Cổ phiếu bluechip: Đầu tư sao cho đúng?

bluechip

Bài chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace. Bài viết được đăng tải lần đầu trên Vietcetera.

Cũng như con người có kẻ xấu thì cũng có người tốt, chứng khoán – tuy rủi ro, nhưng cũng tồn tại những cổ phiếu đầy triển vọng. Chúng chính là các mã cổ phiếu bluechip.

Bluechip là thuật ngữ chỉ công ty có lịch sử tăng trưởng ổn định, đồng thời có vị thế cao (xét về thị phần hoặc quy mô) trong một ngành cụ thể.

Ví dụ tại Việt Nam, một số mã bluechip điển hình có thể kể đến là Vinamilk (VNM) chiếm thị phần lớn nhất ở mảng sữa, FPT (FPT) ở mảng công nghệ, hay Vietcombank (VCB) ở lĩnh vực ngân hàng.

Vậy ưu điểm của việc đầu tư cổ phiếu bluechip là gì, và nếu muốn đầu tư thì nên có chiến thuật như thế nào? Bài viết Đầu tư – Từ đâu lần này sẽ gửi đến bạn một số phân tích để tham khảo, áp dụng vào chiến lược đầu tư cá nhân.

Tại sao nên đầu tư cổ phiếu bluechip?

Nhờ vị thế cao về quy mô, khi thị trường vào suy thoái, các bluechip thường sẽ lấy thêm cho mình được thị phần, biến khoản đầu tư trở nên an toàn hơn. Điều này giúp chúng sở hữu nhiều ưu điểm.

bluechip
Tại sao nên đầu tư cổ phiếu bluechip?

Yếu tố cơ bản tốt

Việc hiểu cơ bản, hiểu doanh nghiệp, hiểu báo cáo tài chính thường gây khó khăn ban đầu với các nhà đầu tư F0.

Với các mã bluechip, dù không phải tuyệt đối nhưng bạn có thể yên tâm phần nào. Vì trong ngắn hạn, cổ phiếu bluechip sẽ khó gãy cơ bản.

Là thỏi “nam châm” hút tiền

Các mã bluechip là điểm đến đầu tiên của dòng tiền khi thị trường thanh khoản thấp. Đó là do dòng tiền lúc này thường ưu tiên các mã có cơ bản tốt, sau đó mới đến các mã midcap (mã có vốn hóa vừa) và penny (mã có vốn hóa nhỏ).

Dòng tiền chính là yếu tố tiên quyết để cổ phiếu tăng giá, và giữ cổ phiếu không giảm quá sâu so với các mã khác.

Khả năng hồi phục tốt

Khi thị trường giảm chung, các mã bluechip có khả năng hồi lại sớm hơn. Trong khi đó, các mã midcap và penny sẽ cần rất lâu, hoặc có thể không bao giờ hồi lại được về nền giá cũ.

Đa phần nhà đầu tư mới dễ mắc sai lầm là không cắt lỗ và để danh mục thả trôi. Trong trường hợp đó, với bluechip thì còn có cơ hội hồi lại phần nào, còn penny thì gần như không thể.

Những ưu điểm trên chính là tiền đề tạo nên sức hút của các mã chứng khoán thuộc các doanh nghiệp này – nhất là với nhóm nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng cứ đầu tư vào cổ phiếu bluechip thì bạn sẽ miễn nhiễm với rủi ro.

Lịch sử thị trường đã từng chứng kiến trường hợp bluechip sụp đổ. Đó chính là Lehman Brothers vào tháng 09/2008 tại Mỹ, hay sự kiện tập đoàn China Evergrande Group vỡ nợ vào năm ngoái.

Vậy cần lưu ý gì khi đầu tư bluechip?

Có 3 nhóm yếu tố lớn nhất cần cân nhắc khi đầu tư. Đó là tài sản đầu tư, nguồn vốn và cách thức đầu tư.

bluechip
Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu bluechip

Về tài sản đầu tư

Khi đã lựa chọn bluechip là tài sản đầu tư, thì về bản chất, bạn đang lựa chọn một giải pháp đầu tư an toàn. Các công ty này không những đứng đầu Việt Nam tại các thị trường sản phẩm dịch vụ cụ thể, mà còn đem lại cho bạn nhiều lợi ích.

  • Lợi nhuận ổn định: Các công ty bluechip trả cổ tức tiền mặt đều và cổ phiếu thưởng. Với các doanh nghiệp trả cổ tức cao và đều đặn (điển hình như FPT), thì chỉ riêng phần cổ tức tiền mặt đã là 20% mệnh giá.
  • Tính thanh khoản cao: Điều này giúp giao dịch dễ dàng khi cần rút vốn. Ví dụ, mã FPT có giá trị giao dịch trung bình 2 năm qua là hơn 100 tỷ đồng mỗi phiên.

Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này cũng tồn tại một số nhược điểm.

Thứ nhất, cổ phiếu bluechip có mức biến động giá ngắn hạn thấp hơn so với các cổ phiếu công ty vừa và nhỏ. Vì bluechip là các công ty có vốn hóa lớn, nên cần lượng tiền đổ vào lớn thì mới có thể làm giá cổ phiếu tăng đột biến.

Thứ hai, cổ phiếu bluechip có khả năng tăng trưởng đột biến thấp. Nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng phát triển thần kỳ trong 1-2 năm. Điều này khiến nhóm nhà đầu cơ ngắn hạn ít ưa thích.

bluechip

Về nguồn vốn

Khi đã xác định đầu tư bluechip, bạn tin tưởng vào năng lực tăng trưởng bền bỉ dài hạn của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn của bạn cũng phải là nguồn vốn dài hạn tương xứng.

Sai lầm của nhiều người là đầu tư dài hạn với tầm nhìn nhiều năm, nhưng mới chỉ mua được 1-2 tháng thì lại có nhu cầu sử dụng vốn. Tình huống này sẽ còn bi đát hơn, khi đúng lúc bạn cần bán để lấy tiền vốn về làm việc khác thì thị trường lại đi xuống.

Do đó, bạn cần tách riêng cho mình một khoản tiền để đầu tư dài hạn. Điều này giúp bạn không còn bị áp lực phải bán khi đang tích lũy/nắm giữ cổ phiếu. Trong mọi trường hợp, dù khẩn cấp bạn cũng không cần sử dụng đến số tiền đó.

Về cách đầu tư

Nhà đầu tư F0 thường có số tiền đầu tư ban đầu nhỏ, nên rất e ngại khi cân nhắc đầu tư bluechip do thị giá bluechip cao. Ví dụ, với số vốn 5 triệu đồng thì bạn chỉ có thể mua 40 cổ phiếu FPT.

Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý hai điều.

Thứ nhất, bạn có thể đầu tư liên tục định kỳ. Chiến thuật này gọi là Systematic Investment Plan (SIP) – mua cổ phiếu nhiều lần định kỳ.

Áp dụng chiến thuật này, bạn có thể đầu tư bằng tiền tiết kiệm hàng tháng. Do đó, số tiền đầu tư ban đầu tưởng nhỏ nhưng lại có thể tích tiểu thành đại. Những cổ đông từ 10-15 năm trước chỉ cần đầu tư hàng tháng 2 triệu đã có thể có cho mình tài sản tương đương vài tỷ ở thời điểm hiện tại.

Nếu bạn chưa có thói quen tiết kiệm đều đặn như trên, hãy cứ bắt đầu với số tiền nhỏ. Cho tới tận ngày hôm nay, nhiều người mới vẫn rụt rè với chứng khoán vì sợ lừa đảo hay biến động.

Nếu bạn còn cân nhắc, hãy cứ tạm tin những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam có mặt trên sàn giao dịch. Sau đó bắt đầu hành trình tìm hiểu thêm các tài sản, để từng bước xây dựng nền tảng tài chính vững vàng cho bản thân trước những biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống.

Lời kết

Nhìn chung, đầu tư vào cổ phiếu bluechip mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, nhất là khi bạn không có quá nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể lệ thuộc hoàn toàn vào hướng đầu tư này mà bỏ đi các phân tích, hoặc không trau dồi thêm kinh nghiệm đầu tư.

Đồng thời, bạn cũng cần liên tục cập nhật, theo dõi thông tin thị trường và cả kế hoạch đầu tư cá nhân để tạo ra kịch bản tối ưu lợi nhuận lý tưởng nhất.

Hình ảnh minh hoạ từ nguồn mở Streamline.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

1 bình luận về “Cổ phiếu bluechip: Đầu tư sao cho đúng?”

Bình luận