Đầu tư thua lỗ lớn, phải làm gì tiếp theo?

Đầu tư thua lỗ lớn, phải làm gì tiếp theo?

Đầu tư thua lỗ là điều khó tránh khỏi trên hành trình đầu tư của bất cứ ai. Sau mỗi lần đầu tư thua lỗ, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, vội vàng đưa ra những quyết định sai lầm. Vậy, đâu là cách thức hiệu quả để thực hiện sau mỗi deal đầu tư thua lỗ. Cùng chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh tìm lời giải trong bài viết dưới đây.  

Tình huống đầu tư thua lỗ

Sau 3 năm làm việc, em tiết kiệm được 200 triệu từ thu nhập hàng tháng. Em được một người bạn hướng dẫn và dồn hết số tiền đó vào cổ phiếu. Sau một thời gian, thấy thị trường cổ phiếu đi vào giai đoạn Sideway, em quyết định rút hết tiền từ chứng khoán và đổ sang tiền điện tử. May mắn vào đúng đợt uptrend, từ 200 triệu em nhanh chóng đạt hơn 400 triệu. 

Thế nhưng, vào một ngày thiếu tỉnh táo, em đặt lệnh giao dịch trong một ngày thị trường coin biến động cực mạnh với mong muốn tiếp tục nhân đôi số vốn. Trong buổi sáng hôm đó, toàn bộ 400 triệu mất sạch. 

2 tuần vừa rồi, em vẫn đang trong trạng thái suy sụp, không dám đi chơi với bạn bè vì thấy tự ti, cũng không có hứng đi chơi với người yêu. Em cảm thấy mình mất hết mọi thứ. Mặc dù em vẫn có công việc ổn định với thu nhập 30 triệu một tháng, em vẫn thấy nản chí và không biết bao giờ mình mới lại đạt được số vốn cũ. 

Em nên làm gì vào lúc này?

Giải pháp cho trường hợp đầu tư thua lỗ

Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau: 

Trước tiên, Tuấn Anh có thể nhìn thấy hình bóng quá khứ của mình trong câu chuyện của bạn. Năm 2008, trong giai đoạn khủng hooảng kinh tế, Tuấn Anh cũng đã đối mặt với lần đầu phá sản, mất toàn bộ một số tiền cực lớn, và thậm chí còn vay nợ. Từ trải nghiệm cá nhân, cũng như từ việc quan sát cách các học viên giao dịch thời gian qua, dưới đây là một số gợi ý cho bạn như sau: 

1, Chưa hành động ngay lập tức  

Sau khi một người đầu tư thua lỗ trong chứng khoán, họ thường sẽ có cảm giác sụp đổ, thất vọng, chán nản. Nhưng ngay ngày hôm sau, nhiều người sẽ có khao khát kiếm lại tiền ngay lập tức, bù đắp lại đúng phần đã mất đi của mình. Thế nhưng, mong muốn này rất hiếm khi đạt được. 

Ví dụ, bạn có 100 triệu và chẳng may lỗ 50%. Để trở về con số 100 triệu ban đầu, bạn sẽ cần lãi 100% ngay trong deal đầu tư tiếp theo. Đây là một kỳ vọng phi thực tế. Nhất là khi, bạn đang trong trạng thái cảm xúc không ổn định, nên rất dễ đưa ra những quyết định vội vàng không chính xác.

2, Cho mình thời gian “tiêu hoá” trải nghiệm đầu tư thua lỗ

Cùng với việc chưa hành động ngay lập tức, bạn cũng nên dành thời gian để thực sự “tiêu hoá” trải nghiệm đầu tư thua lỗ vừa rồi. Chắc chắn, đó là một trải nghiệm đau lòng và đang để lại trong bạn nhiều cảm xúc tiêu cực. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, đây cũng là một trải nghiệm cực kỳ đáng giá để bạn rút ra những bài học lớn cho bản thân. Nếu như bạn không tự rút ra bài học, rất có thể bạn sẽ phải gặp lại tình huống tương tự trong tương lai. Vì vậy, đừng để trải nghiệm này lướt qua và chỉ để lại sự tiêu cực, hãy thực sự cho mình thời gian nghiền ngẫm và rút ra bài học. 

Bạn có thể tự hỏi bản thân mình những câu hỏi như:

– Điều gì khiến mình đầu tư thua lỗ trong deal vừa rồi?

– Mình đã cân nhắc kỹ những yếu tố nào và đã bỏ qua những yếu tố nào? 

– Tại sao mình đầu tư chứng khoán thì không thua, còn chuyển sang coin thì lại thua?

– Bài học gì trong trải nghiệm này mình có thể dùng trong tương lai? 

– Đâu là yếu tố mang tính ngẫu nhiên/khác thường trong trải nghiệm vừa rồi? 

Khi bạn thông suốt những câu hỏi này, bạn “đóng gói” được trải nghiệm này bằng những kinh nghiệm cụ thể, bạn mới nên nghĩ đến những hành động tiếp theo.

3, Bảo vệ dòng thu nhập hàng tháng

Hiện tại, bạn vẫn đang có dòng thu nhập ổn định là 30 triệu/tháng. Đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ. Vì vậy, Tuấn Anh dự đoán rằng bạn đang có một công việc tốt và mọi người xung quanh cũng kỳ vọng về bạn nhiều. 

Nếu để sự chán nản, thất vọng uể oải tiếp diễn, nếu để nỗi đau về việc đầu tư thua lỗ đã mất tiếp tục dày vò, bạn sẽ mất rất nhiều năng lượng và có thể sẽ không thể làm tốt công việc của mình. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, bạn sẽ nguy cơ bị giảm lương, mất việc… Đó sẽ là điều rất đang tiếc. 

Vì vậy, bạn cần tìm cách cân bằng cảm xúc, tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình. Từ nguồn thu nhập này, bạn cũng có thể bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán một cách ổn định và dài hạn, vì dụ như tích sản chứng khoán – một hình thức đầu tư không mất nhiều thời gian nhưng có hiệu quả tương đối tốt về dài hạn.

Bạn có thể nghe podcast “Tài chính tự thân” để lắng nghe Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh trực tiếp thảo luận về chủ đề này. 

https://open.spotify.com/show/16vEXCpleBX7ndnYrZhKaw 

Các bài học rút ra

Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể cùng thảo luận về 3 vấn đề:

“Tháp tài sản” quản lý tài chính cá nhân

1, Coi mỗi deal đầu tư thua lỗ là một cơ hội học hỏi

Khi đầu tư, luôn luôn có tỷ lệ thành công và thất bại. Mỗi deal đầu tư thua lỗ là một cơ hội quý giá để bạn hiểu bản thân mình, hiểu thị trường, tối ưu phương pháp giao dịch của bản thân. 

Bạn được quyền cảm thấy tồi tệ khi vừa đầu tư thua lỗ quá lớn. Thế nhưng, đừng để mình bị chìm đắm trong cảm xúc đó rồi đưa ra những quyết định vội vàng. Hãy cho mình thời gian để thực sự nhìn sâu vào trải nghiệm đó, tìm ra những bài học quan trọng từng lần thất bại bài. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế được việc gặp lại lỗi tương tự trong tương lai.

2, Cách lựa chọn thị trường để đầu tư

Trong câu chuyện, bạn ấy đã chuyển từ thị trường chứng khoán sang thị trường coin. Thị trường chứng khoán là thị trường đã được luật hoá rõ ràng ở Việt Nam, nhà đầu tư được tầng tầng lớp lớp luật bảo vệ. Tài sản được nghiên cứu tập trung tại Trung tâm nghiên cứu. Tiền của bạn được cất ở công ty chứng khoán. Mọi thứ đều rõ ràng. Trong khi đó, thị trường coin vẫn đang là một thị trường rất mới, chưa được luật hoá tại Việt Nam, và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là một thị trường có biến động rất nhanh và mạnh. 

Khi chuyển từ thị trường chứng khoán sang thị trường coin, bạn đang hi sinh rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm cũ của mình ở thị trường chứng khoán. Hơn nữa, bạn cũng đẩy tài sản của mình vào một thị trường rủi ro hơn gấp nhiều lần. 

Khi đầu tư thành công và có số vốn cao lớn, bạn nên đi ngược lại, tức là đi về khu vực tài sản an toàn hơn.

3, Xây dựng tháp tài sản bền vững

Để có một lộ trình đầu tư bài bản, FinPeace giới thiệu đến bạn mô hình Tháp tài sản:

Thứ nhất, khi nhìn vào tháp tài sản này, bạn sẽ thấy rằng có một lộ trình tương đối rõ ràng trên hành trình vững vàng tài chính. Việc của bạn không phải làm giàu nhanh, không phải ra ngoài kia để liên tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư “béo bở”, mà chỉ đơn giản là xây dựng từng phần (room), thiết lập từng khu vực lên tháp tài sản của mình.

Thứ hai, tháp tài sản nhắc nhở bạn rằng ai cũng phải đi từ gốc đến ngọn, bạn cần vững vàng ở những lớp tài sản cơ bản nhất trước khi tiến lên các cấp độ cao hơn.

Thứ ba, tháp tài sản này cũng nhấn mạnh vào mức độ rủi ro trong của từng tầng tài sản. Từ tầng đáy đến tầng chóp, mức độ rủi ro sẽ tăng dần. Cụ thể, ở tầng tài sản bảo vệ, vì mục đích là đảm bảo sự sống còn của bạn, tài sản ở mức này được khuyến nghị giữ ở mức an toàn nhất.

Tầng tài sản đáy có mục tiêu bảo vệ bản thân bạn, vì vậy khi đã đạt được những mục tiêu này, bạn nên “bê tông hoá” tài sản đó để đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Ví dụ, vì bạn có sức khoẻ không ổn định, nên bạn có mục tiêu xây dựng “quỹ dự phòng sức khoẻ” khoảng 100 triệu đề phòng những trường hợp ốm đau bất ngờ. Sau 24 tháng đầu tư cổ phiếu liên tục, bạn đạt con số 120 triệu. Tuy nhiên, bạn cảm thấy không yên tâm nếu như tiếp tục để quỹ dự phòng sức khoẻ này ở dạng cổ phiếu, vậy nên bạn “bê tông hoá” bằng cách bán cổ phiếu để thu về đúng 100 triệu, mua trái phiếu với lợi tức ổn định hàng tháng, hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng.

Như vậy, bạn yên tâm rằng số tiền đó của bạn sẽ không bao giờ giảm. Số tiền 20 triệu còn lại, bạn chuyển nó sang phần (room) tiếp theo có tên là “quỹ hỗ trợ bố mẹ sau khi nghỉ hưu”. Nếu như không bê tông hoá, bạn sẽ có một lâu đài trên cát và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đọc thêm về tháp tài sản trong bài viết: Dùng “tháp tài sản” để quản lý tài chính cá nhân như thế nào?

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận