Hiểu bản thân, nâng cao kiến thức giao dịch, lên kế hoạch đầu tư rõ ràng,… đó là một vài cách thức hiệu quả để giúp bạn thoát bẫy tâm lý trong đầu tư.
Khi giao dịch chứng khoán, mắc kẹt trong các bẫy tâm lý là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở các nhà đầu tư, và cũng là vấn đề nên được giải quyết ngay nhằm tránh những hậu quả không đáng có. Sau khi đồng hành cùng nhiều khách hàng, FinPeace nhận ra 5 bẫy tâm lý phổ biến là:
- Bẫy bầy đàn
- Bẫy định kiến
- Bẫy nhiễu thông tin
- Bẫy quá khứ
- Nghiện giao dịch
Việc mắc kẹt trong những bẫy tâm lý này khiến nhà đầu tư đưa ra những quyết định thiếu tỉnh táo, giữ trạng thái cảm xúc tiêu cực, có nguy cơ thua lỗ, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Trong bài viết này, FinPeace gợi ý bạn 5 việc cần làm để thoát khỏi những bẫy tâm lý này, giữ quyền chủ động trong hành trình đầu tư của bạn.
1. Hiểu bản thân để có một phương pháp đầu tư phù hợp
Khi đầu tư chứng khoán, trong nhiều trường hợp, bạn phải quyết định nhanh, liên tục và chính xác. Để vừa nhanh, vừa liên tục, vừa chính xúc, bạn lại cần phải phân tích xử lý thông tin, thiết lập mục tiêu đầu tư, lên kế hoạch phân bổ,… Có rất nhiều việc phải làm để đưa ra được một quyết định tốt.
Để quá trình này đơn giản và hiệu quả hơn, bạn cần thiết lập được một phương pháp/ hệ thống đầu tư cho riêng mình. Điều này giúp bạn thực hiện các hành động theo một chuỗi logic đã được lập trình sẵn. Nó sẽ là la bàn định hướng, để mỗi khi cần ra quyết định, bạn chỉ cần kiểm tra các điều kiện của hệ thống và làm theo. Khi thực hiện một quá trình đầu tư có hệ thống, bạn sẽ hạn chế được rủi ro trước các bẫy tâm lý thường gặp.
Ví dụ, bạn có thể tuân thủ một kế hoạch đầu tư định kỳ (SIP – Systematic investment plan). Bằng việc tiết kiệm đầu tư liên tục từng khoản tiền nhỏ, bạn tận dụng được lợi thế từ việc trung bình giá vốn dài hạn (DCA – Dollar cost averaging). Nhờ có thói quen đầu tư định kỳ trong thời gian dài vào những tài sản quen thuộc, bạn sẽ cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu cơ nhất thời nhiều rủi ro.
Cần chú ý rằng, mỗi một người, tuỳ theo tính cách và mục tiêu tài chính cụ thể, sẽ lựa chọn phương pháp đầu tư khác nhau, có những check-list trước khi ra quyết định đầu tư khác nhau. Vì vậy, bạn có thể tham khảo phương pháp của người khác, nhưng không nên bắt chước hoàn toàn, mà liên tục quan sát và thử nghiệm để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình.
2. Không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức đầu tư
Đọc xong ý trên, có thể nhiều bạn sẽ suy nghĩ: “Tôi chưa biết gì về đầu tư, làm sao xây dựng phương pháp đầu tư cho mình được?”. Điều đó dẫn tới yếu tố thứ 2 mà bạn cần tập trung phát triển, đó là xây dựng kiến thức đầu tư. Không ai có kiến thức đúng ngay từ đầu, do đó, việc liên tục học hỏi gần như là một yếu tố bắt buộc nếu như bạn muốn nâng cao tỷ lệ thành công của mình. Thêm nữa, kiến thức đầu tư còn giúp bạn tránh khỏi bẫy tâm lý nhiễu thông tin, vì bạn đã có nền tảng vững chắc để đánh giá thông tin bạn tiếp cận.
Trước tiên, bạn cần có những tư duy đúng đắn và thực tế về thị trường và về việc đầu tư. Chẳng hạn, bạn nên biết trước rằng không có phương pháp nào là toàn thắng; một cơ hội có khả năng mang lại lợi nhuận cao cũng sẽ có mức độ rủi ro cao; không có chuyện doanh nghiệp và cả nền kinh tế chật vật lắm mới tăng trưởng được 10%, mà bạn mới đầu tư cổ phiếu đã muốn lãi gấp 5 gấp 10,…
Về kiến thức đầu tư, có thể bạn sẽ nghĩ đến những PE, EPS, các phương pháp định giá,… (nếu theo phân tích cơ bản), hoặc MA, RSI, các chỉ báo kỹ thuật, cách đếm sóng,… (nếu theo phân tích kỹ thuật). Những kiến thức này quan trọng, nhưng chưa phải tất cả. Và giả sử bạn chưa hề biết về những chỉ số này, bạn cũng có thể bắt đầu bằng việc quay về bản chất của đầu tư chứng khoán – đi sâu tìm hiểu giá trị nội tại của doanh nghiệp mà bạn muốn đầu tư. Giá trị nội tại đó có thể bao gồm rất nhiều yếu tố như: Đối tác, hoạt động chính, giá trị cung ứng, mối quan hệ với khách hàng, phân khúc khách hàng, cấu trúc chi phí, lợi nhuận…
3. Nâng cao kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin
Giữa rất nhiều nguồn thông tin, bạn cần học cách phân tích và đánh giá thông tin, từ đó chọn lọc những thông tin hữu ích trên hành trình đầu tư của mình, tránh mắc phải bẫy tâm lý bầy đàn hoặc nhiễu thông tin.
Trước một thông tin có liên quan đến quá trình đầu tư của bạn, bạn cần xác định được nguồn gốc, độ chính xác, và mức độ ảnh hưởng của thông tin đó tới thị trường. Trong nhiều trường hợp, khi thông tin được truyền tới tai bạn, nó không còn chính xác hoặc không còn phù hợp với diễn biến thị trường tại đúng thời điểm bạn định ra quyết định.
Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo phân tích đánh giá thông tin trước khi để thông tin đó dẫn dắt bạn đến một quyết định nào đ để tránh sa vào bẫy tâm lý. Nếu như không chắc chắn, bạn hoàn toàn có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, các coach tài chính mà bạn tin tưởng để xác định về độ chính xác của thông tin, cũng như quan điểm của họ về vấn đề này.
4. Lên kế hoạch đầu tư rõ ràng
Để tránh bị cảm xúc dẫn dắt rồi mắc phải các bẫy tâm lý đáng tiếc, cách hiệu quả nhất là là có một bản kế hoạch đầu tư rõ ràng. Bản kế hoạch đó cần có những thông tin quan trọng như: lượng vốn giao dịch, điểm mua, điểm bán, điểm cắt lỗ… Lưu ý, một lệnh mua của bạn không nên quá 5% khối lượng khớp lệnh của một phiên. Bản kế hoạch đầu tư bao gồm những yếu tố dưới đây:
Đồng thời, một câu hỏi quan trọng bạn cần tự hỏi chính mình rằng: Trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì hành động của bạn làm gì? Khi đã lường trước rủi ro và có chuẩn bị hành động rõ ràng cho trường hợp xấu nhất, bạn sẽ có sự vững vàng trong các giao dịch của mình. Trong khoá học ProTrading của FinPeace, chúng tôi cũng bắt đầu bằng việc giúp bạn thấu hiểu bản thân, từ đó xây dựng được một bản kế hoạch đầu tư rõ ràng, khoa học, phù hợp với mục tiêu và phong cách đầu tư của cá nhân bạn.
5. Đối diện với những sai lầm mình đã mắc phải
Sai lầm là điều không thể tránh trên hành trình đầu tư. Điều quan trọng là bạn cần học cách đối diện với những sai lầm đó một cách hiệu quả. Khi đối diện với thất bại, chúng ta thường rất buồn, thất vọng, bực tức và cảm xúc tiêu cực có thể tồn tại rất lâu sau đó. Khi bị mất một khoản tiền rất lớn, nhiều người còn có xu hướng tự trách bản thân, đổ lỗi cho thị trường hoặc cho những người xung quanh. Thế nhưng, nguyên nhân luôn đến từ bên trong chính mình, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc đối diện nhanh và trực diện với sự thất bại, học cách sớm cân bằng lại cảm xúc, những deal tiếp theo sẽ đến nhanh hơn và tốt hơn.
Nếu chúng ta không nâng niu, không phân tích những thất bại của mình, chúng ta rất khó để vươn lên. Một người có kinh nghiệm và trải nghiệm là một người biết cách phân tích thất bại của mình. Họ biết nhìn lại và đặt câu hỏi cho bản thân: Tại sao deal này của tôi lại thất bại, lý do bắt nguồn từ đâu? Lý do có thể liên quan đến chuyện phân tích nội tại tài sản chúng ta đầu tư, hoặc từ năng lực tài chính chưa ổn định, hoặc do bị ảnh hưởng từ bẫy tâm lý trong quá trình đầu tư… Hãy coi mỗi thất bại như một cơ hội tuyệt vời để học hỏi.
Đọc thêm bài viết: Nhận diện 5 bẫy tâm lý giao dịch thường gặp trong chứng khoán.
Ngoài ra, các học viên của FinPeace cũng thường được hướng dẫn viết “Nhật ký giao dịch”, không chỉ ghi chép lại về mặt số liệu, mà còn về mặt cảm xúc trải nghiệm của bạn về mỗi lần giao dịch, cũng như bài học bạn rút ra được từ những giao dịch đó.
Tóm lại
Một nhà giao dịch giỏi không chỉ là người thành thục việc phân tích các số liệu, mà còn cần là “chuyên gia” thấu hiểu chính mình. Họ hiểu rõ mục tiêu, tính cách để lựa chọn phong cách đầu tư và lên kế hoạch đầu tư phù hợp. Họ đủ tỉnh táo để biết mình đang làm gì, mình đang đi tới đâu, để không đứng núi này trông núi nọ. Họ vững vàng trước những biến động của thị trường bởi họ đã có sự chuẩn bị cho cả tình huống tồi tệ nhất. Đó chính là những điều mà FinPeace luôn hướng tới trong các khoá học, dịch vụ của mình – giúp khách hàng thấu hiểu bản thân để thoát bẫy tâm lý, làm chủ hành trình đầu tư.
2 bình luận về “Thoát bẫy tâm lý trong đầu tư – 5 gợi ý nên tham khảo”