Tiêu sản & tài sản – Hiểu đúng để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

tài sản và tiêu sản

FinPeace giúp bạn hiểu đúng về tài sản và tiêu sản để quản lý tài chính cá nhân và gia tăng tài sản hiệu quả hơn.

Khái niệm tài sản và tiêu sản

Tài sản là gì?

Tài sản là những vật chất, của cải mà bạn chi trả tiền để mua chúng, hay nói đúng hơn là mua quyền sở hữu chúng. Trong tương lai, những tài sản này có khả năng sinh lời và gia tăng tổng giá trị tài sản cho bạn. Các loại tài sản đều mang khả năng tăng trưởng nhằm tăng thêm thu nhập cho chủ sở hữu với giá trị bằng hoặc cao hơn chi phí chi trả ban đầu.

tài sản là gì
Tài sản là gì?

Tiêu sản là gì?

Cũng giống như tài sản, tiêu sản là những của cải mà bạn chi trả tiền để mua quyền sở hữu, tuy nhiên sau khi được mua về, giá trị thực của tiêu sản bắt đầu giảm sút. Hơn nữa, tiêu sản còn làm hao hụt thêm tiền từ thu nhập của bạn để phục vụ cho các mục đích duy trì, bảo dưỡng hay sửa chữa chúng.

Tiêu sản cũng có thể mang lại thu nhập cho bạn, tuy nhiên với mức giá trị thấp hơn so với chi phí chi trả ban đầu.

tiêu sản là gì?
Tiêu sản là gì?

Trên thực tế, tiêu sản rất cần cho những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống như ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí. Khi bạn mua một chiếc xe hơi để đi lại, chiếc xe không chỉ đóng vai trò phương tiện đi lại giống như xe máy, mà còn giải quyết một số nhu cầu khác về tinh thần như chứng tỏ địa vị, tránh mưa tránh nắng, nhưng mặt khác bạn sẽ phải trả tiền xăng xe, nội thất xe, tiền bảo dưỡng và sửa chữa. Đồng thời, bạn cũng không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ chiếc xe đó. Chiếc xe trong trường hợp này chính là một ví dụ về tiêu sản.

Ví dụ về tài sản và tiêu sản

Ví dụ về tài sản:

  • Mua cổ phiếu định kỳ theo phương pháp Đầu tư Tích sản, sau một thời gian, các cổ phiếu bắt đầu sinh lời và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng được chia cổ tức từ số lượng cổ phiếu đang nắm giữ.
  • Mua nhà đất từ khi giá còn thấp và bán ra với giá cao hơn khi xuất hiện mức tăng giá đột biến từ các cơn sốt bất động sản.
  • Mở cửa hàng kinh doanh buôn bán và thu về lợi nhuận từ việc buôn bán đó, điều này có nghĩa rằng cửa hàng buôn bán là tài sản của chủ sở hữu.

Ví dụ về tiêu sản:

  • Điện thoại di động, máy tính xách tay hay xe hơi, xe máy: các vật dụng này sẽ giảm giá trị ngay sau khi mua và sử dụng, hoặc khi các phiên bản hiện đại hơn ra mắt. Hơn nữa, bên cạnh các khoản tiền xăng xe, tiền điện thoại hàng tháng, bạn sẽ tốn thêm những khoản tiền không nhỏ để sửa chữa khi các vật dụng này gặp sự cố hỏng hóc.
  • Các khoản nợ tín dụng: không chỉ chi trả nợ từ các khoản tiền đã chi tiêu, bạn còn phải trả thêm các khoản lãi tín dụng đi kèm.

Tài sản và tiêu sản khác nhau như thế nào?

Tài sản và tiêu sản là hai mặt của đồng xu trong tài chính, tuy nhiên lại có những tính chất và đặc điểm khác nhau.

Tài sản

Tiêu sản

Mang lại giá trị cao hơn trong tương lai, giúp chủ sở hữu tăng thêm thu nhập

Giá trị bị giảm dần, làm tiêu giảm tiền của chủ sở hữu

 

Giả sử bạn mua một chiếc xe hơi. Nếu bạn sử dụng chiếc xe hơi này để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày, bạn sẽ phải chi trả các chi phí như tiền xăng dầu, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, khiến chiếc xe biến thành tiêu sản. Tuy nhiên, nếu như bạn sử dụng chiếc xe để phục vụ mục đích kinh doanh như chở khách đi lại, khi khoản tiền thu được từ chiếc xe đủ để chi trả cho các chi phí trên và mang lại cho bạn lợi nhuận, trong trường hợp này chiếc xe lại là tài sản của bạn.

so sánh tài sản và tiêu sản
So sánh tài sản và tiêu sản

Nhà đầu tư có nên sở hữu nhiều tiêu sản?

Tác giả Robert Kiyosaki từng nói trong tác phẩm nổi tiếng “Cha giàu, Cha nghèo” của ông: “Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản, người nghèo chỉ toàn chi phí”. Theo quan điểm của ông trong cuốn sách này:

  • Người giàu chi tiền để mua những loại tài sản có khả năng sinh lời và có thể đem lại giá trị cao cho họ trong tương lai, giúp họ gia tăng khối tài sản. Lý do là vì họ đã thực sự hiểu được và cách thức vận hành của đồng tiền và biết cách tập trung phát triển giá trị thực chất của nó.
  • Người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ chi tiền để mua các loại tiêu sản như nhà cửa, xe hơi, điện thoại và đồng hồ đắt tiền. Họ bỏ tiền ra mua những tiêu sản đó nhưng lại coi đó là tài sản. Trên thực tế, nguồn gốc của hành vi này có thể xuất phát từ nhiều lý do, điển hình nhất là nhu cầu chứng tỏ địa vị xã hội.
  • Người nghèo sử dụng thu nhập của họ để trang trải cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, và họ hầu như không có nhiều, hoặc không hề có tiền dư giả để chi tiêu cho các nhu cầu không thiết yếu khác. Vì vậy, họ không đủ tiền để mua tài sản hay tiêu sản.

Đây cũng chính là lý do vì sao trong xã hội lại có sự phân chia tầng lớp. Trong khi người giàu có nguồn tiền dư giả và biết cách khiến “tiền đẻ ra tiền” để gia tăng tài sản, thì người nghèo lại luôn bị cuốn vào vòng xoáy chi phí nặng nề mà họ khó có thể thoát ra.

tài sản và tiêu sản

Tuy nhiên trong cuộc sống, bạn không thể chỉ tập trung hoàn toàn vào tài sản mà loại bỏ tiêu sản, bởi đây cũng là một phần thiết yếu trong cuộc sống, bởi tiêu sản phục vụ cho các nhu cầu cơ bản, sinh hoạt, giải trí, hưởng thụ hay các mối quan hệ quan trọng khác trong cuộc sống. Trong bối cảnh nhu cầu của con người ngày một mở rộng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội hiện nay, bạn khó có thể sống trong xã hội hiện tại mà không sử dụng đến điện thoại thông minh hay xe máy để đi lại,…

Việc chi tiền mua tiêu sản là điều quan trọng để đảm bảo mức sống căn bản cần thiết. Chi tiền cho tiêu sản hỗ trợ bạn cải thiện đời sống tinh thần và tạo ra động lực phát triển, cũng như tạo mục tiêu cho đầu tư kinh doanh.

Gợi ý giúp bạn gia tăng tài sản và biến tiêu sản thành tài sản

Gia tăng tài sản

Tỷ phú Bill Gates từng có một phát ngôn nổi tiếng: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chỉ mãi sống trong nghèo khó thì rất có thể xuất phát từ lỗi của bạn”. Vấn đề cốt lõi nhất về tiền không phải là con số đổ về tài khoản của bạn mỗi tháng là bao nhiêu, mà là bạn có thể tích lũy và gia tăng số tiền bạn đang nắm giữ như thế nào.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nếu như bạn không thể gia tăng khối lượng tài sản mà bạn đang sở hữu, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang mất tiền. Để đa dạng hóa thu nhập và gia tăng tài sản, bạn có thể tham khảo phương pháp đầu tư định kỳ (S.I.P) vào khóa học Đầu tư Tích sản của FinPeace.

Tìm hiểu thêm chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh về chủ đề gia tăng thu nhập tại đây: Làm sao để kiếm nhiều tiền hơn với công việc hiện tại?

Biến tiêu sản thành tài sản

Cách để biến tiêu sản thành tài sản thực ra không quá phức tạp. Xung quanh chúng ta có rất nhiều tiêu sản, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ cách để kiếm thêm lợi nhuận từ những tiêu sản này và biến chúng thành tài sản. Một tình trạng thường gặp ở các bạn nữ trẻ tuổi hiện nay là họ mua rất nhiều quần áo, mua tùy hứng nhưng hiếm khi thực sự mặc đến, thậm chí có những chiếc váy áo mới tinh còn nguyên mác bị lãng quên trong tủ. Để biến số quần áo đó từ tiêu sản thành tài sản, các bạn có thể cho thuê lại số quần áo đó và kiếm thêm thu nhập.

Hoặc giả sử bạn mua một căn nhà làm tài sản tích lũy cho thời điểm hưu trí, nhưng hiện tại lại không có ai cư trú, bạn có thể cho thuê lại căn nhà đó để cắt giảm các chi phí duy trì, bảo dưỡng, lại kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê nhà.

Kết

Việc biết cách phân biệt tài sản và tiêu sản sẽ giúp bạn tìm ra cách để tối ưu hóa thu nhập và chi tiêu của mình, tận dụng được những nguồn thu tiềm ẩn trước khi chúng bị lãng phí. Những chia sẻ trên đây từ FinPeace hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu rõ về tài sản và tiêu sản để có thể sử dụng đồng tiền của mình một cách tối ưu nhất.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận