Giao dịch chứng khoán phái sinh là một công cụ giao dịch tương đối mới tại thị trường Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư, bên cạnh các công cụ đầu tư truyền thống như cổ phiếu hay trái phiếu. Trong bài viết này, cùng FinPeace tìm hiểu về cách thức hoạt động cũng như các cơ hội và thách thức trong giao dịch chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh được xem là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, mà trong đó giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào một hay nhiều loại tài sản cơ sở nhất định, nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau như bảo vệ lợi nhuận, phân tán rủi ro hoặc tạo ra lợi nhuận, gia tăng tài sản.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh được chia thành 2 hình thức chính, bao gồm hàng hóa (sản phẩm) và các công cụ tài chính(cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất,…).
Hiểu một cách đơn giản, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chứng khoán phái sinh cho phép bạn đặt cược vào sự biến động tăng giảm của chỉ số VN30 theo kỳ vọng của bạn vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Nếu chỉ số VN30 xảy ra biến động đúng như dự đoán của bạn, bạn sẽ thu được lợi nhuận. Sản phẩm phái sinh này được gọi tên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Các loại chứng khoán phái sinh trên thị trường hiện nay
Giao dịch chứng khoán phái sinh xuất hiện lần đầu tại thị trường Việt Nam vào năm 2007. Chứng khoán phái sinh được chia làm 4 loại giao dịch cơ bản, bao gồm:
- Hợp đồng quyền chọn
- Hợp đồng tương lai
- Hợp đồng kỳ hạn
- Hợp đồng hoán đổi
Trong đó, hợp đồng tương lai được lựa chọn là sản phẩm giao dịch phái sinh đầu tiên được triển khai tại thị trường Việt Nam.
Hợp đồng quyền chọn
Đây là loại hợp đồng tương đối phổ biến. Trong giao dịch hợp đồng quyền chọn, một bên có quyền yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ đã được thỏa thuận sẵn, bên còn lại có nghĩa vụ phải mua hoặc bán một lượng tài sản cơ sở với mức giá đã được định sẵn trong hợp đồng thỏa thuận tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai là một dạng hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại các Sở Giao dịch chứng khoán. Đây là một công cụ tài chính có đòn bẩy lớn, được lên kế hoạch dựa trên thỏa thuận của hai bên về việc trao đổi một loại tài sản tại một mức giá cố định ở một thời điểm xác định trong tương lai. Như đã đề cập bên trên, tại thị trường Việt Nam hiện nay, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đang là loại giao dịch được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mua bán sôi động trên thị trường.
Hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên về việc tham gia mua và bán một loại tài sản cụ thể vào một thời điểm xác định trong tương lai. Tài sản này đã được định giá mua bán trước vào thời điểm thực hiện giao dịch.
Hợp đồng hoán đổi
Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận được ký kết trên cơ sở pháp lý, trong đó hai bên cùng cam kết sẽ hoán đổi dòng tiền từ công cụ tài chính của mình cho dòng tiền từ công cụ tài chính của đối phương trong một khoảng thời gian hoặc một thời điểm xác định trong tương lai.
Phân biệt giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh
Chứng khoán cơ sở |
Chứng khoán phái sinh |
Thị trường giao dịch của chứng khoán cơ sở là thị trường giao ngay (Spot market) |
Chứng khoán phái sinh chỉ giao dịch được trên thị trường phái sinh |
Số lượng phát hành/niêm yết của chứng khoán cơ sở có giới hạn (phụ thuộc vào tổ chức phát hành cổ phiếu) |
Chứng khoán phái sinh thì không có giới hạn số lượng phát hành |
Bán khống chứng khoán cơ sở bị cấm hoặc hạn chế tại một số thị trường | Chứng khoán phái sinh tham gia vị thế bán mà không cần có tài sản cơ sở |
Số tiền cần để giao dịch chứng khoán cơ sở bằng tổng giá trị chứng khoán muốn mua | Giao dịch chứng khoán phái sinh chỉ cần một phần giá trị chứng khoán muốn mua |
Thời điểm thanh toán/chuyển giao chứng khoán chứng khoán cơ sở là ngay sau khi giao dịch |
Thời điểm thanh toán/chuyển giao chứng khoán phái sinh là một thời điểm nhất định trong tương lai |
Nên đầu tư chứng khoán phái sinh hay chứng khoán cơ sở?
Chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh đều sở hữu những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Không có lời khuyên chung là nên hay không nên đầu tư vào loại hình nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích và mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro cũng như kỳ vọng lợi nhuận của mỗi cá nhân khi tham gia thị trường.
Với những nhà đầu tư dài hạn có khẩu vị rủi ro không quá lớn, ưa thích sự an toàn, các mã cổ phiếu tăng trưởng được phát hành bởi các doanh nghiệp uy tín, có tiềm lực tài chính và tiềm năng tăng trưởng vững sẽ phù hợp với họ. Mặt khác, chứng khoán phái sinh mang lại nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn, đồng nghĩa với việc loại hình giao dịch này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, phù hợp với các nhà đầu tư ưa thích sự mạo hiểm để chớp thời cơ gia tăng lợi nhuận.
Đọc thêm bài viết: 7 sai lầm cần tránh khi chơi chứng khoán: Tư duy đầu tư thế nào là đúng?
Ưu điểm & nhược điểm của chứng khoán phái sinh
Ưu điểm của chứng khoán phái sinh
Tính thanh khoản cao
Chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao, sở hữu một số đặc tính có thể hỗ trợ cho thanh khoản tốt hơn so với thị trường chứng khoán cơ sở:
- Cho phép nhà đầu tư tận dụng các lợi thế về đòn bẩy.
- Giao dịch – bù trừ nhanh chóng.
- Không giới hạn việc nắm giữ cổ phiếu.
- Nhà đầu tư có thể liên tục đưa ra dự đoán về xu thế thị trường.
Số lượng phát hành/niêm yết không giới hạn
Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở có giới hạn về số lượng chứng khoán được phát hành/niêm yết, chứng khoán phái sinh không đưa ra giới hạn về số lượng phát hành. Chứng khoán phái sinh cũng có giới hạn vị thế:
- Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp: 20.000 vị thế/tài khoản.
- Nhà đầu tư tổ chức: 10.000 vị thế.
- Nhà đầu tư cá nhân: 5.000 vị thế.
Bán khống chứng khoán và đầu cơ
Thị trường chứng khoán cơ sở đặt ra giới hạn về việc bán khống chứng khoán, do thị trường này phụ thuộc vào các tổ chức phát hành chứng khoán, vì vậy việc bán khống chứng khoán sẽ bị hạn chế hoặc bị cấm tại một số thị trường. Trong khi đó đối với chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh đều có thể bán khống chứng khoán.
Bên cạnh đó, khác với thị trường chứng khoán cơ sở – nơi thị trường đi xuống sẽ khiến nhà đầu tư dễ xảy ra thua lỗ, đầu cơ được xem là một ưu điểm nổi trội của thị trường chứng khoán phái sinh. Chứng khoán phái sinh tận dụng tính 2 chiều của thị trường, nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi lên hay đi xuống, miễn là họ đưa ra dự đoán chính xác về xu hướng biến động của thị trường trong tương lai.
Xem thêm bài viết: Đầu tư và đầu cơ – 5 khác biệt cơ bản mà bạn nên biết.
Phòng ngừa rủi ro biến động giá
Việc giao dịch hợp đồng tương lai được áp dụng để đề phòng và hạn chế rủi ro đối với vị thế của một loại tài sản cơ sở. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể giảm thiểu được một phần thiệt hại/thua lỗ trong trường hợp tài sản với vị thế cơ sở của họ đang trên đà xảy ra biến động giá bất lợi.
Cách thức giao dịch linh hoạt
Về cơ bản, giao dịch trên thị trường cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh đều có cách thức tương tự nhau, tuy nhiên mức độ linh hoạt của giao dịch phái sinh cao hơn so với giao dịch trên thị trường cơ sở. Nhà đầu tư có thể tận dụng tính linh hoạt của giao dịch phái sinh để bán khống chứng khoán hoặc giao dịch T+0 để chốt lời/cắt lỗ ngay trong ngày.
Tận dụng được lợi thế về đòn bẩy tài chính
Đây là công cụ giúp nhà đầu tư nắm giữ được số lượng cổ phiếu lớn hơn với mức giá thấp. Thị trường chứng khoán phái sinh yêu cầu số vốn ban đầu thấp hơn nhiều so với thị trường chứng khoán cơ sở.
Ví dụ, nếu bạn cần mua mã cổ phiếu X với giá 100.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, thì với đòn bẩy 1:50 trong thị trường chứng khoán phái sinh, bạn có thể mua một cổ phiếu này với mức giá chỉ 2.000 đồng.
Nhược điểm của chứng khoán phái sinh
Rủi ro trong chiến lược đầu cơ
Nếu như xu hướng biến động về giá của tài sản cơ sở trên thị trường diễn ra không đúng với dự đoán mà nhà đầu tư đưa ra khi thực hiện giao dịch phái sinh, khi đó thua lỗ sẽ xảy ra theo tác động của đòn bẩy và được nhân lên theo phần trăm số vốn đầu tư ban đầu, khi đó mức thua lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu sẽ lớn hơn mức ban đầu.
Yêu cầu ký quỹ bổ sung
Ký quỹ là một trong những vấn đề quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu tâm khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh. Mỗi công ty sẽ đưa ra quy định cụ thể về tỷ lệ ký quỹ mà nhà đầu tư cần tuân thủ để giữ vững vị thế của mình trong hợp đồng giao dịch.
Cơ chế thanh toán của giao dịch hợp đồng tương lai là thanh toán hàng ngày, các khoản lãi-lỗ phát sinh từ việc giao dịch hợp đồng tương lai được hiện thực hóa từng ngày và được thể hiện ngay trên tài khoản ký quỹ của người giao dịch. Các nhà đầu tư cần thực hiện ký quỹ ngay khi số tiền trong tài khoản ký quỹ của họ giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức ký quỹ duy trì.
Vì lý do này, một trong những yêu cầu căn bản khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh là nhà đầu tư cần có năng lực về tài chính tương đối ổn định. Trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện ký quỹ bổ sung kịp thời khi xuất hiện yêu cầu, vị thế của họ sẽ đóng lại. Nếu như thị trường đang biến động tích cực, nhà đầu tư lại không có vị thế để tiếp tục giao dịch. Hơn nữa, việc này còn gây ra thua lỗ, nặng hơn thậm chí có thể mất trắng, gây ra phá sản.
Tìm hiểu thêm: Podcast “Đầu tư thua lỗ lớn, phải làm gì tiếp theo?” của chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh.
Khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định, không nên để những biến động lên xuống làm ảnh hưởng đến cảm xúc và khả năng ra quyết định khi giao dịch. Nếu nhà đầu tư chơi margin, việc ra quyết định giao dịch theo cảm tính lại càng nguy hiểm bởi nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sai lầm dẫn đến thua lỗ nặng.
Thông qua bài viết này, hy vọng FinPeace đã giúp bạn giải đáp được những thắc mắc xung quanh chủ đề giao dịch chứng khoán phái sinh. Việc hiểu biết rõ hơn về một công cụ giao dịch đầy tiềm năng sẽ giúp bạn đa dạng hóa lựa chọn, tiếp cận gần hơn với các cơ hội sinh lời tốt, củng cố vững chắc hành trình đầu tư tài chính hiện tại và sau này.