3 gợi ý trong việc chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng

3 gợi ý trong việc chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng

Câu hỏi về chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng

Khi mới kết hôn, em và chồng đều thống nhất là sẽ sinh em bé sau khoảng 4 năm, khi cả hai vững vàng trong công việc, tích luỹ được một khoản tiền khá và lý tưởng là đã mua được một căn nhà riêng. Em mong rằng khi có sự chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng, việc sinh em bé sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của bố mẹ, và con cũng được sống trong điều kiện yên ổn về kinh tế, chỗ ở. 

Thế nhưng, 2 năm trước, công việc của em và chồng bị ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh, thu nhập giảm khá nhiều, chưa kể còn phải chi tiêu một khoản tiền lớn vì bố mẹ chồng dạo này thường xuyên ốm đau. Vừa chưa mua được nhà riêng, khoản tiền tích luỹ không được như dự kiến, thu nhập hai vợ chồng ổn định nhưng cũng không phải ở mức cao. 

Về mặt mong muốn, em và chồng đều đã muốn có con từ lâu. Về việc chuẩn bị tài chính để sinh con, em thấy vẫn chưa đủ vững vàng, sợ rằng không thể đem lại cho con điều kiện tốt nhất.  Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục đợi, em không biết là đến bao giờ mời là thời điểm tốt nhất. Vậy câu hỏi của em là: Chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng, như thế nào là đủ? 

Cách lập kế hoạch chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng

Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau:

Cách lập khế hoạch chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng

1. Hai vợ chồng cần có sự giao tiếp về quyết định sinh con

Sinh con luôn là một sự thay đổi lớn, khi bạn và chồng quyết định chào đón một sinh linh bé nhỏ đến với thế giới này, và đó sẽ là một “dự án” cả đời của bạn. Chính vì vậy, trước quyết định có sinh em bé hay chưa, có một vài điều mà cả vợ và chồng nên tự nhìn nhận và trao đổi với nhau:

  • Động lực nào khiến bạn có quyết định sinh em bé? Động lực đó nên đến từ bên trong bạn, ví dụ như vì tình yêu của hai vợ chồng đã đủ chín muồi và đứa con đầu lòng sẽ là sự kết tinh của tình cảm đẹp đẽ đó, hoặc bạn muốn đầu tư cho một thế hệ tương lai,… Động lực để bạn sinh con không nên đến từ áp lực xã hội, hay áp lực từ những người xung quanh. 
  • Người vợ và người chồng nên trao đổi thật nhiều về mong muốn, quan điểm của bản thân trong chuyện sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc con,… Khi cả hai có sự thấu hiểu và đồng thuận, hành trình này chắc chắn sẽ suôn sẻ và ý nghĩa hơn. 

2. Xác định những điều kiện cần để nuôi một đứa trẻ

Để trả lời câu hỏi của bạn: “Chuẩn bị tài chính để sinh con đầu lòng, như thế nào là đủ”, bản chất vẫn là xác định các điều kiện cần để nuôi dưỡng và chăm sóc một đứa trẻ: 

  • Đầu tiên, bảo hiểm sức khoẻ cho mẹ và bé là điều quan trọng. Bảo hiểm đó bao gồm việc thăm khám sức khoẻ cho mẹ và bé trong suốt thời gian thai kỳ, việc sinh đẻ em bé, chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và bé sau sinh… Ở bước này, hai vợ chồng cần liệt kê các chi phí cần thiết chuẩn bị tài chính để sinh con, để chăm lo cho sức khoẻ của mẹ và bé. Đây là yếu tố nên được ưu tiên nhất. 
  • Tiếp đến, về mặt cơ sở vật chất, nên tập trung vào những thứ mang tính song hành trực tiếp với đứa trẻ. Em bé sơ sinh chưa cần một căn phòng trang trí thật đẹp, một cái giường được sơn màu xinh xắn, nhưng em bé sẽ cần một chiếc nệm thật êm, quần áo mềm và dễ chịu, bỉm, sữa,… 
  • Cả hai cũng nên thảo luận về nhu cầu cá nhân của vợ và chồng sau khi em bé được sinh ra. Ví dụ, người vợ vốn rất nhạy với tiếng ồn, nên phòng cho mẹ và bé cần là phòng cách âm. Hoặc, công việc của người chồng rất bận rộn, nên cần có một người giúp việc ban đêm để hỗ trợ chăm sóc cho em bé. 

Tất cả những điều này đều lên được liệt kê cụ thể, có sự đồng thuận giữa vợ và chồng. Từ danh sách này, các bạn sẽ tính toán được mức tài chính đủ để chào đón đứa con đầu lòng. Đó cũng chính là bản kế hoạch chuẩn bị tài chính để sinh con. Ngoài ra, cả hai cũng nên có một khoản tiền dự phòng để sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ví dụ như: người mẹ không được nhận lương trong thời gian thai sản, sức khoẻ của mẹ và bé bất ổn sau khi sinh, vợ hoặc chồng bất ngờ mất việc khi em bé còn khá nhỏ… Khi đảm bảo được tài chính ở điều kiện cần, cả hai sẽ có sự yên tâm trong việc chuẩn bị sinh em bé. 

3. Xác định điều kiện đủ để cùng đứa trẻ trưởng thành

Khi một đứa trẻ được sinh ra, nhiệm vụ của bạn không chỉ đơn thuần là đảm bảo sự sống cho bé, mà xa hơn sẽ là đem đến cho bé một cuộc sống hạnh phúc, nhiều tình yêu thương, và để bé có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống này theo cách trọn vẹn nhất. 

Chính vì vậy, hai vợ chồng cũng có thể bắt đầu trò chuyện, tính toán và chuẩn bị cho giai đoạn bé bắt đầu đi học mẫu giáo, tiểu học, trung học,… Cả vợ và chồng cần cần có sự tập trung, có năng lượng yêu thương tích cực để nuôi dạy con, để làm bệ phóng cho con phát triển và khám phá thế giới theo cách con mong muốn. Chính vì vậy, từ việc chuẩn bị tài hính để sinh con, bố mẹ cần có những sự chuẩn bị xa hơn nữa. 

Nâng cao sức khoẻ tài chính gia đình

3 gợi ý phía trên cũng là khuyến nghị chung mà Tuấn Anh muốn gửi đến các cặp vợ chồng trẻ đang cần chuẩn bị tài chính để sinh con. Ngoài ra, Tuấn Anh cũng muốn chia sẻ thêm hai khía canh: 

1, Vợ và chồng nên tự mình có sự mạnh khoẻ về tài chính

Nếu như chính bản thân người vợ và người chồng chưa có sự ổn định, cả hai rất khó để chăm lo thật tốt cho một đứa trẻ sơ sinh. Vì vậy, ngay từ khi hết hôn, cả vợ và chồng đều nên bắt đầu xây dựng sự vững vàng tài chính cá nhân, ổn định trong dòng thu nhập, thực hiện tích luỹ và đầu tư càng sớm càng tốt để sẵn sàng cho những kế hoạch sau này, trong đó có chuẩn bị tài chính để sinh con. 

Vợ và chồng cùng lập kế hoạch tích sản hàng tháng cũng là một giải pháp hay, bền vững để nâng cao sức khoẻ tài chính cho gia đình. 

Đọc thêm bài viết: Tích sản cổ phiếu – Những điều quan trọng bạn cần biết

2, Nếu bố mẹ có sự căng thẳng về tài chính, con sẽ bị ảnh hưởng

Sức khoẻ tinh thần của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự lớn lên của con trẻ. Dù em bé rất nhỏ và chưa thể hiểu hết những điều bạn nói, nhưng bé thường rất nhạy cảm về mặt năng lượng. Khi bố mẹ có sự căng thẳng và xung đột về tài chính, năng lượng tiêu cực ngay lập tức sẽ truyền đến đứa trẻ và ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé. 

Hơn nữa, khi lớn hơn, nếu như trẻ nhỏ phải lo lắng về vấn đề tài chính từ quá sớm, nếu như những thiếu thốn về tài chính khiến bố mẹ cãi nhau, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình,… tất cả những điều đó sẽ trở thành vết hằn rất sâu trong trẻ, khiến chúng phải trưởng thành sớm. 

Vì vậy, việc bố mẹ có sức khoẻ tài chính vững vàng là một điều kiện quan trọng để đảm bảo em bé được lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh nhất. 

Bản tin Tài chính Tự thân là bản tin hàng tuần do FinPeace xây dựng, gửi đến bạn vào 10h sáng thứ 4 hàng tuần. Tại mỗi bản tin, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ giúp chúng ta giải quyết một tình huống vướng mắc về tài chính, và đúc kết những bài học quan trọng từ tình huống đó. 

Nếu bạn còn bất cứ vấn đề, bạn có thể để lại thông tin và câu hỏi của bạn trong form dưới đây. Chúng tôi sẽ lựa chọn những câu hỏi phù hợp để giải đáp trong những bản tin tiếp theo. 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận