Nhiều người cho rằng nợ nần là chuyện bình thường, việc mắc nợ một (hay nhiều) lần trong đời không phải chuyện gì quá kinh khủng. Nhưng “bình thường” không có nghĩa là nó tốt cho bạn, ngược lại, có thể đẩy bạn vào những tình huống không mong muốn khiến bạn hối hận về sau.
Nợ nần có thể cướp đi cả hiện tại lẫn tương lai. Những món nợ giữ chân bạn kẹt trong một vòng luẩn quẩn, đẩy hai chữ “giàu có” ra xa tầm với. Và đôi khi, việc tìm ra lối thoát cho một người khi đã quen với chuyện sống trong nợ nần là rất khó.
Khi đã mắc nợ, người ta có thể đưa ra hằng hà sa số những lí do tưởng như hợp lý để bào chữa cho bản thân mình, thay vì thực sự đối mặt với tình trạng kiệt quệ của bản thân và tìm cách thoát nợ. Những lời nói dối nghe rất “bùi tai” ấy chính là thứ khiến bạn mắc kẹt mãi trong cảnh nợ nần, mà có khi bạn còn không nhận ra. Vì vậy, hãy tỉnh táo trước 12 lời nói dối phổ biến dưới đây, tránh xa cái bẫy “nợ nần là chuyện thường thấy”:
1. Chuyện thường ấy mà, ai mà chẳng nợ
Như đã nhắc tới trong phần mở đầu, việc “nợ è cổ” đã được bình thường hóa, trở thành một tình trạng phổ biến trong xã hội. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng có tới 80% người Mỹ đang mắc nợ. Tức là cứ 10 người được khảo sát thì lại có 8 người đang vướng vào nợ nần.
Còn bạn, khi bàn về nợ nần và tiền bạc, đã bao giờ bạn được nghe những câu nói như:
– Bạn cần phải có điểm tín dụng tốt để tăng uy tín với các tổ chức cho vay! (Nếu không dùng thẻ tín dụng thì bạn đâu có cần?)
– Những khoản nợ tốt sẽ giúp bạn gia tăng cơ hội kiếm tiền đấy! (Có phải ai cũng là chủ doanh nghiệp cần vay vốn đầu tư đâu!)
– Ai cũng vay mua xe trả góp với các khoản vay sinh viên mà. (Trả cả hai cùng lúc không hề dễ đâu nhé)
Không khó để bắt gặp những câu nói này khi văn hóa kiếm tiền độc hại đang len lỏi vào cuộc sống. Mắc nợ một ai đó tuyệt đến vậy sao? Không hề. Và nếu bạn nghĩ kiểm soát những khoản nợ của bản thân là chuyện dễ, thì bạn cần biết rằng theo một nghiên cứu của Ramsay Solution, cứ 4 “con nợ” tham gia khảo sát thì lại có một “chủ nợ” “hai chân hai xuồng”, vừa mắc nợ người này, vừa cho người khác vay nợ.
Những món nợ có thể là bệ đỡ về tài chính cho ước mơ của bạn, nhưng cũng hoàn toàn có khả năng đẩy ước mơ của bạn đi ngày một xa tầm với. Nếu nợ nần là bình thường, hãy chọn trở nên khác biệt.
2. Tiền bạc phức tạp lắm, không giỏi tính toán thì phải nợ thôi
Nhiều người cho rằng chỉ có cách trở thành những “bậc thầy tính toán” thì mới có thể giải quyết suôn sẻ chuyện tiền nong, từ đó mới không mắc nợ. Đây là một quan niệm sai lầm, tiếp tay cho nợ nần chen ngang vào cuộc sống của bạn.
Kể cả khi bạn không phải những chuyên gia tài chính hay người làm kinh tế, bạn vẫn có thể học cách quản lý đồng tiền của mình hiệu quả thông qua sách vở, internet và các ứng dụng điện thoại. Thay vì đầu hàng ngay từ khi chưa bắt đầu, hãy thử cho mình cơ hội học hỏi kỹ năng mới. Nếu vài phép cộng trừ đã đối với bạn đã là gánh nặng, vậy thì sao bạn có thể gánh được sức nặng của hai chữ “giàu có” sau này?
3. Một khi đã nợ thì kiếm được bao nhiêu cũng vậy thôi
Nhiều người chọn sống trong cảnh nợ nần bởi họ tin rằng khoản lương vài triệu một tháng của họ không thấm vào đâu so với món nợ lên tới cả trăm triệu họ đang gánh. Họ nhìn vào thu nhập hiện tại để tự phủ nhận khả năng và trách nhiệm trả nợ của bản thân, sinh ra tâm lý ỷ lại vào gia đình, người thân – những người mà họ cho rằng có thể trả nợ thay họ.
Cho dù là 6 tháng hay 6 năm, bạn vẫn luôn có khả năng trả sạch nợ nần dù thu nhập của bạn thế nào. Tất nhiên, thu nhập cao sẽ giúp bạn thoát nợ nhanh hơn, vậy nên kiếm thêm thu nhập để trả nợ là một hướng đi đúng.
Hiện nay, có vô vàn lựa chọn để bạn gia tăng thu nhập của mình. Làm việc bán thời gian, chạy xe ôm công nghệ, tận dụng sở trường để làm freelancer, thậm chí là rao bán bớt những món đồ cũ không dùng tới. Tìm một công việc mới với mức lương cao hơn, hoặc đề xuất tăng lương ở công việc hiện tại cũng là một lựa chọn không tồi. Chỉ cần bạn thực sự muốn, bạn sẽ làm được!
4. Tằn tiện để làm gì, dù sao cũng đâu hết nợ
Đôi lúc, vấn đề không nằm ở việc bạn cần kiếm nhiều hơn, mà là việc bạn cần tiêu bớt lại.
Những bữa ăn xa hoa tại nhà hàng sang trọng, những chuyến du lịch dài ngày luôn có một sức hút rất khó cưỡng. Nhưng bạn cần biết rằng, một bữa ăn xa xỉ có thể không khiến túi tiền của bạn vơi đi là bao, nhưng nhiều bữa ăn như vậy thì hoàn toàn có thể.
Dù bạn là ai, có phong cách sống thế nào thì việc trả nợ cũng luôn cần được ưu tiên hàng đầu. Việc đặt sai thứ tự ưu tiên của các mục tiêu và thói quen hưởng thụ có thể đẩy bạn chìm sâu vào nợ nần một cách từ từ mà bạn không hề biết. Bạn chỉ sống một lần, vậy thì cũng đừng sống một đời này trong cảnh nợ nần đáng tiếc.
Thật khó để loại bỏ hoàn toàn những thú vui có phần đắt đỏ ấy ra khỏi cuộc sống, mà thực ra, bạn cũng không cần loại bỏ chúng hoàn toàn. Hãy tự hỏi bản thân: “Mình sẵn sàng hy sinh điều gì ở hiện tại để thoát khỏi nợ nần mãi mãi?”. Bạn có thể bắt đầu với việc giảm dần số lần ăn ngoài hàng và những chuyến du lịch. Đi du lịch ít hơn không khiến cuộc sống của bạn “tù túng” hơn, mà ngược lại, còn góp phần giúp bạn thoát khỏi việc chi tiêu quá đà, “tự do” khỏi nợ nần mãi mãi.
5. Đặt ra ngân sách làm gì cho mất tự do chi tiêu
Có người mắc nợ còn không biết họ đang nợ bao nhiêu, bởi họ không hề có ngân sách chi tiêu. Họ cho rằng ngân sách là hàng rào ngăn cản sự tự do, nhưng sự thật là, một ngân sách chi tiêu hợp lý mới là thứ cho họ sự tự do họ hằng mong. Và nếu họ chịu theo dõi dòng chảy tiền bạc của mình, họ sẽ nhận ra mình đang lãng phí bao nhiêu tiền vào những khoản nợ.
Lập và theo dõi ngân sách chi tiêu không khó, nhưng sẽ cần một chút nỗ lực. Nếu việc ghi chép từng khoản vào sổ sách trở nên bất tiện khi bạn phải dịch chuyển nhiều, thì các ứng dụng quản lý tiền bạc trên điện thoại sẽ là lựa chọn thay thế. Chỉ cần dành vài phút mỗi ngày nhập dữ liệu, máy móc sẽ thay bạn kiểm soát hiệu quả nguồn tiền.
6. Người ta có, chẳng lẽ mình lại không?
Thấy nhà hàng xóm vừa “tân trang” căn bếp, bạn liền cảm thấy bếp nhà mình cũng cần được sửa sang. Nhìn tấm ảnh chụp cạnh chiếc BMW mới toanh của cô bạn cũ hồi cấp ba, bạn sốt sắng cho rằng mình cần mua ngay chiếc xe mới. Thực ra, bạn chỉ bắt đầu cần hai thứ này khi bạn nhìn thấy người khác có nó.
Hai trường hợp trên là ví dụ hoàn hảo cho tâm lý “người ta có, mình cũng phải có” dẫn đến nợ nần chồng chất của không ít người. Thứ bạn nhìn thấy là một căn bếp mới khang trang, hay một chiếc xe đắt tiền, nhưng nhà hàng xóm hay người bạn cũ không nói với bạn rằng, để có được những thứ khiến bạn thấy áp lực kia, họ đã phải vay nợ một khoản tiền rất lớn.
Chính việc không nhìn thấy mặt còn lại ấy đã kéo bạn vào cuộc đua vật chất, và nếu không tỉnh táo, bạn sẽ rất dễ trượt dài vào cảnh nợ nần chồng chất sau này.
7. Tôi muốn nó, ngay lập tức!
Rất nhiều người rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì quá đam mê cuộc sống vật chất. Sở hữu càng nhiều, bạn lại càng cảm thấy giàu có và tự tin, và bạn sẽ cảm thấy không thể bỏ lỡ một món đồ nào cả. Đối với những người như vậy, thẻ tín dụng là cách để họ có thể sở hữu mọi thứ họ muốn ngay lập tức.
Sự xuất hiện của thẻ tín dụng và hình thức trả góp đã dần dần làm sai lệch ý nghĩa của việc thực sự có khả năng chi trả cho một thứ gì đó. Mua “chịu” hàng hóa chỉ kéo bạn chìm sâu thêm vào cảnh nợ nần. Và sự thật là, dù trả góp nghe có vẻ là một phép toán kinh tế hiệu quả, nhưng tổng số tiền trả góp hàng tháng sẽ luôn lớn hơn số tiền bạn phải trả nếu thanh toán ngay khi mua hàng.
Vì vậy, hãy chỉ mua một thứ khi bạn có khả năng thanh toán bằng tiền bạn có sẵn, thay vì tiền bạn sẽ có trong tương lai.
8. Nợ nần quen rồi, không nợ lại thấy…không đúng
Đôi khi thứ khiến việc thoát nợ trở nên khó khăn lại đến từ thói quen của người mắc nợ.
Khi bạn đã quen sử dụng thẻ tín dụng trong một thời gian dài, từng phần trong cuộc sống của bạn đều có sự đóng góp của những khoản nợ tín dụng, khiến thẻ tín dụng trở thành vật “bất li thân”. Bạn có được căn nhà hiện tại nhờ thẻ tín dụng, chiếc xe bạn đi cũng là từ vay nợ tín dụng mà ra,…khi tài chính của bạn khá hơn và không cần dùng thẻ tín dụng nữa, thì chính những thứ được mua bằng thẻ tín dụng – đại diện cho thói quen dùng thẻ của bạn lại “nhắc nhở” nó đã từng có ích với bạn đến thế nào. Và quyết định đóng thẻ lại thêm phần khó khăn, mà khó khăn này lại đến từ chính bạn.
Hãy nhớ rằng, nợ tín dụng giống như bị nấu từ từ trong một nồi nước sôi. Ban đầu có thể rất thoải mái dễ chịu, nhưng trước khi bạn nhận ra, bạn đã bị luộc chín từ lúc nào không biết.
9. Thoát nợ không phải là một ưu tiên
Thay vì đặt mục tiêu thoát nợ, nhiều người lại cho rằng “Chỉ cần trả lãi đúng hạn để nợ nần không bị đội lên là được, còn phần nợ gốc thì về sau rồi tính”. Mục tiêu “trả đủ lãi hàng tháng” nghe hấp dẫn hơn “trả nợ” rất nhiều, và với suy nghĩ như thế, khoản nợ gốc rất dễ rơi vào lãng quên.
Đúng. Nợ nần không phải lúc nào cũng gấp rút và đáng sợ, nhưng không có nghĩa là bạn có thể sống chung với những khoản nợ ấy suốt đời. Bạn có thể ổn với việc duy trì mức sống và trả lãi hàng tháng ở hiện tại, nhưng sẽ thế nào nếu bạn đột nhiên phải trả khoản nợ gốc vào đúng lúc bạn cần tiền để thực hiện những mục tiêu lớn hơn của mình?
Những khoản nợ nần được giữ lâu sẽ dần trở thành một phần bình thường trong cuộc sống của bạn, và sự ưu tiên bạn dành cho việc thoát nợ cũng sẽ giảm dần vì bạn đã quen với nó. Bạn sẽ dần dần coi nợ nần là bình thường, và những khoản nợ mới sẽ tiếp tục đến một cách tự nhiên vì bạn hài lòng với khả năng “trả được đủ lãi hàng tháng” của bạn. Nợ nần trong thời gian dài có thể không đáng sợ ở hiện tại, nhưng về lâu dài, chắc chắn sẽ trở thành đáng tiếc. Vậy nên hãy luôn cố định việc thoát nợ làm ưu tiên hàng đầu của mình, bạn nhé!
10. Lo phần mình thôi, tiền ai nấy trả chứ!
Tiền bạc là một vấn đề lớn và có phần nhạy cảm trong các mối quan hệ. Chính vì thế, nhiều người thường ngại thẳng thắn chia sẻ quan điểm và khiến sự bất đồng về tiền bạc âm thầm lớn lên theo thời gian. Nếu một trong hai người hướng đến mục tiêu “sạch nợ”, nhưng người kia lại không cho đó là việc cần ưu tiên, thì việc trả nợ của bạn sẽ càng thêm khó.
Đối với các cặp vợ chồng, tài chính hay nợ nần không phải vấn đề riêng của ai cả, mà là vấn đề của cả hai. Khi về chung một nhà, sẽ không có chuyện “tiền của ai” hay “nợ của ai” nữa. Hai người cần đứng cùng một chiến tuyến để giải quyết nợ cùng nhau, mà trước tiên, hãy thẳng thắn bày tỏ và thống nhất quan điểm về chuyện tiền nong với nhau trước nhé!
Đọc thêm bài viết: Tối đa thu nhập bằng việc phát triển theo mô hình T-shaped.
11. Bạn cần một chiếc thẻ tín dụng cho các tình huống khẩn cấp
Cuộc sống luôn tồn tại rủi ro, đó là lý do tại sao lại xuất hiện những “tình huống khẩn cấp”. Người ta thường tiết kiệm một khoản nhỏ để chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp, một số khác lại chọn giữ một chiếc thẻ tín dụng bên mình. Không ai phản đối tác dụng của thẻ tín dụng trong tình huống khẩn cấp, nhưng nếu bạn quá lệ thuộc vào nó, bạn dần coi mọi việc xảy ra đều là việc khẩn cấp lúc nào không hay.
Xe hỏng? Khẩn cấp.
Hết thức ăn? Khẩn cấp.
Cần mua đồ trang trí Giáng Sinh? Khẩn cấp!
…Và khi những tình huống khẩn qua đi, bạn sẽ nhận ra mình đang mắc kẹt dưới cả núi các khoản nợ tín dụng.
Vậy nên bài học là: Hãy luôn để dành một khoản tiền mặt đủ lớn cho các trường hợp khẩn cấp, thay vì tấm thẻ nhựa tiêu tốn của bạn cả đống tiền sau này chỉ bởi bạn sở hữu nó cho yên tâm.
12. Thoát khỏi nợ nần là điều không thể
Để lấp đầy được những hố nợ, bạn không những cần tiền mà còn cần rất nhiều nỗ lực và kỉ luật cao. Thoát khỏi nợ nần không hề dễ, nhưng cũng không phải là không thể.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo những bước đơn giản dưới đây nhé!
- Bắt đầu bằng việc liệt kê toàn bộ các khoản nợ của bạn, từ nhỏ nhất đến lớn nhất
- Tiếp tục thanh toán những khoản cần trả (tiền trả góp, tiền lãi,…) như bình thường. Nhưng song song với đó, hãy đặt mục tiêu phải trả hết khoản nợ có giá trị nhỏ nhất đầu tiên.
- Thực hiện mục tiêu này nhanh nhất có thể bằng mọi thứ bạn có như tiền làm thêm, tiền tiết kiệm, hoặc một khoản thưởng thường niên ở nơi làm việc.
- Khi mục tiêu đầu tiên hoàn thành, bạn hãy tiến tới giải quyết mục tiêu số 2 trong danh sách bằng những khoản tiền trên.
- Tiếp tục cho đến khi bạn giải quyết được hết các khoản nợ trong danh sách của mình. Tới đây thì xin chúc mừng, bạn đã hoàn toàn “sạch nợ”!
Bình dịch từ bài viết: 12 Lies That Keep People in Debt
4 bình luận về “12 lời nói dối khiến bạn mãi chìm trong nợ nần”