Việc sở hữu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân giúp các bạn trẻ tạo dựng một thói quen chi tiêu hợp lý, có kỷ luật và dễ dàng ứng biến trước các tình huống bất thường, đặc biệt là các bạn sinh viên chưa ra trường. Cùng FinPeace tìm hiểu cách để giúp các bạn sinh viên phân bổ chi tiêu hợp lý để sớm độc lập tài chính.
Tại sao sinh viên mới ra trường cần chi tiêu hợp lý? Lợi ích của việc chi tiêu hợp lý
Đa số các bạn sinh viên hiện nay đều lựa chọn vừa học vừa làm thêm các công việc ngoài giờ để tăng thêm thu nhập,đặc biệt là các bạn sinh viên đi học xa nhà, phải sống cuộc sống độc lập. Hơn nữa, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để luôn có một khoản tiền chu cấp đủ đầy cho con cái hoặc hỗ trợ con cái khi có trường hợp khẩn cấp.
Quản lý tốt chi tiêu cá nhân sẽ giúp các bạn sinh viên có một cuộc sống thoải mái và an nhàn hơn, hạn chế tình trạng luôn căng thẳng vì vấn đề tiền bạc dẫn đến áp lực hoặc khiến các bạn sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy đi làm, không thể tập trung cho việc học. Là những người trẻ năng động, các bạn sinh viên nên sớm hình thành một thói quen chi tiêu hợp lý để tạo dựng nếp sống độc lập, dễ dàng quản lý chi tiêu hơn từ những ngày đầu đi làm.
Bên cạnh đó, việc chi tiêu hợp lý sẽ giúp các bạn sinh viên để dành được thêm tiền cho các dự định tương lai, hạn chế tình trạng bị đồng tiền chi phối.
Các bạn sinh viên thường gặp những rào cản gì khi thực hành chi tiêu hợp lý?
Khi không có thói quen chi tiêu hợp lý, các bạn sinh viên dễ mắc phải 1 trong 2 vấn đề:
- Luôn trong trạng thái thiếu hụt ngân sách. Đây là một hệ quả của việc chi tiêu “vung tay quá trán”. Nhiều bạn sinh viên do chưa có một cảm quan rõ ràng về dòng tiền hàng tháng của mình, cộng thêm cảm giác “có tiền” khi vừa nhận tiền hỗ trợ từ gia đình hoặc nhận lương, nên có thói quen chi tiêu thoải mái vào đầu tháng. Hệ quả là đến cuối tháng, các bạn không còn đủ tiền chi tiêu các chi phí cần thiết.
- Không có khoản dự phòng cho tình huống đột xuất. Các khoản tiền cần chi đột xuất như tiền viện phí, tiền sửa chữa thiết bị, các rủi ro bất ngờ sẽ xuất hiện trong bảng thống kê chi tiêu hàng tháng của bạn mà không báo trước, vì thế hãy luôn có sẵn một khoản tiền dự phòng cho các tình huống này.
Làm thế nào để các bạn sinh viên có thể tháo gỡ các khúc mắc về tài chính và chi tiêu hợp lý hơn mỗi tháng?
Các bước thực hành chi tiêu hợp lý cho sinh viên
1, Xác định nguồn thu nhập của bạn đến từ đâu
Hãy xác định xem bạn có bao nhiêu nguồn thu mỗi tháng để tính được tổng thu nhập. Có những bạn sinh viên làm thêm tới 2-3 công việc ngoài giờ, vì vậy thu nhập mỗi tháng của họ là tổng số tiền lương mà họ nhận được từ các công việc ngoài giờ này. Ngoài ra, nguồn thu hàng tháng của bạn cũng có thể đến từ tiền hỗ trợ hàng tháng của gia đình,… Lưu ý rằng đây phải là nguồn thu nhập cố định hàng tháng của bạn.
Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh đã nói trong podcast “Thu nhập chỉ từ sức lao động”, mỗi người đều có 2 nguồn thu nhập cơ bản là Human Capital (thu nhập đến từ sức lao động) và Financial Capital (thu nhập đến từ đầu tư các khoản tiền nhàn rỗi). Số tiền lương bạn nhận được từ việc bạn đi làm hàng ngày được gọi là thu nhập từ Human Capital. Đối với hầu hết các bạn sinh viên, thu nhập của họ đều đến từ Human Capital bởi ở độ tuổi này, các bạn sinh viên chưa dư giả về tài chính để có tiền nhàn rỗi đi đầu tư.
2, Các khoản chi phí cố định
Đây là các khoản chi phí thiết yếu mà bạn phải chi ra đều đặn định kỳ mỗi tháng hoặc mỗi tuần. Các khoản chi phí này có thể bao gồm tiền thuê nhà, tiền xăng xe, tiền ăn uống, học phí,… Bên cạnh các khoản chi phí cố định này còn có một số khoản chi phí thường xuyên nhưng không cố định khác như tiền mua sách vở, tiền cho các hoạt động vui chơi giải trí,…
Đây là các khoản chi phí mà bạn cần lưu tâm để liệt kê vào danh sách chi tiêu hàng tháng của mình. Số tiền mà bạn có thể tiêu xài trong tháng không phải là tổng thu nhập của bạn, mà là số tiền còn dư sau khi đã trừ đi các khoản chi phí cố định này.
3, Lập kế hoạch quản lý chi tiêu
Kế hoạch quản lý chi tiêu của bạn sẽ giúp bạn nhìn ra đâu là các khoản chi chưa được tối ưu, đâu là các khoản chi cần cắt giảm và xác định được dòng chảy thu-chi của mình hàng tháng. Bản kế hoạch chi tiêu của bạn cần có những thông tin cơ bản như thống kê các khoản chi tiêu hàng tháng, thống kê thu nhập mỗi tháng, bảng dự chi mỗi tháng, bảng thống kê thực thu và thực chi để so sánh hiệu quả giữa kế hoạch chi tiêu dự kiến và thực tế. Việc này giúp bạn đánh giá xem mình đã chi tiêu hợp lý hơn chưa, từ đó điều chỉnh kế hoạch qua từng tháng.
4, Không vay nợ
Nhiều bạn sinh viên thường rơi vào tình trạng nợ nần, có những bạn sinh viên đã gặp không ít rắc rối vì không tự giải quyết được nợ nần, trong lúc cùng quẫn đã tìm đến vay mượn tín dụng đen. Nguyên nhân là các bạn sinh viên thường chưa có thu nhập cao, lại phải sống xa gia đình và tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt.
Khó mà tránh khỏi những lúc có nhiều khoản chi phát sinh khiến số tiền gia đình gửi lên hoặc tiền các bạn kiếm được không đủ để chi trả, lúc này các bạn sẽ nghĩ đến chuyện đi vay mượn để chi trả cho các khoản phí trước mắt. Các khoản vay này chỉ là các khoản phí trang trải sinh hoạt tạm thời, tuy nhiên nếu không biết cách chi tiêu hợp lý và có kế hoạch trả nợ, các khoản nợ chồng chất sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.
Để tránh tình trạng này xảy ra, các bạn sinh viên cần biết chi tiêu hợp lý vàđúng mực, chỉ vay mượn trong những tình huống bất khả kháng và đặc biệt tránh xa các dịch vụ vay mượn hoặc sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng, tránh trường hợp chi tiêu vượt quá khả năng chi trả.
5, Tối ưu hóa các khoản chi phí không cố định
Hiểu một cách đơn giản, tối ưu hóa các khoản chi tiêu không cố định là bạn đừng nên chi tiêu lãng phí và chỉ chi tiêu những khoản thực sự cần thiết. Bạn có thể tham khảo một số cách sau đây để tối ưu hóa các khoản chi tiêu không cố định để các bạn sinh viên chi tiêu hợp lý hơn:
- Tham khảo các phương tiện giao thông công cộng để giảm chi phí đi lại
- Hạn chế tối đa việc học lại, thi lại
- Tự nấu ăn thay vì đi ăn ngoài thường xuyên
- Tận dụng các ưu đãi dành cho sinh viên khi mua sắm sản phẩm/dịch vụ
- Mua sắm thông minh – săn mã giảm giá, xem review, so sánh các sản phẩm trước khi mua
- Ở ghép khi thuê nhà
6, Sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu
Khi quản lý chi tiêu bằng cách ghi chép truyền thống, nhiều bạn trẻ cảm thấy khó theo dõi toàn bộ thông tin về chi tiêu trong tháng và dễ chán nản. Vì thế, các bạn có thể tham khảo các ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại di động. Các ứng dụng này sẽ thay bạn thống kê và tính toán những con số, cũng như giúp bạn lập ra kế hoạch điều chỉnh chi tiêu hợp lý hơn hoặc trả nợ hàng tháng.
Một số ứng dụng quản lý chi tiêu mà bạn có thể tham khảo như Money Lover, Money Mate, Spendee, MISA Money Keeper,…
3 phương pháp quản lý chi tiêu bạn nên quan tâm
FinPeace giới thiệu đến bạn 3 phương pháp quản lý chi tiêu giúp bạn chi tiêu hợp lý một cách hiệu quả để tối ưu hóa thu chi của mình.
1, Phương pháp Kakeibo
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là “quyển sổ gia đình”, là phương pháp tập trung vào việc viết ra kế hoạch chi tiêu mà không dựa vào website hay ứng dụng quản lý chi tiêu nào khác. Việc ghi chép bằng tay lại từng khoản thu – chi sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn các khoản tiền và dễ dàng phát hiện ra các điểm chưa cân đối khi nhìn lại bức tranh chi tiêu tổng thể. Việc ghi chép lại các khoản chi cũng giúp bạn giải đáp triệt để câu hỏi “Tiền của mình cứ đi đâu ấy nhỉ?” khi tổng kết chi tiêu vào cuối mỗi tháng.
Kakeibo là phương pháp phù hợp với đa dạng các đối tượng, nhưng đặc biệt phù hợp với 3 nhóm người:
- Người chưa có thói quen chi tiêu hợp lý, lần đầu tiên thử thói quen tiết kiệm
- Người trì hoãn hoặc ngại việc lên kế hoạch chi tiêu
- Người có thói quen lên kế hoạch không nhất quán
2, Phương pháp “6 chiếc lọ”
“6 chiếc lọ” là một công thức giữ tiền thông minh được phổ biến trên toàn thế giới. Với công thức quản lý chi tiêu này, bạn hoàn toàn có thể lập ra một kế hoạch chi tiêu hợp lý ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Mỗi người cần phân bổ thu nhập của mình vào 6 chiếc hũ đựng tiền, tương ứng 6 quỹ với 6 mục đích khác nhau:
- Lọ số 1: Các khoản chi thiết yếu (55% thu nhập): đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày trong cuộc sống của bạn.
- Lọ số 2: Các khoản tiết kiệm dài hạn (10% thu nhập): sử dụng cho các mục tiêu lớn, các mục tiêu tài chính dài hạn như mua xe, mua nhà, sinh con, cho con đi du học,… Việc đề ra mục tiêu lớn sẽ giúp bạn nhìn ra hướng đi đúng và có động lực tiết kiệm cho việc đó.
- Lọ số 3: Các khoản chi cho giáo dục (10% thu nhập): giáo dục là phần không thể thiếu để mỗi người có thể tồn tại và phát triển. Bạn sử dụng quỹ này cho các khóa học trau dồi kiến thức, kỹ năng, mua sách vở, tham gia các buổi hội thảo, các khóa đào tạo,… nhằm nâng cao kiến thức cho mình.
- Lọ số 4: Quỹ hưởng thụ (10% thu nhập): việc xen kẽ hưởng thụ và lao động giúp bạn tái tạo năng lượng sau khi làm việc mệt mỏi, gia tăng trải nghiệm cho bản thân và có động lực để làm việc tốt hơn.
- Lọ số 5: Quỹ tự do tài chính (10% thu nhập): tự do tài chính là khi bạn có nguồn thu nhập mà không cần lao động để nhận tiền lương. Bạn có thể đạt được tự do tài chính nhờ lợi nhuận từ việc đầu tư các khoản tiền nhàn rỗi (gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, góp vốn kinh doanh,…). Tuy nhiên, quỹ tự do tài chính là một kênh đầu tư/tiết kiệm dài hạn, không phải là quỹ tiền bạn có thể mang ra tiêu xài hàng tháng.
- Lọ số 6: Các khoản cho đi (5% thu nhập): là khoản tiền bạn sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè khi khó khăn. Tỷ lệ quỹ cho đi tùy thuộc vào thu nhập hàng tháng của bạn, nhưng hãy luôn trích ra một khoản nho nhỏ để giúp đỡ người khác.
3, Bắt đầu tiết kiệm/đầu tư tích sản ngay khi thu nhập lớn hơn chi tiêu
Tích sản cổ phiếu là phương pháp đầu tư đơn giản, thông minh và an nhàn, phù hợp với các bạn sinh viên bởi phương pháp này không đòi hỏi các bạn phải có số vốn lớn. Vốn đầu vào tuy nhỏ nhưng với phương pháp đầu tư chuẩn xác và sự kiên trì theo đuổi, khoản đầu tư của bạn có thể sinh lời rất lớn trong dài hạn.
Phương pháp tích sản cổ phiếu được hiểu đơn giản là việc đầu tư đều đặn định kỳ vào một nhóm cổ phiếu trong một khoảng thời gian dài. Trái với đầu cơ lướt sóng ngắn hạn, tích sản cổ phiếu chính là phương pháp đầu tư giá trị và chỉ có thể nhìn thấy kết quả về dài hạn.
Phương pháp tích sản cổ phiếu sẽ giúp các bạn rèn luyện tính kỷ luật trong tiết kiệm và chi tiêu, sớm tạo cho mình một nguồn thu thụ động. Tích sản cổ phiếu phù hợp với các nhà đầu tư mới, chưa có số vốn lớn, không có nhiều thời gian theo dõi thị trường và muốn tạo nguồn thu nhập thụ động dài hạn. Cụ thể về phương pháp đầu tư tích sản sẽ được chia sẻ tại khóa học Tích sản cổ phiếu của FinPeace.
Trên đây là chia sẻ của FinPeace về cách để giúp các bạn sinh viên còn đi học và mới ra trường nắm bắt được cách để chi tiêu hợp lý và tối ưu hóa kế hoạch chi tiêu hàng tháng của mình để tiến đến những mục tiêu xa hơn. Khóa học đầu tư Tích sản sẽ là một trợ thủ đắc lực cho không chỉ các bạn sinh viên mà còn là nhiều nhà đầu tư ở mọi lứa tuổi trên hành trình đầu tư và đạt được tự do tài chính.