Chuyên mục bản tin Tài Chính Tự Thân hàng tuần của FinPeace thường xuyên nhận được những thắc mắc xoay quanh chủ đề “Quản lý tài chính cá nhân thế nào là hiệu quả?”. Nhằm hạn chế tối đa những rủi ro đáng tiếc trong quá trình xây dựng bình an tài chính, hãy cùng FinPeace đi tìm lời giải cho câu hỏi trên trong bài viết dưới đây.
Lợi ích của việc quản lý tài chính cá nhân có quy tắc
Trong tác phẩm “Cha giàu – Cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki từng đưa ra nhận định:
“Không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền, làm thế nào để tiền phục vụ bạn và để tiền có thể sinh thêm tiền”.
Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi trong cuộc sống, cần được phổ cập rộng rãi ngay cả với những bạn học sinh – sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Quản lý tài chính cá nhân tốt sẽ mang lại cho bạn những lợi ích như:
- Bạn có thể chi tiêu an nhàn theo nhu cầu của bản thân mà không phải thấp thỏm lo lắng vì những khoản nợ đang chờ thanh toán
- Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ giúp bạn có được một khoản tiền tích lũy để chủ động đối mặt với các tình huống bất thường, có tiền nhàn rỗi cho các cơ hội đầu tư gia tăng tài sản hoặc đầu tư cho bản thân
- Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ tạo dựng nền móng tài chính vững vàng cho bạn và người thân ở hiện tại, trong tương lai và khi đến tuổi hưu trí.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân còn chưa được phổ cập rộng rãi, dẫn đến tình trạng rất nhiều người phải sống trong cảnh nợ nần, hoặc “xoay như chong chóng” với các khoản chi phí chồng chất hàng tháng. Căng thẳng về tài chính đè nặng khiến họ luôn sống trong áp lực, một số người thậm chí còn nảy sinh tâm lý né tránh các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến việc họ càng sa đà hơn vào vũng lầy tiền bạc mà họ đang gặp phải.
Lợi ích 1 – Giúp bạn gia tăng tài sản
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cũng giống như việc sắp xếp một chiếc tủ đựng đồ. Nếu bạn sắp xếp chiếc tủ này gọn gàng ngăn nắp, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra dòng tiền của mình đang được phân bổ như thế nào. Quản lý tài chính hiệu quả đòi hỏi bạn phải bắt đầu hành động từ việc chi tiêu những khoản nhỏ nhất. Khi bạn đã quản lý tốt các khoản chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn loại bỏ các khoản nợ, gia tăng tài sản thông qua các khoản tích lũy và đầu tư.
Lợi ích 2 – Hạn chế tối đa các khoản nợ
Việc thiếu đi kỹ năng quản lý chi tiêu phù hợp với tình hình tài chính của bản thân khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần. Một số người cố gắng thu vén các khoản chi để trả sạch nợ, số khác lại càng chìm sâu vào nợ nần do không thể thoát khỏi tâm lý né tránh vấn đề.
Tâm lý né tránh áp lực tài chính không phải là hiếm gặp, tuy nhiên nếu bạn cứ đứng im giữa vũng lầy đó, bạn sẽ ngày càng lún sâu hơn, vấn đề ngày càng nan giải. Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả giúp bạn hạn chế và ngăn chặn sớm các nguy cơ thiếu hụt ngân sách dẫn đến việc phải vay mượn tiền nong. Ngay cả khi bạn đang có một vài khoản nợ chưa thanh toán, việc xây dựng một nếp tư duy kỷ luật trong tài chính sẽ giúp bạn đề ra một kế hoạch trả nợ hợp lý nhất.
Lợi ích 3: Chủ động trước các tình huống bất thường
Trong nhịp sống yên bình thường nhật, hẳn sẽ chẳng mấy ai muốn nghĩ đến những tình huống không may có thể xảy ra. Nhưng trên thực tế, những tai nạn và rủi ro này sẽ ập đến bất cứ khi nào mà không hề báo trước. Một nguồn thu nhập tốt cũng không thể đảm bảo được sự an toàn cho bạn và người thân trước rủi ro, nếu như bạn không có kế hoạch xây dựng quỹ dự phòng (quỹ khẩn cấp).
Lợi ích 4: Dễ dàng xác lập các mục tiêu tài chính lớn
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả là bước đệm để bạn am hiểu thói quen chi tiêu và năng lực tài chính của bản thân. Từ đó, bạn có thể đề ra các mục tiêu tài chính lớn trong tương lai như mua xe, mua nhà hay đầu tư tài chính, cũng như ước tính được thời gian để bạn có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Việc xây dựng một tầm nhìn dài hạn về hành trình tài chính trong tương lai sẽ giúp bạn sống an nhàn và hạn chế đáng kể những tình huống căng thẳng tài chính.
4 nguyên tắc khi quản lý tài chính cá nhân giúp bạn tiến gần hơn đến tự do tài chính
1, Không chi tiêu nhiều hơn 10% thu nhập cho một sản phẩm
Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng đối với các bạn trẻ mới đi làm, bởi người trẻ thường có xu hướng dễ chi tiêu lãng phí hơn nhóm người đi làm lâu năm. Nếu thu nhập của bạn là 10 triệu đồng mỗi tháng, bạn không nên mua một chiếc túi thời trang có giá cao hơn 1 triệu đồng.
10% tổng thu nhập thoạt nghe có vẻ không nhiều, nhưng 10% tổng thu nhập cho một sản phẩm là một số tiền tương đối lớn. Đồng thời, tâm lý “tặc lưỡi” cho phép bản thân chi tiêu lãng phí một – hai lần hoàn toàn có thể dẫn đến lần thứ ba, thứ tư… Hậu quả là bạn hoàn toàn có thể chi tiêu hết số tiền bạn có trước khi đến ngày nhận lương tiếp theo.
Một giải pháp tốt hơn cho vấn đề này là thay vì trích thẳng một khoản 10% để mua chiếc túi, hãy để dành một số tiền nhỏ mỗi tháng và tích cóp từ nhiều tháng lương, để vừa có thể mua được chiếc túi bạn thích, vừa hình thành kỷ luật trong quản lý tài chính cá nhân.
2, Tiết kiệm tối thiểu 10% – 15% thu nhập hàng tháng
Hiển nhiên bạn tiết kiệm được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng con số 10% – 15% thu nhập mỗi tháng là con số hợp lý ở mức trung bình mà các chuyên gia khuyến nghị. Với mức thu nhập 10 triệu đồng, bạn nên trích ra khoảng 1 – 1.5 triệu đồng mỗi tháng để đổ vào tài khoản tiết kiệm. Trong trường hợp bạn đã xác lập sẵn một quỹ tiết kiệm dự phòng cho mình và bạn có tiền nhàn rỗi, hãy cân nhắc việc gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư tích sản cố phiếu để tận dụng sức mạnh của lãi suất kép.
Xem thêm: Sức mạnh của lãi suất kép – 3 gợi ý từ chuyên gia FinPeace.
Khi đã quen với mức tiết kiệm hiện tại, bạn có thể nâng dần mức tiết kiệm hàng tháng lên 20%, 25%,… Lưu ý rằng, bạn không nên đặt ra mục tiêu tiết kiệm quá cao ngay từ đầu. Hãy bắt đầu từ một con số nhỏ, phù hợp với năng lực tài chính hiện tại và nâng dần con số này lên để tránh trường hợp không đạt được mục tiêu quá cao và dễ nản chí.
3, Hạn chế lạm dụng thẻ tín dụng
Nhằm kích thích chi tiêu qua thẻ tín dụng, các ngân hàng, doanh nghiệp luôn thu hút bạn bằng những ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho thẻ tín dụng. Bạn hoàn toàn có thể bị cuốn vào sự hấp dẫn của thẻ tín dụng và chi tiêu “vung tay quá trán” mà không nhớ được mình đã chi tiêu bao nhiêu tiền. Hậu quả là bạn sẽ có nhiều khoản bội chi chờ được thanh toán vào cuối mỗi tháng.
Hãy nhớ rằng, những khoản chi tiêu qua thẻ tín dụng thực chất không phải tiền của bạn, mà đây là khoản tiền ngân hàng ứng trước cho bạn mà không yêu cầu bạn phải sở hữu tiền mặt tại thời điểm mua hàng. Nếu bạn chưa thành thạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, FinPeace không khuyến khích bạn sử dụng thẻ tín dụng. Nếu bạn đã có thẻ tín dụng, hãy ghi chép cẩn thận sau mỗi khoản chi tiêu để đảm bảo rằng bạn kiểm soát được tốc độ chi tiêu của mình.
4, Đầu tư sinh lời bằng tiền nhàn rỗi
Đừng để tiền “ngồi chơi”, hãy sử dụng số tiền nhàn rỗi bạn đang có để đầu tư gia tăng tài sản. Lưu ý rằng bạn phải dành ra một khoản tiền cho quỹ khẩn cấp để đề phòng tình huống xấu trước khi xuống tiền đầu tư. Trước khi tham gia thị trường, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn các kênh đầu tư phù hợp và an toàn như gửi tiết kiệm, tham gia các quỹ đầu tư tích lũy,… Để có kiến thức cho việc đầu tư, bạn hãy tham khảo các khóa học đầu tư của FinPeace, bao gồm khóa học đầu tư căn bản, khóa giao dịch trong Sideway và khóa học Tích sản cổ phiếu.
Lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh trong podcast “Làm thế nào để xác định phương pháp đầu tư phù hợp?”
Bạn có thể phân bổ nguồn thu nhập theo những công thức nào?
1, Công thức 50-30-20
Theo công thức này, thu nhập của bạn được chia thành 3 phần cơ bản:
- 50% thu nhập dành cho các chi phí thiết yếu, bao gồm tiền nhà, tiền xăng xe đi lại, các hóa đơn điện nước, mua thực phẩm,… Thông thường, đây đều là những chi phí phục vụ cho các nhu cầu sống cơ bản và khó có thể cắt bỏ.
- 20% dành cho các khoản tiết kiệm, quỹ dự phòng, đầu tư sinh lời,… Đây là khoản tiền đảm bảo sự an toàn bền vững cho tương lai của chính bạn và có thể là cả người thân xung quanh.
- 30% thu nhập dành cho các nhu cầu cá nhân và các chi phí linh hoạt khác như giải trí, mua sắm,… Đây là nhóm chi tiêu xếp cuối danh sách sau khi đã xác lập hạn mức cho 2 nhóm trên, bởi bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh và cắt giảm nhu cầu ở nhóm chi tiêu này sao cho hợp lý
- 50% thu nhập dành cho các chi phí sinh hoạt cần thiết như nhà ở, thực phẩm, đi lại.
- 30% chi cho các chi phí linh hoạt như giải trí, hiếu hỉ… mà bạn có thể cắt giảm, nếu cần.
- 20% sẽ dành để trả nợ cũng như tiết kiệm cho các mục tiêu. Bạn có thể chia phần dành dụm này thành nhiều khoản ứng với từng mục tiêu để dễ theo dõi.
Nguyên tắc này dễ nhớ, dễ hiểu và dễ áp dụng thực tế, hơn nữa lại phù hợp với nhiều mức thu nhập khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc này đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tính tự kỷ luật cao để duy trì thực hiện.
2, Phương pháp “6 cái lọ”
Được xác lập bởi T. Harv Eker, cha đẻ của nhiều tựa sách tài chính nổi tiếng toàn cầu như “Làm giàu nhanh” hay “Bí mật tư duy triệu phú”, nguyên tắc “6 cái lọ” hướng dẫn bạn phân bổ thu nhập hàng tháng thành 6 nhóm dưới đây:
- Lọ thứ nhất – Chi tiêu cần thiết (55% thu nhập): dành cho các chi phí thiết yếu cơ bản để duy trì mức sống hàng ngày. Lọ chi tiêu này có thể được phân thành 2 nhóm: chi phí cố định và chi phí biến đổi.
- Lọ thứ 2 – Đầu tư tự do tài chính (10% thu nhập): dành cho việc gửi tiết kiệm, đầu tư, góp vốn kinh doanh… nhằm tạo ra thu nhập thụ động. Lọ chi tiêu này có thể gia tăng tài sản cho bạn, hoặc giúp bạn có một khoản tiền trang trải cho những hóa đơn lớn bất ngờ.
- Lọ thứ 3 – Đầu tư cho giáo dục (10% thu nhập): dành cho việc trau dồi bản thân thông qua các hoạt động như tham gia các khóa học, các chứng chỉ, mua sách, mua tài liệu… Lọ chi tiêu này phục vụ mục đích nâng cao kỹ năng cho bản thân, trang bị hành trang để tăng thêm cơ hội thăng tiến trong công việc.
- Lọ thứ 4 – Tiết kiệm dài hạn (10% thu nhập): phục vụ cho các mục tiêu tài chính dài hạn trong cuộc đời của bạn, ví dụ như mua xe hơi, mua nhà, mua đất, khởi nghiệp,…
- Lọ thứ 5 – Nhu cầu giải trí, hưởng thụ (10% thu nhập): đây là khoản tiền bạn dành ra để chăm sóc bản thân, chi tiêu cho các hoạt động hưởng thụ lành mạnh để giúp bạn tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc mệt mỏi.
- Lọ thứ 6 – Quỹ từ thiện (5% thu nhập): quỹ cho đi giúp bạn hiểu được rằng bên cạnh việc chăm lo bản thân, bạn cũng cần học cách giúp đỡ những người xung quanh, tạo ra kết nối bền chặt hơn giữa các mối quan hệ của bạn.
Nguyên tắc “6 cái lọ” trong quản lý tài chính cá nhân giúp bạn tạo dựng tính kỷ luật cao trong việc tiết kiệm, giúp bạn theo dõi và kiểm soát chặt chẽ dòng chảy thu – chi. Tuy nhiên, nhược điểm của nguyên tắc này là việc phân bổ các nhóm chi tiêu khá phức tạp, không phù hợp cho người mới tập quản lý chi tiêu. Hơn nữa, công thức này cũng khó áp dụng dành cho những người có thu nhập thấp.
3, Công thức Zero-based Budget
Zero-based Budgeting trong quản lý tài chính cá nhân được hiểu đơn giản là: Tổng thu nhập – Chi tiêu = 0.
Trong đó, tổng thu nhập của bạn không chỉ là khoản tiền lương từ một công việc cố định, mà là toàn bộ số tiền bạn kiếm được mỗi tháng. Tương tự, chi tiêu ở đây không chỉ là số tiền sinh hoạt thiết yếu mỗi tháng, mà là toàn bộ các khoản tiền bạn chi ra, như tiền đầu tư, tiền bảo hiểm, tiền trả nợ, tiền tiết kiệm,…
Ứng dụng kết hợp với phương pháp “6 cái lọ”, Zero-based Budgeting là phương pháp quản lý tài chính cá nhân và chi tiêu giúp bạn chủ động “giao nhiệm vụ” cho đồng tiền của mình một cách có hệ thống và kỷ luật, tránh chi tiêu quá lãng phí hoặc để tiền ngồi yên nhàn rỗi.
Tham khảo thêm bài viết: 6 cách chi tiêu tiết kiệm để bạn trẻ vừa vững vàng tài chính, vừa thoải mái trải nghiệm.
Quản lý tài chính cá nhân là cả một quá trình đòi hỏi phối hợp nhiều kỹ năng và tính kỷ luật. Khi bắt đầu thực hiện siết chặt chi tiêu, nếu bạn là người đang có thói quen chi tiêu thoải mái, có thể bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc tuân thủ những luật lệ mới. Để tạo lập thói quen chi tiêu có kỷ luật nhằm gia tăng tài sản và đạt những mục tiêu tài chính lớn, không chỉ cần đến những nguyên tắc quản lý tài chính, bạn cần có thêm nguồn thu nhập thụ động. Khóa học Đầu tư Tích sản của FinPeace cùng những nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân mà FinPeace đưa ra sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc đạt được những mục tiêu tài chính lớn bạn đề ra.
1 bình luận về “Quản lý tài chính cá nhân với 4 quy tắc đơn giản”