3 Lỗi chủ quan thường gặp nhất khi đầu tư tài chính

Bài chia sẻ về những lỗi đầu tư tài chính phổ biến của anh Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace. Bài viết được đăng tải lần đầu trên Vietcetera.

Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán tăng kỷ lục. Tính đến tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu, trong khi con số này ở thời điểm cuối năm 2020 chỉ là 2,77 triệu tài khoản.

Đây là một dấu hiệu tích cực, chứng tỏ rằng ngày càng nhiều người quan tâm đến đầu tư – một khía cạnh quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.

Lúc này, câu hỏi đặt ra cho những người làm tư vấn tài chính như tôi là làm sao hỗ trợ mọi người đầu tư hiệu quả hơn, vững vàng hơn, vượt qua những rào cản tâm lý và nhận thức để từng bước làm chủ hành trình đầu tư của mình.

Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra 3 lỗi đầu tư tài chính do chủ quan mà các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân thường gặp phải. Nếu bạn nhìn thấy bản thân phạm những lỗi đầu tư tài chính này, đừng lo lắng, nhận thức được vấn đề là bước đầu tiên để bạn thay đổi và làm chủ hơn.

Lỗi đầu tư tài chính #1: Thiếu hiểu biết về bản thân

Khi bạn thấy xung quanh ai cũng đầu tư, rất có thể bạn cũng “nhảy” vào thị trường đầu tư chứng khoán mà không hiểu rõ mục tiêu, năng lực của bản thân mình. Tôi vẫn luôn cho rằng, yếu tố “cá nhân” trong “tài chính cá nhân” cần được đề cao hơn trong mọi kế hoạch quản lý tài chính. Sự thiếu hiểu biết về bản thân là một lỗi đầu tư tài chính, được thể hiện qua 3 dấu hiệu sau đây.

Thiếu hiểu biết về năng lực tài chính bản thân mình

  • Bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư chứng khoán?
  • Khoản tiền dành để đầu tư này có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn?
  • Với khoản tiền này, bạn mong muốn đầu tư ngắn hạn hay dài hạn?

Đó là những câu hỏi cơ bản nhất mà các nhà đầu tư cá nhân cần trả lời trước khi bước vào thị trường tài chính. Khoản tiền đầu tư chứng khoán cần được hoạch định riêng, sau khi đã cân nhắc, sắp xếp cho các khoản chi tiêu cơ bản khác trong cuộc sống (ví dụ như tiền nhà, tiền ăn, hoá đơn điện nước, tiền xăng xe, tiền học cho con cái).

Có như vậy, khi rủi ro xảy ra, bạn mới không cần phải lo lắng về việc cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn.

Ví dụ, thu nhập hàng tháng của một bạn trẻ là 15 triệu, sau khi trừ hết các khoản chi tiêu thông thường, khoản tiền nhàn rỗi của bạn chỉ là 3 triệu. Như vậy, số tiền tối đa bạn có thể dành cho đầu tư chứng khoán là 3 triệu.

Nếu như bạn không có sự nhận thức rõ về năng lực tài chính của mình, quyết định “đổ” ngay 10 triệu vào cổ phiếu sau khi nhận lương, bạn chắc chắn sẽ thiếu tiền sinh hoạt trong tháng.

Điều này khiến bạn có thể phải đi vay tiền người khác để sinh sống, phải ăn uống khổ sở vì thiếu tiền, và hàng ngày nhìn bảng điện tử lo lắng cho khoản tiền đầu tư của mình. Đây rõ ràng không phải một hành động thông minh.

Khoản tiền đầu tư chứng khoán cần được hoạch định riêng, sau khi đã cân nhắc, sắp xếp cho các khoản chi tiêu cơ bản khác trong cuộc sống.
Khoản tiền đầu tư chứng khoán cần được hoạch định riêng, sau khi đã cân nhắc, sắp xếp cho các khoản chi tiêu cơ bản khác trong cuộc sống.

Thiếu hiểu biết về mục tiêu đầu tư

Biết đích đến thì mới biết điểm dừng. Nếu không, bạn sẽ cứ mãi quanh quẩn trong vòng quay lên xuống của thị trường chứng khoán.

Nicolas Darvas, một vũ công chuyên nghiệp ở những năm 1950, tự phát triển một cách đầu tư riêng mình. Nhưng sau khi kiếm được 2 triệu USD nhanh chóng trong 18 tháng từ số tiền 10 nghìn USD, Darvas không còn giao dịch nữa. Có lẽ đối với ông, tài chính là phương tiện cho một cuộc sống tốt hơn, và 2 triệu USD là con số đủ để ông có một cuộc sống mình mong muốn.

Cá nhân tôi, năm 2006, đúng giai đoạn đi lên của thị trường tài chính, tôi có trong tay hơn 1 triệu USD từ đầu tư chứng khoán. Nhưng chỉ hai năm sau đó, tài sản của tôi trở về điểm khởi đầu, thậm chí còn thua lỗ đến mức vay nợ. Lý do đến từ việc tôi không biết đích đến của mình là gì, do đó không biết dừng lại khi bản thân đã chạm được đến mục tiêu.

Thiếu hiểu biết về hành động

Rất nhiều nhà đầu tư có thói quen hỏi người khác, chờ người khác “phím” cho vài mã chứng khoán, và cứ thế đầu tư theo. Mọi quyết định đầu tư đều xuất phát từ các cơ hội bên ngoài, chứ không phải từ kiến thức, nguồn lực, kinh nghiệm,… ở bên trong.

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như xung quanh mình không còn ai để hỏi, hoặc nếu như quyết định của những người khác là sai lầm?

Chúng ta có trách nhiệm với số tiền của mình, dù khoản tiền đó là ít hay nhiều. Vì vậy, mọi quyết định đầu tư đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Và hơn ai hết, chính bạn phải hiểu rõ tại sao bạn đầu tư cho một công ty cụ thể.

Nếu bạn còn e dè vì bản thân chưa có kiến thức và kinh nghiệm, hãy bắt đầu với những khoản đầu tư nhỏ và rút kinh nghiệm từ thực tiễn, thay vì hỏi kết quả từ một người khác.

Chúng ta có trách nhiệm với số tiền của mình, dù khoản tiền đó là ít hay nhiều.

Lỗi đầu tư tài chính #2: Chưa biết quản lý cảm xúc khi đầu tư

Warren Buffett đã từng nói: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi, hãy sợ hãi khi thị trường tham lam”. Nhưng rất nhiều nhà đầu tư thường sợ hãi khi cả thị trường sợ hãi, tham lam khi cả thị trường tham lam, mặc cho kế hoạch đầu tư của mình là gì, nguyên tắc đầu tư của mình ra sao.

Lỗi sợ hãi

Sợ hãi xuất hiện nhiều khi thị trường đi xuống. Ví dụ gần nhất là khi thị trường lao dốc không phanh trong 2-3 phiên liên tiếp vào vào ngày 19 và 20/01 vừa rồi.

Chỉ một phiên ngày 19/01 đã cuốn phăng thành quả của cả thị trường tích luỹ trong 2 chục ngày đầu năm 2021, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ ngay trước thềm năm mới. Thực tế này khiến các nhà đầu tư khiếp sợ, ồ ạt đặt lệnh bán, khiến thị trường tắc nghẽn. Đó chính là biểu hiện cụ thể nhất của nỗi sợ.

Do thiếu kịch bản ứng phó với thị trường, chưa xác định nguyên tắc rõ ràng trong chuyện chốt lời, cắt lỗ khi nào, nhiều người đặt lệnh bán cắt lỗ một cách thiếu ý thức. Hậu quả là, bạn có thể cắt lỗ quá sớm, và chỉ vài ngày sau đó thị trường lại quay lại trạng thái bình ổn. Hoặc ngược lại, bạn không cắt lỗ kịp thời, đến mức khoản thua lỗ vượt quá khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.

Xem thếm: Thoát bẫy tâm lý trong đầu tư – 5 gợi ý nên tham khảo

Lỗi tham lam

Khi thị trường lên, đối lập với sự sợ hãi lúc xuống, chúng ta trở nên tham lam, muốn nhiều hơn nữa. Tâm lý FOMO, kết hợp với sự hồ hởi nhiệt huyết của mọi người xung quanh, sẽ dễ khiến bạn nghĩ ra đủ lý do để “mua cổ phiếu theo phong trào”.

Thế nhưng, số đông chưa chắc đã đúng. Vẫn có khả năng bạn sẽ lao vào cổ phiếu nào đó một cách quá vội vàng, dẫn đến khả năng thua lỗ.

Nhiều người vì tham lam, còn sử dụng đòn bẩy tài chính như vay tiền người khác để đầu tư vào một đợt sóng cổ phiếu đang lên nào đó, sau đó không kịp trở tay khi cổ phiếu đó liên tục giảm giá. Đây cũng là hậu quả của việc thiếu kế hoạch (trading plan) được định hình rõ ràng từ trước.

Một triết lý đầu tư có thể thịnh ở một giai đoạn, nhưng nếu nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để quan sát thị trường và nhìn nhận lại cách làm của mình, họ vẫn có thể thua lỗ.
Một triết lý đầu tư có thể thịnh ở một giai đoạn, nhưng nếu nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để quan sát thị trường và nhìn nhận lại cách làm của mình, họ vẫn có thể thua lỗ.

 

Lỗi đầu tư tài chính #3: Chủ quan coi thường

Khi đầu tư thắng lợi một số giao dịch, nhà đầu tư sẽ còn có cảm giác của người chiến thắng, và hình thành tâm lý “cách làm của tôi là số một”. Thế nhưng, cách thức để đưa bạn đến thành công ở thời điểm hiện tại, chưa chắc đã đưa bạn đến những thành công tiếp theo.

Một triết lý đầu tư có thể thịnh ở một giai đoạn, nhưng nếu nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để quan sát thị trường và nhìn nhận lại cách làm của mình, họ vẫn có thể thua lỗ. Và tệ hơn là, họ không thể hiểu được tại sao triết lý giao dịch vững vàng đến thế mà lại không chiến thắng.

“Market is always right” – Thị trường luôn đúng. Đó là điều bạn nên ghi nhớ.

Tâm lý chủ quan coi thường là một lỗi đầu tư tài chính có thể che mờ lý trí khi bạn phân tích thị trường. Nhà đầu tư khi quá tự tin thường sẽ không quan trọng việc đa dạng hóa danh mục, cố chấp bám trụ vào triết lý đầu tư của mình mà không thích nghi với những chuyển động của thị trường.

Kết

Đừng lo lắng, vì mắc lỗi trên thị trường chứng khoán là điều rất bình thường. Các nhà đầu tư lỗi lạc vẫn thường xuyên mắc lỗi đầu tư tài chính, nhưng sau đó họ nhận diện, điều chỉnh và rút kinh nghiệm. Chúng ta sẽ chỉ tụt hậu khi:

  • Không hành động đầu tư sớm từ những khoản tiền nhỏ.
  • Không đầu tư thời gian học hỏi về phương pháp, tài sản đầu tư.
  • Không trao đổi với bản thân, người xung quanh, nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể rút kinh nghiệm sớm.

Chúc các bạn thành công vững vàng.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận