Áp lực tài chính khi bố mẹ không có lương hưu

Áp lực tài chính khi bố mẹ không có lương hưu

Áp lực tài chính là câu chuyện của một bạn trẻ đang dần trở thành trụ cột tài chính trong gia đình khi bố mẹ không có lương hưu, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace sẽ cùng bạn phân tích gốc rễ của vấn đề và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Năm nay em 26 tuổi, chưa lập gia đình. Khi công việc bắt đầu ổn định với mức lương khoảng 30 triệu/ tháng; thì bố mẹ đến tuổi không còn làm ra được tiền và cũng không có lương hưu; vì trước nay đều làm nông và công việc tay chân khác. 

Khoảng một năm nay, hàng tháng em gửi về cho bố mẹ 8.000.000 để ông bà chi tiêu: đi đám hỉ, đám hiếu và mua thuốc cho bố. Ngoài Hà Nội thì em cũng chi trả tiền thuê nhà, tiền đi lại, các hóa đơn, phải dành tiền tham gia một số khóa học cũng không tiết kiệm được nhiều. 

Mọi thứ vẫn có vẻ ổn; nhưng nếu bỗng nhiên bản thân bị tai nạn hay bố mẹ bị bệnh, hoặc có một tình huống khẩn cấp nào đó; em e rằng bản thân mình chưa có đủ tài chính để giải quyết.

Em đang muốn tìm ra cách thức quản lý tài chính và đầu tư phù hợp để hỗ trợ được cho bố mẹ ở hiện tại và sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ ở tương lai.

Với văn hóa người Việt nói chung, nhu cầu bảo vệ cho người thân về mặt tài chính nằm trong thứ tự ưu tiên rất cao và là điều hoàn toàn hợp lý. Tuấn Anh hiểu việc bạn lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình là một nhu cầu hết sức chính đáng. Trong câu chuyện này, Tuấn Anh sẽ cùng bạn nhìn nhận lại vấn đề và đưa ra cho bạn những gợi ý sau:

Giải pháp loại bỏ áp lực tài chính

1, Loại bỏ áp lực tài chính bằng cụ thể hoá nhu cầu tài chính cho sức khoẻ bố mẹ 

Trước hết, thật tuyệt vời khi bạn có kế hoạch tài chính hướng về gia đình – điều này chứng minh bạn là một người hiếu thảo và có trách nhiệm với gia đình của mình. Tuy nhiên, đừng biến điều này thành áp lực với chính mình, hay nói cách khác – chúng ta không nên kỳ vọng mình sẽ lo được tất cả mọi thứ cho bố mẹ, đặc biệt là các bạn trẻ mới ổn định tài chính

Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tìm hiểu nhu cầu và ưu tiên giải quyết những vấn đề sức khoẻ cụ thể song song với việc chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ ở tương lai. Thay vì dồn cả 100% ngân sách tài chính cho việc mua một gói bảo hiểm phòng/chữa một căn bệnh chưa xuất hiện, hãy cân đối để có thể nâng cao chất lượng sống hiện tại của bố mẹ và để họ thư giãn, tận hưởng những phút giây an nhiên tuổi già.

Bạn nên giao tiếp để hiểu rõ ràng, trong hiện tại, bố mẹ bạn đang cần được hỗ trợ ở những khía cạnh nào trong cuộc sống, nếu bố mẹ đang có bệnh cần thuốc thang thì chi phí cụ thể là bao nhiêu. Hỗ trợ bố mẹ là điều tốt, nhưng hãy hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của bố mẹ, đừng chỉ đơn giản mỗi tháng gửi cho bố mẹ một khoản tiền. 

2, Dự phòng cho bản thân là điều tối quan trọng

Có một sự thật rằng, chỉ khi bạn ổn định, bạn mới có thể hỗ trợ được người khác. Lời khuyên của Tuấn Anh rằng, con số 8 triệu mà bạn đang gửi bố mẹ hàng tháng, bạn có thể trao đổi cụ thể lại với bố mẹ, giữ lại một vài triệu và bắt đầu tiết kiệm một khoản cho riêng mình. Khi tự bạn có sự vững vàng tài chính, bước tiếp theo mới là chu cấp cho bố mẹ. 

Trên thực tế việc phó mặc tuổi già cho con là quan điểm cũ của nhiều thế hệ. Cha mẹ khi đặt quá nhiều kỳ vọng phụng dưỡng tuổi già lên con cái sẽ tạo áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều này khiến nguồn lực tài chính bị thu hẹp, việc chăm sóc cha mẹ cũng trở nên khó khăn hơn. Để tránh điều này xảy ra, bạn có thể kết hợp nhiều kênh tiết kiệm hoặc đầu tư, lựa chọn tham gia các quỹ hưu trí tự nguyện,… cũng như xây dựng lại kế hoạch tài chính cho cả gia đình – điều sẽ giúp bạn vững vàng kinh tế về lâu dài để phụng dưỡng bố mẹ. 

Theo dõi series Tài Chính Tự Thân trên Youtube để có câu trả lời cụ thể hơn cho những trăn trở về tài chính của bạn:

https://youtu.be/nCDf5cdSvdgc 

Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể cùng thảo luận về một vấn đề đang được quan tâm gần đây: 

Một nghiên cứu cho thấy : Chỉ có 27% người Việt Nam ở trong độ tuổi hưu trí có lương hưu và có tài chính ổn định. Số còn lại phải dựa vào trợ cấp từ con cái, hoặc là có điều kiện sống khó khăn. Vậy liệu trong tương lai, sẽ có một thế hệ trẻ cần phải hỗ trợ thế hệ đã về hưu và không có tài chính ổn định.

Mất cân bằng trong cơ cấu dân số đang là bài toán chung của cả thế giới. Ở Việt Nam, cho đến năm 2022, đối với cán bộ, công chức bình thường thì độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 là 60 tuổi 06 tháng đối với cán bộ, công chức nam và 55 tuổi 08 tháng đối với cán bộ, công chức nữ. So với trước đây, độ tuổi về hưu đã giảm khá nhiều, điều này gây ra tác động tiêu cực với cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa.

Chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức đều sẽ có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Tuy nhiên, Tuấn Anh cho rằng chúng ta nên chủ động tích lũy cho cuộc sống khi về già và sớm ý thức được sự cần thiết của việc có một khoản tài chính vững chắc cho cuộc sống sau tuổi lao động.

Bài học từ áp lực tài chính

1, Ý thức được trách nhiệm của mình khi về già

Sau khi về hưu, con người vẫn có những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như quần áo, thực phẩm, chi phí thuốc men, thăm khám ở bệnh viện… Đặc biệt ở độ tuổi này, sức khỏe sụt giảm, nguy cơ mắc bệnh tật đều ở mức cao, đi kèm với đó là chi phí y tế đắt đỏ. Nếu người cao tuổi có lương hưu, có khoản tiết kiệm từ trước thì những vấn đề trên sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Vấn đề cốt lõi nằm ở việc mỗi cá nhân thể hiện sự chủ động của mình như thế nào đối với việc tiết kiệm cho quỹ hưu trí. Việc chuẩn bị cho cuộc sống khi về già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Quan trọng là cần ý thức được điều này càng sớm càng tốt, chúng ta sẽ chuẩn bị những phương pháp tiết kiệm và đầu tư kỹ càng, từ đó việc tích luỹ cho tuổi già sẽ trở nên khả thi. 

2, Đầu tư tích sản, tại sao không?

Đầu tư tích sản là phương pháp đầu tư an toàn, đảm bảo sức khỏe tài chính lâu dài. Giả sử, 30 năm nữa bạn về hưu, bạn có thể bắt đầu đầu tư tích sản ngay hôm nay để từng bước xây dựng quỹ dự phòng hưu trí của mình. 

Trên thực tế, đầu năm nay, chúng ta thấy thị trường từ ngưỡng khoảng 1500 điểm, có thời điểm đã giảm xuống khoảng 900 điểm, tức là giảm khoảng 600 điểm. Tính trên tổng index đã giảm khoảng 40%, nhiều mã là có thể giảm tận 80 – 85%. Vấn đề này đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn sẽ là sự sợ hãi. Nhưng đối với những người có tầm nhìn lớn hơn thì đây là thời điểm vàng để có thể bắt đầu đầu tư dài hạn. 

Đọc thêm bài viết: Hiểu về lạm phát & Lý do bạn nên đầu tư ngay hôm nay

Bản tin Tài chính Tự thân là bản tin hàng tuần do FinPeace xây dựng, gửi đến bạn vào 10h sáng thứ 4 hàng tuần. Tại mỗi bản tin, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ giúp chúng ta giải quyết một tình huống vướng mắc về tài chính, và đúc kết những bài học quan trọng từ tình huống đó. 

Nếu bạn còn bất cứ vấn đề, bạn có thể để lại thông tin và câu hỏi của bạn trong form dưới đây. Chúng tôi sẽ lựa chọn những câu hỏi phù hợp để giải đáp trong những bản tin tiếp theo.

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSf_AoRgVFdhlmt2gxJdXsX2kSGqy163ZdV9d-NqHMsDqJAXVA/viewform 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận