Sự phát triển của thương mại điện tử và các hình thức thanh toán online khiến việc mua sắm ngày một trở nên dễ dàng. Có hằng hà sa số lí do khiến đồng tiền trong tay được tiêu vào những mục đích không phục vụ nhu cầu lâu dài của một người, mà ví dụ điển hình là việc mua sắm vô tội vạ, thiếu cân nhắc. Nếu trong sô vài chục quyết định mà một người đưa ra mỗi ngày có vài quyết định mua sắm “chớp nhoáng”, thì chỉ cần sau một thời gian, người đó sẽ không còn gì ngoài một tài khoản luôn âm tiền và một núi đồ đạc mua trong vô thức, mua nhưng không dùng.
Trong bài viết này, FinPeace muốn giới thiệu đến bạn khái niệm “chi tiêu chánh niệm”, để mỗi đồng tiền bạn bỏ ra đều mang lại giá trị lâu bền về cả vật chất lẫn cảm xúc.
1. Bạn có phải người hay “mua nhưng không dùng”?
Quyết định mua sắm của chúng ta bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Dưới đây là một vài biểu hiện của những quyết định chi tiêu có khả năng dẫn đến tình trạng “mua nhưng không dùng”:
- Mua sắm để thể hiện với người khác: Không muốn mặc một món đồ quá hai lần, sợ người khác đánh giá gu thời trang nếu mua đồ giá bình dân, cảm thấy bất an nếu không xuất hiện với một bộ cánh lung linh, điện thoại đời mới hoặc một đôi giày tiền triệu là một vài biểu hiện tiểu biểu của việc bạn đang mua sắm để thể hiện bản thân với người khác, hay nói cách khác, sợ người khác đánh giá thấp mình. Nguyên nhân sâu xa đến từ việc lầm tưởng giá trị bản thân nằm ở đồ đạc mình có, nên càng mua sắm nhiều, bạn sẽ càng thấy tự tin.
- Mua để giải tỏa cảm xúc: Niềm vui khi được cầm trên tay một món đồ mới ưng ý tại thời điểm mua có tác dụng không khác gì một liều dopamine cho tinh thần. Do đó, nhiều người coi mua sắm là một biện pháp đối phó với cảm xúc tiêu cực. Gán cho mua sắm một mục đích tưởng như rất hợp lý, họ mua sắm với tâm lý đang “chăm sóc sức khỏe tinh thần” của chính mình
- Xem quá nhiều quảng cáo/ nội dung kích thích mua sắm: Chiếc laptop của bạn đang chạy rất ổn, nhưng quảng cáo của một loại laptop đời mới hơn, có màn hình cảm ứng đột nhiên xuất hiện và khiến bạn cảm thấy mình rất cần chiếc màn hình đó để làm việc hiệu quả. Hoặc khi các KOL yêu thích của bạn chia sẻ hình ảnh diện chung một chiếc áo được nhãn hàng tài trợ, bạn lại cảm thấy mình nhất định phải có được chiếc áo đó. Người làm tiếp thị rất biết cách tạo thêm nhu cầu cho khách hàng, và bằng việc dành thời gian lướt mạng xem quảng cáo nhiều, bạn đã trở thành “con mồi” lúc nào không hay.
- Coi mua sắm là một sở thích: Bạn cảm thấy vui khi sở hữu đồ đạc mới nên coi mua sắm là một sở thích giống như đọc sách, xem phim,… Bạn dành trọn thời gian rảnh để lượn lờ khắp các cửa hàng, tự nhủ mình đang dành thời gian cho sở thích cá nhân, thời gian, tiền bạc và công sức bỏ ra đều là của bạn nên không có gì là xấu.
- Không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng: Không có kế hoạch cụ thể với những đầu mục chi tiêu rõ ràng, tất cả tiền trong ví bạn sẽ đều hướng đến một mục đích chung là “tiêu”. Đứng trước những lựa chọn mua sắm hấp dẫn, bạn quên đi việc mình có hàng tá khoản chi thiết yếu khác (tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng,…) đang xếp hàng chờ, và không ngần ngại “xuống tay” cả nửa tháng lương cho một buổi shopping.
- Chi tiêu với tư tưởng “you only live once”: “Tiền kiếm lại được, nhưng niềm vui và tuổi trẻ thì không” là một lí do được sử dụng rất nhiều để biện hộ cho những quyết định mua sắm vô tội vạ. Quan niệm này không sai, nhưng sẽ đẩy bạn đến những quyết định mua sắm sai lầm nếu lạm dụng. Hãy nghĩ đến viễn cảnh có một tuổi trẻ “hết mình” rồi chìm trong nợ nần sau đó và phải lao động cật lực để bù lại, bạn có còn muốn đánh đổi sự tự do tài chính để đổi lấy vài niềm vui tức thời nữa không?
2. Tại sao bạn nên tìm hiểu về chi tiêu chánh niệm?
Những giải pháp “cai nghiện” mua sắm thường chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, thậm chí không có tác dụng vì cắt bớt ngân sách chi tiêu không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ biết mua đúng thứ mình muốn. Vừa đột ngột bị giới hạn ngân sách, vừa không mua được thứ mình cần trong lâu dài sẽ chỉ khiến bạn thấy ngột ngạt thêm và lại tìm đến mua sắm để giải tỏa. Đó là lí do FinPeace muốn giới thiệu đến bạn thuật ngữ “chi tiêu chánh niệm”, mà theo chúng tôi, đây không phải một giải pháp tạm thời mà là cả một phong cách sống.
Tìm hiểu thêm thông tin về chánh niệm trong chi tiêu tại podcast “Chánh niệm về tiền” của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh.
Thế nào là chi tiêu chánh niệm?
“Chánh niệm” là sự ý thức, chú tâm từng giây từng phút đến những gì đang xảy ra quanh và trong ta. Hiểu đơn giản, chánh niệm là trạng thái bạn nhận thức rõ mình đang làm gì. Trong cuộc sống bận rộn của hầu hết người đi làm, thực hành chánh niệm trong từng hoạt động đời thường để duy trì sự cân bằng là điều rất được khuyến khích. Chánh niệm trong chi tiêu không phải ngoại lệ.
Chi tiêu chánh niệm là khi bạn có nhận thức về những khoản chi tiêu của mình, khi quyết định mua hàng của bạn được đưa ra từ sự thấu hiểu bản thân bạn và những nhu cầu thật sự phục vụ các giá trị và mục tiêu cuộc sống lâu dài của bạn. Chi tiêu chánh niệm không phụ thuộc vào độ lớn số tiền bạn bỏ ra.
Ví dụ:
Bạn bị viêm xoang, lại sống ở trung tâm Hà Nội – nơi không khí thường xuyên ô nhiễm, đặc biệt là vào mùa hè. Bạn nhận thấy tình trạng hô đường hô hấp của bản thân không tốt khi thường xuyên tiếp xúc khói bụi, cân nhắc tới sức khỏe lâu dài và tình hình tài chính trong thời gian đó, liền mua một chiếc máy lọc không khí trị giá 5 triệu đồng để trong phòng làm việc riêng. Đây là chi tiêu chánh niệm.
Bạn lướt shopee vào ngày giảm giá, tiện tay bỏ vào giỏ hàng những món hàng “deal 1k” chỉ vì thấy chúng có giá 1000 đồng nên mua chơi, biết đâu lại tốt. Đến khi cả chục món đồ “1k” được giao tới, bạn phát hiện ra tất cả đều là những thứ bạn không dùng được, thậm chí có những món bạn không nhớ mình đã đặt mua. Điều này trái ngược hoàn toàn với chi tiêu chánh niệm.
Chi tiêu chánh niệm giúp thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào?
Chi tiêu chánh niệm giúp bạn nắm quyền kiểm soát cuộc sống tốt hơn, mà việc mua sắm ở đây chỉ là một khía cạnh để bạn thực hành sự “chánh niệm”. Với chi tiêu chánh niệm, bạn không chỉ tiết kiệm được tiền vì mua đúng, mua đủ, mà sâu xa còn trả lời được câu hỏi đâu là mục tiêu dài hạn của bản thân và những thứ mình cần để phục vụ mục tiêu đó. Biến chi tiêu chánh niệm thành một thói quen sống, bạn sẽ học được cách chỉ tập trung vào mục tiêu lâu dài, hình thành dần tư duy ra quyết định dựa trên những giá trị cốt lõi bền vững, không bị xao lãng bởi các yếu tố bên ngoài, giúp bạn đưa ra các quyết định đúng đắn khác.
Có thể đưa ra quyết định chi tiêu có ý thức thay vì mua sắm bốc đồng giúp bạn duy trì ý thức về tiền của mình, thay vì sử dụng mua sắm để xoa dịu lo lắng. Đích đến cuối cùng của việc lao động kiếm tiền là một cuộc sống hạnh phúc, an yên, mà tiền hay đồ đạc cũng đều chỉ là phương tiện vận chuyển những thứ đó đến cuộc sống của bạn. Hiểu thế nào là chi tiêu chánh niệm, bạn cũng sẽ hiểu thế nào là niềm vui bền vững, một cuộc sống có mục đích và không bị kiểm soát bởi đồng tiền.
Đọc thêm bài viết: Tận dụng triệt để phương pháp Kakeibo để nâng cao năng lực tài chính.
Tóm lại, chi tiêu chánh niệm là một phong cách sống cho bạn sự tự do và an yên trong chi tiêu, hướng bạn đến những mục tiêu và niềm hạnh phúc lâu dài, bền vững.
3. Gợi ý để bạn bắt đầu chi tiêu chánh niệm ngay hôm nay
Thay vì sử dụng những nguyên tắc khắt khe biến việc quản lý chi tiêu trở nên căng thẳng, chi tiêu chánh niệm giúp bạn tiết kiệm tiền và cải thiện cuộc sống qua việc hướng bạn đến việc mua đúng, mua đủ. Mọi món đồ dù đắt hay rẻ đều đáng tiền nếu nó mang đến niềm vui bền vững và phục vụ mục đích lâu dài của bạn. Ở phần này, FinPeace sẽ đưa ra một số gợi ý để bạn có thể bắt đầu thực hành chi tiêu chánh niệm ngay hôm nay.
Món đồ này đang phục vụ mục đích gì?
Bắt đầu từ toàn bộ đồ đạc bạn đang sở hữu. Để việc xác định mục đích của cả núi đồ đạc ấy trở nên dễ dàng hơn, hãy phân loại chúng vào các đầu mục lớn: Học tập, giải trí, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đồ gia dụng,…Bạn tiến hành xem xét từng món và đảm bảo rằng chúng đều đang phục vụ mục đích hiện tại của bạn, chứ không phải thứ bạn có thể sẽ cần tới trong tương lai. Bạn có thể sẽ nhận ra mình đang sở hữu nhiều món đồ có chung mục đích, hoặc phát hiện ra những món đồ bị bỏ quên vì thói quen mua sắm bốc đồng.
Tôi cần mua gì trong tháng này và có bao nhiêu tiền trong ngân sách cho chúng?
Nếu không có kế hoạch, những nhu cầu mới (nhiều khi là không cần thiết) rất dễ được hình thành và chen ngang mục tiêu quản lý tài chính hay tập chi tiêu chánh niệm của bạn. Hãy xác định mục đích từng phần trong thu nhập của bạn bằng ngân sách được phân chia danh mục cụ thể, giống như việc xác định mục đích đồ đạc. Khi ý thức rõ được số tiền mình đang có và những khoản mình cần chi trong thời gian tới (1 tháng), bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về “điểm đến” của tiền. Việc liệt kê những món đồ mình thực sự cần mua từ đầu tháng cũng phần nào giúp bạn tránh được cám dỗ “mua theo cảm hứng” khi mọi suy nghĩ mua sắm bốc đồng đều trở nên “lép vế” trước một danh sách được tìm hiểu kỹ lưỡng từ lâu.
Tôi có thể không có món đồ đó trong 72 giờ nữa mà vẫn ổn không?
Bạn có thể kiểm tra mức độ quan trọng và cần thiết của món đồ mình muốn mua trước khi thực sự “xuống tiền” bằng cách đặt ra nguyên tắc chờ 72 giờ. Nếu sau 72 giờ bạn vẫn còn muốn mua chúng như ban đầu, và trong 72 giờ ấy cuộc sống của bạn thực sự gặp trở ngại vì thiếu món đồ đó, thì đó là một món đồ cần mua. Tất nhiên, nguyên tắc này không áp dụng với đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, bạn có thể áp dụng với những nhu cầu khác kém thiết yếu hơn như giải trí, làm đẹp,…
Có lựa chọn nào tốt hơn không?
Các quyết định mua sắm sai lầm có thể đến từ việc không có đủ dữ kiện về đối tượng khi đưa ra quyết định. Đôi khi, chỉ vì sản phẩm được giảm giá hoặc bán với số lượng giới hạn, bạn đã vội vàng rút ví vì sợ…hết. Mua về không dùng, nhưng vẫn tặc lưỡi bỏ qua vì nó “hời”. Để có thể “mua đúng, mua đủ” theo tinh thần của chi tiêu chánh niệm, bạn hãy làm thêm bước tìm hiểu thông tin thật kỹ về sản phẩm, xem thứ bạn muốn khi ấy có thực sự khớp với nhu cầu lâu dài của bạn không, so sánh các lựa chọn để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất, tránh việc đọc lướt qua quảng cáo rồi mua luôn không suy nghĩ.
Tôi có thể làm gì với những đồ đã mua mà không dùng tới?
Với những đồ đã mua nhưng không dùng, bạn có thể xử lý bằng cách bán, tặng, tái chế,…Mục đích của việc này là để giải phóng không gian sống và tâm trí của bạn, bạn sẽ không còn áy náy dằn vặt khi không nhìn thấy những “sai lầm” của mình xuất hiện trong nhà. Tuy nhiên, việc cho, tặng, tái chế này cần được thực hiện một cách “chánh niệm”, tức là bạn biết mình đang cho đi những đồ dùng có giá trị sử dụng, trao nó tới tay người cần, thay vì chỉ “tống” đi một cách vô thức như khi bạn mua chúng.
2 bình luận về “Thoát khỏi tình trạng “mua nhưng không dùng” bằng chi tiêu chánh niệm”