FOMO và FOBI – Hai thái cực tâm lý khiến nhà đầu tư liên tục bất an


Bên cạnh biến động khó đoán của thị trường, một yếu tố “khó lường” nữa ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả đầu tư chính là tâm lý của nhà đầu tư. Trong bài viết này, FinPeace muốn nói tới hai bẫy tâm lý thường gặp mang tên FOMO và FOBI. Không phải đầu tư lâu năm thì sẽ luôn có tâm lý vững, cũng không phải mới đầu tư thì chắc chắn sẽ mắc những bẫy tâm lý này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng FOMO và FOBI vẫn đâu đó tồn tại trong tâm trí mỗi nhà đầu tư, dẫn họ tới những quyết định và kết quả không theo ý muốn.

FOMO và FOBI là gì?

FOMO (Fear Of Missing Out) – Hội chứng sợ bị bỏ lỡ là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả trạng thái tâm lý lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó rất giá trị, hoặc không theo kịp số đông nếu không có hành động ngay. Một người không thể rời mắt khỏi điện thoại vì sợ sẽ bỏ lỡ tin “hot” nào đó, trở thành kẻ lạc hậu trong vài phút so với cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ không dám bỏ lỡ bất kì cơ hội nào đến với mình, chỉ vì sợ sẽ tụt hậu so với chúng bạn nếu để bản thân nghỉ ngơi đôi ba hôm.

FOMO xuất hiện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, và lĩnh vực đầu tư không phải một ngoại lệ. Trong đầu tư chứng khoán, cảm giác FOMO thường xuất hiện khi một cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn, khiến bạn nghĩ rằng các nhà đầu tư khác đang “ăn nên làm ra”. Lúc đó, nếu bạn cũng vội vàng muốn mua vào thật nhiều để không nằm ngoài vòng kiếm lời này, thì bạn đang gặp phải hội chứng FOMO. FOMO còn thể hiện ở hành động chốt lãi hoặc cắt lỗ sớm hơn dự kiến do thấy ai cũng vậy, khiến nhiều nhà đầu tư không tối ưu hoá được các giao dịch đầu tư của mình.

FOBI (Fear Of Being Invested) là trạng thái khi tài sản bạn nắm giữ đã và đang tăng giá, nhưng bạn luôn có cảm giác lo ngại tài sản của mình có nguy cơ rớt giá, hoặc lo thị trường “sập” nên luôn bất an và muốn bán ra. Trong đầu tư, FOBI không đẩy bạn vào nguy cơ rủi ro cao như FOMO, nhưng việc chốt lãi sớm do FOBI sẽ khiến việc đầu tư của bạn không đạt lợi nhuận tối ưu do bỏ lỡ vùng giá đỉnh của tài sản.

Nếu tài sản sau khi bán ra tiếp tục tăng giá, bạn sẽ dễ đi từ FOBI sang FOMO và mua vào lại với giá cao hơn giá đã bán. Việc mắc kẹt giữa FOMO và FOBI sẽ khiến bạn dần kiệt sức với việc đầu tư, vì lợi nhuận thì không tối ưu mà tâm trí lúc nào cũng bất an, lo sợ.

Nguyên nhân dẫn đến FOMO và FOBI

FOMO và FOBI
Những nguyên nhân gây ra FOMO và FOBI

FinPeace tin rằng bước đầu tiên của việc giải quyết vấn đề là nhận diện nguyên nhân của vấn đề ấy. Một quyết định đầu tư sai lầm, thất bại có thể đến từ nhiều yếu tố như biến động thị trường, thời điểm, hiểu biết, sự may mắn,…nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn là từ chính bản thân nhà đầu tư. Hiểu nguồn gốc trạng thái tâm lý đang cản trở bạn đến với những quyết định đầu tư thông minh, nhà đầu tư sẽ dần học được cách “tâm bất biến giữa thị trường vạn biến”. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến dẫn đến tâm lý FOMO và FOBI:

  • Thiếu hiểu biết về thị trường: Không nắm rõ phương thức hoạt động của thị trường, đặc điểm của đối tượng đầu tư là nguyên nhân đầu tiên khiến nhà đầu tư dễ bị cảm xúc chi phối. Đây là sai lầm thường thấy ở những người mới tập đầu tư, quan niệm “thực chiến” mới mang đến bài học tốt nhất, khiến họ đưa ra quyết định đầu tư vội vã theo cảm tính, xuôi theo tâm lý đám đông.
  • Đầu tư theo phong trào, không có chiến lược: Bạn đầu tư với tâm thế “người ta làm sao thì mình theo vậy”, bạn chọn một vài cái tên “uy tín” để theo thay vì có chiến lược đầu tư cho riêng mình. Bạn sợ hãi khi người ta mua mà mình không mua (FOMO), bất an khi mình vẫn cầm mà ai cũng bán (FOBI). Thực ra, chuyện chạy theo số đông không phải lúc nào cũng sai. Nếu bắt được đúng đầu trend, bạn sẽ có tiềm năng thu lợi nhuận lớn. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Nếu bạn bắt vào cuối trend, bạn sẽ rất vất vả và căng thẳng trong các quyết định đầu tư của mình. Hãy nhớ rằng mỗi người đều có một nền tảng kiến thức, phong cách, tiềm lực tài chính và mục đích đầu tư riêng, việc chạy theo từng đường đi nước bước của người khác không bao giờ là một chiến lược tốt. Có khi, bạn sẽ trở thành con mồi để họ thao túng thị trường, thu lợi về mình.
  • Mắc bẫy thông tin: Lượng người tham gia thị trường tăng mạnh, chứng khoán trở đề tài “nóng” cho báo đài và trên các phương tiện truyền thông. Nhà đầu tư có thể bắt gặp thông tin về chứng khoán từ khắp nơi: Báo chí, chia sẻ trên các hội nhóm, diễn đàn, nghe từ KOL, lời khuyên từ bạn bè đồng nghiệp,…Việc tiếp cận thông tin một cách thụ động này có thể gây ra phản ứng ngược nếu nhà đầu tư không đủ hiểu biết để chọn lọc và kiểm chứng nguồn tin mình tiếp nhận, đẩy nhà đầu tư vào trạng thái FOMO.
  • Sợ rủi ro: Mua thật nhiều vì không muốn lãi ít hơn người khác, bán thật gấp vì không muốn lỗ, tất cả đều là biểu hiện của việc không chấp nhận rủi ro tiềm ẩn trong biến động của thị trường. Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, mức độ rủi ro phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, kiến thức và kinh nghiệm của nhà đầu tư,…Kì vọng quá cao vào lợi nhuận, hoặc áp lực từ việc phải đầu tư có lãi có thể khiến nhà đầu tư quên đi phần trăm rủi ro vốn không thể kiểm soát này, đẩy họ vào trạng thái tâm lý bất an, từ đó dẫn đến những quyết định vội vàng, theo cảm tính.

Tìm hiểu thêm: Cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định đầu tư như thế nào?

Nhà đầu tư nên làm gì?

FOMO và FOBI

Không có công thức cụ thể nào “trị” được FOMO, FOBI hay bất kỳ bẫy tâm lý nào khác mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi đầu tư. Để vượt qua, nhà đầu tư cần nỗ lực nâng cao cả về kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh trong giao dịch. FinPeace tin rằng sự vững vàng từ chính bản thân nhà đầu tư mới là nền tảng cho các quyết định đúng đắn, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi nhà đầu tư nhận thức rõ vai trò chủ chốt của chính bản thân trong việc đầu tư. Dưới đây là một vài gợi ý của FinPeace cho các nhà đầu tư khi đối mặt với FOMO và FOBI:

  • Nghiên cứu kĩ thị trường và tài sản đầu tư: Nắm rõ quy luật thị trường và đặc điểm tài sản bạn đang nắm giữ sẽ cho bạn một nền tảng cơ bản để xây dựng chiến lược đầu tư cho mình. Chiến lược đầu tư xây dựng bằng sự tìm hiểu và nghiên cứu kĩ lưỡng có tác dụng giúp nhà đầu tư đứng vững trước biến động của thị trường, những yếu tố gây xao nhãng và ảnh hưởng tâm lý từ đám đông. Xây dựng một “bản lề” vững chắc để đối chiếu mọi quyết định mua-bán của bản thân trước khi “xuống tay” là việc các nhà đầu tư nên làm để không bị cảm xúc chi phối. Bản kế hoạch đầu tư bao gồm những yếu tố dưới đây:

Đồng thời, một câu hỏi quan trọng bạn cần tự hỏi chính mình rằng: Trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì hành động của bạn làm gì? Khi đã lường trước rủi ro và có chuẩn bị hành động rõ ràng cho trường hợp xấu nhất, bạn sẽ có sự vững vàng trong các giao dịch của mình.

  • Đặt ra nguyên tắc cắt lỗ: Cần hiểu rằng lỗ là một phần không thể tránh khi đầu tư. Thua lỗ lớn thường đến sau khi bạn chiến thắng những deal đầu tiên. Nếu chiến thắng của bạn không dựa trên chiến thuật định trước và trải nghiệm với đủ số lần mua/bán và thời gian đủ dài, thì việc thua hết phần lãi và kể cả ăn vào gốc là điều bình thường. Sợ lỗ dẫn bạn tới tâm lý FOBI, do đó hãy đặt ra cho mình nguyên tắc cắt lỗ và tuân thủ khi ra quyết định mua-bán. Nguyên tắc này cần dựa vào lượng vốn bạn có (tương ứng với mức độ rủi ro bạn có thể chịu được), trường phái đầu tư của bạn, hiểu biết về tài sản bạn đang nắm giữ… Khi đã có nguyên tắc cắt lỗ, bạn sẽ biết điểm dừng của mình ở đâu, tránh ôm kì vọng quá lớn từ FOMO, hay vì FOBI mà vội vàng chốt lãi sớm.
  • Hiểu tâm lý đầu tư của mình: Nếu bạn còn đang run sợ khi giao dịch thì có thể bạn đang giao dịch dựa trên những phán đoán không có căn cứ vững vàng, quyết định theo số đông hoặc tài sản bạn đang nắm giữ biến động quá lớn. Hãy lùi lại một bước và nhận diện trạng thái tâm lý của mình, bình ổn cảm xúc, sau đó đối chiếu với mục tiêu và chiến lược, nguyên tắc đầu tư của bản thân. Bạn cảm thấy cần mua mã cố phiếu A vì ai cũng mua, nhưng nếu biết doanh nghiệp phát hành mã cổ phiếu đó có tác động tiêu cực tới môi trường – lĩnh vực bạn ưu tiên hàng đầu khi xem xét đầu tư, thì bạn có còn muốn mua nữa không? Chỉ cần bạn quay lại xem xét nguồn gốc cảm xúc của mình trong thời điểm đó, dấu hiệu của FOMO và FOBI sẽ dần lộ diện.
  • Không bắt chước mù quáng: Trong quá trình nâng cao kiến thức đầu tư của mình, kinh nghiệm từ người đi trước là thứ không nhà đầu tư nào muốn bỏ qua. Những cái tên lớn với bài học thành công “khủng” trong chứng khoán có thể khiến bạn muốn “tất tay” đi theo ngay lập tức. Việc bắt chước này có thể cho bạn vài deal tốt, nhưng FinPeace tin rằng thành công dựa vào nguồn lực của người khác không đem lại cho bạn sự vững vàng lâu dài. Mặt khác, điều đó sẽ đẩy bạn ngày càng xa khỏi chiến lược riêng của bản thân. Cần chú ý rằng, mỗi một người, tuỳ theo tính cách và mục tiêu tài chính cụ thể, sẽ lựa chọn phương pháp đầu tư khác nhau, có những check-list trước khi ra quyết định đầu tư khác nhau. Vì vậy, bạn có thể tham khảo phương pháp của người khác, nhưng không nên bắt chước hoàn toàn, mà liên tục quan sát và thử nghiệm để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình.
  • Học từ thất bại của bản thân: Học cách cân bằng cảm xúc sau thất bại là một cách giúp bạn có bản lĩnh vững vàng hơn khi đứng trước các quyết định đầu tư về sau. Bên cạnh đó, việc nhìn lại và phân tích nguyên nhân thất bại là cách bạn bóc tách từng lớp trong quyết định đầu tư sai lầm của mình, xem thất bại đến từ chuyện phân tích nội tại tài sản đầu tư hay từ năng lực tài chính chưa ổn định, hoặc do bị ảnh hưởng tâm lý trong quá trình đầu tư…Đầu tư không giống một trò chơi mà thất bại đồng nghĩa với kết thúc. FinPeace coi đầu tư giống như một chặng marathon, và mỗi “cú ngã” là một chặng nghỉ để bạn nhìn lại và học thêm từ chính thất bại của mình.

FOMO và FOBI chỉ là hai trong số nhiều trạng thái tâm lý mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi đầu tư. Hiểu về bản chất của FOMO và FOBI là bước đầu để các nhà đầu tư nhận diện biến số tâm lý ảnh hưởng tới chất lượng đầu tư của mình, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn và thu về lợi nhuận tối ưu. FinPeace tin rằng lợi nhuận không phải đích đến cuối cùng của đầu tư, mà là phương tiện để mỗi người cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Việc cải thiện tâm lý FOMO hay FOBI trong đầu tư có thể mang tới cho nhà đầu tư những lợi ích ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, hơn nữa, khiến đầu tư không trở thành một cuộc chơi sống còn gấp rút, khiến bạn phải mệt mỏi chạy theo từng biến động của thị trường.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

8 bình luận về “FOMO và FOBI – Hai thái cực tâm lý khiến nhà đầu tư liên tục bất an”

Bình luận