Với các nhà đầu tư chứng khoán và các nhà giao dịch, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật và hai trường phái phân tích phổ biến. Mỗi người sẽ có một sự lựa chọn phương pháp phù hợp cho riêng mình. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn, bạn cần hiểu bản chất của từng phương pháp là gì và có quyết định hợp lý nhất với những mục tiêu đầu tư của mình.
Trong bài viết dưới đây, FinPeace sẽ cùng bạn làm rõ những thông tin quan trọng nhất bạn cần biết về phân tích cơ bản.
1, Phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản (Fundamenal Analysis) là phương pháp đo lường giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính của cổ phiếu đó. Với phương pháp phân tích cơ bản, nhà đầu tư cần xem xét bất cứ yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu, từ những yếu tố vi mô như tình hình kinh tế nói chung và triển vọng của ngành, đến vi mô như hiệu quả quản lý của công ty,…
Mục tiêu của phân tích cơ bản là để so sánh giá trị nội tại của cổ phiếu với giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường, để xem liệu cổ phiếu đó có đang được định giá hợp lý hay không. Từ kết quả so sánh này, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nên mua vào, nắm giữ hay bán ra.
2, Nguyên lý hoạt động của phân tích cơ bản và ví dụ cụ thể
Các nhà phân tích cơ bản sẽ dựa trên giả định quan trọng rằng: Giá cổ phiếu từ thị trường chứng khoán thường không phản ánh đầy đủ giá trị nội tại của công ty (giá trị được xác định từ chính các dữ liệu công khai về hoạt động của doanh nghiệp). Khi nhận ra sự chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu trên thị trường và giá trị nội tại của cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định mua vào, bán ra của mình.
Ví dụ, cổ phiếu của một công ty đang được giao dịch ở mức 20 đô la/ cổ phiếu. Sau khi nghiên cứu sâu rộng về công ty, một nhà phân tích xác định rằng cổ phiếu đó phải có giá trị 24 đô la. Một nhà đầu tư khác, cũng dựa trên nghiên cứu chi tiết về doanh nghiệp, xác định rằng giá trị cổ phiếu nên là 26 đô la. Nhiều nhà đầu tư sẽ xem xét những dự đoán tham khảo này và cho rằng giá trị nội tại của cổ phiếu là khoảng 25 đô la. Do đó, các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu này vì giá trị trên thị trường đang thấp hơn giá trị nội tại, vì thế trong tương lai giá của cổ phiếu có nhiều khả năng sẽ tăng để về đúng với giá trị nội tại của cổ phiếu đó.
Giả định này chính là yếu tố cốt lõi làm nên sự khác nhau giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Phân tích kỹ thuật cho rằng, bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như chính trị, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý,… đều đã được phản ánh trong giá. Phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng, khi giá tăng hay giảm dù bất cứ lý do nào thì đều là do cung cầu, khi cầu vượt cung thì giá tăng và ngược lại. Đồ thị không làm cho thị trường lên hay xuống, mà chỉ có thể phản ánh tình hình thị trường mà thôi.
3, Các yếu tố định tính và định lượng trong phân tích cơ bản
Như đã nói ở trên, phân tích cơ bản sẽ đánh giá tất cả các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp. Chúng có thể bao gồm các con số rất rõ ràng như doanh thu lợi nhuận, nhưng cũng có thể đến từ các yếu tố khác như chất lượng quản lý trong doanh nghiệp, thị phần trên thị trường,….
Các yếu tố này có thể chia làm hai nhóm:
– Định tính: Các thông tin mang tính đặc điểm, tính chất của doanh nghiệp
– Định lượng: Các thông tin có thể đo lường và thể hiện bằng số như: doanh thu, lợi nhuận,..
Các yếu tố định tính
Ở các yếu tố định tính, có 4 yếu tố chính mà nhà đầu tư cần quan tâm:
1, Mô hình kinh doanh
Nhà đầu tư cần hiểu rằng chính xác thì công ty đó đang làm gì và kiếm tiền từ đâu. Giả sử với một công ty bán thức ăn nhanh, bạn cần hiểu xem nguồn doanh thu có đến từ việc bán thức ăn nhanh, hay là từ chi phí bản quyền và nhượng quyền thương mại….
2, Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh là một yếu tố quan trọng làm nên thành công lâu dài của doanh nghiệp. Ví dụ, giá trị và độ phủ của CocaCola là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Hoặc, sự kết nối đa thiết bị là lợi thế cạnh tranh không thể bỏ qua của các sản phẩm trong hệ sinh thái Apple. Chính những lợi thế cạnh tranh này khiến doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng và lợi nhuận tốt và có thể vượt ra các đối thủ cạnh tranh.
3, Đội ngũ quản trị/ cổ đông doanh nghiệp
Nhiều nhà đầu tư tin rằng, quản trị là tiêu chí quan trọng nhất để họ có quyết định đầu tư vào một công ty hay không. Một mô hình kinh doanh dù rất tốt cũng có thể thất bại nếu như đội ngũ lãnh đạo của công ty không thể thực hiện đúng kế hoạch, không có tầm nhìn hoặc không có khả năng lãnh đạo. Mặc dù rất khó để các nhà đầu tư gặp gỡ trực tiếp để đánh giá đội ngũ lãnh đạo, bạn cũng có thể nắm thông tin về đội ngũ đứng đầu, các thành viên trong hội đồng quản trị trên website doanh nghiệp, trên báo chí. Bạn cũng có thể hỏi chuyện các nhân viên trong doanh nghiệp để có góc nhìn thực tế nhất. Khi tìm hiểu về vấn đề quản trị doanh nghiệp, bạn có thể phân tích một số khía cạnh như sau:
- Đội ngũ quản lý có từng dính líu đến các hoạt động hối lộ, lừa đảo kinh doanh hay không?
- Đội ngũ quản lý và các thành viên trong công ty có đang mua hoặc bán cổ phiếu của công ty hay không? Họ là những người hiểu rõ nhất tình hình của công ty, vì vậy, động thái mua vào bán ra của họ có thể cho bạn thấy họ đang thực sự nghĩ gì về tương lai của công ty.
4, Quản trị công ty (Corporate Governance)
Đây là các chính sách đang được áp dụng trong tổ chức biểu thị các mối quan hệ và trách nhiệm giữa quản lý, giám đốc và các bên liên quan. Chắc chắn bạn sẽ muốn đầu tư vào một công ty được điều hành có đạo đức, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, hãy quan tâm xem công ty đó có tôn trọng quyền cổ đông và lợi ích của cổ đông hay không, những thông tin trao đổi với cổ đông có minh bạch và dễ hiểu hay không.
Các yếu tố định lượng
Báo cáo tài chính là phương tiện mà công ty công bố thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của mình. Những người theo dõi phân tích cơ bản sử dụng thông tin định lượng thu thập được từ các báo cáo tài chính để đưa ra quyết định đầu tư. Ba báo cáo tài chính quan trọng nhất là báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
1, Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Một bảng cân đối kế toán phải thể hiện rõ ràng:
- Tài sản dài hạn của doanh nghiệp (doanh nghiệp có gì).
- Tài sản ngắn hạn (những khoản doanh nghiệp cho nợ).
- Nợ ngắn hạn (doanh nghiệp nợ và phải trả trong thời gian ngắn).
- Nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu.
Bảng cân đối kế toán phản ánh trực tiếp tình hình “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp nên mỗi số liệu đều có những ý nghĩa riêng nhất định về cả pháp lý và kinh tế.
2, Báo cáo thu nhập
Trong khi bảng cân đối kế toán sử dụng phương pháp tiếp cận nhanh để xem xét một doanh nghiệp, báo cáo thu nhập đo lường hiệu quả hoạt động của một công ty trong một khung thời gian cụ thể. Về mặt kỹ thuật, bạn có thể có bảng cân đối kế toán cho một tháng hoặc thậm chí một ngày, nhưng bạn sẽ chỉ thấy các công ty công bố báo cáo thu nhập hàng quý và hàng năm.
Báo cáo thu nhập trình bày thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận được tạo ra từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ đó.
3, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một bản báo cáo tài chính doanh nghiệp tổng hợp lại tình hình thu, chi tiền tệ của doanh nghiệp được phân loại theo 3 hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong một thời kỳ nhất định.
– Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
– Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm hoặc thanh lý các tài sản cố định và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
– Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động huy động vốn từ chủ nợ và chủ sở hữu, hoàn trả vốn cho chủ nợ, mua lại cổ phần, chia lãi cho nhà đầu tư, chia cổ tức cho cổ đông.
Nhìn chung, thông qua các báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nhà đầu tư có thể thấy được trong kỳ doanh nghiệp đã lấy tiền ở đâu và đã chi tiêu, sử dụng tiền vào việc gì.
Xem thêm: CANVAS – Mô hình phân tích chứng khoán cơ bản đơn giả và hiệu quả.
4, Ưu và nhược điểm của phân tích cơ bản
Không có bất cứ phương pháp đầu tư nào là hoàn hảo. Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của phân tích cơ bản.
Ưu điểm:
- Giúp nhà đầu tư tìm được cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn: Bằng việc phân tích tất cả các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể xác định khách quan “sức khoẻ tài chính” của doanh nghiệp, từ đó lựa chọn được những mã cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn. Với những người lựa chọn phân tích cơ bản, họ lựa chọn đầu tư vào những công ty mà họ tin rằng sẽ phát triển lâu bền trong tương lai. Đây là cách tiếp cận của nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Warrent Buffet.
- Giúp nhà đầu tư phát triển tư duy kinh doanh: Khi phân tích toàn diện về một công ty, bạn sẽ có sự hiểu biết vững chắc về cách một doanh nghiệp vận hành, có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà họ đang hoạt động, mô hình kinh doanh cũng như doanh thu, lợi nhuận của bạn… Sau một thời gian, bạn sẽ có cái nhìn vừa toàn diện vừa sâu sắc về nhiều doanh nghiệp trên thị trường, thì đó nhanh nhạy hơn trước mỗi sự biến động của thị trường.
- Giúp nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu tương đồng với giá trị sống của họ: Có nhiều điều mà các chỉ số trên bảng điện tử không thể biểu lộ rõ ràng. Ví dụ, bạn sẽ không muốn đầu tư vào những doanh nghiệp mà lãnh đạo không minh bạch rõ ràng, hoặc bạn không muốn đầu tư vào những doanh nghiệp có hoạt động gây tổn hại môi trường. Những thông tin này, chỉ có phân tích cơ bản mới có thể đem đến cho bạn.
Nhược điểm:
- Cần nhiều thời gian: Với lượng thông tin đầu vào rất lớn, nhà đầu tư cần bỏ ra nhiều thời gian để phân tích, đánh giá thì mới có thể đưa ra các kết luận có tính chính xác cao.
- Nhà đầu tư cần làm chủ cảm xúc và kiên nhẫn trước những biến động liên tục của thị trường: Dù bạn tin tưởng vào giá trị thực sự của doanh nghiệp, thị trường vẫn có những giai đoạn lên xuống bất biến, thời điểm đó, nhà đầu tư cần đủ tỉnh táo và khôn ngoan để hành động phù hợp.
- Mức độ chính xác là tương đối: Bởi kết quản phân tích cơ bản phụ thuộc lớn vào tính chính xác của báo cáo tài chính (được đưa ra bởi chính công ty đó).
5, Những câu hỏi thường gặp về phân tích cơ bản
Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản, phương pháp nào tối ưu hơn?
Trên thực tế, không có phương pháp nào là chính xác tuyệt đối, mỗi phương pháp đều có ưu/ nhược điểm riêng và sẽ phù hợp với từng nhóm nhà đầu tư nhất định. Nếu bạn là một trader, thích phong cách đầu tư lướt sóng, bạn nhất định cần hiểu về phân tích kỹ thuật. Nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, mong muốn đầu tư lâu dài, thì bạn cần hiểu về phân tích cơ bạn (và nếu như cùng lúc bạn hiểu được cả phân tích kỹ thuật thì sẽ rất tốt).
Đồng thời, chúng ta cũng cần hiểu rằng, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai trường phái khác nhau, nhưng không xung đột bài trừ lẫn nhau. Phân tích cơ bản cho nhà đầu tư nền tảng để họ đưa ra quyết định sẽ đầu tư ở đâu, còn phân tích kỹ thuật sẽ hỗ trợ nhà đầu tư quyết định điểm mua, điểm bán hiệu quả nhất. Vì vậy, lý tưởng là nhà đầu tư có thể kết hợp cả hai phương pháp phân tích nhằm gia tăng tỷ lệ lợi nhuận ở mức cao nhất.
Phân tích cơ bản phù hợp với những nhà đầu tư nào?
Phân tích cơ bản phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn vì nó giúp bạn dự đoán chuyển động giá trong tương lai và đánh giá xem một cổ phiếu đang được định giá thấp hay được định giá quá cao. Đồng thời, phân tích cơ bản đi vào bản chất của doanh nghiệp, giúp bạn đánh giá tiềm năng đường dài, chứ không dừng lại ở những biến động giá ngắn hạn theo từng thời điểm nhất định. Tuy nhiên, phân tích cơ bản không thực sự phù hợp với những trader với phong cách đầu tư ngắn hạn vì nó không cung cấp những tín hiệu giao dịch rõ ràng bằng phân tích kỹ thuật.
Tôi có thể bắt đầu học phân tích cơ bản như thế nào?
Bạn có thể bắt đầu ngay ngày hôm nay bằng việc đọc những bài báo gần nhất về công ty đó, hoặc về thị trường mà bạn đang muốn tìm hiểu. Bạn cũng có thể tìm đọc các báo cáo tài chính gần nhất để làm quen với các thông tin thường có trong báo cáo tài chính. Cùng với đó, để thấu hiểu hoạt động của một doanh nghiệp, không có cách gì trực diện hơn hỏi chuyện những người đang làm việc trong chính doanh nghiệp đó. Vì vậy, nếu bạn đang định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, bạn có thể tìm cách trò chuyện với chính nhân viên/ cổ đông/ quản lý…của doanh nghiệp đó xem họ đánh giá hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp như thế nào, họ đánh giá đội ngũ quản lý lãnh đạo như thế nào, họ có thích văn hoá công ty và chiến lược phát triển… FinPeace tin rằng những thông tin bạn nhận được sẽ là khởi đầu thuận lợi của bạn với phân tích cơ bản.
3 bình luận về “Phân tích cơ bản là gì – Tại sao cần hiểu về phân tích cơ bản?”