Khi còn độc thân, vấn đề tài chính lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng hơn so với khi đã có gia đình và con cái. Đặc biệt nếu bạn đang sống ở thành phố lớn với mức sống cao, việc tìm ra cách quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả trong một tháng là điều vô cùng cần thiết. Theo dõi bài viết này của FinPeace để biết cách chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người hiệu quả nhất.
Thế nào là chi tiêu hợp lý?
Chi tiêu hợp lý là một khái niệm khá đặc biệt bởi nó được quyết định bởi mức thu nhập của mỗi người. Thêm vào đó, quan điểm sống hay cách sử dụng tiền của từng cá nhân cũng không giống nhau. Do vậy, khái niệm chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người là không cố định hay theo chuẩn mực nào.
Chẳng hạn, bạn là một người yêu thích thời trang và có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua quần áo hàng hiệu. Lúc này, bạn vẫn cảm thấy mình đang chi tiêu hợp lý. Nhưng đối với người không chú trọng ăn mặc thì họ cho rằng đó là chi tiêu không hợp lý và sẽ dùng ngân sách để mua sắm thứ khác.
Từ cách nhận định trên, bạn có thể hình dung chi tiêu hợp lý là việc bạn sử dụng thu nhập để đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết của mình và gia đình. Bạn nên tìm ra bản thân và các thành viên khác cần gì để có thể lựa chọn chi tiêu phù hợp tại mỗi thời điểm. Đồng thời, bạn cũng cần chú ý kiểm soát quá trình dùng tiền để không gây ra việc thiếu hụt ngân sách.
Lợi ích và tầm quan trọng của việc chi tiêu hợp lý
Cách chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người như thế nào là vấn đề luôn thường trực và bất cứ ai cũng muốn được giải đáp. Không giống như cuộc sống của một người độc thân, khi đã có gia đình và con cái, bạn sẽ cần có kỹ năng quản lý tài chính thật chặt chẽ, bởi các khoản chi trong tháng không phải chỉ của riêng bạn. Sẽ có các khoản chi tiêu đến từ các thành viên khác trong gia đình mà nếu bạn không chủ động theo dõi và tối ưu hóa, các khoản chi này rất dễ bị “vung tay quá trán”, đặc biệt là các hóa đơn điện – nước.
Việc chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn nhìn ra bức tranh chi tiêu tổng thể của cả gia đình, từ đó đưa ra kế hoạch chi tiêu cụ thể, cắt giảm được tối đa các khoản chi dễ gây lãng phí.
Các bước lập kế hoạch chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người
Tham khảo hướng dẫn từ FinPeace để tự tạo cho mình cách sử dụng ngân sách thích hợp:
Xác định các nguồn thu nhập trong gia đình
Mỗi gia đình có một mức thu nhập khác nhau, việc nắm rõ sự phân bổ dòng tiền hiện tại giúp bạn nắm được tiền của mình đang chi nhiều nhất cho các khoản nào, nhu cầu nào hợp lý, nhu cầu nào có thể cắt giảm. Nguồn thu nhập của gia đình 4 người thông thường bao gồm thu nhập của bố, thu nhập của mẹ và các khoản thu khác trong tháng (nếu có).
Bạn có thể tham khảo phương pháp ghi chép với số tay Kakeibo hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu di động để thực hiện bước này một cách nhanh nhất. Các ứng dụng di động cho phép bạn nhập các khoản chi mà không lo bị quên hay thiếu sót như ghi chép bằng tay, đồng thời tính toán giúp bạn các khoản thu chi hiện tại một cách nhanh chóng.
Khi đã nắm được tình hình, hãy tiến hành kiểm soát các khoản chi một cách hiệu quả. Cách đơn giản nhất để biết mình đi đúng hướng chưa là tính tổng thu nhập hàng tháng và so sánh chi tiêu mỗi ngày cho từng hạng mục. Hãy tổng hợp tất cả thu nhập chủ động và thu nhập thụ động của hai vợ chồng vào mỗi tháng để căn cứ vào đó để bắt đầu lên kế hoạch cụ thể để tiêu xài một cách hợp lý hơn.
Theo dõi thu chi thường xuyên
Sau khi đã nắm rõ tình hình tài chính, bạn hãy bắt đầu theo dõi thu chi của gia đình mình thường xuyên bằng cách ghi chép chi tiêu vào sổ giấy, ứng dụng quản lý chi tiêu hoặc bảng tính Excel để quản lý thu chi một cách hiệu quả nhất. Nếu bạn không nhớ hết các khoản chi trong tháng, bạn có thể tham khảo một số khoản chi phí trong gia đình 4 người (gồm bố mẹ và hai con) như:
- Tiền nhà (Nếu hai vợ chồng đang ở nhà thuê hoặc mua nhà trả góp).
- Tiền xăng xe, chi phí đi lại.
- Tiền ăn uống, thực phẩm
- Học phí cho con (tiền học trên lớp, tiền học thêm,…)
- Các hóa đơn điện, nước, mạng wifi,…
- Các chi phí không cố định khác (chi phí sửa chữa thiết bị, thuốc men khi con ốm, mua quần áo mới,…)
- …
Hãy phân biệt các trường hợp chi tiêu thực sự cần thiết hay có thể mang đến nhiều cơ hội tăng khả năng tài chính với những khoản chi không thực sự cần thiết, thậm chí gây lãng phí để không phí tiền vô ích. Giả sử bạn cần sắm một chiếc máy laptop mới để phục vụ cho công việc designer của bạn vì chiếc máy hiện tại không còn đáp ứng được nhu cầu công việc – đây là một khoản chi cần thiết và giúp bạn tăng khả năng tài chính. Điều này khác hoàn toàn với việc bạn sắm một chiếc máy mới với mục đích “lên đời” cho kịp xu thế xã hội trong khi khả năng tài chính của bạn chưa cho phép. Khoản chi này thậm chí còn lãng phí hơn nữa nếu chiếc máy hiện tại của bạn vẫn hoạt động tốt.
Đọc thêm: Thoát khỏi tình trạng “mua nhưng không dùng” bằng chi tiêu chánh niệm
Ở bước này, bạn cần nghiêm túc liệt kê chính xác, đều đặn vào mỗi ngày. Đến cuối tuần, tháng hoặc quý, hai vợ chồng nên cùng nhau xem xét lại báo cáo thu chi để xem dòng tiền như vậy đã hợp lý chưa, cần điều chỉnh như thế nào. Từ đó, bạn sẽ tìm ra cách chi tiêu hợp lý hơn cho gia đình 4 người của bạn.
Thiết lập ngân sách chi tiêu
Ngân sách chi tiêu vô cùng quan trọng giúp bạn thực hiện sử dụng tiền hợp lý. Bạn nên thực hiện việc này mỗi tháng một cách tập trung và làm theo đúng các mục đã được lên kế hoạch rõ ràng trong đó. Bạn cần đảm bảo các khoản thu nhập được dùng cho đúng mục đích và tránh tình trạng phát sinh thêm chi phí.
Ví dụ, mỗi lần đi mua sắm bên ngoài, bạn nên liệt kê cụ thể các vật dụng cần mua và chỉ nên làm đúng theo những gì đã lên kế hoạch. Đặc biệt, bạn cũng nên tránh đến các địa điểm không có sản phẩm cần mua để hạn chế việc bị thu hút và gây ra chi tiêu không hợp lý. Đồng thời, hãy tỉnh táo trước sự hấp dẫn của các món đồ giảm giá không có trong danh sách bởi điều này sẽ gây ra chi tiêu lãng phí.
Có 3 phương pháp quản lý chi tiêu để bạn tham khảo:
- Phương pháp Kakeibo
- Phương pháp 6 cái lọ
- Quy tắc 50/20/30
Đọc thêm: Phương pháp quản lý tài chính “6 cái lọ”.
Cắt giảm chi tiêu không cần thiết
Đáng lẽ khi bạn có thể dùng tiền vào một việc có ích hơn thì lại để khoản tiền đó “bốc hơi” vì một chuyện không quan trọng, để rồi khi ngân quỹ của bạn hao hụt sau khi chi tiêu cho các khoản mục quan trọng hơn, bạn lại tự nhủ “giá như mình đã không tiêu tiền vào món đồ đó”. Vì thế, bạn nên cắt giảm các khoản không cần thiết này để đảm bảo chi tiêu hợp lý cho gia đình. Bạn chỉ nên mua những món đồ thực sự phải dùng và chú ý chất lượng để tiết kiệm tiền bạc.
Tất nhiên, việc giải trí hay mua sắm hưởng thụ rất cần thiết để bạn thư giãn và làm mới bản thân, nhưng việc này chỉ nên diễn ra với tần suất vừa phải. Bởi vì nếu thực hiện quá thường xuyên, bạn khó có được sự chủ động trong mọi hoạt động liên quan đến cuộc sống thường nhật.
Hẳn trong cuộc sống hàng ngày, bạn không thể hạn chế hoàn toàn những khoản chi tùy hứng như mua quần áo hàng hiệu hay mua hàng giảm giá đột xuất chỉ vì bạn thấy đó là một món hời. Nếu những khoản chi tiêu này không được kiểm soát, bạn sẽ dễ sa đà vào những món tiền này khiến cho ngân sách hàng tháng hao hụt đáng kể. Một vài mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn hạn chế được việc mua sắm quá đà như:
- Không ham mua đồ sale vì có thể là đồ tồn kho, kém chất lượng và gia đình bạn không có nhu cầu sử dụng.
- Trước khi mua gì đó, bạn hãy tự đặt câu hỏi: Liệu mua về có dùng thường xuyên không? Nếu chỉ dùng 1-2 lần thì bạn tốt nhất là không nên đầu tư.
- Thay vì thói quen ăn uống tại nhà hàng, bạn hãy tiết kiệm khoản chi phí này bằng cách nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
- Tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sinh hoạt: hãy lưu ý trong việc sử dụng điện nước trong gia đình. Khác với khi sống một mình, việc sinh hoạt tập thể hoặc sinh hoạt gia đình nhiều người có thể khiến các khoản chi tiêu này khó kiểm soát và dễ bị đội chi phí lên nếu có một thành viên nào đó sử dụng lãng phí.
Đọc thêm: 12 lời nói dối khiến bạn mãi chìm trong nợ nần
Trích ra một khoản dành cho quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng là tầng bảo vệ cho tháp tài sản mà bạn cần xây dựng vững chắc để bảo vệ cho đời sống gia đình. Hãy trích một khoản dành cho quỹ dự phòng để kịp thời giải quyết vấn đề ngoài ý muốn nào đó như ốm đau bệnh tật, sửa chữa nhà ở, ra các quyết định tài chính lớn,… Bạn cũng nên lựa chọn gửi quỹ dự phòng này vào một gói tiết kiệm ở ngân hàng để nhận lãi suất hàng tháng.
Sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu
Để tối ưu hóa việc chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người, hãy tham khảo việc sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu. Việc này sẽ giúp bạn nhìn lại một cách chi tiết nhất dòng tiền của mình trong thời gian qua mà không cần tốn công ghi nhớ, ghi chép thống kê các khoản tiền trong tháng.
- Tiện lợi: các ứng dụng miễn phí này hỗ trợ bạn lưu trữ thông tin tốt hơn so với việc ghi nhớ bằng trí óc hoặc chép tay.
- Tích hợp nhiều tiện ích, tính năng giúp bạn và gia đình có thể lên kiểm soát tài chính và lên kế hoạch tiết kiệm hiệu quả.
- Ngoài ra, các app chi tiêu còn có tính năng giúp tổng kết thu chi vào mỗi tháng, tạo biểu đồ so sánh, liệt kê các danh mục tiêu tốn nhiều tiền nhất,…
Tham khảo các phương pháp gia tăng thu nhập để nâng cao mức sống cho gia đình
Khi bạn có gia đình, con cái, thú cưng, có cha mẹ già cần chăm sóc, đồng nghĩa với việc bạn có nhiều yếu tố lệ thuộc vào nguồn thu nhập của bạn. Hãy cân nhắc tìm hiểu về các kênh đầu tư/phương pháp đầu tư để tạo thêm nguồn thu nhập thụ động. Bạn có thể tham khảo khóa học Đầu tư Tích sản của FinPeace để xây dựng tháp tài sản vững vàng, bảo vệ chất lượng sống của gia đình mình và sớm đạt được tự do tài chính.
Tạm kết
Việc học cách chi tiêu hợp lý cho gia đình sẽ giúp bạn tối ưu hóa chi phí, tìm ra cách nâng cao chất lượng sống cho các thành viên còn lại trong gia đình. Hãy tham khảo chia sẻ của FinPeace về cách chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người để xây dựng một kế hoạch chi tiêu gia đình hiệu quả nhất.