Những nỗi đau tài chính theo góc nhìn tài chính tự thân


Theo một nghiên cứu của Capital One CreditWise, 73% người Mỹ xếp tài chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng số một trong cuộc sống. Người ở độ tuổi khác nhau sẽ có những nỗi lo âu tài chính khác nhau (hay nỗi đau tài chính), ở nhiều cấp độ khác nhau. Với nhiều người, họ chỉ đơn thuần có một sự lo lắng mơ hồ về việc liệu số tiền còn lại trong tài khoản ngân hàng của họ có đủ để chi trả cho cả tháng hay không. Với nhiều người khác, sự lo lắng lên cao khiến bản thân họ lúc nào cũng bất an, khó chịu, thậm chí dễ dàng nổi cáu với mọi người xung quanh.

Thế nhưng, lo âu tài chính không hoàn toàn xấu. Trên thực tế, việc lo lắng về một chuyện gì đó sẽ khiến ta dành sự tập trung để giải quyết vấn đề. Và khi đó, nếu như có một cách tiếp cận phù hợp, bạn hoàn toàn có những cách thức lành mạnh để đối diện với những nỗi đau tài chính của mình.

Trong bài viết này, FinPeace sẽ cùng bạn gọi tên, nhận diện những nỗi đau tài chính và lý do ẩn sau những nỗi lo đó. Khi nhận diện được, bạn sẽ biết mình cần làm gì, và làm như thế nào để vượt qua những vấn đề này.

1. Những nỗi đau tài chính hiển hiện

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng nói về những nỗi đau tài chính hiển hiện, có thể dễ dàng quan sát thấy. Những nỗi đau này có thể phân chia về 3 nhóm lý do chính sau:

Lo lắng về khả năng đối phó với những biến động trong cuộc sống

Cụ thể, bạn lo về việc có thể mất việc làm, bị cắt giảm lương do dịch bệnh, không có thu nhập ổn định, không có khả năng chi trả nếu như bản thân hoặc gia đình gặp tai nạn hay các vấn đề sức khỏe,… Trong bối cảnh hậu đại dịch như hiện nay, những nỗi lo này có thể xảy ra ở bất cứ ai. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6 năm 2021, cả nước có ,70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể. 70.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tương ứng với đó là hàng triệu lao động mất việc làm.

Lo lắng về các khoản nợ nần

Về bản chất, khi bạn vay nợ một khoản nào đó, bạn đang tiêu vào khoản tiền của tương lai, chính bạn của tương lai sẽ phải làm nô lệ cho bạn ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, bạn là sinh viên mới ra trường và vay nợ ngân hàng 30 triệu để mua một chiếc Macbook mới. Trong 10 tháng sau đó, bạn luôn luôn có áp lực phải làm việc cật lực để vừa đảm bảo chi phí sinh hoạt, vừa dư ra được ít nhất 3 triệu để trả nợ.

Khi chúng ta có những khoản nợ nần, một trong những điều lớn nhất mà ta đánh mất là sự tự do trong tâm trí. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nợ nần khiến chúng ta lo lắng nhiều hơn, thậm chí gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Và trớ trêu thay, khi chịu áp lực, bạn thường có khả năng bị suy giảm khả năng kiểm soát bản thân, dẫn đến những hành vi như tiêu xài quá mức, sử dụng thẻ tín dụng bừa bãi, shopping để xả stress,… Sau đó, bạn lại cảm thấy tội lỗi về vấn đề chi tiêu của mình, lại cảm thấy áp lực, tất cả thành một vòng xoay luẩn quẩn.

Lo lắng về khả năng quản lý và chăm sóc tài sản của mình.

Vấn đề này thường xảy ra ở những người đã sở hữu một lượng tài sản nhất định. Ví dụ, bạn tích lũy được một khoản tiền tương đối lớn và mua một vài miếng đất bất động sản. Thế nhưng, bạn lại không thực sự hiểu bản chất tài sản mình đang sở hữu. Bạn không biết thực hư miếng đất đó ra sao, xung quanh dân cư như thế nào, có dự án phát triển đô thị nào gần đó hay không, giá trị và tiềm năng của miếng đất đó đang ở mức nào. Đáng lẽ bạn phải là người yêu quý tài sản của mình nhất, thường xuyên cập nhật thông tin về tài sản, thì bạn lại không hề có một sự hiểu biết sâu sắc về những gì mình đang sở hữu. Điều này dẫn đến việc khi có biến cố xảy ra với tài sản của mình, bạn “trở tay không kịp”.

2. Những nỗi đau tài chính dưới góc nhìn tài chính tự thân

Trên đây là những vấn đề tài chính mà ta dễ dàng quan sát thấy, và chắc hẳn ai cũng phải đối mặt vài lần trong đời. Nhưng dưới góc độ của tài chính tự thân, chúng ta có thể nhìn nhận những nỗi đau tài chính này ở góc độ sâu hơn.

Có thể ngay lúc này bạn chưa nhận ra, nhưng còn có những nỗi đau tài chính khác đang âm thầm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Nỗi đau về việc thiếu kiến thức tài chính.

Đến một độ tuổi nhất định, nếu như bạn không có kiến thức cơ bản về tài chính, bạn nên nhìn nhận đó là một sự thiếu sót lớn. Biểu hiện của việc thiếu kiến thức này là bạn không có thông tin về ngành nghề bạn đang làm, không biết phổ lương cơ bản là bao nhiêu, bạn không có cơ sở để đánh giá được mức độ chi tiêu của mình đã phù hợp hay chưa, bạn không hiểu rõ về các kênh đầu tư và không tiếp cận được những thông tin đầu tư liên quan đến mình. Hậu quả là bạn làm mọi thứ theo bản năng, không có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh bên ngoài.

Nỗi đau về việc không có những thói quen lành mạnh liên quan đến tài chính.

Với những người đã đi làm, chắc hẳn các bạn đều có một bản to-do-list những việc cần làm mỗi ngày. Hãy thử nhìn vào bản to-do-list đó, có bao nhiêu gạch đầu dòng liên quan đến tài chính cá nhân? Nói cách khác, bạn có những thói quen, những hoạt động hàng ngày nào liên quan đến việc quản lý tài chính cá nhân của mình? Bạn dành bao nhiêu phút mỗi ngày để quan tâm đến khía cạnh tài chính cá nhân.

Đó có thể là những hoạt động đơn giản như ghi chép chi tiêu vào một cuốn số nhỏ hoặc dùng ứng dụng trên điện thoại, là 15 phút đọc tin tức liên quan đến tài sản tài chính của mình,… Nhiều người cho rằng bản thân họ không có thời gian để làm những việc này. Thế nhưng, hãy thẳng thắn nhìn nhận lại 24 giờ trong ngày của mình, chẳng lẽ bạn thực sự không thể bỏ ra 25 – 30 phút để quan tâm đến khía cạnh tài chính của mình? Nếu như không có những hành động đơn giản này, mọi thứ sẽ đều trôi tuột đi một cách tự động, bạn không có sự nhận biết rõ ràng về những gì đang diễn ra.

Ở phương Tây, trẻ nhỏ được dạy về cách tiêu tiền hợp lý từ nhỏ, có áp lực tự quản lý tài chính và lo liệu cho cuộc sống của mình ngay khi đủ 18 tuổi, được khuyến khích đầu tư định kỳ ngay từ Đại học. Còn ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ đi làm đã được vài năm, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiết kiệm và trang bị kiến thức về đầu tư.

Nỗi đau về việc không có sự giao tiếp hiệu quả và lành mạnh về tài chính

Ở Việt Nam, giữa bố mẹ và con cái, phần nhiều là không có sự giao tiếp hiệu quả và lành mạnh về tiền bạc. Cha mẹ ta dành cả đời để trải nghiệm, họ có lẽ đã từng trải qua nhiều thất bại để rút ra một công thức thành công nhất định cho bản thân. Thế nhưng, để bảo vệ con cái, vì không muốn con phải lo nghĩ về tiền bạc, nhiều bố mẹ lại tránh nói chuyện tài chính với con. Con cái không được thừa hưởng những bài học kinh nghiệm cha mẹ mà cha mẹ đã đúc rút, con cái không được tham gia vào những quyết định tài chính quan trọng của gia đình, ngay cả khi những quyết định đó có liên quan đến con.

Điều này dẫn đến hành vi chung là người Việt Nam là ngại nói về tài chính, họ cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư khi động chạm đến vấn đề này, không sẵn lòng nói chuyện, chia sẻ với bất cứ ai. Nếu khi phải nói về chuyện tiền bạc, những cuộc trò chuyện đó thường rất khó khăn, không thoải mái. Hậu quả là những thế hệ sau không có hiểu biết, tư duy đúng đắn về tiền bạc, không có sự thấu cảm, gắn bó về cảm xúc với những gì cha mẹ mình cả đời cố gắng.

3. Hành động để vượt qua những nỗi đau tài chính

Ba nỗi đau tài chính theo quan điểm của tài chính tự thân mà FinPeace vừa chỉ ra vẫn gắn liền với ba trụ cột chính: Kiến thức; Hành động và Cảm xúc. Để vượt qua những nỗi đau tài chính này, việc của bạn là đi sâu vào từng trụ cột, và có những hành động cụ thể:

  • Về kiến thức: Kiến thức về tài chính cá nhân không phức tạp như bạn vẫn nghĩ. Bạn có thể dành thời gian đọc một cuốn sách tổng quan về tài chính cá nhân, nghe podcast, mỗi ngày dành khoảng 20 phút đọc báo về những tài sản bạn quan tâm. Khi đã có kiến thức, bạn sẽ vững vàng và tự tin hơn về mọi quyết định tiết kiệm/ đầu tư.
  • Về cảm xúc: Thái độ về tiền của bạn đang là gì? Về bản chất, tiền chỉ là công cụ để ta trải nghiệm cuộc sống như mình mong muốn. Tiền không nên gắn liền với áp lực, với cảm giác tội lỗi. Thay vào đó, hãy thực hành sự biết ơn đồng tiền, trân quý số tiền mà mình có được. Đồng thời, tập bắt đầu những cuộc trò chuyện chân thành, lành mạch về tiền với những người liên quan.
  • Về hành động: Nếu như chỉ lo về tiền và không làm gì cả, bạn sẽ mãi chìm đắm trong sự lo lắng, và buông bỏ tài chính của chính mình. Hãy nhìn nhận những nỗi đau tài chính này như những dấu hiệu cho thấy rằng bạn sẽ cần làm khác đi, cần làm một chuyện gì đó để cải thiện tình hình. Bắt đầu bằng những “baby steps” để từng bước chủ động hơn với tài chính của mình: tiết kiệm một khoản tiền nhỏ mỗi tháng, thực hành ghi chép chi tiêu, thử đầu tư chứng khoán với một khoản tiền rất nhỏ…
Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

2 bình luận về “Những nỗi đau tài chính theo góc nhìn tài chính tự thân”

Bình luận