Những điều cần biết về lý thuyết DOW trong phân tích kỹ thuật

Dù là nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật, chắc hẳn bạn từng một lần nghe đến lý thuyết DOW. Ra đời cách đây 100 năm, kinh tế và thị trường tài chính thế giới trải qua nhiều thay đổi và phát triển vượt bậc nhưng cho đến nay, lý thuyết DOW vẫn đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho mọi nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật. 

Trong bài viết này, FinPeace sẽ cùng bạn tìm hiểu về 6 nguyên lý quan trọng và những hạn chế của lý thuyết DOW mà mọi nhà đầu tư cần lưu tâm.

Lý thuyết DOW là gì?

Lý thuyết DOW là một khung phân tích kỹ thuật bao gồm 6 nguyên lý quan trọng, được phát triển dựa trên các bài viết của Charles Dow về lý thuyết thị trường. Lý thuyết DOW thể hiện biến động của thị trường chung, của riêng từng mã cổ phiếu hoặc một cặp tiền tệ nào đó. Lý thuyết DOW gắn liền với chỉ số trung bình chứng khoán, được gọi là “chỉ số Dow Jones” – tập hợp 30 mã cổ phiếu hàng đầu nước Mỹ. Chỉ số này có giá trị tương tự như VN30 tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Là “viên gạch” đầu tiên của phân tích kỹ thuật, lý thuyết DOW còn là nền tảng hình thành các lý thuyết phân tích hiện đại khác như RSI, MACD, Sóng Elliot,…

Lý thuyết DOW hình thành từ đâu?

Charles Henry Dow (1850 –1902)

Charles Henry Dow (1850 – 1902) là nhà báo và là một nhà phân tích thị trường. Theo đuổi trường phái phân tích biểu đồ theo kiểu cổ điển (Classical Chartist), ông lần đầu công bố những bài luận nghiên cứu lý thuyết thị trường của mình – tiền thân của lý thuyết DOW trên tạp chí The Wall Street Journal do ông sáng lập. Trong những bài luận của mình, DOW đưa ra và chứng minh quan điểm rằng: Cách thị trường phản ứng với biến động sẽ cho thấy một phần sức khỏe của thị trường, và nhà đầu tư có thể dựa vào đó để thu lợi nhuận.

Lấy thị trường chứng khoán làm dẫn chứng cho các bài luận, Charles Dow tin rằng thị trường chứng khoán là thước đo tin cậy cho điều kiện của nền kinh tế nói chung. Bằng cách phân tích thị trường chung, người ta có thể đánh giá chính xác và xác định xu hướng chính của thị trường, cùng với đó là hướng phát triển của từng cổ phiếu riêng lẻ. Hai chỉ số được Charles Dow sử dụng là: Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Chỉ số đường sắt Dow Jones (nay là Chỉ số vận tải). Dù trong hơn 100 năm qua, hai chỉ số này đã thay đổi ít nhiều, nhưng lý thuyết DOW vẫn được áp dụng và trở thành lý thuyết “nằm lòng” của những nhà phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính.

Năm 1902, Charles Dow qua đời đột ngột khi việc nghiên cứu vẫn còn dang dở. Một trong số những cộng sự của ông – William P. Hamilton đã kế thừa nền tảng lý luận mà ông để lại và hoàn thiện chúng thành lý thuyết DOW hoàn chỉnh như ngày nay.

6 Nguyên lý của lý thuyết DOW

Ở phần này, FinPeace sẽ giới thiệu đến bạn 6 nguyên lý quan trọng của nguyên lý DOW mà mọi nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật cần nắm vững.

6 nguyên lý quan trọng của nguyên lý DOW

Nguyên lý 1: Thị trường phản ánh tất cả

Lý thuyết DOW hoạt động dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả (Efficent Market Hypothesis – EMH). Theo giả thuyết này, giá tài sản hiện tại là sự kết hợp của tất cả các thông tin có sẵn từ quá khứ, hiện tại và tương lai, từ lãi suất, lạm phát, thu nhập,…cho đến cảm xúc nhà đầu tư. Tất cả những yếu tố này sẽ được tính vào điều kiện để định giá thị trường, và được hiển thị trong đường giá.

Ví dụ, khi một doanh nghiệp cho biết họ chuẩn bị thực hiện một dự án lớn có tiềm năng hoặc chuẩn bị chia cổ tức, giá cổ phiếu và trái phiếu của doanh nghiệp ấy sẽ tăng mạnh. Hay với ngoại tệ, việc Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng công bố các đợt cắt giảm thuế lịch sử ở quốc gia này, cộng thêm việc Cụ dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đã khiến đồng bảng Anh giảm giá mạnh. Có thể thấy rằng dù ở phạm vi doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hay đồng tiền của một quốc gia, lý thuyết DOW cũng cho thấy mọi biến động thị trường đều được phản ánh trên giá cả.

Nguyên lý 2: Ba xu thế chính của thị trường

Theo lý thuyết DOW, thị trường luôn có 03 xu thế là: Xu thế chính (xu thế cấp 1), xu thế phụ (xu thế cấp 2) và xu thế nhỏ (xu thế cấp 3). Mỗi xu thế lại có đặc điểm như sau:

  • Xu thế chính (xu thế cấp 1): Là chuyển động lớn của thị trường, kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm. Xu thế chính có thể là xu thế tăngxu thế giảm. Đây là xu thế được nhà đầu tư quan tâm nhất, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự đoán chính xác và thao túng xu thế chính.
  • Xu thế phụ (xu thế cấp 2): Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Xu thế phụ luôn đi ngược lại với xu thế chính.
  • Xu thế nhỏ (xu thế cấp 3): Có xu hướng kết thúc trong vòng một tuần hoặc chưa tới 3 tuần. Trong một số trường hợp, chúng có thể chỉ kéo dài trong một vài giờ hoặc một ngày. Xu thế nhỏ mang tính “bẫy” đối với nhà đầu tư, chỉ nhà đầu tư có kinh nghiệm và độ nhạy cao mới có khả năng có lãi trong xu thế nhỏ.

Trong đó, xu thế chính (xu thế cấp 1) và xu thế phụ (xu thế cấp 2) là hai xu thế phổ biến và được nhà đầu tư dành nhiều thời gian quan tâm, phân tích hơn, do xu thế nhỏ (xu thế cấp 3) thường ngắn và không có tác động rõ rệt trên thị trường. Tuy nhiên, xu thế nhỏ (đôi khi là cả xu thế phụ) có khả năng trở thành yếu tố gây nhiễu, nhà đầu tư vì những biến động ngắn hạn của hai xu thế này mà “lơ là” việc bám sát xu thế chính sẽ gây bất lợi cho khoản đầu tư lâu dài.

Nguyên lý 3: Xu hướng chính bao gồm ba giai đoạn

Như ở nguyên lý 2, xu hướng chính có hai loại là xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm. Cả xu hướng tăng và xu hướng giảm đều gồm ba giai đoạn, nhưng có sự khác biệt trong diễn biến như sau:

Xu hướng tăng sẽ đi qua ba giai đoạn là: Tích lũy, Bùng nổ và Quá độ.

  • Giai đoạn tích lũy: Giai đoạn tích lũy là thời điểm thị trường biến động rất chậm, hay còn gọi là thị trường Sideway. Các tín hiệu thị trường ở giai đoạn này không rõ ràng, nhà đầu tư khó nhận biết xu thế giảm trước đó đã kết thúc hay chưa. Giai đoạn này thường xuất hiện ở cuối xu thế giảm, giá tài sản ở thời điểm này tương đối thấp do tâm lý thị trường chủ yếu là tiêu cực. Những nhà đầu tư nhạy bén, nhiều kinh nghiệm thường tận dụng giai đoạn này để tích lũy, điều chỉnh danh mục đầu tư và chờ đến khi tài sản đầu tư tăng giá đáng kể.
  • Giai đoạn bùng nổ: Giai đoạn này còn được gọi là “Sự tham gia của công chúng”. Vào giai đoạn bùng nổ, các nhà đầu tư trên thị trường đã tiếp cận được những tín hiệu mà nhóm nhà đầu tư nhạy bén, nhiều kinh nghiệm phát hiện ra từ giai đoạn tích lũy và tích cực mua vào. Giá cổ phiếu có xu hướng tăng nhanh, thị trường biến động mạnh.
  • Giai đoạn quá độ: Thị trường tiến tới giai đoạn quá độ khi đã đạt mức tăng cao nhất và bắt đầu yếu dần. Công chúng không nhận ra thị trường chuẩn bị đảo chiều vẫn tiếp tục mua vào, thường gặp phải rủi ro mua đắt.

Xu hướng giảm sẽ đi qua ba giai đoạn là: Phân phối, Tuyệt vọng và Sụp đổ.

  • Giai đoạn phân phối: Những nhà tạo lập thị trường bắt đầu phân phối số cổ phiếu họ nắm giữ bằng cách bán cho những nhà đầu tư không nhận ra thị trường đã quá độ và chuẩn bị đảo chiều. Những nhà đầu tư này mua vào với niềm tin giá sẽ tiếp tục tăng mà không biết mình đang đu đỉnh. Giai đoạn phân phối có thể xuất hiện âm thầm ngay trong giai đoạn quá độ của xu hướng tăng.
  • Giai đoạn tuyệt vọng: Trong giai đoạn tuyệt vọng, nhiều thông tin tiêu cực về thị trường, tài sản, doanh nghiệp được tung ra khiến nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoảng sợ, dẫn đến hành động bán tháo. Giá tài sản giảm mạnh trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn sụp đổ: Sau giai đoạn tuyệt vọng, nhà đầu tư không còn hy vọng về thị trường và liên tục bán tháo tài sản của mình khiến giá “chạm đáy”. Đây cũng là lúc giai đoạn tích lũy “khởi động” và tiếp tục vòng tuần hoàn của hai xu thế tăng – giảm này.

Nguyên lý 4: Các xu hướng được xác định bởi khối lượng giao dịch

Theo lý thuyết DOW, khối lượng giao dịch luôn tỉ lệ thuận với xu hướng. Có nghĩa là trong một xu hướng của thị trường, nếu giá tài sản tăng thì khối lượng giao dịch cũng phải tăng và ngược lại. Các nhà đầu tư thường dựa vào yếu tố này để xác định độ mạnh – yếu của xu hướng. Nếu giá tăng mà khối lượng giao dịch giảm hoặc ngược lại thì chứng tỏ xu hướng hiện tại đang dần yếu kém, thị trường chuẩn bị đảo chiều.

Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, khẩu trang là mặt hàng bị “đôn giá” lên rất cao. Thời gian đầu, giá khẩu trang tăng và lượng người mua khẩu tăng cùng tăng, chứng tỏ khẩu trang là mặt hàng có sức hút và xu hướng mua – bán khẩu trang đang mạnh. Nhưng sau một thời gian, giá khẩu trang vẫn tăng mà lượng người mua giảm, chứng tỏ mặt hàng này không còn sức hút với công chúng nữa và thị trường đang chuẩn bị đảo chiều. Thực tế cho thấy thị trường khẩu trang đã đảo chiều từ xu hướng tăng sang giảm ngay sau đó.  

Nguyên lý 5: Chỉ số bình quân phải xác định lẫn nhau

Theo lý thuyết DOW, một xu hướng mới của thị trường được xác lập chỉ khi hai chỉ số công nghiệp Dow Jone và chỉ số vận tải (Transportation Averages) xác nhận lẫn nhau. Một cách dễ hiểu, các tín hiệu xảy ra trên chỉ số công nghiệp Dow Jone phải khớp với hoặc tương ứng với tín hiệu trên chỉ số vận tải thì thị trường mới được xác nhận có dấu hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm hoặc ngược lại.  

Nguyên lý 6: Xu hướng được duy trì đến khi có dấu hiệu đảo chiều

Do xu hướng phụ luôn đi ngược lại so với xu hướng chính, nhiều nhà đầu tư lầm tưởng xu hướng phụ thành thời điểm đảo chiều của thị trường. Sự thật là rất khó xác nhận một đợt tăng giá trong thị trường giá xuống là xu hướng phụ hay là sự đảo chiều của thị trường. Lý thuyết DOW cho rằng xu hướng sẽ được duy trì đến khi có tín hiệu đảo chiều rõ ràng, có thể được xác định bằng các công cụ như đường kênh giá, đường kháng cự – hỗ trợ, tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật,… Nguyên lý này nhấn mạnh nhà đầu tư cần kiên định và thận trọng trước những tín hiệu thị trường, tránh nhầm lẫn giữa xu hướng phụ và dấu hiệu đảo chiều của xu hướng chính.

Những lưu ý khi sử dụng lý thuyết DOW trong phân tích kỹ thuật (Hạn chế của lý thuyết DOW)

Là lý thuyết nền tảng của phân tích kỹ thuật, tuy nhiên, lý thuyết DOW cũng có những hạn chế nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý khi áp dụng.

Có độ trễ

Lý thuyết DOW rất coi trọng việc giao dịch theo xu hướng chính, và chia xu hướng chính thành 3 giai đoạn như ở nguyên lý 3. Trong khi đó, thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng tuân theo đủ 3 giai đoạn ấy, và việc xác định rõ ràng từng giai đoạn cũng không dễ dàng. Nếu nhà đầu tư tuân theo lý thuyết này một cách máy móc và chỉ mua vào ở giai đoạn bùng nổ (ở giữa), nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội ở đầu và cuối xu hướng.  

Không phải lúc nào cũng đúng

Lý thuyết DOW chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới giá cả như lạm phát, thu nhập, lãi suất, cảm xúc nhà đầu tư,…nhưng lại bỏ qua những yếu tố bất ngờ như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…trong khi những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả trên thị trường. Chính Charles Dow cũng thừa nhận việc vận dụng lý thuyết của ông không phải lúc nào cũng chính xác và đánh bại được thị trường, do đó, nhà đầu tư vận dụng lý thuyết DOW vào phân tích kỹ thuật trong đầu tư cần cân nhắc kỹ đến mức độ phù hợp giữa lý thuyết và tình hình thực tế.

Không phù hợp với đầu tư ngắn hạn và trung hạn

Lý thuyết DOW tập trung vào xu hướng chính, trong khi nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận lớn trong ngắn hạn và trung hạn lại xuất hiện trong các xu hướng phụ và nhỏ. Do đó, nếu nhà đầu tư đặt mục tiêu có lãi lớn trong ngắn hạn và trung hạn, việc áp dụng lý thuyết DOW sẽ không hiệu quả bằng đầu tư lâu dài.

Xu hướng không phải tất cả

Lý thuyết DOW phân tích và chỉ ra xu hướng của thị trường, nhưng để xác định cụ thể điểm mua – bán, hay các tín hiệu nhận biết xu hướng thì nhà đầu tư cần sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác như đường kênh giá, đường kháng cự – hỗ trợ, tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật,… . Bên cạnh đó, đội ngũ FinPeace luôn nhấn mạnh trong các bài viết của mình rằng, thành – bại của việc đầu tư không chỉ dựa vào “đánh” theo xu hướng, mà được tạo nên từ kiến thức, kinh nghiệm, khả năng làm chủ cảm xúc trong đầu tư,…của một nhà đầu tư. 

Tạm kết

Giống như bất kỳ lý thuyết nào khác, lý thuyết DOW sẽ chỉ phát huy tối đa tác dụng nếu nhà đầu tư hiểu kĩ và áp dụng một cách có cân nhắc, chọn lọc. Hiểu về những giai đoạn của thị trường nhờ lý thuyết DOW chỉ là bước đầu, để vững vàng bước qua và tích lũy những thành quả đầu tư xứng đáng, nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật cần có hệ thống kiến thức, sự nhất quán trong phương pháp và một kế hoạch giao dịch phù hợp nhất với bản thân. Đây cũng là những điều FinPeace mang đến cho bạn trong khóa học ProTrading, với phương châm “Trade như dân chuyên nghiệp – Vững tâm chinh phục thị trường”. 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận