Áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ, phải làm sao?

Áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ, phải làm sao?

Câu chuyện về áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ

Em ra trường được 2 năm, công việc may mắn thuận lợi và có thu nhập khoảng 25 triệu/ tháng. 

Có quá nhiều điều em muốn làm. Vừa muốn đi du lịch nhiều nơi, vừa muốn học thêm một vài kỹ năng mà em thấy khá thú vị, vừa muốn hỗ trợ cho bố mẹ vì giờ bố mẹ cũng không còn làm ra nhiều tiền. Em biết rằng bố mẹ em cũng có kỳ vọng rằng sau khi ra trường và có thu nhập ổn định, thì em có thể hỗ trợ bố mẹ phần nào. 

Đôi khi, em cảm thấy áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ và cảm thấy mất tự do khi hàng tháng đều cần gửi một khoản tiền cho bố mẹ. Dù lý trí em biết rằng đó là điều mình nên làm. Chưa kể, nhiều khi có những chuyến đi hay khoá học em rất thích, nhưng em cũng phải cân nhắc nhiều về tài chính. 

Em không biết rằng mình nên phân bổ như thế nào để cân bằng được giữa nhu cầu của bản thân và trách nhiệm của một người con, để vượt qua trạng thái áp lực tài chính khi báo hiếu bố ẹm?

Đọc thêm bài viết: Vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền

Giải pháp để báo hiếu bố mẹ đúng cách

Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau:

1. Giao tiếp để hiểu rõ kỳ vọng của bố mẹ

Gửi tiền báo hiếu hỗ trợ bố mẹ là một chuyện đáng ghi nhận. Thế nhưng, gửi bao nhiêu, hỗ trợ bố mẹ như thế nào là phù hợp lại là điều cần đào sâu. 

– Nếu như bố mẹ bạn đã đến tuổi về hưu, không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập riêng, việc bạn hỗ trợ tài chính cho bố mẹ là điều cần thực hiện. 

– Nếu bố mẹ bạn còn trẻ khoẻ và vẫn có nguồn thu nhập riêng, bạn nên trao đổi với bố mẹ để cân nhắc xem bạn nên hỗ trợ bố mẹ như thế nào là phù hợp nhất. 

Bạn chỉ vừa mới ra trường một vài năm, kỳ vọng về việc vừa cân đối tài chính cho bản thân, vừa chu cấp để bố mẹ có một cuộc sống sung túc giàu có là một kỳ vọng không hợp lý. Áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ cũng từ kỳ vọng này mà xuất hiện. Hãy tạm gạt bỏ những quan niệm xã hội rằng “đã đi làm rồi thì phải gửi tiền về cho bố mẹ” sang một bên. Thay vào đó, trực tiếp giao tiếp với bố mẹ bạn để xem khoản hỗ trợ như thế nào là phù hợp nhất. Có thể, thời điểm này bố mẹ bạn chưa cần hỗ trợ. Cũng có thể, khoản tiền mà bố mẹ cần bạn hỗ trợ thấp hơn khoản mà bạn dự kiến. Hãy cởi mở chia sẻ về cả những trăn trở của bạn để cả gia đình cùng tìm giải pháp tốt nhất.

2. Thử trải nghiệm hai thái cực để xác định điểm cân bằng

Quay trở lại câu hỏi “nên phân bổ như thế nào để cân bằng được giữa nhu cầu của bản thân và trách nhiệm của một người con?”. Để tìm ra điểm cân bằng và vượt qua cảm giác áp lực tài chính khi báo hiếu bố mẹ, Tuấn Anh gợi ý bạn trải nghiệm trọn vẹn hai thái cực:

  • Sống hoàn toàn cho bản thân mình: Hãy thử 1-2 tháng không gửi tiền về cho bố mẹ, sử dụng hoàn toàn số tiền đó cho những nhu cầu của bản thân, cho những điều bạn mong muốn. Bạn cũng hãy trao đổi với bố mẹ về thử nghiệm này của mình. 
  • Hỗ trợ hết mình cho bố mẹ: Sau đó, bạn hãy thử 1-2 tháng mà gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm về cho bố mẹ. Bạn đi sâu tìm hiểu cuộc sống của họ xem họ đang có những nỗi lo gì, trăn trở điều gì, biết đâu họ đang có một khoản nợ nào đó… Bạn tạm gác lại những nhu cầu cá nhân khác để hết mình hỗ trợ bố mẹ và quan sát cảm xúc của mình. 

Sau khi trải nghiệm trọn vẹn hai thái cực này, bạn sẽ nhận ra đâu là điểm cân bằng, tỷ lệ phân chia như thế nào là phù hợp với năng lực tài chính cũng như mong muốn từ bên trong của bạn. 

Bài học tài chính tự thân

Ngoài hai giải pháp phía trên, Tuấn Anh còn muốn thảo luận thêm về hai vấn đề, hai bài học quan trọng hơn từ câu chuyện vừa rồi. 

1, Đầu tư phát triển và làm mới bản thân

Ở độ tuổi còn trẻ, việc đầu tư phát triển bản thân rất nên được ưu tiên. Bạn chỉ mới 24 tuổi, những kiến thức kỹ năng bạn học được ở giai đoạn này có thể giúp bạn tiến đến những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp, nâng cao năng lực của bản thân. Số tiền bạn nhận được luôn xứng đáng với giá trị bạn tạo ra. Vì vậy, ở những giai đoạn đầu sự nghiệp, việc tập trung phát triển bản thân, nâng cao năng lực chuyên môn,…luôn luôn là điều được khuyến khích.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng từng nói: “Khoản đầu tư tốt nhất mà bạn có thể thực hiện là đầu tư cho bản thân. Đây là khoản đầu tư không bị tính thuế và ngay cả lạm phát cũng không thể làm suy giảm giá trị của nó”.

Hơn nữa, mỗi người chúng ta như một “cỗ máy”. Trong trường hợp của bạn trong câu chuyện, “cỗ máy” cơ thể bạn đang làm việc hàng để đổi lấy mức thu nhập 25 triệu. Để “cỗ máy” ấy hoạt động hiệu quả, bạn cần liên tục tiếp thêm năng lượng, tiếp thêm ý tưởng. Vì vậy, hãy ưu tiên chăm sóc bản thân mình, ưu tiên đáp ứng những nhu cầu quan trọng để “cỗ máy” của bạn mạnh khoẻ và hoạt động hiệu quả. Khi bản thân bạn ổn và có nền tảng tài chính vững vàng, bạn mới có thể hỗ trợ cho người thân một cách bền vững nhất. 

Đọc thêm bài viết: Tối đa thu nhập bằng việc phát triển theo mô hình T-shaped

2, Có kế hoạch tài chính dài hạn trong việc hỗ trợ bỗ mẹ

Thay vì dừng lại hỗ trợ bố mẹ trong ngắn hạn, bạn hãy nghĩ dài hạn hơn để có sự chuẩn bị phù hợp. Ví dụ, giai đoạn này bố mẹ của bạn còn sức khoẻ và còn khả năng lao động, bạn có thể hỗ trợ ở một mức vừa đủ, và dành riêng một khoản để tiết kiệm cho tương lai. Sau 10 năm nữa, khi bố mẹ bạn không còn nhiều khả năng lao động, bạn đã có sẵn một khoản tiền tích luỹ để hỗ trợ bố mẹ mà không cần phải lo lắng quá nhiều.

Việc đầu tư vào bản thân cũng giúp bạn có năng lực tài chính ngày càng tốt. Ví dụ, hiện tại thu nhập của bạn là 20 triệu và bạn trích 10% để hỗ trợ gia đình, tức là 2 triệu. Nhờ tập trung phát triển năng lực, 5 năm nữa, bạn có thu nhập 60 triệu, cũng là 10% nhưng thời điểm đó bạn đã có thể hỗ trợ bố mẹ 6 triệu/1 tháng. 

Đọc thêm bài viết: Tích sản cổ phiếu – Những điều quan trọng bạn cần biết

Bản tin Tài chính Tự thân là bản tin hàng tuần do FinPeace xây dựng, gửi đến bạn vào 10h sáng thứ 4 hàng tuần. Tại mỗi bản tin, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ giúp chúng ta giải quyết một tình huống vướng mắc về tài chính, và đúc kết những bài học quan trọng từ tình huống đó. 

Nếu bạn còn bất cứ vấn đề, bạn có thể để lại thông tin và câu hỏi của bạn trong form dưới đây. Chúng tôi sẽ lựa chọn những câu hỏi phù hợp để giải đáp trong những bản tin tiếp theo. 

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSf_AoRgVFdhlmt2gxJdXsX2kSGqy163ZdV9d-NqHMsDqJAXVA/viewform 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận