Gia tăng thu nhập là mục tiêu mà hầu như bất cứ ai cũng đặt ra cho bản thân mình, đặc biệt là những bạn trẻ đang chuẩn bị hoặc vừa mới bước chân vào thị trường lao động. Định hướng phát triển bản thân theo mô hình T-shaped là một phương hướng phát triển bản thân bền vững mà FinPeace muốn giới thiệu đến các bạn.
Mối quan hệ giữa thu nhập và phát triển bản thân
Trước hết phải khẳng định rằng: Thu nhập bạn có sẽ tương xứng với giá trị bạn tạo ra. Những cách thức “làm giàu nhanh” không bao giờ là lời giải bền vững cho bài toán tăng thu nhập, mà bạn phải nghĩ làm sao để gia tăng giá trị bản thân, phát triển đúng hướng, đúng cách, tạo ra được nhiều giá trị tương xứng với mức thu nhập mong muốn. Đó mới là con đường phát triển bền vững cả về con người lẫn tài chính.
Thu nhập của chúng ta đến từ 2 nguồn: Vốn con người (Human Capital) và vốn tài chính (Financial Capital).
Vốn con người (Human Capital) là tổng thể kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn mà bạn tích luỹ được. Tất cả những nguồn thu mà bạn phải sử dụng sức lao động của mình để có được, đều được quy về vốn con người. Ví dụ sau khi tốt nghiệp đại học, bạn được một công ty tuyển vào làm với mức lương 8 triệu/ tháng dựa trên bằng cấp, kinh nghiệm và kiến thức của bạn, thì thu nhập 8 triệu này của bạn hoàn toàn đến từ vốn con người.
Vốn tài chính (Financial Capital) là tổng giá trị tài sản của bạn, trừ đi các khoản nợ. Ví dụ như khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tiền lãi mỗi tháng bạn nhận được sẽ được gọi là vốn tài chính. Số tiền lãi này không đến từ việc bạn “bán” sức lao động, mà là tài sản bạn tích lũy được từ việc sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của mình (gửi tiết kiệm).
Với các bạn trẻ mới ra trường đi làm, chưa có nhiều tài sản nhàn rỗi, thu nhập chủ yếu đến từ vốn con người. Để có một nguồn vốn con người vững vàng, không phải dành 24 tiếng/ngày “bán sức” cho công việc và có thể giúp bản thân mở ra nhiều cơ hội mới thì cách duy nhất là nâng cao trình độ bản thân.
Nghe podcast Tài Chính Tự Thân của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh để hiểu thêm về nguồn thu nhập tại đây.
Nhìn vào cơ cấu lương của đa số công ty hiện nay (ảnh dưới), có thể thấy phần tiền lương bạn kiểm soát được là P2 – năng lực cá nhân và P3 – kết quả công việc. Trong đó, P2 có tính quyết định tới P3 theo quan hệ nhân – quả. Vì vậy, thu nhập chỉ tăng khi năng lực của bạn tăng, đồng nghĩa với việc bạn tạo ra thêm nhiều giá trị cho tổ chức. Do đó, việc phát triển bản thân một cách toàn diện và bền vững là mấu chốt trong mục tiêu phát triển sự nghiệp, gia tăng thu nhập của một người.
Phát triển bản thân toàn diện bằng mô hình T-shaped
Mô hình T-shaped mô tả mức độ chuyên sâu về một kĩ năng cụ thể (Deep Expertise) và kiến thức nền tảng rộng ở nhiều mảng khác nhau (Wide Knowledge Base) của một người. Các kiến thức và kĩ năng có thể thay đổi phụ thuộc vào đặc thù công việc. Tuy nhiên, có kiến thức nền tảng rộng và có ít nhất một chuyên môn sâu là điều bắt buộc của một người phát triển theo mô hình T-shaped.
Mô hình T-shaped được cấu tạo bởi hiểu biết bề rộng (tương ứng với nét ngang của chữ T) và hiểu biết bề sâu (tương ứng với nét dọc của chữ T). Những hiểu biết này được cấu thành bởi 3 nhóm kĩ năng được xếp vào 2 gạch (dọc và ngang) của chữ T: Personal skill (Kỹ năng cá nhân), Functional skill (Kỹ năng chuyên ngành) và Industry specific (Hiểu biết về ngành).
Personal skill (kỹ năng cá nhân): Chiều ngang
Kỹ năng cá nhân được xếp vào chiều ngang vì đây là khối kiến thức/ kỹ năng sử dụng được trong nhiều ngành nghề, công việc khác nhau mà không cần hiểu biết quá sâu như kiến thức chuyên môn để có thể áp dụng thành thạo. Đây là bước bắt đầu phù hợp cho người trẻ bắt đầu phát triển sự nghiệp, là bệ đỡ bổ trợ cho việc học hỏi kiến thức chuyên môn sau này. Kỹ năng cá nhân cũng là yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới mức lương công việc đầu tiên của bạn khi doanh nghiệp chưa có dữ liệu để đánh giá năng lực thực tế trong công việc của bạn. Tùy thuộc vào loại hình công việc mà các doanh nghiệp yêu cầu nhân sự của mình phải có một vài kỹ năng cụ thể trong nhóm kỹ năng cá nhân này, hoặc cho đây là một điểm cộng khi cân nhắc tuyển nhân sự/ tăng lương,…
Ví dụ: Kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp, tin học văn phòng,…
Functional skill (kỹ năng chuyên ngành): Chiều dọc và ngang
Sở dĩ kỹ năng chuyên ngành xuất hiện ở chiều rộng vì trước khi có thể tìm ra lĩnh vực chuyên môn mình muốn đào sâu thì ta cần thử nhiều mảng. Những mảng khác nhau trong một ngành nghề cụ thể được gọi là chung là kỹ năng chuyên ngành. Ví dụ: Ngành marketing có các mảng content, design, quan hệ công chúng,…
Sau khi xác định được hướng đi cụ thể rồi thì bạn bắt đầu đào sâu vào một hoặc một số chuyên ngành mình đã thử sức. Đó là lúc kỹ năng chuyên ngành xuất hiện ở chiều sâu. Với những ngành mà một số chuyên ngành có chung gốc kĩ năng nền thì việc đào sâu nhiều hơn một chuyên ngành là hoàn toàn bình thường. Ví dụ: Theo đuổi việc viết content marketing thì có nhiều lựa chọn để đào sâu là trở thành copywriter, content writer,…
Kỹ năng chuyên ngành là thứ tạo nên công việc chính của bạn, cũng là những giá trị tốt nhất bạn có thể đóng góp cho tổ chức. Doanh nghiệp trả lương cho bạn dựa trên vị trí bạn nắm giữ – được gọi tên bằng chuyên ngành bạn đào sâu, cho nên so với 2 mảng kĩ năng còn lại, kĩ năng này có ảnh hưởng nhiều nhất tới thu nhập của bạn. Trình độ chuyên môn cao đồng nghĩa với thu nhập cao, vì bạn đóng góp được nhiều giá trị cho doanh nghiệp hơn các vị trí cùng tên nhưng ở trình độ thấp.
Industry specific knowledge (hiểu biết về ngành): Chiều dọc và ngang
Đầu là nhóm những hiểu biết về môi trường ngành và những yếu tố cấu tạo nên môi trường ấy, hoặc hiểu biết về chính doanh nghiệp bạn đang (muốn) làm. Ví dụ:
– Xu hướng trong ngành
– Những tên tuổi lớn trong ngành (nhân sự/ doanh nghiệp)
– Các chiến lược kinh doanh phổ biến/ Quy trình sản xuất kinh doanh
Hiểu biết này vượt ra ngoài nội dung học thuật bạn được học trong trường và thay vào đó yêu cầu nhiều năm làm việc tích cực trong ngành. Việc thu thập những kiến thức này luôn liên tục diễn ra bởi các ngành nghề không ngừng phát triển và thay đổi. Các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm vẫn có thể bắt đầu thu nạp kiến thức này qua trải nghiệm học việc thực tế và học hỏi từ người đi trước. Nắm được những kiến thức này không những giúp bạn làm tốt công việc chính hơn mà còn mở cho bạn nhiều cơ hội mới, kết nối được với nhiều người mới và từ đó có thêm khả năng thể hiện năng lực và kiếm thêm thu nhập từ các cơ hội bên ngoài.
“Nhân sự T-shaped” là những ai?
Dưới đây là một số đặc điểm nhận diện nhân sự T-shaped:
- Giỏi ít nhất một lĩnh vực chuyên môn
- Có hiểu biết và kỹ năng của một số lĩnh vực liên quan
- Có thể cộng tác tốt với mọi thành viên trong nhóm/tổ chức liên chức năng
- Sẵn sàng tìm hiểu và hoàn thành một nhiệm vụ mới, tiếp nhận những thông tin mới dễ dàng
- Có tư duy giải quyết vấn đề một cách hệ thống
Những đặc điểm trên mang tính tham khảo, tùy từng ngành nghề sẽ có những đặc điểm cụ thể riêng. Nhưng về cơ bản, một nhân sự T-shaped sẽ thỏa mãn những đặc điểm này.
Vì sao nên phát triển bản thân theo mô hình T-shaped?
Thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao: Để bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế trong thời đại số, người trẻ cần phải tự nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình vì nguồn nhân lực chất lượng cao là thứ các doanh nghiệp luôn tìm kiếm. Hiểu được tầm quan trọng của nguồn lực con người, nhiều doanh nghiệp không tiếc tay đưa ra mức thù lao “khủng” và nhiều phúc lợi đi kèm để thu hút người tài về với tổ chức. Do đó, trở thành một nhân sự chất lượng cao là cách tốt nhất để bạn có một công việc tốt và gia tăng được thu nhập của mình.
Sẵn sàng trước những cơ hội tốt: Để trở thành một nhân sự T-shaped, bạn sẽ phải tự trang bị cho bản thân một cách tương đối toàn diện với ba nhóm kĩ năng. Nhiều sinh viên khi tốt nghiệp phải chấp nhận bắt đầu bằng những công việc không đúng chuyên môn và sở trường vì khi còn đi học không chủ động trau dồi đủ nguồn lực mà doanh nghiệp đòi hỏi. Chủ động tích lũy từ sớm là sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho sự nghiệp cá nhân mà bạn có thể thực hiện ngay từ khi còn đi học. Khi có cơ hội phát triển sự nghiệp với mức thù lao cao, yêu cầu nhân sự T-shaped thì bạn – với những kiến thức đã tích lũy từ trước cũng sẽ sẵn sàng nắm bắt lấy.
Cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn: Việc tìm hiểu và phát triển theo mô hình T-shaped cho bạn định hướng rõ ràng để phát triển toàn diện cả về kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn. Kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được càng nhiều thì bạn lại càng có nhiều sự lựa chọn. Với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới và hình thức làm việc mới như hiện nay, nhân sự T-shaped với sự linh hoạt và bộ kỹ năng có chiều sâu sẽ là người dễ thích nghi và xê dịch nhất. Ví dụ một nhân sự content marketing hoàn toàn có thể có thêm một nguồn thu nhập phụ từ việc nhận các công việc freelance liên quan đến viết lách, lên kế hoạch marketing cho khách hàng.
Lời kết
Người muốn phát triển sự nghiệp không bắt buộc phải đi theo mô hình T-shaped, nhưng người lựa chọn mô hình T-shaped là “kim chỉ nam” chắc chắn sẽ có lợi thế đáng kể. Nhân sự mô hình T-shaped có nhiều cơ hội và lựa chọn trong công việc hơn, có tiềm năng bật xa và đi bền hơn trước các biến động của thị trường lao động, từ đó xây dựng được sự vững vàng hơn về tài chính. FinPeace tin rằng cách làm giàu tốt nhất khởi nguồn từ việc “làm giàu” chính bản thân mình, và mô hình T-shaped có thể giúp bạn thực hiện điều đó ngay từ hôm nay.
Đọc thêm bài viết: Những nỗi đau tài chính theo góc nhìn tài chính tự thân
4 bình luận về “Tối đa thu nhập bằng việc phát triển theo mô hình T-shaped”