Thực hiện phân tích cơ bản qua cách nhà đầu tư tổng hợp số liệu

Cách nhà đầu tư tổng hợp số liệu để thực hiện phân tích cơ bản

Với nhiều ưu thế nổi trội, phân tích cơ bản là trường phái được nhiều nhà đầu tư kỳ cựu như tỷ phú Warren Buffet khuyến khích áp dụng cho những hành trình đầu tư dài dạn. Đầu tư dài hạn theo trường phái phân tích cơ bản nên được bắt đầu càng sớm càng tốt để tận dụng sức mạnh của lãi kép. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khi đứng trước “bể” thông tin vô tận về doanh nghiệp và các mã cổ phiếu lại chùn bước vì không biết bắt đầu từ đâu.

Trong bài viết này, FinPeace sẽ cung cấp cho nhà đầu tư hướng dẫn sơ lược về quy trình thu thập dữ liệu để thực hiện phân tích cơ bản, đồng thời giới thiệu một số nguồn dữ liệu miễn phí, uy tín mà đội ngũ chuyên gia của FinPeace tin dùng.

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản (Fundamenal Analysis) là phương pháp đo lường giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính của cổ phiếu đó. Với phương pháp phân tích cơ bản, nhà đầu tư cần xem xét bất cứ yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu, từ những yếu tố vĩ mô như tình hình kinh tế nói chung và triển vọng của ngành, đến vi mô như hiệu quả quản lý của công ty,…

Mục tiêu của phân tích cơ bản là để so sánh giá trị nội tại của cổ phiếu với giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường, để xem liệu cổ phiếu đó có đang được định giá hợp lý hay không. Từ kết quả so sánh này, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nên mua vào, nắm giữ hay bán ra.

Đọc thêm: Phân tích cơ bản là gì – Tại sao cần hiểu về phân tích cơ bản?

Các thông tin cần tổng hợp để thực hiện phân tích cơ bản

Hiện tại, hầu hết thông tin cơ bản về doanh nghiệp và các mã cổ phiếu đều được các doanh nghiệp và các công ty chứng khoán đăng tải công khai. Chúng có thể bao gồm các con số rất rõ ràng như doanh thu lợi nhuận, nhưng cũng có thể đến từ các yếu tố khác như chất lượng quản lý trong doanh nghiệp, thị phần trên thị trường,….

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chỉ gom về mọi thông tin mình thấy trên internet, việc thu thập và hệ thống thông tin trở nên không khoa học, bản thân nhà đầu tư sẽ bối rối không biết mình cần bao nhiêu thông tin, hay xử lý lượng thông tin mình có thế nào. Do đó, trước khi tiến hành thu thập thông tin, nhà đầu tư cần phân loại thông tin thành hai nhóm: Định tính và định lượng.

– Định tính: Các thông tin mang tính đặc điểm, tính chất của doanh nghiệp

– Định lượng: Các thông tin có thể đo lường và thể hiện bằng số như: doanh thu, lợi nhuận,..

Phân loại thông tin thành hai nhóm: định tính và định lượng.

Quy trình thu thập dữ liệu để thực hiện phân tích cơ bản

Sau khi đã nắm rõ những thông tin cần biết về phân tích cơ bản, nhà đầu tư bắt đầu thu thập thông tin để tiến hành phân tích cơ bản theo quy trình gợi ý dưới đây.

Bước 1: Chọn ngành để đầu tư

Lời khuyên kinh điển khi chọn ngành hay doanh nghiệp để bỏ vốn là “không bỏ hết trứng vào một rổ”, khiến nhiều nhà đầu tư mắc sai lầm đầu tư theo kiểu “quét” toàn bộ thị trường, nhảy liên tục giữa các ngành mỗi khi thấy cổ phiếu của một ngành bất kỳ có xu hướng đi lên. Hệ quả là nhà đầu tư khó nắm giữ một cổ phiếu lâu dài và không được hưởng lợi từ lãi kép trong dài hạn. Do đó, khi chọn ngành, bạn nên bắt đầu bằng những ngành bạn quan tâm hay được hưởng lợi từ một yếu tố nào đó mà bạn quan tâm, và tiến hành tìm hiểu ngành thật kỹ từ các nguồn tin uy tín. 

Đồng thời, khi chọn ngành, nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản cần đặt ngành mình quan tâm vào bối cảnh kinh tế vĩ mô để tránh đánh giá sai tiềm năng của ngành vì những biến động ngắn hạn. Bởi nhu cầu thị trường thay đổi theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế, do đó, ở một giai đoạn sẽ có những ngành được hưởng lợi nhiều hơn bình thường do nhu cầu tăng, trong khi vài ngành khác lại gặp bất lợi khi nhu cầu của khách hàng sụt giảm bất ngờ. 

Có nhiều cách để phân loại ngành, tuy nhiên, cách phân loại phổ biến nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam (theo quy chuẩn ICB) đã chia các ngành thành 10 nhóm sau:

Phân loại phổ biến nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam (theo quy chuẩn ICB) đã chia các ngành thành 10 nhóm

Khi chọn ngành để đầu tư, nhà đầu tư phân tích cơ bản cần xét đến những yếu tố sau:

  • Nền kinh tế đang ở giai đoạn nào? (Tăng trưởng, suy thoái,…)
  • Chính sách của Nhà nước đối với các nhóm ngành? (Đẩy mạnh, siết chặt,…)
  • Tốc độ tăng trưởng của ngành đó tại Việt Nam qua các năm
  • Quy mô của ngành

Bước 2: Lựa chọn cổ phiếu tốt nhất ngành. Đây có thể là bước đầu tiên nếu bạn chỉ ngẫu nhiên ‘thích’ một ngành nào đó

Trong đầu tư, cổ phiếu chính là doanh nghiệp. Lựa chọn cổ phiếu tốt nhất ngành đồng nghĩa với việc đầu tư vào những doanh nghiệp đầu ngành, mang tính đại diện cho một ngành cụ thể. Việc này mang lại cho nhà đầu tư một số lợi ích như sau:

  • Tỷ lệ lợi nhuận được đảm bảo, do doanh nghiệp để được coi là đầu ngành thì thường là doanh nghiệp có tên tuổi lâu đời và hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững.
  • Khi thị trường gặp biến động, những doanh nghiệp đầu ngành thường có sức bền tốt hơn những doanh nghiệp nhỏ, nhờ lợi thế tài chính và bộ máy quản trị, nhân sự tốt. 
  • Phù hợp cho nhà đầu tư mới theo trường phái phân tích cơ bản, chưa có kinh nghiệm. Bởi các doanh nghiệp tiêu biểu thường được đưa ra phân tích làm mẫu, là những cái tên gần gũi với cuộc sống nên hạ thấp được những khó khăn ban đầu khi tìm và tập phân tích doanh nghiệp. 
  • Các doanh nghiệp đầu ngành thường có thị phần lớn và lợi thế cạnh tranh bền vững, do đó, phù hợp để nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

Vì vậy, cốt lõi của việc chọn mã cổ phiếu chính là nghiên cứu về doanh nghiệp.

Bước 3: Bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp bạn chọn theo từng bước

Với nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản, việc nghiên cứu sâu rộng về doanh nghiệp giúp họ định giá chính xác giá trị thực của cổ phiếu, từ đó đưa ra quyết định mua – bán thông minh. Hiểu càng kỹ một doanh nghiệp, nhà đầu tư càng hạn chế được rủi ro khi định giá cổ phiếu mà mình nắm giữ.

Tổng quan nhất, FinPeace có một số gợi ý cho nhà đầu tư khi tìm hiểu một doanh nghiệp

  • Tìm hiểu thông tin chung và hoạt động doanh nghiệp qua website doanh nghiệp, nguồn báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán.
  • Đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 3-4 năm gần nhất để nhìn ra xu hướng phát triển của doanh nghiệp.
  • Tổng hợp thông tin doanh nghiệp thành mô hình CANVAS với 9 yếu tố quan trọng xoay quanh doanh nghiệp. FinPeace đã có bài viết hướng dẫn cụ thể cách sử dụng mô hình Canvas, bạn có thể đọc tại ĐÂY.
  • Tìm ít nhất 2-3 báo cáo phân tích về doanh nghiệp trong vòng 3 tháng trở lại để lấy bình quân định giá.

Các nguồn dữ liệu hữu ích

Ở phần này, FinPeace sẽ gợi ý cho bạn một vài nguồn dữ liệu uy tín, chính xác, cung cấp cho bạn những thông tin bạn cần biết về doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp khi thực hiện phân tích cơ bản. 

  • vietstock.vn: Cổng thông tin tài chính – chứng khoán vận hành bởi công ty cổ phần Tài Việt. Website này cung cấp thông tin về tất cả doanh nghiệp niêm yết, kèm báo cáo phân tích chuyên sâu, các chỉ số, đồ thị về đầu tư chứng khoán (cập nhật hàng ngày). Vietstock cũng cung cấp phiên bản người dùng trả phí, dành cho nhà đầu tư muốn truy cập những thông tin chứng khoán chuyên sâu, chi tiết hơn. 
  • dstock.vndirect.com.vn: DSTOCK là kênh chuyên sâu về cổ phiếu và thị trường của VNDIRECT, cung cấp phân tích chuyên sâu và công cụ tra cứu hàng đầu cho mọi nhà đầu tư với hệ thống bảng biểu, chỉ số, báo cáo phân tích, báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp. Đây là website miễn phí, nhà đầu tư chỉ cần đăng nhập trên website để tra cứu thông tin.
  • stockbiz.vn: Stockbiz là hệ thống dịch vụ thông tin tài chính của công ty đầu tư Stockbiz. Đây là cái tên không còn xa lạ với nhà đầu tư phân tích cơ bản, là nguồn cung cấp báo cáo phân tích, báo cáo tài chính khá đầy đủ và hoàn toàn miễn phí.
  • fialda.com: Thành lập vào năm 2018, Fialda là lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà đầu tư do cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo phân tích, đồ thị, bảng biểu của hàng nghìn doanh nghiệp được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh nguồn dữ liệu miễn phí, Fialda còn cung cấp phiên bản trả phí với nhiều tiện ích bổ sung.
  • FiinPro: FiinPro là hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính phong phú và chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam được đồng phát triển bởi FiinGroup và QUICK Corp (thuộc tập đoàn Nikkei của Nhật Bản). Đây là nguồn số liệu chuyên nghiệp và cực kỳ đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đi kèm với nguồn dữ liệu chất lượng, phí thường niên để truy cập dữ liệu của FiinPro tương đối cao. 

Tạm kết

Có dữ liệu đúng, đủ, nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản mới có thể tiến hành phân tích và đưa ra quyết định mua – bán đúng đắn.  Các kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu từ các báo cáo phân tích, tài chính của doanh nghiệp cũng là những nội dung được đội ngũ chuyên gia FinPeace giảng dạy chuyên sâu trong khóa học ProTrading. Mong rằng những gợi ý trên của FinPeace sẽ giúp bạn gỡ bỏ những rào cản về thông tin để bắt đầu hành trình đầu tư bằng phân tích cơ bản của mình.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận