Tình huống căng thẳng vì tiền
X là một bạn trẻ độc thân, đang làm quản lý cho một công ty truyền thông với thu nhập khá tốt, khoảng 45 triệu/tháng. Năm 2020, sau khi tích lũy được 1.3 tỉ, X quyết định vay ngân hàng và người quen thêm 1.7 tỉ để mua một căn hộ nhỏ trị giá 3 tỉ. Giai đoạn đầu sau khi mua nhà, mỗi tháng X để ra được 28 triệu để trả nợ. Nhưng gần đây, do liên tục thay đổi công việc, thu nhập của X bị ảnh hưởng khá nhiều. X gặp khó khăn trong việc trả nợ tiền nhà hàng tháng.
X hối hận vì đã mua nhà. X nghĩ rằng, giá như không có khoản nợ 1.7 tỉ trên vai, chuyện thay đổi công việc của mình sẽ không căng thẳng đến thế. Áp lực trả nợ khiến bạn mất bình tĩnh, không chờ được công việc mới phù hợp với thu nhập cao hơn mà phải thỏa hiệp với nhiều lựa chọn công việc khác để quay trở lại guồng thu nhập cũ. X bởi căng thẳng vì tiền mà cảm thấy mệt mỏi, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều đi xuống rõ rệt.
Giải pháp
Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau:
Với trường hợp của X, chúng ta sẽ phân tích theo hai phương diện: Cảm xúc và Hành động:
1, Về cảm xúc:
Bạn khó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, hoặc thăng tiến trong công việc, nếu như bản thân đang có nhiều áp lực và cảm xúc tiêu cực. Ở đây, cảm xúc bạn gặp phải là căng thẳng vì tiền.
Trong tình huống khó khăn như bạn chia sẻ, đương nhiên sẽ có giây phút bạn cảm thấy tiêu cực, tự dằn vặt bản thân bằng những câu “Giá như…”. Thế nhưng, quá khứ là điều không thể thay đổi. Hãy thử nghĩ ngược lại, chắc hẳn bạn đã từng tự hào lắm khi có được căn nhà đầu tiên. Không nhiều người có đủ năng lực và bản lĩnh để mua một căn hộ ở tuổi trẻ như bạn. Việc mắc nợ và căng thẳng vì tiền là điều không ai muốn, đầu tiên, hãy tìm cách tự xốc lại tinh thần cho mình.
Sau đó, về khía cạnh công việc, bạn có thể suy nghĩ về hai sự lựa chọn:
- Sự lựa chọn số 1: Tiếp tục với công việc hiện tại. Đây là công việc cho bạn mức thu nhập ổn, nhưng áp lực đi kèm lại rất lớn, khiến bạn kiệt quệ tinh thần. Nếu như bạn muốn đảm bảo sự an toàn trong hiện tại và tiếp tục với công việc này, bạn cần học cách chấp nhận, tự tạo cho mình không gian riêng để liên tục tái tại tinh thần và năng lượng.
- Sự lựa chọn số 2: Tìm một công việc mới mà bạn thực sự yêu thích. Với niềm đam mê và sự nhiệt huyết trong công việc, bạn mới có thể trở lại guồng làm việc, nâng dần mức thu nhập lên trong tương lai. Việc này có thể diễn ra chậm, nhưng là cách thức bền vững hơn trong dài hạn, và cũng là cách để bảo vệ sức khoẻ tinh thần của bản thân khỏi những căng thẳng vì tiền và vì công việc.
Nhìn chung, dù theo cách nào, bạn cũng cần tìm cách để giải phóng những cảm xúc tiêu cực như áp lực vì nợ nần, cảm thấy sốt ruột, nghĩ rằng mình đang phải thoả hiệp với công việc. Khi tinh thần không thoải mái, bạn khó có thể cống hiến hết mình cho công việc, thu nhập vì vậy khó tăng cao. Bạn vốn có mức lương cũ là 45 triệu/ tháng, vậy nên hẳn bạn có kiến thức, kinh nghiệm, và kỹ năng tốt. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực bạn đang có có thể khiến bạn lãng phí những nguồn lực đáng giá này.
2, Về hành động
Sau khi gỡ rối được vấn đề tâm lý, bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau:
Giải pháp thứ nhất: Vì đang độc thân, bạn có thể linh hoạt thuê nhà gần chỗ làm để tiết kiệm chi phí nhà ở và chi phí di chuyển đến nơi làm việc. Đây vốn là hai khoản phí khá lớn. Bạn có thể lựa chọn ở một căn phòng nhỏ, còn căn hộ hiện tại thì cho thuê với mức giá cao hơn. Việc này giúp bạn giảm thiểu chi tiêu hàng tháng, có thêm một nguồn thu nhập từ việc cho thuê nhà, từ đó dồn tiền để trả nợ ngân hàng. Nỗi căng thẳng vì tiền bạn đang gặp phải cũng nhờ đó mà giảm đi.
Giải pháp thứ hai: Bạn có thể bán căn nhà đó để trả nợ, rồi mua một căn nhà khác nhỏ hơn, hoặc tiếp tục thuê nhà một thời gian nữa. Căn nhà đó trị giá 3 tỷ khi bạn mua vào, nhưng trong đó chỉ có 1.3 tỷ là tiền của bạn, còn lại 1.7 tỷ là tiền đi vay. Như vậy, ngôi nhà đó cũng không hoàn toàn là “nhà của bạn”, mà phần nhiều thuộc sở hữu của ngân hàng (hoặc của người đang cho bạn vay tiền). Đương nhiên, quyết định này cần bạn có sự mạnh mẽ và bản lĩnh hơn giải pháp số một.
Trong mỗi tình huống căng thẳng vì tiền, thật ra chúng ta có nhiều lựa chọn hơn chúng ta nghĩ. Trong tình huống kể trên, ít nhất là bạn có hai giải pháp: bán căn nhà đó và mua căn nhà khác nhỏ hơn, cho thuê căn nhà đó và thuê chỗ ở khác để tạo dòng thu nhập mới. Chúng ta nên sử dụng căn nhà ấy để tái tạo nguồn năng lượng tích cực sau khi làm việc, chứ không nên coi căn nhà là “tội nhân”, vì nó mà ta vướng vào nợ nần.
Hành động gợi ý:
- Hãy bắt đầu bằng việc chọn một chỗ ngồi thoải mái nhất trong căn nhà, pha một ly trà, một cốc cà phê,… Hít thở để tìm lại sự bình tĩnh và tìm lại cảm giác yêu thương căn nhà của bạn.
- Xem xét 2 gợi ý hành động phía trên. Cách làm đơn giản và có thể thực hiện ngay là là cho thuê căn nhà để lấy nguồn thu nhập thụ động. Giả sử căn nhà có 2 phòng ngủ, bạn có thể đăng tin cho thuê một phòng ngủ.
- Bắt đầu giảm chi tiêu trong khả năng của mình. Nhìn lại hành vi chi tiêu của mình là cắt giảm những phần không cần thiết như: đi ăn ngoài, uống trà sữa, mua sắm,…
Bạn sẽ nhận ra rằng, giải pháp không thiếu, nhưng những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng vì tiền khiến chúng ta không còn đủ tỉnh táo để nhìn thấy những giải đáp đó.
Bài học
Căng thẳng vì tiền hay áp lực tài chính là điều khá phổ biến, bạn không hề cô đơn nếu như bạn đang có những cảm xúc này. Theo một nghiên cứu của Capital One CreditWise, 73% người Mỹ xếp tài chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng số một trong cuộc sống. Người ở độ tuổi khác nhau sẽ có những nỗi lo âu tài chính khác nhau, ở nhiều cấp độ khác nhau.
Có nhiều lý do khiến bạn cảm thấy căng thẳng vì tiền: áp lực nợ nần, thu nhập bấp bênh, không đủ tiền để giải quyết những biến cố trong cuộc sống,… Sự căng thẳng về tiền có thể dẫn đến sự bất an thường trực, cảm giác khó chịu, thậm chí dễ dàng nổi cáu với mọi người xung quanh.
Trước những tình huống này, việc đầu tiên bạn nên làm là nhìn lại cảm xúc của bản thân. Nếu như sức khỏe tinh thần đang đi xuống, hãy tạm gác công việc trong chốc lát và dành thời gian để tái tạo năng lượng. Cảm xúc tiêu cực từ nỗi căng thẳng vì tiền của bạn có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh và có thể khiến bạn có những quyết định không đúng đắn.
Khi đã bình tĩnh, bạn bắt đầu tự đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp: Tôi có thể làm những gì để cải thiện tình hình? Dù chỉ là một vài hành động thật nhỏ, cũng hãy bắt đầu. Tư duy Doable nên được đề cao trong những tình huống này. Sau đó, hãy ưu tiên chọn một hướng giải quyết và thực hiện ngay ngày hôm nay. Những hành động nhỏ có thể tạo nên sự thay đổi lớn và giúp bạn sớm giải quyết được vấn đề.
1 bình luận về “Bạn có đang căng thẳng vì tiền không?”