Trang là một bạn trẻ mới tốt nghiệp, bắt đầu công việc full-time đầu tiên với mức lương 9 triệu/ tháng. Sống một mình tại Hà Nội, mỗi tháng Trang tốn đến 6 triệu để trả tiền nhà, hoá đơn điện nước, tiền ăn uống sinh hoạt,… Với 3 triệu còn lại, Trang luôn băn khoăn không biết nên xử lý như thế nào.
Trang vừa muốn đăng ký thêm nhiều khóa học marketing để nâng cao trình độ, vừa muốn mua sắm quần áo mới để nổi bật tại văn phòng, vừa muốn đi du lịch khám phá, vừa muốn gửi chút tiền về cho bố mẹ. Trong khi đó, tất cả những gì Trang còn lại chỉ là 3 triệu mỗi tháng.
Bạn có thấy hình bóng mình trong câu chuyện này? Chi tiêu tiết kiệm, hay mạnh dạn đầu tư cho trải nghiệm? Tích lũy cho tương lai, hay sống YOLO vì tuổi trẻ chỉ có một lần? Nếu không lựa chọn, bạn nên làm gì để đạt được cả hai mục tiêu này.
Tiết kiệm hay trải nghiệm, sao phải chọn?
Trước khi bàn về việc chọn hay không chọn, chúng ta hãy cùng nhìn sâu sắc vào từng mục tiêu:
- Tại sao bạn cần tiết kiệm: Viễn cảnh rõ ràng của việc không có một khoản tiền tiết kiệm là bạn chông chênh trước những những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ví dụ như khi không may bị tai nạn, bố mẹ ốm, bất ngờ thất nghiệp… Đồng thời, rất nhiều người có mục tiêu về tự do tài chính, về tương lai “tiền tự đẻ ra tiền”, bước đầu tiên để đạt được tương lai này là học cách chi tiêu tiết kiệm và để ra một khoản tiền nhàn rỗi.
- Tại sao bạn trẻ cần trải nghiệm: Ở giai đoạn tuổi trẻ, bản thân bạn là tài sản giá trị nhất. Việc mở rộng trải nghiệm, dù cho đó là trải nghiệm học tập, du lịch, tình nguyện,… đều giúp bạn gia tăng giá trị bản thân. Trải nghiệm sống càng đủ đầy, bạn càng trưởng thành và mạnh mẽ.
Một bên là xây dựng sự vững vàng tài chính trước những tình huống khẩn cấp, để không vướng phải nỗi lo âu tiền bạc dai dẳng. Một bên là gia tăng giá trị bản thân, làm giàu trải nghiệm và vốn sống. Bạn có thật sự muốn đánh đổi một trong hai giá trị đều vô cùng quan trọng này?
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cả hai: vừa chi tiêu tiết kiệm, vừa đầu tư cho trải nghiệm. Chi tiêu tiết kiệm không đồng nghĩa với việc bạn phải cắt bỏ hoàn toàn các trải nghiệm sống. Sống YOLO không đồng nghĩa với việc bạn phải tiêu toàn bộ số tiền có được để ăn chơi, để du lịch, để mua sắm. Trên thực tế, hai mục tiêu này không bài trừ lẫn nhau, chúng hoàn toàn có thể đi song hành trong một bản tài chính cá nhân phù hợp. Dưới đây là 6 cách thức giúp bạn tìm thấy sự cân bằng này.
6 cách thức để vừa chi tiêu tiết kiệm, vừa trải nghiệm cuộc sống muôn màu
Vậy, đâu là cách để bạn vừa học cách chi tiêu tiết kiệm, vừa thỏa mãn được khát khao trải nghiệm của tuổi trẻ? Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể tham khảo:
1, Ứng dụng Kaizen vào tiết kiệm
Kaizen, nghĩa gốc là “cải thiện” – là một triết lý sống, một thuật ngữ quen thuộc của người Nhật Bản. Kaizen nhấn mạnh rằng: những bước tiến dù vô cùng nhỏ bé, nhưng có thể tạo ra sự thay đổi lớn lao nếu như được thực hiện kiên trì, đều đặn.
Khi áp dụng vào cách chi tiêu tiết kiệm, bạn có thể thực hành bằng việc để ra một khoản tiền nhỏ, nhưng kiên trì trong nhiều tháng. Ví dụ tháng tới, thay vì đi cafe 3 lần/ tuần, bạn chỉ ra cafe 2 lần/ tuần và lựa chọn quán có khung giá thấp hơn một chút. Sau 4 tuần, bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 200.000VNĐ. Sau đó, hãy tự hỏi chính mình xem bạn có cảm thấy quá khó chịu khi có khoản cắt giảm này, bạn có cảm thấy cuộc sống thay đổi quá nhiều khi mỗi tuần mất một lần đi cafe? Để bắt đầu tiết kiệm, điều quan trọng không phải là ngay lập tức tiết kiệm thật nhiều, mà là xây dựng thói quen tiết kiệm bền vững.
2. Lập ngân sách chi tiêu bằng “Zero-based budget”
Zero-based budgeting (ZBB) là phương pháp lập ngân sách cá nhân với công thức cơ bản là:
Tiền kiếm được – Tiền tiêu = 0
Cụ thể, tiền kiếm được (income) có thể bao gồm tất cả các khoản tiền lương, tiền làm thêm, các thu nhập khác bên ngoài khoản lương cố định hàng tháng. Tiền tiêu không chỉ bao gồm các khoản chi tiêu sinh hoạt thông thường, mà gồm tất cả các khoản tiền bạn bỏ ra trong một tháng, bao gồm tiền tiết kiệm, tiền đầu tư, tiền bảo hiểm, các khoản nợ nần, tiền du lịch và vô vàn các chi phí khác trong cuộc sống.
Mục đích của phương pháp chi tiêu tiết kiệm này là yêu cầu chúng ta cân đối tất cả các khoản tiền tiêu trong giới hạn số tiền mình kiếm được, mỗi một đồng tiền đều được phân chia một mục đích chi tiêu riêng. Chúng ta không để đồng tiền thúc ép hành động, mà chủ động “giao việc” cho từng khoản tiền.
3. Chi trả các khoản nợ trước
Nhiều bạn trẻ vì khao khát trải nghiệm quá lớn, sẵn sàng vay mượn để mua sắm, để du lịch,… Trong những trường hợp khẩn cấp, việc vay mượn một khoản nhỏ là có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đã vay thì phải trả. Vay nợ khiến chúng ta mất tự do, lại ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân chung. Vì vậy, hãy thanh toán các khoản nợ sớm nhất có thể, trước khi thực hiện các mục tiêu tài chính khác.
4. Thiết lập sổ chi tiêu theo phương pháp Kakeibo
Trong tiếng Nhật, Kakeibo có nghĩa là “quyển sổ gia đình”, được nữ nhà báo Hani Motoko sáng tạo vào năm 1904. Phương pháp Kakeibo nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc hiểu rõ tình hình chi tiêu hiện tại, đồng thời luôn tư duy những giải pháp mới để cải thiện sự cân bằng chi tiêu trong tương lai. Đầu tháng, hoặc mỗi khi có thu nhập, bạn sẽ cần trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn có bao nhiêu tiền tháng này?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
- Bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền và phân chia vào những khoản nào? (bao gồm cả các nhu cầu thiết yếu, nhu cầu giải trí, nhu cầu học tập,…)
- Bạn có những cách gì để tối ưu tài chính của mình trong tháng tiếp theo?
5. Phân cấp từng khoản chi tiêu
Để tối ưu việc chi tiêu tiết kiệm, tất cả các khoản chi tiêu của bạn có thể phân chia làm 3 cấp độ:
- Buộc phải chi (Must have)
- Chi tiêu thì tốt (Nice to have)
- Chi tiêu lãng phí (Wasted)
Ngay tháng tới, bạn có thể thực hành ghi chép lại các khoản chi tiêu của mình, phân loại từng khoản chi về một trong ba nhóm kể trên. Sau khi có cái nhìn rõ ràng sâu sắc về từng khoản chi tiêu, bạn giảm dần các khoản chi tiêu đang bị xếp vào nhóm “Chi tiêu lãng phí”. Với nhóm “Chi tiêu thì tốt”, bạn không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn bởi phần nhiều các khoản thu thuộc nhóm này là khoản đầu tư cho trải nghiệm, cho nhiều hoạt động thú vị trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn nên có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên để không quá sa đà vào nhóm này mà rơi vào tình trạng “lạm chi”.
Xem thêm: 7 bước lập ngân sách dễ dàng.
6. Chi tiêu thông minh vào các mùa khuyến mãi
Nhiều người cho rằng, cứ mua hàng giảm giá khuyến mãi là bạn đang chi tiêu tiết kiệm. Thế nhưng, bạn chỉ tiết kiệm khi bạn mua được đúng thứ mình cần, với mức giá thấp hơn mức giá thực tế. Trong trường hợp bạn mua được một món hàng với giá rất hời, nhưng thực chất lại không phải đồ bạn thực sự cần, giá trị sử dụng thực tế không cao, đây vẫn được tính là một khoản tiền lãng phí.
Trước sức hút kỳ diệu của các mùa khuyến mãi, bạn cần:
- Chuẩn bị trước danh sách những đồ cần mua trong dịp sales sắp tới, khoản giá để nắm được mức giá trung bình
- Xác định khoản tiền bạn cho phép bản thân dành cho việc mua sắm trong đợt khuyến mãi tới
- Thận trọng trước những khoản chi tiêu nằm ngoài kế hoạch. Nếu như bạn đang rất muốn mua thêm một vài món đồ không nằm trong dự kiến, hãy tự hỏi bản thân một số câu hỏi như: Tôi mua món đồ này vì tôi thích, hay tôi đang cần?; Trên thang điểm từ 1 đến 10 về mức độ cần thiết, món đồ này đạt bao nhiêu điểm?
Hãy nhớ rằng, những đợt giảm giá tiếp theo chắc chắn sẽ đến, còn số tiền bạn lỡ chi tiêu lãng phí sẽ không bao giờ quay trở lại.
Tạm kết
Bài viết trên giới thiệu đến bạn 6 phương pháp, 6 cách thức chi tiêu tiết kiệm để nâng cao khả năng làm chủ tài chính của bản thân. FinPeace không khuyên bạn hãy thực hiện cả 6 cách thức ngay lập tức, mà hãy lựa chọn một cách thức bạn cảm thấy hào hứng nhất và thử nghiệm. Hai mục tiêu chi tiêu tiết kiệm và làm giàu trải nghiệm hoàn toàn có thể “song hành”, vì vậy quan trọng nhất là bạn tìm ra được cách thức phù hợp với cá nhân bạn, và thật tận hưởng trên hành trình này.