Thoát bẫy tâm lý khi đầu tư – 8 bẫy tâm lý cần cảnh giác

Theo các chuyên gia của FinPeace, yếu tố quan trọng nhất tạo nên một nhà đầu tư thành công không phải kiến thức đầu tư hay kỹ năng phân tích, mà chính là khả năng kiểm soát tâm lý khi giao dịch. Trong lĩnh vực nhiều biến động, đòi hỏi những quyết định nhanh như thị trường chứng khoán, việc làm chủ tâm trí lại càng trở nên khó hơn bao giờ hết. 

Trong bài viết này, FinPeace sẽ giúp bạn chỉ ra 8 bẫy tâm lý trong đầu tư mà bạn có thể gặp phải. Khi đọc bài viết này, bạn hãy luôn tự đặt câu hỏi cho mình rằng: Bạn đã từng hoặc có đang vướng phải những bẫy tâm lý này không?

08 bẫy tâm lý cần cảnh giác

1. Bẫy neo (Anchoring Trap)

Bẫy neo trong đầu tư bắt nguồn từ một thuật ngữ được ứng dụng nhiều trong kinh doanh – Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring Effect). Hiệu ứng mỏ neo là một dạng nhận thức sai lệch khiến mọi người có xu hướng tập trung vào thông tin họ tiếp cận đầu tiên (mỏ neo) khi ra quyết định. Hiệu ứng mỏ neo sẽ trở thành bẫy tâm lý trong đầu tư – bẫy neo nếu nhà đầu tư không thoát khỏi những nhận định, ấn tượng ban đầu của mình về một loại tài sản hoặc về thị trường. 

Ví dụ, trong lần đầu tư đầu tiên, bạn “vô tình” chọn mã cổ phiếu A và có lãi, bạn sẽ có xu hướng cho rằng mã cổ phiếu A là tốt, dễ sinh lời dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Lợi nhuận từ cổ phiếu A trở thành chiếc “mỏ neo” trong tâm trí bạn, đánh lạc hướng bạn khỏi những yếu tố khác cần cân nhắc như kiến thức đầu tư của bạn, tình hình thị trường lúc bấy giờ,… Đến lần đầu tư sau, nếu có những sự lựa chọn khác, bạn sẽ so sánh chúng với lợi nhuận mà cổ phiếu A đem lại cho bạn, hoặc bạn bỏ qua chúng và chỉ muốn đầu tư tiếp vào cổ phiếu A. 

Việc mắc phải bẫy tâm lý trong đầu tư này ngăn cản nhà đầu tư có cái nhìn khách quan, toàn cảnh về thị trường và tài sản mình đang nắm giữ. Nhà đầu tư không những bỏ qua những cơ hội khác tốt hơn mà còn có nguy cơ lún sâu vào những tài sản rủi ro chỉ vì tài sản đó cho họ lợi nhuận những ngày đầu. 

2. Bẫy chi phí chìm (Sunk Cost Trap)

Theo Investopedia, “chi phí chìm” là khoản “vốn” bạn đã bỏ ra và không thể thu hồi lại được như: thời gian, tiền bạc, công sức. “Chi phí chìm” trong mắt người nắm giữ thường có giá trị về vật chất và tinh thần lớn hơn so với những phương án thay thế trong tương lai, bởi nó là thứ bạn đã thực sự đầu tư và rất khó để bỏ ngang. Đặc biệt khi “vốn” bạn đầu tư vào đó có cả tiền bạc, công sức, tình cảm, có sự gắn kết lâu dài thì việc chấp nhận sẽ càng khó. Chính điều đó đã tạo nên một bẫy tâm lý trong đầu tư, gọi là bẫy chi phí chìm

Trong đầu tư, chi phí chìm phần lớn là tiền bạc và thời gian. Khoản đầu tư càng cao thì càng dễ khiến người đầu tư đắn đo không muốn bỏ ngang khi đang đầu tư không hiệu quả. Ngoài ra, nhiều người còn vì tâm lý nếu “tất tay” kiên nhẫn theo đến cùng thì có thể hái được quả ngọt, không xem xét những yếu tố khách quan nên vẫn ôm hy vọng phần “chi phí chìm” đã bỏ ra sẽ “lội ngược dòng” và đem lại kết quả họ mong muốn.

Ví dụ, bạn đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp A, doanh nghiệp đó thua lỗ, cổ phiếu xuống giá quá giới hạn cắt lỗ mà bạn đặt ra cho bản thân. Nhưng vì tiếc khoản tiền đã đầu tư nên bạn mãi không cắt lỗ, để đến thời điểm thua lỗ nặng nề hơn nữa.

3. Bẫy thiên kiến xác nhận (Confirmation Trap)

Bẫy xác nhận (Confirmation Trap) bắt nguồn từ thuật ngữ “Thiên kiến xác nhận” (Confirmation Bias) trong tâm lý học. Thiên kiến xác nhận là xu hướng tìm kiếm thông tin để củng cố suy nghĩ, niềm tin của bản thân. (Theo định nghĩa của britannica.com) Khi mắc phải bẫy thiên kiến xác nhận, nhà đầu tư không những chỉ khăng khăng với niềm tin cá nhân (không khách quan, thiếu căn cứ, tầm nhìn,…) mà còn có khả năng bác bỏ những thông tin khách quan trái với niềm tin sẵn có. 

Bẫy tâm lý trong đầu tư này được biểu hiện qua một số ví dụ như:

  • Đầu tư “lướt sóng” thua lỗ, thay vì tìm hiểu xem tại sao mình thất bại, trường phái này có hợp với mình không thì lại chỉ tìm đến và xin lời khuyên từ những người đã từng, hoặc đang “lướt sóng” thất bại như mình.
  • Tin rằng crypto là xu hướng đầu tư tốt nhất trong tương lai nên có xu hướng tìm kiếm, tập trung vào những biến động xấu của các thị trường khác (chứng khoán, bất động sản,…) để củng cố niềm tin về thị trường crypto của mình. 

Việc chỉ tập trung tìm kiếm những thông tin, bằng chứng “có lợi” cho quan điểm của mình có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy được an ủi sau thất bại trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, điều này không giúp họ thoát khỏi sai lầm cũ của bản thân. Trong đầu tư, không có khái niệm “tốt nhất” hay “đúng nhất” mà chỉ có “phù hợp nhất”. Bẫy thiên kiến xác nhận là bẫy tâm lý trong đầu tư hướng bạn đi chứng minh cái niềm tin của mình là đúng nhất, tốt nhất mà xa rời việc tìm kiếm cái phù hợp nhất cho mình.  

4. Bẫy mù (Blindness Trap)

Trong lĩnh vực phức tạp và bị chi phối bởi nhiều yếu tố như đầu tư, nhà đầu tư cá nhân sẽ chẳng thể kiểm soát diễn biến thị trường hoặc luôn luôn thu về kết quả đầu tư như mong muốn. Bẫy mù xuất hiện khi nhà đầu tư “thờ ơ” với biến động thị trường, một cách vô tình hay cố ý, xuất phát từ việc nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống trong đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ vướng phải bẫy mù khi họ rơi vào 1 trong 2 tình huống đối lập: 

  • Biết rõ khoản đầu tư của mình đang có vấn đề nhưng lại chọn cách né tránh mọi thông tin về thị trường và tài sản, mặc kệ mọi “báo động” vì không biết nên làm gì tiếp theo. Đây là khi nhà đầu tư cố ý “mù” trước tình trạng của mình.
  • Sốt sắng canh bảng giá 24/7 dù chẳng có chuyện gì xảy ra, bỏ qua việc tìm hiểu kiến thức thị trường, không biết thị trường và tài sản của mình đang trong xu hướng nào, dẫn đến tâm lý bất an, chỉ liên tục cập nhật giá cả mà không có hành động nào khác. Nhà đầu tư không biết sự sốt sắng, bất an của họ bắt nguồn từ việc “mù” kiến thức thị trường.  

Mắc phải bẫy tâm lý trong đầu tư này khiến nhà đầu tư không có hành động kịp thời để bảo toàn nguồn vốn (trường hợp 1) hoặc mất thời gian, đầu tư trong lo lắng mà không thu lại được thành quả thích đáng (trường hợp 2). 

08 bẫy tâm lý cần cảnh giác

5. Bẫy tương đối (Relavity Trap)

Mỗi nhà đầu tư lại có hoàn cảnh, điều kiện và năng lực khác nhau, nên trong đầu tư, không có công thức chung nào có thể đem lại thành công cho tất cả mọi người. Nếu bạn áp dụng máy móc phương pháp của một nhà đầu tư khác mà không cân nhắc đến những yếu tố khác như năng lực, nguồn vốn, phong cách đầu tư của họ thì rất có thể bạn đã mắc phải bẫy tương đối. 

Ví dụ, bạn thấy nhà đầu tư A đầu tư 1 tỉ đồng vào chứng khoán và có lời, bạn liền lập tức bỏ 1 tỉ vào chứng khoán theo “tấm gương” trên. Cùng một thị trường, cùng một số tiền đầu tư, nhưng bạn lại chịu rủi ro lớn hơn rất nhiều so với nhà đầu tư A, bởi nếu thua lỗ, 1 tỉ đối với nhà đầu tư A chỉ là 20% số vốn, còn đối với bạn, 1 tỉ đó là tất cả số tiền bạn dành dụm sau nhiều năm đi làm. 

Học theo cách làm của người khác là không sai, nhưng để tránh mắc phải bẫy tâm lý trong đầu tư này, việc “học theo” của bạn chỉ nên dừng ở mức tham khảo. Khi tiếp cận với một câu chuyện thành công trong đầu tư, FinPeace khuyên bạn hãy phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong hoàn cảnh của bạn và người đó trước khi ra quyết định sẽ học theo họ những điểm nào.  

6. Bẫy hứng thú thái quá (Irrational Exuberance Trap)

Bẫy hứng thú thái quá là một loại bẫy tâm lý trong đầu tư khiến nhà đầu tư có niềm tin rằng những phán đoán, phân tích sự kiện trong quá khứ của họ sẽ áp dụng được một cách hoàn hảo cho tương lai. Tức là khi đứng trước một sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ, nhà đầu tư mắc bẫy này thường cho rằng kết quả của sự kiện này sẽ giống như kết quả từng xảy ra trong quá khứ, và họ chỉ cần dựa trên những phân tích cũ của mình để ra quyết định. 

Ví dụ, năm 2008 chứng kiến sự tụt dốc thê thảm của thị trường chứng khoán, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và được lấy làm bài học cho nhiều thế hệ nhà đầu tư sau này. Đến năm 2022, thị trường sau 2 năm đạt đỉnh đã liên tục giảm điểm trong thời gian dài. Nếu ngay lập tức áp dụng những phân tích và giải pháp của thị trường năm 2008 vào thị trường năm 2022 vì cho rằng sự tương đồng trong diễn biến sẽ dẫn đến kết quả tương đồng, nhà đầu tư sẽ mắc phải bẫy hứng thú thái quá. 

Gặp lại tình huống quen thuộc đôi khi khiến nhà đầu tư tự tin thái quá và dẫn họ tới chiếc bẫy tâm lý trong đầu tư này. Những biến động về thị trường, kinh tế vi mô – vĩ mô đều không thể dự đoán chính xác và khó lặp lại 100% bởi tại mỗi thời điểm, thị trường và bản thân nhà đầu tư đã có những đặc điểm khác so với trước. Do đó, khi xem xét một tình huống tưởng chừng giống với quá khứ, nhà đầu tư cần bình tĩnh so sánh, phân tích kỹ càng, tránh hứng thú thái quá và đưa ra những quyết định chỉ đúng nếu áp dụng vào nhiều năm trước. 

7. Bẫy độ chắc chắn giả (Pseudo-Certainty Trap)

Bẫy độ chắc chắn giả là khi nhà đầu tư có nhận thức sai về tình trạng bản thân, từ đó đưa ra những hành động neo vào nhận thức sai ấy để bảo vệ khoản đầu tư của mình. Khi rơi vào bẫy tâm lý trong đầu tư này, bạn có thể là một trong hai trường hợp dưới đây:

  • Khi đầu tư có lãi, bạn có xu hướng thận trọng hơn, tránh mọi cơ hội có phần mạo hiểm để bảo vệ tài sản hiện tại của mình. Bạn thà lãi ít như hiện tại, còn hơn “đánh cược” số tiền đang có vào đầu tư mạo hiểm, dù biết chắc việc mạo hiểm có thể cho bạn lợi nhuận lớn hơn.
  • Khi thua lỗ, bạn có tâm lý buông xuôi. Bạn ra quyết định với suy nghĩ: “Đằng nào cũng mất rồi, thử tất tay xem có gỡ được không” và đầu tư vào những phương án mạo hiểm. Tâm lý này thường thấy trong cờ bạc, nhưng trong đầu tư, người mắc phải cũng không hiếm.

Bẫy tâm lý trong đầu tư này dẫn nhà đầu tư đến những hành động bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc tiêu cực: lo sợ, buông xuôi,…bắt nguồn từ việc nhận thức sai về tình hình đầu tư của bản thân mình. Trong hai trường hợp trên, nhà đầu tư đều hành động ngược lại với điều họ nên làm. Người có lãi không dám bước ra khỏi an toàn “tạm thời” để tối đa hóa lợi nhuận, người thua lỗ lại mạo hiểm hơn mức cần thiết và dễ lỗ sâu hơn. 

8. Bẫy ưu việt (Superiority Trap)

Nhà đầu tư sẽ mắc phải bẫy ưu việt khi họ quá tự tin về bản thân, cho rằng mình đã hiểu hết thị trường, nắm trong tay “bí kíp” đầu tư bất bại,…Họ tin rằng kiến thức và kinh nghiệm của họ có thể chống chọi được mọi biến động thị trường, nên từ chối tiếp nhận ý kiến, thông tin từ người khác. Người dễ rơi vào bẫy tâm lý trong đầu tư này thường là nhà đầu tư mới chỉ trải qua giai đoạn lên của thị trường. Nếu giai đoạn lên này kéo dài tới vài năm, nhà đầu tư sẽ lầm tưởng mình đã có nhiều năm kinh nghiệm. Trong khi trên thực tế, một nhà đầu tư chỉ gọi là có kinh nghiệm nếu đã trải qua đủ những giai đoạn lên – xuống của thị trường. 

Ví dụ, bạn bước vào thị trường chứng khoán vào đầu năm 2020. Trong hai năm 2020 – 2021, thị trường chứng khoán đạt đỉnh khiến mọi khoản đầu tư của bạn đều có lãi mà không cần cố gắng quá nhiều. Bạn cho rằng việc đầu tư thật dễ dàng, không cần học hỏi thêm và hai năm là đủ để nắm chắc cách thị trường chứng khoán vận hành. Năm 2022, bạn tiếp tục đầu tư với sự tự tin theo chiến lược cũ. Kết quả, thị trường đảo chiều và bạn không đủ kiến thức, kinh nghiệm để bảo vệ tiền của mình trước sự đảo chiều ấy. 

Không ai có thể am hiểu tường tận 100% về thị trường, đặc biệt đầu tư còn là lĩnh vực có muôn vàn biến động. Những bẫy tâm lý trong đầu tư trên chỉ là một phần trong số nhiều thử thách mà nhà nhà đầu tư cần vượt qua khi tham gia thị trường. FinPeace tin rằng việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chỉ nên với mục đích phòng bị tốt hơn trước những tình hình khác nhau của thị trường, đó mới là tư duy của một nhà đầu tư vững vàng trước mọi biến động. Trong các khoá học của FinPeace, chúng tôi tập trung khá nhiều vào việc giúp nhà đầu tư phát hiện ra các bẫy tâm lý, xây dựng sự bình an nội tại trong suốt quá trình giao dịch, từ đó nhà đầu tư chỉ đơn giản theo đuổi các kế hoạch và nguyên tắc giao dịch đã được xác lập từ trước. 

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận