Nói chuyện tiền bạc với bạn đời là một câu chuyện phức tạp. Rất nhiều cặp vợ chồng không tìm được tiếng nói chung về tài chính, dẫn đến những rạn nứt sâu sắc trong mối quan hệ. Trong bài viết này, thông qua một câu chuyện cụ thể mà khách hàng gửi về FinPeace, chúng ta cùng chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace tìm ra cách thức phù hợp để nói chuyện tiền bạc với bạn đời.
Tình huống khó khăn khi nói chuyện tiền bạc với bạn đời
Chồng tôi làm kinh doanh riêng. Hai năm trở lại đây, công việc kinh doanh không thuận lợi, tôi gần như gánh vác hết các khoản chi trong gia đình, cả tiền học cho con, tiền bảo hiểm… Anh gần như không thể chia sẻ chuyện đóng góp tài chính, nhưng cũng đỡ đần tôi nhiều trong việc chăm sóc gia đình, con cái.
Tôi vẫn cố gắng thu xếp được và cũng nghĩ cuộc sống sẽ có lúc dễ lúc khó. Cũng nhờ anh chăm sóc con cái mà tôi có thời gian tập trung cho công việc. Tuy nhiên, điều tôi không hài lòng là anh vẫn giữ thói quen chi tiêu rất nhiều vào sưu tập đồ điện tử, có lần tôi đọc được sao kê tài khoản, thẻ tín dụng anh còn nợ rất nhiều. Tôi biết rằng việc nói chuyện tiền bạc với bạn đời là quan trọng, vậy nên tôi đã nói chuyện về việc cần phải quản lý chi tiêu tốt hơn với chồng nhưng dường nhưng không hiệu quả.
Anh bảo chỉ có mỗi thú vui đó để anh duy trì niềm vui và năng lượng làm việc. Còn tôi nghĩ rằng khi ít tiền mà muốn sống theo kiểu mình thích, thì hoặc là cố gắng làm việc thêm, kiếm nhiều hơn, hoặc là phải cắt giảm. Cả hai việc anh đều không muốn.
Tôi phải làm sao để nói chuyện tiền bạc với bạn đời?
Giải pháp để nói chuyện tài chính hiệu quả với bạn đời?
Với trường hợp trên, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh – Founder FinPeace đưa ra lời tư vấn như sau:
Từ câu chuyện của bạn chia sẻ, vấn đề chủ chốt nằm ở việc cả hai chưa có cuộc trò chuyện thực sự hiệu quả với nhau về vấn đề tài chính. Chúng ta hãy cùng tìm giải pháp để có cuộc trò chuyện tiền bạc với bạn đời thực sự hiệu quả.
Tại sao cuộc nói chuyện về tiền bạc với bạn đời chưa hiệu quả?
Lý do chính khiến người vợ gặp khó khăn trong việc nói chuyện tiền bạc với bạn đời về quản lý tài chính là vì có vẻ chị ấy có mong muốn người chồng thay đổi hành vi theo ý mình, thay vì đi sâu thấu hiểu những gì đang diễn ra trong thế giới quan của người chồng.
Người chồng có lý do của riêng mình bởi với anh ấy, việc chi tiêu vào đồ điện tử là cách thức để duy trì niềm vui và năng lượng làm việc. Còn người vợ lại cho rằng hành động đó không hợp lý, trong khi chị ấy đang phải gánh vác tài chính gia đình. Cả hai đều có những khó khăn riêng, những nỗi đau riêng mà chưa thể chia sẻ cùng nhau.
Làm thế nào để cuộc trò chuyện về tài chính được hiệu quả?
- Xác lập không gian an toàn cho cuộc hội thoại:
Nói chuyện tiền bạc với bạn đời là một chủ đề phức tạp. Để cả hai có một cuộc hội thoại hiệu quả, người vợ – người đang muốn có cuộc trò chuyện với chồng, cần chủ động tạo ra một không gian an toàn để cả hai cùng chia sẻ. Trong xã hội Việt Nam, người chồng thường có áp lực tự nhiên trong việc làm trụ cột gia đình, che chở cho vợ con. Thế nhưng, người chồng đang rơi vào giai đoạn kinh doanh không thuận lợi, nên chắc hẳn anh có nỗi đau của riêng mình. Hãy chọn một không gian vật lý thoải mái dễ chịu cho cả hai, và bước vào cuộc hội thoại chỉ với mong muốn thấu hiểu những vấn đề của người chồng, thay vì muốn chồng thay đổi.
Người chồng chi tiêu vào đồ điện tử để duy trì niềm vui và lấy lại năng lượng làm việc. Hãy đi sâu vào việc điều gì khiến anh ấy phải tìm niềm vui ở chuyện chi tiêu, công việc và cuộc sống của anh ấy đang có những khó khăn gì,…
- Giao tiếp với “tâm-trí-thành”, sẵn sàng mở lòng
“Tâm-trí-thành” là sự chân thành, là việc giao tiếp với những ý muốn tốt đẹp. Những cuộc trò chuyện tiền bạc với bạn đời rất dễ tạo cảm giác không an toàn, khó chịu cho những người tham gia. Người vợ có thể chủ động chia sẻ những vấn đề của riêng mình trong công việc, trong cuộc sống, trong việc quản lý gia đình. Đây là một sự mở lòng vô điều kiện, chỉ để người chồng có cơ hội được lắng nghe những vấn đề sâu sắc hơn trong cuộc sống vợ mình, chứ không phải theo hướng “tôi đã nói chuyện của tôi rồi, giờ đến lượt anh nói chuyện của anh”.
Nếu thuận lợi, người chồng cũng sẽ bắt đầu mở lòng và chia sẻ sâu hơn về cuộc sống của mình. Khi cả hai có sự thấu hiểu, hãy cùng nhau tìm giải pháp để cùng hướng về mục tiêu chung. Giải pháp hiệu quả chỉ đến sau khi đã có sự thấu hiểu.
Nếu như người chồng vẫn không mở lòng trò chuyện, có thể nỗi đau trong người chồng đang quá lớn, hoặc cả hai vốn đã có sự đứt gãy trong giao tiếp. Lúc này, người vợ cần thêm sự kiên trì, cần thêm thời gian để kết nối với chồng mình.
- Cho mình một lối ra sau khi đã hết mình nỗ lực:
Người vợ đã chấp nhận hy sinh, gánh vác tài chính gia đình. Sau một thời gian dài, nếu như người vợ đã dốc hết sức để giao tiếp, để kết nối, để khơi thông cuộc trò chuyện,… mà người chồng vẫn không chia sẻ, không đồng cảm, có thể đến lúc hai vợ chồng cần có cuộc trò chuyện nghiêm túc hơn. Ai cũng xứng đáng có một người đồng hành cùng chí hướng trong cuộc sống. Nếu như người chồng vừa không thể chia sẻ về mặt vật chất, vừa không chịu chia sẻ về cảm xúc và không sẵn sàng để thấu hiểu nhau, có thể người vợ sẽ cần cân nhắc lại về sự đồng hành này.
Bạn có thể nghe podcast “Tài chính tự thân” để lắng nghe Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh trực tiếp thảo luận về chủ đề này.
Bài học về nói chuyện tiền bạc với bạn đời
Từ câu chuyện kể trên, chúng ta có thể cùng thảo luận về 3 vấn đề liên quan đến chuyện nói chuyện tiền bạc với bạn đời:
1, Thông tin về tài chính
Thứ nhất, hãy tìm hiểu bản chất của các con số để chắc chắn rằng mình có đủ thông tin. Ví dụ trong câu chuyện trên, người chồng còn nợ nhiều tiền tín dụng trong các khoản tiêu cho đồ tiện tử. Thế nhưng, chưa chắc người chồng đã chi tiêu cho riêng mình, có thể anh ta đang kinh doanh đồ điện tử, mua đồ hộ người khác,… Hãy để người có liên quan được chia sẻ câu chuyện của mình, thay vì vội vàng kết luận.
Thứ hai, vấn đề tài chính xuất hiện rất rõ ràng ở bề mặt con số. Thế nhưng, đây thường chỉ là dấu hiệu cho những vấn đề sâu sắc hơn. Đó có thể là tiêu tiền vì cuộc sống quá áp lực, có thể là sự đứt gãy từ lâu trong giao tiếp vợ chồng, có thể một dự định kinh doanh mới chưa kịp chia sẻ…
Đừng chỉ nhìn vào một vài con số tiền bạc cụ thể, hãy khám phá những câu chuyện phía sau nó trong cuộc trò chuyện tiền bạc với bạn đời.
2, Thói quen tài chính trong gia đình
Vợ chồng là một mối quan hệ rất đặc biệt, khi cả hai người đồng ý để đồng hành với nhau trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Ở khía cạnh tài chính, để mối quan hệ này bền vững, cả hai nên có những thói quen tài chính thực hiện cùng nhau. Đó có thể là cùng ghi chép chi tiêu vào một cuốn sổ, chia sẻ định kì với nhau về các khoản chi tiêu chung cho gia đình con cái, thường xuyên trao đổi với nhau về các quyết định trong sự nghiệp, trong tiết kiệm đầu tư,… Khi có thói quen chung và giao tiếp thường xuyên, các vấn đề sẽ sớm được phát hiện và giải quyết kịp thời. Nếu không, vấn đề sẽ tích luỹ trong một thời gian dài, khiến cho cả hai đều cảm thấy khó khăn khi phải giải quyết.
3, Chi tiêu để khỏa lấp cảm xúc
Chi tiêu để khoả lấp cảm xúc tiêu cực là một hành vi không quá hiếm gặp. Tuy nhiên, hành vi này sẽ có hai vấn đề:
– Hành vi này tạo thành một thói quen không có lợi cho tình hình tài chính. Khi nỗi buồn leo thang, có thể mức chi tiêu của bạn cũng sẽ tiếp tục leo thang.
– Việc chi tiêu để khoả lấp cảm xúc chỉ là một hành động lảng tránh bản chất vấn đề. Việc này có thể khiến bạn nguôi ngoai nhất thời, nhưng gốc rễ vấn đề khiến bạn có cảm xúc tiêu cực thì vẫn không được giải quyết. Một ngày nào đó, vấn đề ấy sẽ quay trở lại, vì bạn chưa từng trực diện đối diện với nó.
Nếu như bạn đang có hành vi này, hãy bắt đầu bằng việc quan sát hành vi của mình. Trước khi tiếp tục mua sắm/ tiêu tiền để khoả lấp cảm xúc, hãy lắng nghe xem nhu cầu thực sự của bản thân là gì, và thử làm khác đi (thay vì chi tiêu) để đáp ứng nhu cầu của chính mình, bạn nhé!