Lạm phát, suy thoái kinh tế… – Cơ hội hay thách thức cho người trẻ?

Câu chuyện nỗi lo người trẻ trong suy thoái kinh tế

Em hiện đang 23 tuổi vừa ra trường được một thời gian ngắn, công việc chưa thực sự ổn định. 

Em khá lo lắng khi mình vừa bước chân vào thị trường lao động, vừa có những nguồn thu nhập ổn định đầu tiên thì suy thoái kinh tế, thế giới có nhiều biến động, thị trường chứng khoán giai đoạn này cũng đang đi xuống. 

Theo anh Tuấn Anh, giữa tình hình chung như thế này, những người trẻ như em nên làm gì có sự vững vàng về tài chính, ngay cả trong giai đoạn suy thoái?

Làm sao để vững vàng trước suy thoái kinh tế

Trước tiên, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho bản tin. Tuấn Anh hiểu rằng đây là một tâm lý thường gặp ở các bạn cử nhân mới tốt nghiệp, đặc biệt là các bạn trong khối ngành kinh tế. Khi mới ra trường, tư duy của các bạn phần nào sẽ bị ảnh hưởng bởi lối lập luận vĩ mô và những tác động bên ngoài. Trong trường hợp của bạn, Tuấn Anh đưa ra lời tư vấn như sau:

1, Nhìn nhận thực tế vấn đề

Tương tự như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta thấy việc suy thoái kinh tế là một sự kiện bên ngoài và gióng lên một cái hồi chuông cảnh tỉnh khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng trong việc xây dựng năng lực cho mình.

Việc bạn nhìn nhận được bức tranh tổng quan về nền kinh tế đương thời, cụ thể là việc suy thoái kinh tế, lạm phát, tình hình chứng khoán đi xuống dẫn đến việc ứng tuyển vào các vị trí mong muốn của bạn khó khăn hơn chứng minh rằng bạn rất quan tâm đến tình hình thị trường nói chung. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp này, thay vì câu hỏi “Nên làm gì?”, Tuấn Anh sẽ bắt đầu đi tìm hiểu rằng “Sự biến động này liên quan gì đến mình?”.

Trong tình hình suy thoái kinh tế, nhiều khả năng các chủ doanh nghiệp sẽ phải cân bằng tài chính bằng cách tìm nguồn nhân lực giá thấp hơn. Và lựa chọn không thể tốt hơn ở trường hợp này chính là nhóm nhân sự mới ra trường, những người tuổi còn trẻ và đang có nhu cầu học hỏi. Điều này mở ra cơ hội việc làm rất tốt cho các bạn fresher khi gặp thị trường đang có nhiều biến động. 

Nhân tố mấu chốt để tìm ra lời giải cho bài toán này chính là năng lực của bạn có sẵn sàng để đóng góp cho doanh nghiệp hay chưa, trước khi nói đến nền kinh tế đương thời đang diễn biến như thế nào.

Ngoài ra, điều chúng ta cần làm rõ ở đây là công việc, ngành nghề của bạn có nằm trong vòng tròn ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế hay không. Ví dụ, trong thời gian đại dịch, ngành thực phẩm vẫn rất phát triển, bởi đó là nhu cầu thường nhật của đại đa số. Nếu như ngành nghề của bạn không bị ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế, bạn có thể giảm thiểu nỗi lo này, và chỉ cần tập trung vào phát triển năng lực bản thân. . 

2, Phát triển năng lực theo lộ trình sâu – rộng 

Năng lực là một phạm trù rất rộng trong lĩnh vực nhân sự. Dù ở bất cứ ngành nghề nào, phát triển năng lực theo chiều sâu cũng là một điều cần thiết. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, điều này lại càng quan trọng hơn. Chúng ta nên đào sâu tìm hiểu các kỹ năng chuyên môn, mài giũa và rút kinh nghiệm từ những bài học nhỏ nhất để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Với những người mới vào nghề, Tuấn Anh nghĩ các bạn nên dành khoảng ít nhất từ 3 đến 5 năm để có thể tự tin đem lại những giá trị trên mức trung bình của thị trường và hoàn toàn tận hưởng quá quá trình tạo ra sản phẩm đó. 

Sau khi đã đạt đến một trình độ nhất định trong lĩnh vực của mình, từ đây bạn có thể phát triển theo chiều rộng. Hãy thử kết nối và làm những công việc gần chuyên môn với công việc của bạn, điều này sẽ giúp nâng cao góc nhìn tổng thể của các bạn về ngành và nhận thấy những khó khăn, thử thách trong công việc của đồng nghiệp qua lăng kính thực tế. Từ đó sẽ giúp bạn phần nào hiểu thấu đáo sự phức tạp trong công việc của người hợp tác với mình và quá trình vận hành, liên kết các công việc trong chuỗi tạo ra giá trị gia tăng cho người dùng. Tác dụng của việc phát triển theo chiều rộng sẽ là tiền đề cho vị trí quản lý sau này của các bạn.

Đọc thêm bài viết: Tối đa thu nhập bằng việc phát triển theo mô hình T-shaped

Bài học cho người trẻ trong thời suy thoái kinh tế

Bài học cho người trẻ trong thời suy thoái kinh tế

1, Lắng nghe “tiếng gọi” bên trong mình

Mỗi người sống trên đời đều có một sứ mệnh riêng và đều có một quá trình trưởng thành riêng. Cũng giống như mỗi giống cây sống trên đời, chúng đều có một chu kỳ phát triển nhất định. Chúng ta không thể ép một cây lúa mọc chậm như một cây sồi, và ngược lại. Trên thực tế cũng vậy, không thể đòi hỏi một người mới vào nghề một sự chuyên nghiệp tuyệt đối, hiểu biết rộng và có kinh nghiệm xử lý mọi tình huống được. 

Do vậy, điều duy nhất bạn cần làm chính là lắng nghe “tiếng gọi” bên trong mình. Có thể đó chỉ là cảm giác thích thú, đam mê một điều gì đó chưa thể gọi tên. Điểm mấu chốt ở đây mà Tuấn Anh muốn nhấn mạnh chính là việc trải nghiệm và chiêm nghiệm trên cả quá trình. Quá trình tìm ra điều mình thích là một thứ không thể giáo điều, đó hoàn toàn là do những lựa chọn của bạn, hành trình bạn bước qua những chặng đường nghề nghiệp mà bản thân muốn thử. “Tiếng gọi” ấy sẽ là kim chỉ nam cho bạn trong giai đoạn suy thoái kinh tế. 

2, Định vị đúng giá trị của bản thân với doanh nghiệp 

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, khi đứng trước suy thoái kinh tế, sẽ không có điều gì tuyệt vời hơn có một ứng viên có thể khơi gợi được góc nhìn của doanh nghiệp, hiểu khó khăn của doanh nghiệp tại thời điểm đó là gì và có thể đóng góp giá trị gì cho hoàn cảnh hiện tại của công ty. Do vậy, việc hiểu được doanh nghiệp sẽ giúp bạn biết cách định vị bản thân là “mảnh ghép còn thiếu” mà doanh nghiệp cần, và đó cũng là cách bạn biến thách thức của nền kinh tế suy thoái trở thành cơ hội cho chính mình.

Cuối cùng, đối với các bạn trẻ đang trăn trở trên hành trình nghề nghiệp của mình, Tuấn Anh đảm bảo rằng bạn là một người có giá trị, có màu sắc cá nhân. Và dù nền kinh tế có biến động ra sao, hãy cố gắng tập trung xây dựng năng lực và nỗ lực bồi đắp giá trị gốc của bản thân, bởi vì thế giới rộng lớn ngoài kia sẽ tối ưu sử dụng tất cả các giá trị tồn tại trên đời.    

Bản tin Tài chính Tự thân là bản tin hàng tuần do FinPeace xây dựng, gửi đến bạn vào 10h sáng thứ 4 hàng tuần. Tại mỗi bản tin, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ giúp chúng ta giải quyết một tình huống vướng mắc về tài chính, và đúc kết những bài học quan trọng từ tình huống đó. 

Nếu bạn còn bất cứ vấn đề, bạn có thể để lại thông tin và câu hỏi của bạn trong form dưới đây. Chúng tôi sẽ lựa chọn những câu hỏi phù hợp để giải đáp trong những bản tin tiếp theo. 

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSf_AoRgVFdhlmt2gxJdXsX2kSGqy163ZdV9d-NqHMsDqJAXVA/viewform 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận