Công việc mình thích thì chưa đem lại thu nhập. Công việc đem lại thu nhập thì lại không còn nhiều đam mê nữa. Câu chuyện giữa tài chính và đam mê vẫn luôn là điều khiến nhiều người trăn trở.
Làm thế nào để tìm được trạng thái cân bằng giữa đam mê và tài chính? Nên chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê như thế nào? Mời bạn cùng chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này.
Tình huống về băn khoăn chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê
Tôi làm quản lý trong ngân hàng đã được 10 năm và có một vị trí tốt trong công việc. Thu nhập khoảng 150 triệu một tháng. Cuối năm ngoái, tôi có tham gia một khoá học coaching (khai vấn) và rất yêu thích công việc này. Tôi luôn cảm thấy một nguồn năng lượng dồi dào sau mỗi phiên coach, kể cả là làm miễn phí.
Gần đây, thỉnh thoảng tôi lại có mong muốn nghỉ công việc ngân hàng để theo đuổi nghề coach toàn thời gian. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời khi cả ngày được làm việc mình thích. Thế nhưng, đi cùng với đó cũng có nhiều nỗi sợ.
– Sợ sự bấp bênh trong thu nhập. Tôi không biết mình sẽ cảm thấy thế nào khi tháng trước 150 triệu, tháng này lại không có thu nhập.
– Sợ mọi người đánh giá quyết định của mình
– Sợ rằng mình chưa đủ giỏi để theo công việc này toàn thời gian.
Tôi nghĩ rằng mình sẽ cần một giai đoạn chuyển đổi từ từ, cả về tài chính, cả về tâm lý. Là một chuyên gia tài chính và cũng có hiểu biết về coaching, tôi muốn Tuấn Anh tư vấn giúp tôi về giai đoạn chuyển đổi tài chính để theo đuổi đam mê này.
Giải pháp cho quá trình chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê
Trước tiên, Tuấn Anh chúc mừng bạn vì đã tìm ra được một công việc bạn đam mê, khiến bạn sẵn sàng làm việc ngay cả khi đó vẫn đang là dịch vụ miễn phí. Khoảnh khắc ta chạm được vào công việc mình thực sự yêu thích luôn là một điều ý nghĩa. Với việc chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê, Tuấn Anh có một số gợi ý như sau:
1, Lộ trình chuyển đổi
Theo Tuấn Anh, quá trình chuyển đổi từ công việc cũ sang công việc mình đam mê có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 – Thử trải nghiệm nghề mới: Đây là lúc bạn vẫn duy trì công việc cũ, nhưng bắt đầu “nếm mùi” công việc mới bằng những cách như: làm coach freelance ngoài giờ hành chính, đề xuất làm thêm việc coaching trong công ty hiện tại,… Đây là những cách đơn giản bạn có thể làm ngay để có trải nghiệm thực tế với nghề, để bước đầu xác thực xem đó có phải công việc bạn thực sự yêu thích và muốn theo đuổi toàn thời gian hay không.
- Giai đoạn 2 – Kết thúc công việc cũ: Khi bạn đã xác thực được rằng bạn mong muốn theo đuổi công việc coaching toàn thời gian, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về việc kết thúc công việc cũ. Bạn dừng công việc đó không phải vì công việc đó không tốt, mà chỉ đơn giản là vì nó không còn phù hợp với con người bạn hiện tại.
Bạn có thể làm song song hai công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng, tổng thời gian của mỗi chúng ta là hữu hạn. Khi bạn đã tìm ra một thứ mà bạn thích vô điều kiện, hãy cho mình cơ hội được thử nghiệm, được sống và hạnh phúc với công việc mình đam mê.
- Giai đoạn 3 – Bắt đầu xây dựng sự nghiệp mới: Đây là lúc bạn bắt đầu đặt nền móng cho sự nghiệp mới của mình. Vì đó là một công việc mới, bạn sẽ không thể kỳ vọng ngay lập tức có thu nhập cao, có nhiều khách hàng, hay cùng trình độ với những người đã đi trước bạn nhiều năm. Bạn có thể sẽ cần đến một vài năm để trải nghiệm, dấn thân trong công việc mới.
2, Chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê
Rất nhiều người hào hứng nghỉ việc để theo đuổi công việc đam mê, nhưng chỉ sau 1,2 tháng, họ đối mặt với nhiều áp lực tài chính do không có sự chuẩn bị từ trước. Sau đó, họ lại phải vội vàng tìm một công việc khác chỉ để có thu nhập. Để không muốn rơi vào tình trạng này, bạn nên có sự chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê một cách bài bản:
-
Xác định số tiền tối thiểu bạn cần để duy trì sự sống
Để bạn có thể duy trì sự sống, số tiền tối thiểu bạn cần là bao nhiêu? Nếu như bạn là người đã có gia đình, số tiền tối thiểu bạn cần cho gia đình mình là bao nhiêu? Hãy quan sát, tính toán và tìm ra con số này.
Theo quan sát, trung bình một người sống ở các thành phố lớn có thể cần khoảng 8 triệu/ 1 tháng. Khi có con số này, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về việc mình cần chuẩn bị bao nhiêu cho giai đoạn chuyển đổi.
-
Tạo một cỗ máy tự động sinh ra tiền
Giả sử, bạn cần tối thiểu 8 triệu một tháng, tức là 96 triệu một năm. Con số này tương đương với tiền lãi ngân hàng bạn có được khi gửi tiết kiệm 1 tỷ VNĐ với lãi suất 9,6%. Như vậy, nếu như bạn đã có một “cỗ máy” tự động sinh ra tiền mỗi tháng, bạn sẽ có thêm rất nhiều sự an toàn về tài chính để theo đuổi đam mê của mình.
Bạn cũng đang có lợi thế lớn bởi thu nhập hiện tại là khá cao (150 triệu/ tháng). Hãy suy nghĩ về việc thiết lập “cỗ máy tự động” này càng sớm càng tốt.
-
Tối ưu thu chi
Khi chuyển sang công việc mới, thu nhập của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là khi bạn đang có thu nhập tương đối cao. Không chỉ là chuẩn bị tài chính để theo đuổi đam mê, bạn còn cần chuẩn bị về tinh thần và về thói quen chi tiêu cho sự thay đổi này. Hãy bắt đầu học cách giảm thiểu những khoản chi không cần thiết, tối giản hoá các nhu cầu nếu có thể.
Bài học – Gợi ý cho người đọc
Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể cùng thảo luận về 2 vấn đề:
1, Niềm hạnh phúc khi kiếm được tiền từ đam mê
Với Tuấn Anh, thời gian của mỗi chúng ta là rất hữu hạn. Ở độ tuổi còn trẻ, các bạn có thể thoải mái lựa chọn. Thế nhưng đến một độ tuổi nhất định, việc dành thời gian để làm công việc mình yêu thích là rất quan trọng. Nếu làm việc mình không thích, cái giá phải trả không phải là tiền, mà là thời gian – thứ không bao giờ có thể quay trở lại.
Thế nhưng, đương nhiên chúng ta cần cân bằng giữa việc mình thích và việc mình có khả năng làm tốt. Ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, bạn có thể xuất phát từ năng lực, tập trung vào những việc bạn làm tốt và có được thu nhập từ đó. Dựa vào thu nhập này, bạn từng bước xây dựng sự vững vàng tài chính. Sự vững vàng tài chính đó sẽ cho phép bạn được “bay”, được tự do làm những điều mình thích. Và lý tưởng nhất, bạn vừa được làm việc mình thích, vừa có thêm thu nhập và đóng góp được giá trị cho xã hội.
2, Bắt đầu xây dựng sự tự do tài chính càng sớm càng tốt
“Tự do tài chính” không phải là số dư khổng lồ trong tài khoản ngân hàng. Những người có nhiều tiền chưa chắc đã được tự do. “Tự do tài chính” đơn giản là việc bạn được thoải mái đưa ra các sự lựa chọn trong cuộc sống. Các quyết định của bạn không phải dựa nhiều vào tài chính, mà bạn có thể lắng nghe xem trái tim, tâm hồn mình mong muốn điều gì. Đó mới là tự do.
Ví dụ, nếu bạn có sự chuẩn bị từ sớm và sẵn sàng tài chính để thoải mái theo đuổi đam mê coaching trong 10 năm (không cần lo nghĩ về việc phải kiếm nhiều tiền từ công việc này), bạn sẽ có rất nhiều sự tự do. Thế nhưng, nếu tài chính của bạn chỉ đủ để thử nghiệm nghề coach trong 2 tháng, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Sự tự do tài chính cần thời gian để xây dựng, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt trong khả năng của mình. Mọi sự lãng phí trong hiện tại đều khiến bạn mất tự do trong tương lai.
Tham khảo khoá học: Tích sản cổ phiếu – Đầu tư thông minh và an nhàn