quá trình tự mày mò và thử nghiệm.

6. Những câu hỏi thường gặp về phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản, phương pháp nào tối ưu hơn?

Trên thực tế, không có phương pháp nào là chính xác tuyệt đối, mỗi phương pháp đều có ưu/ nhược điểm riêng và sẽ phù hợp với từng nhóm nhà đầu tư nhất định. Nếu bạn là một trader, thích phong cách đầu tư lướt sóng, bạn nhất định cần hiểu về phân tích kỹ thuật. Nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, mong muốn đầu tư lâu dài, thì bạn cần hiểu về phân tích cơ bạn (và nếu như cùng lúc bạn hiểu được cả phân tích kỹ thuật thì sẽ rất tốt).

Đồng thời, chúng ta cũng cần hiểu rằng, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai trường phái khác nhau, nhưng không xung đột bài trừ lẫn nhau. Phân tích cơ bản cho nhà đầu tư nền tảng để họ đưa ra quyết định sẽ đầu tư ở đâu, còn phân tích kỹ thuật sẽ hỗ trợ nhà đầu tư quyết định điểm mua, điểm bán hiệu quả nhất. Vì vậy, lý tưởng là nhà đầu tư có thể kết hợp cả hai phương pháp phân tích nhằm gia tăng tỷ lệ lợi nhuận ở mức cao nhất.

Phân tích kỹ thuật có quá nhiều chỉ số như vậy, tôi nên bắt đầu học từ đâu?

Đúng rằng phân tích kỹ thuật là một lĩnh vực rất rộng lớn và có thể sẽ khiến bạn bối rối khi mới bắt đầu tìm hiểu. Lời khuyên của FinPeace là bạn bắt đầu với những phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến nhất, ví dụ như đồ thị nến Nhật, nguyên lý Ellot,…Bạn cần dành thời gian để thử nghiệm và hiểu thật tường tận về một phương pháp cụ thể trước khi chuyển sang một phương pháp khác. Đồng thời, để có được sự bình an trong đầu tư chứng khoán, điều quan trọng hơn là bạn cần có một kế hoạch giao dịch rõ ràng.

Xem thêm: Trường phái PTKT của FinPeace

Phân tích kỹ thuật chỉ phù hợp với những trader ngắn hạn đúng không?

Nếu bạn là một trader đầu tư ngắn hạn, bạn chắc chắn cần hiểu rõ về phân tích kỹ thật. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc chỉ những trader ngắn hạn mới cần đến phân tích kỹ thuật. Các nhà đầu tư dài hạn cũng có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định hiệu quả hơn điểm mua và điểm bán, tối ưu hiệu quả đầu tư của mình.

Tôi có nên bắt chước cách thức phân tích kỹ thuật mà người khác đã chứng minh là hiệu quả?

Mỗi người có một mục tiêu đầu tư, cá tính đầu tư và khẩu vị rủi ro khác nhau. Vì vậy, bắt chước luôn luôn là hành vi không được khuyến khích trong đầu tư. Bạn có thể tìm hiểu xem phương pháp mà họ đã sử dụng là gì, logic đằng sau cách thức đầu tư đó như thế nào để tham khảo xem có phù hợp với mình không. Sau đó, bạn có thể tự trải nghiệm với số vốn nhỏ để tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Việc bắt chước phương pháp của người khác cũng khiến bạn dễ có tâm lý đổ lỗi cho họ khi bạn đầu tư thua lỗ, trong khi việc nên làm nên là tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho chính mình.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

4 bình luận về “Phân tích kỹ thuật là gì – Tất cả thông tin cơ bản bạn cần biết”

Bình luận