Hiểu về các loại rủi ro trên thị trường chứng khoán

rủi ro trên thị trường chứng khoán

Cùng FinPeace tìm hiểu về các hình thức cách nhận diện và cách giảm thiểu tối đa rủi ro trên thị trường chứng khoán thông qua bài viết sau đây.

Phân loại rủi ro trên thị trường chứng khoán

Rủi ro trên thị trường chứng khoán gồm 2 loại: rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.

Rủi ro hệ thống

Rủi ro hệ thống (còn được gọi là rủi ro thị trường) là thuật ngữ chỉ các loại rủi ro trên thị trường chứng khoán được gây ra bởi các yếu tố tác động ngoại vi và không kiểm soát được, chỉ có thể phòng ngừa nhưng không thể tránh. Một khi xảy ra, rủi ro hệ thống sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà đầu tư trên thị trường.

Một số ví dụ về rủi ro hệ thống bao gồm các sự kiện chính trị bất ngờ, gây tác động mạnh đến nền kinh tế:

  • Tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm, lạm phát gia tăng
  • Chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao
  • Tăng nợ công
  • Rủi ro chính trị, chiến tranh, dịch bệnh,…
rủi ro trên thị trường chứng khoán
Phân loại rủi ro hệ thống trên thị trường chứng khoán.

Hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán lâu năm đều đã gặp phải rủi ro hệ thống. Tuy không thể loại bỏ, nhưng nếu bạn là nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm, bạn sẽ biết cách để hạn chế phần nào các rủi ro này.

Rủi ro mô hình

Thị trường chứng khoán luôn biến động khó lường, không theo một nguyên tắc nào cố định. Thông thường khi bước chân vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể dùng phân tích kỹ thuật để chọn cho mình một mô hình đầu tư nhất định, tuy nhiên do sự biến động kỹ thuật của thị trường rất khó để lường trước, nhà đầu tư sẽ khó tránh khỏi một số rủi ro về đặc thù mô hình nhất định. 

Rủi ro thanh khoản

Một trong những đặc tính của thị trường chứng khoán là tính thanh khoản – khả năng chuyển đổi linh hoạt từ chứng khoán thành tiền và ngược lại. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của giao dịch chứng khoán còn được thể hiện qua khối lượng giao dịch. Giao dịch diễn ra với khối lượng lớn thể hiện tính thanh khoản của thị trường cao. Tuy nhiên khi điều kiện giao dịch thay đổi, thị trường giao dịch chứng khoán sẽ xảy ra những sự bất ổn về tính thanh khoản, đây được gọi là rủi ro thanh khoản trong chứng khoán.

Rủi ro hàng hóa

Việc tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đang gián tiếp đầu tư vào các loại hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp nào đó. Vì thế, mọi biến động về giá hàng hóa, điển hình là các loại hàng hóa có liên quan mật thiết với các chính sách tài khóa của Chính phủ như điện, xăng dầu,… đều gây tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Khi giá của hàng hóa có biến động, nguy cơ xảy ra rủi ro trên thị trường cũng lớn hơn, các loại rủi ro này được gọi là rủi ro hàng hóa.

Rủi ro biến động lãi suất và rủi ro lạm phát

Giá chứng khoán luôn luôn biến động theo chiều tỷ lệ nghịch với mức lãi suất thị trường. Khi lãi suất thị trường tăng cao, giá thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm và ngược lại. Đồng thời, tình hình lạm phát chung sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền và lợi nhuận của các nhà đầu tư trong tương lai.

Rủi ro phi hệ thống

Rủi ro phi hệ thống, còn được gọi là rủi ro cụ thể, là những rủi ro trên thị trường chứng khoán có tính đặc trưng cho mỗi một ngành nghề hoặc một doanh nghiệp cụ thể. Khác với rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống không gây ảnh hưởng chung lên toàn bộ các nhà đầu tư trên thị trường mà chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhà đầu tư trong một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Các trường hợp rủi ro như tiết lộ thông tin xấu của một doanh nghiệp nào đó, hoặc một doanh nghiệp nào đó xảy ra bê bối trong hoạt động kinh doanh đều được xếp vào rủi ro phi hệ thống. Các rủi ro trên thị trường chứng khoán này không gây ảnh hưởng lên toàn bộ thị trường mà chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp đó. Rủi ro phi hệ thống có thể được hạn chế và phòng tránh nếu các nhà đầu tư có nền tảng kỹ năng và kinh nghiệm vững chắc.

rủi ro trên thị trường chứng khoán
Phân loại rủi ro phi hệ thống trên thị trường chứng khoán.

Rủi ro lỗi thời

Đây được xem là loại rủi ro trên thị trường chứng khoán mà bất kỳ ngành nghề sản xuất sản phẩm nào đều có thể gặp phải. Khi thị trường vận động liên tục, nếu các doanh nghiệp không có định hướng cải tiến sản phẩm/dịch vụ của mình, các sản phẩm/dịch vụ đó sẽ bị lỗi thời và không có giá trị đổi mới so với các doanh nghiệp khác trẻ và năng động hơn.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn tiếp cận với chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh thị trường trong giai đoạn khan hiếm điểm chạm trực tiếp. Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp chưa kịp thời nắm bắt cơ hội và phát triển công nghệ để thích ứng với bối cảnh thị trường, vì thế nên mức tăng trưởng lợi nhuận của họ không có chuyển biến đáng kể, thậm chí trở nên trì trệ, giá trị cổ phiếu giảm sút rõ rệt.

Rủi ro kiểm toán

Rủi ro kiểm toán là những rủi ro phát sinh từ quy trình quản lý và điều hành doanh nghiệp. Rủi ro kiểm toán xảy ra khi doanh nghiệp không kiểm soát tốt được chi phí và nguồn vốn của mình, gây tác động tiêu cực đến giá trị kinh tế của doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất kém hiệu quả, làm giảm sút giá trị cổ phiếu mà doanh nghiệp đang phát hành.

Rủi ro xếp hạng

Vào các thời điểm cuối quý, giữa năm, cuối năm hoặc đầu năm sau, các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực hoạt động đều được đánh giá, xếp hạng về hiệu quả hoạt động trong thời gian vừa qua bởi các cơ quan có thẩm quyền. Rủi ro xếp hạng xảy ra khi doanh nghiệp bị tụt hạng so với vị trí trên bảng xếp hạng của kỳ trước. Điều này thể hiện rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó không còn đạt hiệu quả tốt như thời gian trước, khiến giá trị cơ bản của doanh nghiệp giảm, kéo theo giá trị cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành cũng bị giảm sút.

Tìm hiểu thêm thông tin tại Podcast “Tài Chính Tự Thân: Đầu tư thua lỗ lớn, phải làm gì tiếp theo?” của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace.

Rủi ro pháp lý

Nhà đầu tư vướng vào rủi ro pháp lý khi họ giao dịch mà không nắm vững các quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán. Rủi ro pháp lý đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt chính xác các quy định của pháp luật và cập nhật kịp thời các thay đổi về chính sách của Nhà nước như thắt chặt thuế, quy định vốn,… Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vướng vào các rủi ro pháp lý nếu như không nắm vững các thông tin này, khiến giá cổ phiếu có thể bất ngờ sụt giảm bất cứ khi nào.

Rủi ro truyền thông

Khi một doanh nghiệp phát hành chứng khoán nhưng lại phải đối mặt với các sự kiện truyền thông xấu từ dư luận, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đây là thời điểm xảy ra rủi ro truyền thông. Bất cứ loại rủi ro nào khi xảy ra cũng kéo theo hệ quả đi kèm là sụt giảm giá chứng khoán, tuy nhiên đây được xem là loại rủi ro trên thị trường chứng khoán có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông của doanh nghiệp.

Hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán như thế nào?

rủi ro trên thị trường chứng khoán
Hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Trang bị kiến thức vững vàng trước khi bước vào thị trường

Nền tảng kiến thức vững chắc về thị trường sẽ giúp bạn nhận biết những tình huống tiềm ẩn rủi ro trên thị trường chứng khoán mà bạn cần tránh, dần dần mang tâm lý vững vàng hơn khi đầu tư. Hãy tìm hiểu về bối cảnh thị trường, về năng lực của các doanh nghiệp bạn muốn đầu tư, và quan trọng nhất là trang bị kỹ năng đầu tư thông qua các khóa học đầu tư chứng khoán.

Kiểm soát chặt chẽ các rủi ro phi hệ thống

Không giống như các loại rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu như nhà đầu tư trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc, am hiểu thị trường và tuân thủ kỷ luật đầu tư.

Hãy lưu ý cập nhật thông tin thường xuyên từ nhiều nguồn khác nhau về các doanh nghiệp niêm yết có trong danh mục đầu tư của bạn, hơn nữa cần đặc biệt quan tâm đến các bản báo cáo tài chính có kiểm toán của các doanh nghiệp này. Từ đó, nhà đầu tư có thể kịp thời loại bỏ các mã cổ phiếu ẩn chứa nguy cơ rủi ro như công bố thông tin không minh bạch, gian lận về tài chính, các rủi ro về pháp lý khác…

Đa dạng hóa các danh mục đầu tư

Đừng bao giờ dồn tất cả trứng vào một giỏ, hãy lựa chọn nhiều mã cổ phiếu ở nhiều doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, hoặc ở nhiều ngành nghề khác nhau để phân tán rủi ro. Tùy thuộc vào giá trị tài sản thuần (NAV) của nhà đầu tư, trường phái đầu tư mà họ lựa chọn và tình hình kinh tế của ngành công nghiệp mà họ lựa chọn đầu tư, các nhà đầu tư cần tham khảo ý kiến chuyên gia để xây dựng cho mình danh mục đầu tư với số lượng mã cổ phiếu phù hợp.

Tập trung vào các phương pháp đầu tư dài hạn

Đầu tư dài hạn là phương pháp đầu tư an nhàn và tương đối đơn giản so với các phương pháp khác, ngay cả các nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường cũng có thể lựa chọn phương pháp đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, đầu tư dài hạn cũng giúp bạn giảm thiểu rủi ro trên thị trường chứng khoán so với các phương pháp ngắn hạn như đầu cơ. Để theo đuổi phương pháp đầu tư dài hạn, nhà đầu tư chứng khoán cần có sự kiên nhẫn và rèn luyện tính kỷ luật khi đầu tư, luôn tập trung theo dõi các mục tiêu dài hạn trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần có móng nền kiến thức vững chắc và tâm lý ổn định để đối mặt với các đợt sóng lên xuống, nhằm hạn chế tối đa rủi ro trên thị trường chứng khoán. Nếu bạn là nhà đầu tư mới, bạn có thể tham khảo khóa học Đầu tư Tích sản của FinPeace để trang bị cho mình kiến thức vững chắc cho một hành trình đầu tư và gia tăng tài sản bình an.

Đọc thêm bài viết: Phương pháp đầu tư định kỳ Systematic Investment Plan (SIP).

Đầu tư tại các công ty môi giới uy tín, chuyên nghiệp

Các công ty môi giới đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ bạn trong việc làm quen và đứng vững trước các biến động thị trường nếu bạn là nhà đầu tư mới. Hãy lựa chọn cho mình một công ty môi giới đầu tư uy tín, họ sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích và hạn chế được một số rủi ro khi đầu tư mà có thể bạn chưa thể lường trước.

Tạm kết

Người chơi cần hiểu và nhận diện được những rủi ro trên thị trường chứng khoán cũng như biết cách dự đoán những biến động khôn lường từ thị trường để có bước đi cẩn trọng, tránh sa đà vào những cạm bẫy tiềm ẩn rủi ro. FinPeace hy vọng những chia sẻ trên về các loại rủi ro trên thị trường chứng khoán sẽ giúp bạn vững tâm hơn khi đầu tư để đối diện với rủi ro và có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận