Nếu tìm kiếm “Làm sao để tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn công việc hiện tại?” trên Google, Google sẽ trả bạn 143 triệu kết quả trong 0.63 giây. Bạn thấy không, cơ hội công việc để bạn kiếm nhiều tiền hơn không hề thiếu, FinPeace tin rằng dù làm việc trong bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng không lọt ra khỏi 143 triệu kết quả trên.
Vậy tại sao bạn vẫn không kiếm nhiều tiền hơn với công việc hiện tại? Tại sao cùng một công việc đó, có người lại kiếm được hơn bạn rất nhiều tiền?
Trong bài viết này, FinPeace sẽ chỉ ra 3 câu hỏi mà người trẻ thường bỏ qua trên hành trình kiếm tiền và nâng cao mối quan hệ của mình với tiền bạc, dẫn đến việc bạn luôn loay hoay trong việc gia tăng thu nhập của bản thân. Quan điểm và nội dung chính của bài viết được tổng hợp từ Podcast Tài chính tự thân của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace.
Bạn đang ở đâu trên hành trình kiếm tiền?
Muốn kiếm nhiều tiền hơn, trước hết chúng ta cần xác định mình đang ở đâu trên hành trình ấy. Bạn thấy mình đã đủ giỏi, đủ xứng đáng để có mức thu nhập cao hơn hay chưa? Khi đặt ra câu hỏi làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta thường vô thức tìm kiếm những cơ hội bên ngoài, những công việc mới có tiềm năng, những mẹo vặt, thậm chí là mánh khóe để tăng thu nhập.
Quả thật, thị trường lao động luôn mở rộng cánh cửa với cả ngàn tin tuyển dụng mỗi ngày, hàng ngàn lựa chọn làm thêm giờ, nghề tay trái, bán hàng online,…Cơ hội việc làm không thiếu, bạn hoàn toàn có thể chọn làm nhiều việc cùng lúc để kiếm nhiều tiền hơn. Thế nhưng, để gia tăng thu nhập bền vững, thứ chúng ta thường thiếu là những tri thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.
FinPeace quan niệm rằng, số tiền chúng ta kiếm được sẽ tương xứng với những gì bản thân bỏ ra. Một sinh viên mới tốt nghiệp không thể lập tức vào vị trí quản lý, một nhân sự kỹ năng kém không thể đòi hỏi mức lương ngang với nhân sự lành nghề. Vì vậy, yếu tố chúng ta cần lưu tâm là năng lực nội tại của chính mình. Bạn có điểm mạnh gì? Có bao nhiêu năm kinh nghiệm thực tế? Bạn đã chuẩn bị đủ tâm thế và kỹ năng để đón nhận những cơ hội mới trong công việc hay chưa?
Ví dụ bạn làm nghề kế toán. Hãy tự nghĩ xem với trình độ hiện tại (bằng cấp, kinh nghiệm,…) thì bạn có khả năng phấn đấu lên vị trí quản lý không? Bạn có đủ năng lực để nhận thêm dự án ngoài giờ làm việc? Hoặc có đủ “cứng” để thành lập hẳn một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán không?
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cơ hội thăng tiến và kiếm nhiều tiền hơn không hề thiếu, chỉ là chúng ta có đủ năng lực để đảm nhận vị trí công việc đó hay không. nếu cứ mãi đi tìm kiếm những cơ hội kiếm tiền khác mà quên đi yếu tố xây dựng cái năng lực bên trong của bạn thì bạn sẽ mãi không kiếm được nhiều tiền. Các câu hỏi ở đây bạn nên đặt ra cho mình lúc này là:
- Bạn đã làm tốt hết mức có thể cái năng lực của mình cho công việc/ công ty bạn đang làm hiện tại hay chưa?
- Nếu chưa, lí do tại sao bạn không nỗ lực hết mình để phát triển công việc đó?
- Bạn đang gặp rào cản gì trong công việc hiện tại?
Bạn có đang làm công việc mình yêu thích không?
“Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn cất” – Câu nói của Benjamin Franklin đã khắc họa nên một hiện trạng phổ biến trong xã hội, đó là lao động đơn thuần để kiếm tiền, chấp nhận “sống chung” với công việc mình không yêu thích.
Nhiều người cho rằng suy nghĩ làm việc vì đam mê là thiếu thực tế, nhưng hãy thử nghĩ nếu bạn đang làm công việc bạn không hề yêu thích, không sẵn sàng cống hiến thì làm sao bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn và tiếp tục làm công việc đó đến suốt đời?
Mỗi buổi sáng tới văn phòng bạn có thấy hào hứng không, có cảm thấy 8 tiếng tiếp theo ở nơi công sở của mình sẽ mang đến cho bạn những điều thú vị, kích thích sự tò mò, sáng tạo của bạn hay không? Nếu có thử thách hay khó khăn phát sinh, bạn có sẵn sàng bỏ công sức tìm cách giải quyết không, hay sẽ lắc đầu lùi lại cho đồng nghiệp, cấp trên giải quyết?
Làm công việc bạn thực sự yêu thích có thể không giúp bạn thành triệu phú, nhưng sẽ là động lực để bạn không ngừng phấn đấu và kiếm nhiều tiền hơn. Có nhiều lí do dẫn đến chuyện làm không đúng ngành nghề mình yêu thích và không bứt phá được thu nhập. Nhưng với đối tượng người trẻ, nguyên nhân phổ biến bắt nguồn từ việc các bạn chưa hiểu rõ mình thích gì, điểm mạnh của mình là gì, mình muốn đóng góp giá trị gì cho xã hội. Bạn có thể bắt đầu bằng những công cụ đơn giản giúp hiểu hơn về bản thân (Trắc nghiệm tính cách MBTI, DISC,…), sau đó so sánh với những đặc tính của công việc hiện tại, tìm ra những điểm không khớp rồi nghĩ cách cải thiện hoặc tìm một công việc mới phù hợp hơn cho mình.
Ví dụ, bạn là người luôn khao khát được giúp đỡ những nhóm người yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già, phụ nữ,… Khi đối chiếu mong muốn này với công việc kế toán hiện tại, bạn thấy mình thỏa mãn bao nhiêu phần trăm? Có cách nào để bạn vẫn thực hiện mong muốn ấy bằng công việc hiện tại không? Bạn có sẵn sàng hy sinh cơ hội kiếm nhiều tiền hơn với công việc ổn định hiện tại để theo đuổi đam mê không? Nếu có, bạn đã có gì và cần chuẩn bị những gì để đổi nghề, nắm bắt cơ hội mới?
Bạn đã trao năng lực của mình cho đúng người chưa?
Khi đã chắc chắn về lựa chọn nghề nghiệp của bản thân, năng lực cũng đủ vững thì việc chọn đúng nơi để trao năng lực ấy cũng vô cùng quan trọng. Số tiền bạn kiếm sẽ chỉ tương ứng với giá trị bạn tạo ra nếu người trả lương cho bạn cũng có chung quan điểm như vậy. Nếu bạn cống hiến đủ nhiều, giúp doanh nghiệp, khách hàng của bạn tạo thêm giá trị cho tổ chức, xã hội thì bạn xứng đáng được nhận về sự ghi nhận và mức thù lao xứng đáng.
Đặt mình trong môi trường không xem trọng năng lực của nhân viên không khác gì bạn đang kìm hãm con đường phát triển của mình. Không kiếm nhiều tiền hơn từ công việc hàng ngày, bạn sẽ không thể thỏa mãn trong công việc, từ đó năng suất lao động cũng giảm sút.
Lời khuyên FinPeace dành cho bạn là hãy chủ động tìm kiếm và mạnh dạn lựa chọn những công ty tương xứng với năng lực của bạn. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động là hai chiều, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn trên cơ sở hiểu rõ năng lực bản thân và điều mà người tuyển dụng tìm kiếm. Nếu bạn thực sự quyết tâm phấn đấu trong lĩnh vực đã chọn, tập trung học hỏi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thì bạn hoàn toàn xứng đáng được trả mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, bạn còn cần phải có tầm nhìn dài hạn với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Việc này cũng giống như xem xét nhu cầu xã hội, xã hội phải cần thì bạn mới có đất dụng võ. Ví dụ như bạn rất giỏi tiếng Nga, nhưng nếu xã hội đang không quá quan tâm đến ngôn ngữ này, cơ hội việc làm cũng rất ít, bạn không thể tìm thấy công việc tương xứng với trình độ thì rất khó để kiếm nhiều tiền hơn.
Tạm kết
Có thể thấy, chúng ta luôn có những rào cản và suy nghĩ sai lầm khi nói đến tiền và kiếm tiền. Ba câu hỏi trên là ba lí do có tác động thực sự mạnh mẽ đến sự nghiệp và cuộc sống của mỗi người, giúp bạn lí giải tại sao mình vẫn chưa kiếm nhiều tiền hơn như mong muốn. Hãy xem tiền bạc như một dòng chảy của tự nhiên mà bất cứ ai cũng phải đi qua đủ từng ấy giai đoạn:
- Làm điều bạn yêu thích, đúng sở trường của bạn
- Nâng cao năng lực bản thân trong lĩnh vực đó
- Trao năng lực đó cho đúng công ty, khách hàng sẵn sàng nhận và trả tiền cao cho nó
Tiếp tục phát triển cao và bền vững rồi tự dưng tiền bạc sẽ đến với bạn.
Bên cạnh những điều FinPeace đã chia sẻ, bạn hãy tìm hiểu cách để kiếm nhiều tiền hơn từ các nguồn thu nhập thụ động thông qua việc đầu tư tài chính. Bạn có thể tham khảo các khóa học đầu tư tích sản cổ phiếu hoặc khóa học đầu tư căn bản ProTrading của FinPeace để bắt đầu một hành trình gia tăng thu nhập vững vàng và bình an.