Vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền

Vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền

Tài chính không đơn thuần là chuyện con số, mà còn nhiều tầng giá trị khác liên quan. Có những người làm ra nhiều tiền nhưng không thấy hạnh phúc, có những người có cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền chính mình kiếm ra, có những người có thu nhập vừa đủ nhưng lại vô cùng mãn nguyện với cuộc sống của mình. Cảm xúc trong tài chính là một khía cạnh phức tạp. 

Trong bài viết này, từ câu chuyện của một bạn trẻ sinh ra trong một gia đình không khá giả và lớn lên luôn có cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ cùng bạn phân tích, mổ xẻ câu chuyện và gợi ý các giải pháp phù hợp. 

Tình huống về cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền

Em sinh ra trong một gia đình không khá giả. Từ nhỏ, bố mẹ đã luôn phải cân đối từng đồng, và luôn nhắc nhở rằng: Nhà mình không giàu có, con phải tiết kiệm. Em vẫn luôn có cảm giác lo lắng khi phải xin tiền bố mẹ làm một chuyện gì đó

Đến bây giờ, em đã tốt nghiệp Đại học và đi làm được 3 năm. Thu nhập hàng tháng đang ổn định ở mức 20 – 22 triệu và có tiềm năng phát triển tốt. Em tự thấy rằng mình không còn thiếu thốn như xưa và có thể chi tiêu thoải mái hơn. 

Thế nhưng, bất cứ khi nào em mua cái gì cho bản thân mình (mà không phải những khoản chi bắt buộc), em lại có cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền như thể mình đang làm chuyện gì sai. Dù rằng, đó là những thứ mà em thích và nghĩ rằng mình xứng đáng có được. 

Em không biết rằng mình nên làm việc với cảm xúc này như thế nào?

Giải pháp để đối diện với những vấn đề cảm xúc trong tài chính

Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau: 

Trước tiên, câu hỏi bạn đặt ra rất hay và là điểm khởi đầu rất tốt để bạn đối diện với vấn đề này. 

Tại sao cần đối diện với cảm xúc này?  

Tiền là một dạng vật chất tích luỹ năng lượng rất lớn, lớn đến mức cho phép chúng ta trao đổi sức lao động để tích luỹ tiền hoặc tận hưởng sức lao động mà người khác cống hiến cho ta. Nếu như bạn làm ra tiền, nhưng không thể tận hưởng niềm vui khi sử dụng tiền, đó là điều rất đáng tiếc. 

Nếu như bạn làm ra tiền, nhưng không thể tận hưởng niềm vui khi sử dụng tiền, đó là điều rất đáng tiếc. 

Nói một cách công bằng, không có đúng sai trong chuyện tiêu tiền hay tiết kiệm tiền. Chúng ta được khuyến khích tiết kiệm tiền để xây dựng sự vững vàng tài chính, đó là điều rất tốt. Nhưng không vì lẽ đó mà những hành vi tiêu tiền bị coi là sai trái. Tiền là của bạn, và bạn có quyền được sử dụng theo cách mình mong muốn. Nếu tiếp tục giữ cảm xúc này, trong suốt chặng tiếp theo của cuộc đời, mỗi khi tiêu tiền bạn lại cảm thấy tiêu cực, cảm thấy tội lỗi. Những cảm xúc này mang sóng năng lượng rất thấp và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn không thể hưởng thụ những gì bạn xứng đáng nhận được. 

Vì vậy, hãy cùng thảo luận để tìm ra cách làm việc với cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền này. 

Làm thế nào để làm việc với cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền? 

  • Tách rời và quan sát cảm xúc: 

Đây là một vấn đề thiên về tâm lý hơn là tài chính. Nếu như vấn đề này ở cấp độ cao và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, có thể bạn cần gặp những người hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp. Ở cấp độ bình thường, bạn có thể bắt đầu bằng việc thả lỏng, tĩnh tâm hơn để nhìn sâu, ngắm nghía cảm xúc bạn đang có. Chúng ta chỉ quan sát, chứ chưa vội tác động. Khi ở vị trí một người quan sát tách rời, bạn nhận ra điều gì về cảm xúc của mình? Bạn nghĩ rằng lý do sâu sa ẩn đằng sau cảm xúc đó là gì? Bạn có trân trọng cảm xúc đó hay không? Cảm xúc đó muốn nhắn gửi với bạn thông điệp gì? 

Sau đó, hãy nhớ rằng bạn có quyền lựa chọn. Nếu như bạn tiếp tục gồng gánh cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền này, bạn có thể đánh mất sự tự do của chính mình. Nếu như bạn để cảm xúc đó ở lại quá khứ, bạn sẽ đi tiếp với hành trang thật nhẹ nhõm tự do. Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng bạn có thể thay đổi sự lựa chọn của bạn cho tương lai.

  • Trò chuyện với tác nhân tạo ra cảm xúc từ quá khứ: 

Trong câu chuyện, khởi nguồn cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền này từ hoàn cảnh gia đình và cách giáo dục của cha mẹ trong quá khứ. Vậy nên, một cách khác đó là quay về, và có một cuộc trò chuyện gỡ rối với chính tác nhân tạo ra cảm xúc đó – chính là cha mẹ của bạn. 

Một cuộc trò chuyện gỡ rối với chính tác nhân tạo ra cảm xúc đó – chính là cha mẹ của bạn. 

Thế hệ của bố mẹ bạn, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn. Hãy thử nhớ lại xem nghề nghiệp lúc đó của bố mẹ bạn là gì, thu nhập của bố mẹ bạn ra sao, nuôi trong nhà mấy người con,… Nếu bạn ở vị trí của bố mẹ mình, có khả năng bạn cũng ứng xử như vậy. Khi đặt mình vào vị trí của họ, bạn sẽ lý giải được cho bản thân một số điều. Những bài học bố mẹ dạy bạn không sai, nhưng không còn nhiều tính áp dụng trong hiện tại, khi điều kiện sống đã rất thay đổi. 

Ẩn đằng sau cảm xúc bạn đang đối diện có thể là sự thiếu kết nối trong mối quan hệ giữa bố mẹ và bạn. Bạn lo rằng bố mẹ sẽ không ủng hộ các quyết định tiêu tiền của bạn. Hãy quay lại trò chuyện với bố mẹ xem trước đây, bố mẹ từng có những mối trăn trở nào về tài chính. Bạn cũng có thể nói về việc giờ đây, khi đã ra trường và có công việc tốt, bạn muốn điều gì, yêu thích điều gì và động lực trong tương lai của bạn là gì. Hãy để bố mẹ có cơ hội được hiểu về cuộc sống hiện tại của bạn. Khi truyền thông hai bên được thông suốt, nút thắt cảm xúc này cũng sẽ được gỡ bỏ.

Bạn có thể nghe podcast “Tài chính tự thân” để lắng nghe Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh trực tiếp thảo luận về chủ đề này. 

Bài học về cách làm việc với cảm xúc trong tài chính

Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể cùng thảo luận về 2 vấn đề:

1, Cảm xúc về tiền bạc

Cảm xúc diễn ra bên trong bạn, nhưng thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố ngoại cảnh khác. Khi có cảm xúc tiêu cực, mọi người thường có xu hướng ôm ấp nó một mình. Điều này không sai và cũng giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Nhưng, không nhất thiết bạn phải xử lý vấn đề đó một mình. Nếu được, hãy cho mình được truyền thông, được giao tiếp với nguồn gốc của vấn đề. Khi đó, sự giải phóng cảm xúc sẽ mạnh mẽ và sâu sắc hơn. 

Cảm xúc mà liên quan đến tài chính thì có thể còn mạnh mẽ hơn nữa, vì tài chính là khía cạnh quá sát sườn với cuộc sống hàng ngày mỗi người. Vì vậy, học cách đối diện với những cảm xúc trong tài chính là rất quan trọng. Bạn không nên đè nén, vùi dập, “nhồi nhét” cảm xúc đó vào một cái hộp rồi giấu đi, bởi một ngày nó sẽ lại trỗi dậy. Bạn hãy bắt đầu bằng việc quan sát, nhìn sâu vào nó, thấu hiểu nó, rồi tìm cách hoà giải với cảm xúc đó.

2, Giải quyết các vấn đề hiện tại cũng là một hình thức đầu tư cho tương lai

Nhiều người nghĩ rằng xử lý cảm xúc là việc tốn thời gian và không mang lại ích lợi. Thế nhưng, hãy tập trung xử lý nó. Đây cũng là một khoản đầu tư cho tương lai của bạn. Khi bạn buông bỏ xuống những cảm xúc tiêu cực, hành trang tương lai của bạn sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Bạn có thể không thể điều chỉnh nó về trạng thái hoàn hảo ngay lập tức, nhưng ít nhất là điều chỉnh về phiên bản tốt hơn. 

Hơn nữa, sự đầu tư này không chỉ có lợi cho riêng bạn, mà còn cho cả những người xung quanh hoặc những thế hệ tương lai. Nếu như không giải quyết, có thể bạn sẽ lặp lại mô-típ này lên mối quan hệ của bạn với con cái của mình. Khi bạn đã tìm ra được cách giải quyết, bạn cũng có thêm những bài học thực tế để chia sẻ với con cái. Con bạn sau này có thể sẽ phải đối diện với những vấn đề khác, nhưng những công thức, những bài học từ bạn sẽ là một khoản đầu tư, một món quà bạn dành tặng cho các thế hệ tiếp theo. Đây là một món lợi kép, lợi cho bạn ở cả hiện tại và cho nhiều người khác ở tương lai. 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

1 bình luận về “Vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền”

Bình luận