Bẫy chi phí chìm trong quản lý tài chính là một trong những bẫy tâm lý nhiều người gặp phải, dẫn đến nhiều sự lãng phí không cần thiết về thời gian, tiền bạc, công sức. Trong bài viết này, hãy cùng FinPeace tìm hiểu xem “chi phí chìm” là gì và làm thế nào để tránh bị đánh lừa tâm lý, khiến chúng ta đưa ra những quyết định thiếu đúng đắn trong chi tiêu và đầu tư.
Bẫy “chi phí chìm” là gì?
Theo Investopedia, “chi phí chìm” là khoản “vốn” bạn đã bỏ ra và không thể thu hồi lại được.
- “Vốn” ở đây có thể bao gồm vốn thời gian, vốn tiền bạc, vốn công sức
- “Không thể thu hồi lại được”: Có nghĩa là dù bạn lựa chọn hướng đi nào trong tương lai, chi phí chìm trong quá khứ cũng không được bồi hoàn.
Nói cách khác, chi phí chìm là những khoản “vốn” bạn đã chi xong trong quá khứ, không nên được tính đến trong trường hợp bạn cân nhắc bạn đang cân nhắc những sự thay đổi trong quá khứ và tương lai.
“Chi phí chìm” trong mắt người nắm giữ thường có giá trị về vật chất và tinh thần lớn hơn so với những phương án thay thế trong tương lai, bởi nó là thứ bạn đã thực sự đầu tư và rất khó để bỏ ngang. Đặc biệt khi “vốn” bạn đầu tư vào đó có cả tiền bạc, công sức, tình cảm, có sự gắn kết lâu dài thì việc chấp nhận sẽ càng khó.
Biểu hiện cụ thể của “chi phí chìm”
“Đã yêu 3 năm, giờ chia tay uổng quá?”
“Đã đầu tư đến 200 triệu vào sản phẩm này, sau một thời gian dù thấy rõ ràng là không tiềm năng, nhưng vẫn cố đầu tư marketing và sales để tiếp tục cố bán”
Nếu bạn thấy những trường hợp này “quen quen”, rất có thể bạn đã từng mắc vào vòng xoáy tâm lý có tên “nguỵ biện chi phí chìm”.
Bất cứ ai cũng có thể vấp phải cái bẫy “chi phí chìm”, bởi nó xuất hiện ở mọi khía cạnh trong tài chính cá nhân và có thể ảnh hưởng đến rất nhiều nguồn lực bạn đang có. Ở phần này, FinPeace sẽ xét tới ví dụ về chi phí chìm trong ba khía cạnh chính là chi tiêu, đầu tư tài chính và đầu tư con người, tinh thần.
Chi phí chìm trong chi tiêu
Chi phí chìm trong chi tiêu là chi phí chìm trong những khoản “vốn” nhỏ gắn liền với các quyết định chi tiêu thường ngày. So với chi phí chìm trong đầu tư thì chi phí chìm trong chi tiêu có tác động nhẹ hơn tới việc ra quyết định “giữ” hay “bỏ”, bởi việc chi tiêu diễn ra thường xuyên liên tục, không cần đắn đo suy nghĩ lâu ngày và tiềm ẩn rủi ro cao như đầu tư. Tuy nhiên, nếu vô thức hình thành thói quen để chi phí chìm chi phối các quyết định chi tiêu của mình, khoản chi phí này sẽ dần trở thành chướng ngại vật lớn cho các quyết định lớn hơn của bạn. Ví dụ:
- Chấp nhận bỏ 2 tiếng xem một bộ phim bản thân biết chắc chắn là dở vì đã “lỡ bỏ tiền mua vé”
- Cố mặc một bộ quần áo bị chật vì đã lỡ mua với giá cao
Chi phí chìm trong đầu tư tài chính
Trong lĩnh vực này, chi phí chìm phần lớn là tiền bạc và thời gian. Khoản đầu tư càng cao thì càng dễ khiến người đầu tư đắn đo không muốn bỏ ngang khi đang đầu tư không hiệu quả. Ngoài ra, nhiều người còn vì tâm lý nếu “tất tay” kiên nhẫn theo đến cùng thì có thể hái được quả ngọt, không xem xét những yếu tố khách quan nên vẫn ôm hy vọng phần “chi phí chìm” đã bỏ ra sẽ “lội ngược dòng” và đem lại kết quả họ mong muốn.
- Đầu tư homestay nhưng sai địa điểm/ sai thời điểm nên thua lỗ. Nhưng vì tiếc khoản tiền đã đầu tư nên tiếp tục cầm cự dù kh\ông có doanh thu về.
- Đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp A, doanh nghiệp đó thua lỗ, cổ phiếu xuống giá quá giới hạn cắt lỗ mà bạn đặt ra cho bản thân. Nhưng vì tiếc khoản tiền đã đầu tư nên bạn mãi không cắt lỗ, để đến thời điểm thua lỗ nặng nề hơn nữa.
Chi phí chìm trong đầu tư con người, tinh thần
Khác với đầu tư tài chính, chi phí chìm trong đầu tư về mặt con người thường gắn với nguồn “vốn” khó đo lường, tính toán hơn như tình cảm, công sức và thời gian. Chi phí chìm trong đầu tư con người, tinh thần có thể không khiến bạn “lao đao” về tiền bạc, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống. Tối ưu tài chính cá nhân suy cho cùng cũng để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần, nếu cứ đắn đo mãi với những khoản chi phí chìm “tinh thần” này, cuộc sống của bạn sẽ khó để cải thiện toàn diện.
- Mắc kẹt trong một mối quan hệ/ Không nỡ chia tay/ Thậm chí tiến tới hôn nhân vì tiếc khoảng thời gian yêu đã 4-5 năm
- Chấp nhận dành 4 năm Đại học với ngành học không đúng định hướng vì “đã lỡ chọn” dù bản thân đã rất chán nản.
Tất cả những tình huống trên đều là biểu hiện của bẫy chi phí chìm. Nghĩa là một người đầu tư (thời gian, công sức, tiền bạc) vào điều gì đó quá nhiều và có sự liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với điều đó đến mức sợ vứt bỏ.
Sự cố chấp đó cản trở bạn đưa quyết định đúng đắn. Trong nhiều trường hợp, bạn tốn kém nhiều tiền của, thời gian,… hơn mình tưởng nếu sự việc kéo dài.
Làm thế nào để tránh “bẫy chi phí chìm”?
Đọc đến đây, có thể bạn đã giật mình nhận ra bản thân đã và đang mắc vào quá nhiều bẫy chi phí chìm, từng để lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc, công sức vào những quyết định không xứng đáng. Điều này vẫn có nguy cơ tái diễn trong tương lai nếu như bạn không có sự điều chỉnh trong hành vi và tư duy của mình. Dưới đây là một số gợi ý từ FinPeace để bạn nhận diện và vượt qua các bẫy chi phí chìm trong tài chính cũng như trong cuộc sống.
Ghi nhớ rằng “chi phí chìm” là thứ đã mất – không thể lấy lại
Dù tương lai có như thế nào, “chi phí chìm” (thời gian, công sức, thời gian mà bạn đã bỏ ra) để đã thuộc về quá khứ, không nên được chọn làm tiêu chí quyết định cho những tình huống trong hiện tại. Ví dụ, một deal đầu tư đã thua lỗ vượt qua ngưỡng cho phép, điều bạn nên nghĩ tới không chỉ là khoản tiền đã mất, mà còn là khoản tiền sẽ tiếp tục mất nếu như bạn không cắt lỗ kịp thời.
Quyết định dựa trên con số và sự thật đang diễn ra
Bởi bạn quá nuối tiếc những gì bạn đã bỏ ra, não bộ sẽ khiến bạn nuôi hy vọng (dù là viển vông) và cố gắng vẽ là những viễn cảnh trong tương lai. Đừng vội tin những hy vọng này. Hãy dựa vào những con số thực tế, những sự kiện trong hiện tại, để đưa ra quyết định khách quan nhất. Tỉnh thức (mindfulness), bình tâm suy nghĩ để tránh rơi vào bẫy chi phí chìm.
Có nguyên tắc và kế hoạch đầu tư rõ ràng
Ngay từ khi bắt đầu đầu tư, bạn cần nhận thức rõ khẩu vị rủi ro của mình và đặt cho bản thân những nguyên tắc nhất định. Ví dụ, bạn lựa chọn sẽ chốt lời khi cổ phiếu tăng 30%, và cắt lỗ ở mức 15%. Khi thị trường đi xuống, bạn cần chuẩn bị tâm lý để cắt lỗ nếu như ngưỡng lỗ vượt quá nguyên tắc bạn đã đề ra từ đầu. Xây dựng bản kế hoạch đầu tư rõ ràng và hợp lý ngay từ đầu cũng là điều FinPeace tập trung hướng dẫn cụ thể cho các học viên của mình bởi chúng tôi hiểu được rằng, việc có một bản kế hoạch đầu tư phù hợp sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều hành động đầu tư không thông thái.
Đọc thêm bài viết: 12 lý do khiến bạn mãi chìm trong nợ nần.
Chấp nhận rằng bản thân có thể phạm sai lầm
Không có ai luôn luôn đúng. Vì vậy bạn có chọn sai trường, yêu sai người, đầu tư sai vài lần nhưng không sao. Quản lý tài chính cũng vậy, việc mắc bẫy chi phí chìm là một sai lầm phổ biến. Quan trọng là bạn nhận thức được rằng mình đã sai, dũng cảm bước tiếp, thay vì bị níu mãi ở quá khứ. Hãy coi những sai lầm này là bài học để bạn vững vàng hơn, có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn trên hành trình tiếp theo, thay vì bị chính những sai lầm đó níu giữ khiến bạn mãi không thoát ra được.
2 bình luận về “Nhận diện bẫy chi phí chìm trong quản lý tài chính cá nhân – Mất rồi đừng tiếc”