Khi nhắc đến nhà đầu tư vĩ đại ghi danh vào lịch sử lĩnh vực đầu tư bằng phương pháp đầu tư tích sản trong nhiều thập kỷ qua, người ta thường nhắc đến tỷ phú Warren Buffett với sự thành công của đế chế Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, Warren Buffet sẽ chẳng thể có được một Berkshire Hathaway lẫy lừng như vậy nếu thiếu đi cánh tay phải đắc lực của ông – Charlie Munger. Trên hành trình đầu tư cá nhân và cùng Warren Buffet gây dựng Berkshire Hathaway, Charlie Munger đã để lại cho thế hệ nhà đầu tư sau này nhiều bài học giá trị về đầu tư tích sản.
Trong bài viết này, FinPeace sẽ giới thiệu đến bạn hành trình đầu tư của nhà đầu tư lừng danh Charlie Munger, cùng với những lời khuyên của ông về đầu tư tích sản mà mọi nhà đầu tư đều không nên bỏ lỡ.
Cuộc đời đầy sóng gió của Charlie Munger: Tiền đề đầu tư bắt đầu từ…chơi poker trong quân đội
Trước khi trở thành một nhà đầu tư vĩ đại, Charlie Munger đã trải qua nhiều năm tháng sống trong khổ cực, đói nghèo và chìm trong biến cố cuộc đời. Ở phần này, FinPeace sẽ tóm lược qua tiểu sử của Charlie Munger từ thời đi học đến khi trở thành cánh tay phải của Warren Buffet.
Charlie Munger vốn là thế hệ thứ 3 làm nghề luật trong gia đình
Charlie Thomas Munger sinh năm 1924 tại Omaha, Nebraska – một thị trấn nhỏ ở vùng trung tây nước Mỹ trong một gia đình có truyền thống nghề luật. Ông thi đỗ vào chuyên Toán đại học Michigan khi mới 17 tuổi, tuy nhiên phải bỏ dở việc học để ghi danh vào quân đội trong thế chiến thứ hai. Trong những tháng ngày sinh hoạt trong quân ngũ, không bằng lòng với đồng lương ít ỏi, Charlie Munger đã chơi poker để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là trải nghiệm khiến ông nhận ra mình có khả năng ra quyết định rất tốt, biết cách rút nhanh khi bài xấu và mạnh tay khi có cơ hội. Charlie Munger không ngờ rằng, những ván poker ấy lại chính là tiền đề đầu tiên cho sự nghiệp đầu tư tích sản lẫy lừng sau này của ông.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ông thi đỗ Khoa Luật trường đại học Havard danh giá và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Rời khỏi Harvard, ông cưới vợ ở tuổi 21 và chuyển về một vùng quê ở California để theo đuổi sự nghiệp luật sư tại đây.
Hàng loạt biến cố ập đến với chàng luật sư trẻ tuổi
Cuộc sống êm đẹp chưa được bao lâu, Charlie Munger bắt đầu đối mặt với hàng loạt sóng gió cuộc đời khi bước sang tuổi 29. Vợ cũ chiếm hết tài sản sau khi li dị, Charlie Munger phải nuôi ba đứa con trong tình thế gần như trắng tay. Ngay sau đó, cậu con trai Teddy của ông mắc ung thư bạch cầu, rút cạn tinh thần và tài chính vốn đã rất khó khăn của ông vào thời điểm đó. Sau khi con trai mất, cha ông – ông Alfred Case Munger đột ngột qua đời khiến Charlie Munger phải trở về quê hương Omaha, Nebraska để cùng gia đình vượt qua khủng hoảng.
Dù sau khi về quê ông đã thành lập công ty luật riêng, nhưng khó khăn tài chính vẫn tiếp tục trở thành bài toán khó trong lòng Charlie Munger. Nhìn lại những thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời mình và gia đình, Charlie Munger đã đưa ra quyết định: Thu nhập từ ngành luật không thể cho ông một chỗ dựa tài chính vững vàng, ông cần tìm những cơ hội khác để đạt được mục tiêu tự do tài chính.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với Warren Buffet
Trong thời gian vận hành công ty luật tại quê nhà, Charlie Munger đã có cơ hội được một người bạn mời tới dùng bữa cùng Warren Buffet tại một câu lạc bộ dành riêng cho những người giàu có ở Omaha. Tại đây, sau khi chứng kiến tài năng và sự hứng thú Charlie Munger dành cho lĩnh vực đầu tư, Warren Buffet đã thuyết phục Charlie Munger rằng nếu ông rời khỏi ngành luật, ông sẽ tiến xa hơn rất nhiều.
Sau cuộc gặp định mệnh ấy, cùng với nhiều tác động khác, Charlie Munger đã thành lập quỹ Wheeler, Munger & Co vào năm 1962 với trụ sở đặt tại một văn phòng giao dịch chứng khoán Thái Bình Dương.
Đầu tư thua lỗ và gặp biến cố sức khỏe
Những tưởng khi bước sang lĩnh vực đầu tư, cuộc đời Charlie Munger sẽ bước sang một trang mới. Thế nhưng sự thật là: Việc đầu tư của ông không lãi như kì vọng, thậm chí còn lỗ nặng trong hai năm khiến ông buộc phải thu hồi vốn vào năm 1976.
Cùng năm đó, ở tuổi 52, ông bị đục thủy tinh thể. Cuộc phẫu thuật thất bại khiến ông bị mù một bên mắt và gây ra các biến chứng nặng nề, đau đớn đến mức ông phải yêu cầu bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn bên mắt ấy của mình.
Trở lại thị trường và ghi danh vào làng “huyền thoại đầu tư”
Không để bệnh tật hạ gục mình, Charlie Munger quyết định trở lại với đầu tư. Với sự bình tĩnh, tính toán kỹ càng cùng kinh nghiệm rút ra từ những thất bại trước, Charlie Munger dần dần thành thục các kỹ năng đầu tư tích sản, chứng tỏ khả năng và bản lĩnh trên thương trường một cách chậm rãi nhưng bền bỉ, chắc chắn.
Năm 1978, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch của Berkshire Hathaway, chính thức trở thành cánh tay phải của Warren Buffet. Từ năm 1984 đến năm 2011, ông là Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Tập đoàn Tài chính Wesco, hiện là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Berkshire Hathaway. Ngoài ra ông còn là phó chủ tịch của Berkshire Hathaway và là chủ tịch của Daily Journal Corporation, giám đốc của Costco Corporation.
Những triết lý đầu tư tích sản của Charlie Munger
Trong sự nghiệp đầu tư nhiều thăng trầm của mình, Charlie Munger đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm xương máu cho nhiều thế hệ nhà đầu tư tích sản tiếp theo. Dưới đây là một vài triết lý nổi tiếng của ông về đầu tư tích sản.
Hiểu rõ vòng tròn năng lực bản thân
Theo Charlie Munger, thị trường là thứ khó nắm bắt, trong khi hiểu biết của con người lại có hạn. Do đó, hiểu rõ giới hạn năng lực và hiểu biết của bản thân sẽ giúp nhà đầu tư tránh được nhiều rủi ro trước cạm bẫy đầu tư vào những ngành nghề mình không am hiểu. Giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh đúng và đủ về một doanh nghiệp, do đó, nếu thiếu sự tự nhận thức về hiểu biết của bản thân mà “đu” theo một doanh nghiệp chỉ bởi lĩnh vực đó đang “ăn nên làm ra”, nhà đầu tư sẽ đối mặt với rủi ro thua lỗ rất lớn.
Chính Charlie Munger đã từng thoát khỏi thua lỗ bởi nhận thức đúng về giới hạn hiểu biết này của mình. Cuối những năm 90, rất nhiều nhà đầu tư chọn rót hết vốn liếng vào cổ phiếu công nghệ. Thời điểm đó, Charlie Munger tự thấy mình không am hiểu về internet hay công nghệ, do vậy, ông quyết định không xuôi theo thị trường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Charlie Munger đã sai lầm khi bỏ lỡ cơ hội làm giàu tốt, cho đến khi các bong bóng công nghệ vỡ, cổ phiếu tụt dốc thảm hại khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay.
Một doanh nghiệp tốt với mức giá cao luôn đáng đầu tư hơn một doanh nghiệp bình thường với mức giá thấp
Khi đầu tư tích sản, Charlie Munger luôn coi trọng tiềm lực của doanh nghiệp hơn giá cổ phiếu đang được mua bán đắt – rẻ trên thị trường. Ông nhấn mạnh rằng, các công ty có triển vọng tốt thường đáng đầu tư ngay cả khi cổ phiếu của nó được bán với mức giá cao, bởi những công ty này có khả năng gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ về lâu dài. Đối với Charlie Munger, “giá trị” trong đầu tư giá trị hay đầu tư tích sản nằm ở nội tại doanh nghiệp, chứ không phải ở giá cổ phiếu. Khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu của một doanh nghiệp trung bình với mức giá thấp, thứ họ được lợi chỉ là giá khi mua vào mà thôi.
Bên cạnh đó, khi bàn tới việc chọn một doanh nghiệp tốt, Charlie Munger có một nguyên tắc là tập trung tìm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây mới chính là nguồn lực chính giúp tạo ra giá trị doanh nghiệp trong đầu tư tích sản. Nắm vững được nguyên tắc này, nhà đầu tư sẽ ít bị xao động bởi yếu tố giá trong giao dịch, thay vào đó, tập trung vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp – yếu tố bền vững và ảnh hưởng tới lợi nhuận lâu dài.
Đừng bỏ trứng vào quá nhiều rổ
“Đừng bỏ hết trứng vào một rổ” là một trong những chiến lược kinh điển nhất trong đầu tư. Tuy nhiên, ngược lại với triết lý này, Charlie Munger có một lời khuyên tâm đắc dành cho mọi nhà đầu tư tích sản: “Đừng bỏ trứng vào quá nhiều rổ”. Xuất phát từ thực trạng nhiều nhà đầu tư hiểu sai việc đa dạng hóa danh mục, bỏ vốn vào quá nhiều lĩnh vực dù không am hiểu, dẫn đến không tối đa hóa được lợi nhuận và có nguy cơ thua lỗ. Bên cạnh đó, áp lực phải đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy tâm lý FOMO, khó nắm giữ một cổ phiếu lâu dài.
Theo Charlie Munger, nếu đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và có giá mua vào không quá cao, danh mục đầu tư của bạn hoàn toàn có thể giữ ở mức chỉ từ 10 doanh nghiệp hoặc ít hơn. Với một danh mục vừa đủ nhiều để tránh rủi ro “mất trắng”, vừa đủ ít để có thể kiểm soát được từng cổ phiếu, việc đầu tư của bạn sẽ trở nên dễ dàng và bền vững hơn.
Lật ngược vấn đề để tránh sai lầm
Trái với tâm lý mong chờ những viễn cảnh tốt đẹp nhất, khi đầu tư tích sản, Charlie Munger luôn tự đặt ra câu hỏi: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”. Ông tin rằng, tìm ra công thức thành công luôn khó hơn tìm ra cách để tránh thất bại.
Nếu chỉ nghĩ về lợi nhuận tiềm năng trong tương lai và tìm mọi cách để đạt được lợi nhuận đó, nhà đầu tư sẽ dễ rơi vào bẫy tâm lý thiên kiến xác nhận. Khi đó, mọi lập luận hay chiến lược mà nhà đầu tư đưa ra sẽ có xu hướng củng cố kì vọng ban đầu của bản thân mà bỏ qua những góc nhìn khác, hoặc những yếu tố tiềm ẩn rủi ro khác. Việc tập trung lường trước và chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất giúp nhà đầu tư luôn ở trạng thái cẩn trọng với mọi khoản đầu tư trong danh mục của mình. Trong hành trình đầu tư tích sản, tâm lý cẩn trọng này sẽ giúp nhà đầu tư hình thành tầm nhìn dài hạn, hạn chế được tối đa rủi ro có thể xảy đến với khoản đầu tư của mình.
Đầu tư thời gian và công sức vào đầu việc xứng đáng
Theo Charlie Munger, điều làm nên một nhà đầu tư tích sản thành không không nằm ở lượng thời gian người đó dành để theo dõi thị trường, mà nằm ở việc làm sao để giảm thiểu sự đầu tư thời gian, công sức nhưng vẫn tối đa hóa được lợi nhuận từ đầu tư tiền bạc.
Charlie Munger khuyên rằng, nhà đầu tư nên dành thời gian tìm hiểu đa lĩnh vực để xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc. Một quyết định khôn ngoan là sự tổng hòa giữa kiến thức về doanh nghiệp, kinh tế, đầu tư, khả năng kiểm soát cảm xúc và kinh nghiệm từ những bài học quá khứ. Những yếu tố này càng được tối ưu, thời gian dành cho việc ra quyết định mua – bán hoặc theo dõi bảng giá trong lo âu càng giảm. Nhà đầu tư tích sản nào cũng mong muốn việc đầu tư của mình sẽ ngày một an nhàn và thông minh, do đó, việc tập trung nguồn lực vào những khía cạnh, đầu việc mang tính quyết định như trau dồi kiến thức hay rèn luyện kỹ năng sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn rất nhiều.
Những cuốn sách dạy cách đầu tư tích sản theo Charlie Munger
Kinh nghiệm và những bài học đúc rút từ sự nghiệp đầu tư lẫy lừng của Charlie Munger đã được viết thành nhiều đầu sách nổi tiếng. Ở phần này, FinPeace sẽ giới thiệu đến bạn một vài cuốn sách về Charlie Munger và những triết lý đầu tư của ông.
Damn Right! (Tựa Việt: Vén màn bí ẩn về tỷ phú Charlie Munger – Cánh tay phải của Warren Buffet)
Damn Right! là cuốn sách hoàn hảo cho những ai muốn tìm hiểu về Charlie Munger và đế chế Berkshire Hathaway của ông và Warren Buffet, được tác giả Janet Lowe viết dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp với Charlie Munger và với gia đình, đồng nghiệp cũ, bạn bè của ông. Damn Right tóm tắt những diễn biến quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đầu tư của Charlie Munger, vén màn những phi vụ mang tính lịch sử trong cuộc đời ông. Bên cạnh đó, cuốn sách còn bao gồm một số câu chuyện nội bộ quan trọng của doanh nghiệp tỷ đô Berkshire Hathaway dưới một góc nhìn thú vị.
Charlie Munger: Phương pháp đầu tư giá trị
“Charlie Munger: Phương pháp đầu tư giá trị” trình bày các yếu tố cơ bản trong chiến lược đầu tư của Munger, với nhiều trích dẫn từ các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu, bài viết và thư gửi cổ đông của ông, kết hợp với bình luận từ các nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư giá trị và các nhà nghiên cứu lịch sử thị trường. Xuất phát từ hệ thống đầu tư giá trị của Ben Graham, cách tiếp cận của Charlie Munger tương đối đơn giản để các nhà đầu tư thông thường có thể áp dụng nó vào danh mục đầu tư của họ. Nếu bạn là nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm và muốn học tập phương pháp đầu tư tích sản từ bậc thầy Charlie Munger, cuốn sách này sẽ là tài liệu nhập môn hoàn hảo cho bạn.
138 Lời khuyên đắt giá từ ông trùm đầu tư Charlie Munger
138 lời khuyên đắt giá từ ông trùm đầu tư Charlie Munger là bản tổng hợp chi tiết và toàn diện những triết lý và tư vấn đầu tư của ông. Qua 138 lời khuyên trong sách, người đọc sẽ hiểu được tại sao một người được đào tạo để trở thành một luật sư, chưa từng tham gia bất kỳ một lớp học về kinh tế, tiếp thị, tài chính hay kế toán nào lại có thể trở thành một trong những doanh nhân vĩ đại nhất, một nhà đầu tư thiên tài của thế kỷ 20, 21. Không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực đầu tư, Charlie Munger còn gửi gắm tới người đọc nhiều triết lý đáng giá về cuộc sống, giáo dục và hạnh phúc con người một cách gần gũi, dễ hiểu. Do đó, cuốn sách này không chỉ dành cho những nhà đầu tư mới hoặc những người muốn tìm hiểu về đầu tư chứng khoán, mà phù hợp với mọi đối tượng người đọc muốn học hỏi kinh nghiệm sống từ vị tỉ phú này.
Tạm kết
Với đầu tư tích sản, Charlie Munger đã tự gây dựng nên khối tài sản khổng lồ cho chính mình và cho đế chế Berkshire Hathaway cùng người bạn lâu năm Warren Buffet. Ông cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho tầm quan trọng của việc tập trung vào giá trị bền vững của doanh nghiệp trong đầu tư dài hạn. Những nhà đầu tư mới muốn đầu tư theo trường phái tích sản có thể bắt đầu tìm hiểu về triết lý đầu tư của bậc thầy Charlie Munger qua những đầu sách FinPeace giới thiệu trong bài viết này. Bên cạnh ví dụ về những nhà đầu tư đại tài, FinPeace cũng có thể đồng hành cùng bạn trên con đường đầu tư tích sản qua Khóa học mới nhất của chúng tôi tại đây: Tích sản cổ phiếu.
1 bình luận về “Học về đầu tư tích sản từ Charlie Thomas Munger”